II. Môi trường ngoài công ty
1. Phân tích môi trường ngoài công ty
1.1Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế có ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong những năm qua kinh tế nước ta có những bước phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng cao từ năm 2005 đến nay kinh tế tăng trưởng với tốc độ lớn hơn 8%, chỉ riêng năm 2008 kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trên toàn cầu nên tốc độ tăng trưởng thấp là
6,23%. Khi kinh tế tăng trưởng cao đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên, họ có nhu cầu mua sắm các sản phẩm nhiều hơn nên sẵn sàng chấp nhận mức giá cao nhưng đồng thời họ cũng cần có yêu cầu về chất lượng và mẫu mã sản phẩm ngày càng cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của mình. Do đó công ty càng phải chú trọng hơn đến các sản phẩm mà mình đưa ra sao cho đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đảm bảo thu được nhiều lợi nhuận cho công ty. Năm 2007 nước ta gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO làm cho sân chơi của các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam và họ đưa ra hàng loạt các sản phẩm có chất lượng cao và cạnh tranh với các sản phẩm của công ty. Đây cũng là một thách thức đặt ra với Hợp Phát buộc công ty phải đưa ra các chiến lược cải tiến sản phẩm của mình nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và khẳng định sức mạnh tiềm tàng của mình, củng cố niềm tin của khách hàng với mình. Năm 2008 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn với những diễn biến không thể lường trước làm cho đời sống của nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm cũng giảm. Điều đó làm cho các sản phẩm của công ty không thể bán chạy được như thời gian trước. Chính điều này đã dẫn đến một yêu cầu là phải cải thiện công tác marketing, phải đưa ra cho các khách hàng các sản phẩm mà có mức giá phải chăng, không quá cao so với khả năng của họ. Tuy doanh số năm 2008 chưa cao nhưng đó cũng là điều dễ hiểu vì trong điều kiện nền kinh tế như vậy thì không phải chỉ có Hợp Phát mà tất cả mọi tổ chức kinh tế đều gặp khó khăn.
Trong năm 2009 này chúng ta vẫn còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế trên toàn cầu và những diễn biến không thể lường trước được của giá vàng nên buộc các nhà hoạch định chính sách phải có những chính sách để đối phó với những tình hình bất ổn ở trên.
1.2. Môi trường công nghệ
So với các nước trên thế giới về năng lực nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ còn yếu. Trình độ công nghệ của nước ta so với thế giới phải lạc hậu hơn hàng chục năm. Đây là một hạn chế rất lớn của các doanh nghiệp nói chung và của công ty Hợp Phát nói riêng trong việc đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ và triển khai các sản phẩm mới để cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Tuy công ty cũng chuyên kinh doanh các sản phẩm về mạng nhưng so với các công ty trên thế giới thì có khiêm tốn một chút. Mặc dù mua bán và chuyển giao công nghệ có phát triển nhưng nó chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty đầu tư để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, còn để cạnh tranh với sản phẩm của các công ty nước ngoài thì đó quả là khó khăn rất lớn và công ty phải chịu sức ép về giá mua và chuyển giao công nghệ rất lớn.
1.3. Môi trường văn hóa xã hội
Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về công nghệ thông tin và các sản phẩm điện tử ngày càng cao, đó cũng là điều dễ hiểu. Trước đây Việt Nam là nước mà kinh tế còn nghèo so với các nước khác trên thế giới nên những sản phẩm của công ty được tiêu thụ nhiều ở thị trường thành phố còn những vùng nông thôn nghèo thì nhu cầu ít thậm chí họ chẳng có nhu cầu. Nhưng giai đoạn hiện tại kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến nên các sản phẩm của công ty Hòa Phát đã được tiêu thụ cả ở thị trường nông thôn làm cho số lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhưng nhìn chung công ty đã đưa ra các chiến lược về giá phù hợp để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng và khách hàng mục tiêu mà công ty hướng tới là ở các khu đô thị lớn hay trung tâm thành phố lớn, những người có mức thu nhập cao. Hiện nay công ty đã đưa ra các sản phẩm chuyên dụng ở các đô thị, khu chung cư hay của các cơ quan nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người tiêu
dùng. Việc phân chia ra các sản phẩm khác nhau cho từng khách hàng và tùy vào thu nhập của từng người là rất hiệu quả và cần được phát huy trong thời gian tới.
1.4. Môi trường chính phủ, chính trị và pháp luật
Cùng với xu thế phát triển của khu vực và trên thế giới trong những năm qua kinh tế nước ta chuyển từ giai đoạn kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Việc gia nhập ASEAN và tổ chức thương mại quốc tế WTO đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tràn ngập vào thị trường Việt Nam gây cho các doanh nghiệp trong nước những khó khăn do phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Nhà nước đề cho các doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình nhưng cũng luôn có các chính sách ưu đãi, giảm các thủ tục hành chính rườm rà để đẩy nhanh quá trình phát triển cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó nhà nước cũng có chính sách để hạn chế sự gia nhập ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài, ban hành nhiều luật và chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển không ngừng. Ngoài ra chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách về thuế như giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng tạo điều kiện cho công ty có khả năng phát triển.
1.5. Môi trường tự nhiên
Nhìn chung môi trường tự nhiên không có ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh doanh của công ty. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và mưa nhiều. Trong thời gian hiện tại công ty đang chú trọng đến các sản phẩm về điều hòa thì trong mùa hè và mùa đông nhu cầu về sản phẩm này sẽ có sự tăng đột biến với những khách hàng là dân cư. Còn vào các mùa khác trong năm hầu như nhu cầu này không nhiều. Đây cũng là một điều đáng lưu ý để công ty đưa ra các chiến lược về sản phẩm cho từng giai đoạn khác nhau, từng thời điểm và thời kì tùy theo điều kiện khí hậu như thế nào.