Công ty thường thanh toán tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Phương thức thanh toán mà Công ty thường sử dụng là D/P (Document against Payment), T/T (Telegraphic Transfer), L/C (Letter Credit). Phương thức thanh toán D/P, T/T thường áp dụng với khách hàng quen (chi phí thấp, đơn giản). Với khách hàng lần đầu giao dịch thì hai phương thức này không hay được sử dụng vì yếu tố mạo hiểm rất cao, trong nhiều trường hợp khách hàng có thể không nhận hàng. Hiện nay, tại Công ty, phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến nhất là thanh toán bằng thư tín dụng L/C. Phương thức thanh toán này có chi phí cao hơn các phương thức thanh toán khác nhưng độ an toàn của nó cao hơn rất nhiều. Theo phương thức thanh toán này thì Công ty sẽ được bảo đảm thanh toán trong mọi trường hợp, hạn chế rủi ro trong thương mại quốc tế.
Hiện tại, hình thức thương mại điện tử phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hình thức này chưa mang tính chất phổ biến. Do vậy, dù ứng dụng nhiều tiện ích của Internet mang lại nhưng Artexport vẫn chưa đưa thương mại điện tử vào trong giao dịch xuất khẩu của mình. Đây là một sự thận trọng cần thiết, tuy nhiên khi tính bảo mật trong thương mại điện tử được kiểm soát, đây cũng là một hình thức thanh toán nhanh chóng mà Công ty có thể sử dụng.
2.3. Đánh giá chung về hoạt động xuất khẩu đá xây dựng tại Artexport 2.3.1. Thuận lợi và nguyên nhân
Việt Nam là một nước có 3∕4 diện tích là núi non, do đó nguồn nguyên liệu cho sản xuất đá xây dựng rất dồi dào và phong phú. Trải từ Bắc vào Nam, đá Việt Nam có rất nhiều chủng loại, chất liệu và màu sắc khác nhau, tạo điều kiện phát triển ngành hàng đá xây dựng đa dạng, nhiều kiểu dáng, màu sắc. Mặt khác, các dãy núi ở
nước ta có độ cao ở mức trung bình, chạy dọc theo địa hình đất nước, nên nhiều địa phương có khả năng khai thác và cung ứng đá cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Artexport không phải là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu đá xây dựng tại Việt Nam, nhưng do nguồn nguyên liệu rất dồi dào, hơn thế, cũng chưa có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này nên Công ty nhanh chóng tìm được một chỗ đứng trên thị trường. Công ty nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp đá xây dựng xuất khẩu ổn định, chủ yếu là từ hai địa phương Thanh Hóa và Bình Định. Đây là hai địa phương có nhiều cơ sở khai thác và chế biến đá, đồng thời tại đây nguồn nguyên liệu đá có hầu hết các loại đá cơ bản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Lợi thế về nguồn nguyên liệu là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong kinh doanh xuất khẩu. Nói rộng ra đây chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thương mại quốc tế. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế WTO năm 2006, lợi thế cạnh tranh quốc gia chính là một bàn đạp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Đồng thời khi chúng ta gia nhập vào sân chơi chung của thế giới, các thủ tục hải quan và các rào cản thương mại dần dần được loại bỏ, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Với các công ty xuất nhập khẩu như Artexport thì việc gia nhập WTO là một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho phát triển thị trường xuất khẩu cũng như là việc nâng cao thị phần tại các thị trường truyền thống.
Sự phát triển của công nghệ thông tin là một nhân tố quan trọng trong thương mại quốc tế thế kỷ 21. Internet phát triển xóa nhòa biên giới giữa các quốc gia, nối liền khoảng cách về không gian và thời gian. Internet được ứng dụng tại mọi quốc gia và doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh mới trong thời đại ngày nay: cạnh tranh thông tin. Tại Artexport, công nghệ thông tin được ưu tiên sử dụng trong hầu hết các hoạt động, từ việc chào hàng, báo giá, tới việc trao đổi về hợp đồng, điều kiện thanh toán…, tất cả đều được thực hiện thông qua Internet. Nếu như trước kia, để gửi thư chào hàng tới khách hàng quốc tế thông thường phải mất một tuần lễ thì bây giờ, thời gian để gửi một bản chào hàng chỉ sau động tác click chuột.
