Phân loại rủi ro

Một phần của tài liệu Tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế tại Sở giao dịch Vietcombank (Trang 27 - 29)

Rủi ro, tổn thất tồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau. Có loại rủi ro có thể đo lường, dự đoán được một cách khá chắc chắn, nhưng cũng có loại rủi ro không thể đo lường và tiên lượng được. mỗi loại rủi ro có thể xuất phát từ một hoặc một nhóm các nguyên nhân rất khác nhau, có những tính chất, phạm vi ảnh hưởng, hậu quả để lại và đối tượng tác động cũng rất khác nhau.. Vì vậy, cần thiết phải phân loại rủi ro theo các tiêu thức và góc độ khác nhau nhằm hiểu rõ hơn bản chất rủi ro, và đó cũng là cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các rủi ro một cách hiệu quả nhất. Phân loại rủi ro chỉ mang tính chất tương đối trong mối quan hệ tác động của rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn một loại rủi ro có thể được phân loại và tồn tại ở nhiều tiêu thức khác nhau. Sau đây là một số tiêu thức phân loại rủi ro điển hình nhất:

1.2.1.2.1 Theo tính chất rủi ro

Trong kinh doanh, rủi ro có thể chia thành hai loại: Rủi ro suy đoán và rủi ro thuần túy

* Rủi ro suy đoán ( còn gọi là rủi ro suy tính hay rủi ro đầu cơ) tồn tại cơ hội kiếm lời nhưng nguy cơ tổn thất. Đây là loại rủi ro luôn gắn liền với khả năng thất bại trong hoạt động kinh doanh, đầu tư, đầu cơ. Rủi ro suy đoán có mặt hấp dẫn nào đó nên con người thường tạo ra cuộc chơi trong đó mọi người cho rằng xác suất rủi rỏ nhỏ hơn xác suất thành công, tức là họ kỳ vọng đạt được những may mắn. Còn nếu như ai đó cho rằng xác suất rủi ro hơn xác suất thành công

thì ắt cuộc chơi sẽ không thể diễn ra như dự định. Nhận định này tùy thuộc vào thái độ, cảm giác chủ quan của con người, trong mỗi cuộc chơi, thành công của người này có thể là thất bại của người khác.

Biện pháp hạn chế rủi ro suy đoán là né tránh rủi ro bằng cách không tham gia những cuộc chơi mà trong đó có những rủi ro. Nhưng loại rủi ro này lại thường xuất hiện trong kinh doanh, nên việc né tránh không phải bao giờ cũng có thể thực hiện được, bởi né tránh rủi ro tức là phải từ bỏ kinh doanh.

* Rủi ro thuần túy (còn được gọi là rủi ro thuần): Là những rủi ro chỉ có thể dẫn đến những thiệt hại mất mát mà không có cơ hội kiếm lời. Rủi ro loại này có nguyên nhân từ những đe dọa, nguy hiểm luôn rình rập như những hiện tượng tự nhiên bất lợi hoặc những hành động sơ ý, bất cẩn của con người hoặc là những hành động xấu của người khác gây ra…Hầu hết, những rủi ro xuất hiện trong thực tế hiện nay đều thuộc loại rủi ro thuần túy, tức là những rủi ro có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện tủy theo những nguyên nhân, nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro. Bất cứ ở đâu, khi nào mà rủi ro thuần túy xảy ra thì tổ chức, cá nhân hoặc xã hội sẽ bị mất mát, thiệt hại về tài sản cũng như tinh thần. Như vậy, rủi ro thuần túy liên quan đến việc phá hủy tài sản, giảm sút giá trị và không ai có thể hưởng lợi từ việc mất mát tài sản.

Việc phòng chống rủi ro thuần túy một cách tốt nhất là làm sao để nó không xảy ra, nhưng điều này không thể được bởi rủi ro tồn tại khách quan. Người ta có thể phòng chống hạn chế rủi ro bằng nhiều phương pháp khác nhau như: Tác động đến các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro, qua đó giảm nhẹ tổn thất hoặc chia sẻ rủi ro bằng cách mua bảo hiểm…

1.2.1.2.2 Theo phạm vi ảnh hưởng của rủi ro

Trong kinh doanh, rủi ro còn có thể được chia thành hai loại: Rủi ro cơ bản và rủi ro riêng biệt.

* Rủi ro cơ bản: Là những rủi ro sinh ra từ những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của con người. Hậu quả của rủi ro cơ bản thường rất nghiêm trọng,

khó lường, có ảnh hưởng tới cộng đồng và toàn bộ xã hội. Hầu hết các rủi ro cơ bản đều xuất phát từ sự tác động tương hỗ thuộc về kinh tế, chính trị, xã hội. nó có thể bao gồm nhiều loại rủi ro như: nạn thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, lạm phát, chiến tranh, xung đột chính trị, động đất, núi lửa phun, bão, lụt.. Với những rủi ro cơ bản thì biện pháp phòng chống, hạn chế tốt nhất của mỗi quốc gia, của tổ chức hoặc cá nhân là dự báo chính xác và né tránh rủi ro. Ngoài ra, tủy theo loại rủi ro mà người ta có thể hạn chế bằng cách mua bảo hiểm hoặc tác động làm giảm thiệt hại.

* Rủi ro riêng biệt: Là những rủi ro xuất phát từ các biến cố chủ quan và khách quan của từng cá nhân, tổ chức. Loại rủi ro này chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của từng cá nhân hoặc tổ chức. Nếu xét về hậu quả, đối với một tổ chức có thể rất nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng không nhiều đến xã hội. Trong kinh doanh quốc tế thì rủi ro riêng biệt bao gồm: Sai lầm trong lựa chọn chiến lược, chính sách kinh doanh, sai lầm lựa chọn đối tác, mặt hàng kinh doanh, đổ vỡ, biển thủ, mất tích, giảm giá.. Với những rủi ro riêng biệt, biện pháp phòng chống rủi ro tốt nhât là quản trị rủi ro hoặc tự điều chỉnh hành vi để hạn chế rủi ro.. Tùy theo loại rủi ro mà có thể khắc phục bằng cách như mua bảo hiểm, tự bảo hiểm, di chuyển rủi ro, chia sẻ rủi ro…

Một phần của tài liệu Tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế tại Sở giao dịch Vietcombank (Trang 27 - 29)