Sự phát triển của công nghệ thông tin không chỉ làm rút ngắn thời gian trong giao dịch kinh doanh với đối tác nước ngoài mà cơ hội tiếp xúc với đối tác cũng được mở rộng hơn. Hiện tại, các cổng thương mại, các website chuyên ngành có rất nhiều, hơn thế các trang xã hội như Yahoo, Facebook… phát triển mạnh mẽ khiến cho công việc tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xu hướng phát triển của thương mại quốc tế trở nên hết sức đơn giản. Riêng về lĩnh vức đá xây dựng, việc
nghiên cứu xu hướng phát triển của thị hiếu, sở thích và đặc biệt là xu thế kiến trúc tại thị trường xuất khẩu là rất quan trọng, do đó, cán bộ Công ty đặc biệt chú ý tới việc tìm kiếm các thông tin này trên internet.
Công nghệ phát triển giúp cho nhiều công việc trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như việc thuê tàu biển trước đây thường tiến hành mọi thủ tục qua gửi thư tại bưu điện thì hiện tại phần lớn các công việc được trao đổi bằng email, hợp đồng thì gửi qua bằng máy fax. Điều này không chỉ làm rút ngắn thời gian mà còn đảm bảo tính chính xác và an toàn cao. Nắm bắt được điều này, hiện nay tại tất cả các phòng ban của Công ty đều được trang bị máy tính nối mạng, máy fax và các thiết bị điện tử văn phòng hiện đại khác.
Công ty bắt đầu tham gia xuất khẩu đá xây dựng từ năm 2002, so với truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành thì đây không phải là một khoảng thời gian quá dài, tuy nhiên, thành tích và chỗ đứng của Công ty trên thị trường xuất khẩu đá xây dựng là một thành tựu đáng khích lệ. Kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của 45 năm tham gia thị trường xuất khẩu thủ công mỹ nghệ với nhiều thị trường và khách hàng truyền thống, đồng thời kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa cũng là một vốn quý báu để Công ty có điều kiện phát triển ngành hàng mới. Một yếu tố quan trọng khác, đó chính là uy tín của Công ty trên thương trường quốc tế. Uy tín là một yếu tố không thể mua được bằng tiền, nó tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng cũng như là các cơ quan luật pháp. Uy tín 45 năm của Artexport là một tài sản vô giá của Công ty hiện tại và cả trong tương lai.
Công ty với đội ngũ nhân viên dày dạn kinh nghiệm cũng là một lợi thế không nhỏ trong cạnh tranh ngày nay. Số lượng cán bộ công nhân viên của Công ty không phải là lớn, tuy nhiên hơn 100 con người tại đây đều là những người được đào tạo bài bản, có nhiệt huyết và kinh nghiệm trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó thì việc cán bộ Công ty thông thạo nhiều ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển thị trường mới, khách hàng mới. Cùng với sự phát triển của internet thì việc thông thạo ngoại ngữ khiến cho mọi khoảng cách về địa lý, dân tộc, ngôn ngữ được thu hẹp lại, giao thương quốc tế thuận lợi hơn và doanh nghiệp thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.
2.3.2. Khó khăn và nguyên nhân
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tuy nhiên trình độ sản xuất của nước ta vẫn còn ở mức thấp so với thế giới. Đặc biệt trong những ngành khai thác đòi hỏi phải có máy móc và công nghệ như khai thác đá. Ở Việt Nam hiện nay, các máy móc dùng cho khai thác và chế biến đá đều là các máy móc cũ kỹ, lạc hậu 30 – 40 năm so với thế giới. Điều kiện vật chất kỹ thuật yếu kém dẫn tới năng suất và chất lượng đá khai thác ở mức rất thấp, thành phẩm đá đạt tỷ lệ thấp so với khối lượng nguyên liệu khai thác được. Hơn thế, sự lạc hậu của máy móc thiết bị khiến cho sản phẩm đá xây dựng bị lỗi nhiều đẩy chi phí sản phẩm lỗi hỏng lên cao, giảm sức cạnh tranh trên thương trường.
Bên cạnh lạc hậu về máy móc thiết bị, sự manh mún trong khai thác và sản xuất đá xây dựng là một yếu kém của hầu hết tất cả các cơ sở sản xuất và chế biến. Ở nước ta hiện nay, trung bình một cơ sở sản xuất đá chỉ có khoảng 20 – 30 công nhân làm việc thường xuyên, sản lượng hàng tháng cũng rất thấp, thông thường chỉ là một vài container. Do đó, khi có đơn hàng lớn, Công ty phải thu gom hàng tại nhiều cơ sở khác nhau, tốn thời gian và chi phí cho việc thu mua hàng hóa mà chất lượng hàng hóa đôi khi lại không thống nhất. Thêm nữa, cũng từ sự manh mún trong sản xuất nên trình độ tay nghề của công nhân vẫn còn là một vấn đề cần chú trọng đầu tư. Phần lớn công nhân tại các cơ sở sản xuất không được đào tạo bài bản, họ được dạy nghề ngay tại xưởng sản xuất, đồng thời với việc tham gia sản xuất hàng hóa nên chất lượng từng lô hàng lại có sự khác biệt nhau đáng kể.
Hiện nay, Nhà nước đang xem xét để hạn chế việc khai thác đá, bảo vệ tài nguyên, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung cũng như là sức cạnh tranh của đá xây dựng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhất là khi Nhà nước dự định đánh thuế xuất khẩu đá xây dựng là 10%. Thuế suất tăng, nguồn cung giảm, tất yếu dẫn tới giá tăng, giảm lợi thế cạnh tranh. Điều này đặt Artexport vào một bài toán khó khăn khi phải cân đối giữa việc mở rộng thị trường và đảm bảo nguồn lợi nhuận thích hợp.
Thị trường xuất khẩu đá xây dựng lớn nhất hiện nay vẫn thuộc về Trung Quốc, không chỉ có lợi thế về nguồn nguyên liệu phong phú, giá nhân công rẻ, chính sách đồng Nhân dân tệ yếu đang giúp Trung Quốc thâu tóm hầu hết các thị trường xuất khẩu đá xây dựng chủ yếu trên thế giới. Cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Trung Quốc là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi Công ty phải có chiến lược cụ thể với các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch marketing thích hợp tại mỗi thị trường.
Ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, ngay tại Việt Nam, Công ty cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trong cùng ngành hàng, nhất là các đối thủ có nhiều năm kinh nghiệm và chiếm thị phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu đá xây dựng.
Một khó khăn rất dễ nhận thấy đó là tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới trong năm 2008, 2009 có sự suy giảm trầm trọng, điều đó không chỉ tác động tới việc thu hẹp nhu cầu sử dụng đá xây dựng ở hầu hết các thị trường, mà kéo theo nó là sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính. Dự báo của các chuyên gia thì suy thoái sẽ chấm dứt trong năm 2010, tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, kinh tế thế giới đã có những khởi sắc nhất định sau một thời gian dài xuống dốc. Đó là tín hiệu lạc quan đối với những công ty trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nói chung và Artexport nói riêng.
2.3.3. Hạn chế còn tồn tại trong hoạt động xuất khẩu đá xây dựng tại Artexport
Những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất kinh tế xã hội, về chủ trương chính sách của Nhà nước là những nguyên nhân tác động lớn tới tính cạnh tranh của Công ty trên thị trường. Đây là những lý do khách quan mà muốn thay đổi nó không phải là ngày một ngày hai, cũng không phải là do sự tác động của một chủ thể bất kỳ. Tuy nhiên, có những nguyên nhân chủ quan từ phía Công ty đã làm giảm đi đáng kể sức cạnh tranh trên thương trường. Trước hết, phải kể đến sự lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp trong việc thu gom các đơn hàng. Công ty không có cơ sở sản xuất và chế biến riêng nên không chủ động được nguồn hàng nên dẫn tới tình trạng nhiều khi có đơn hàng của khách hàng nhưng Công ty tìm được nguồn hàng theo yêu cầu dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Việc thiếu hàng hóa cho đơn hàng cũng đã xảy ra làm ảnh hưởng tới uy tín của Công ty. Hơn thế, do không kiểm soát được toàn bộ quá trình khai thác và sản xuất đá nên chất lượng đá xuất khẩu còn là một bài toán chưa có lời giải tối ưu. Hiện nay, chất lượng sản phẩm xuất đi được kiểm soát ngay tại địa phương bởi các KCS địa phương, nhưng do nguồn cung ứng hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng sản phẩm không đồng nhất là điều rất dễ xảy ra.
Kim ngạch xuất khẩu đá xây dựng của Công ty trong những năm vừa qua có sự chuyển dịch mạnh, Công ty đã chú trọng vào thị trường châu Á nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường châu Á mới chỉ đạt hơn 20%, chưa xứng với tiềm năng của thị trường này. Hiện nay, khu vực châu Á là nơi có kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường có nhu cầu đá xây dựng
tăng liên tục ở mức cao trong những năm qua. Việc chiếm lĩnh thị trường châu Á là một hướng đi đúng đắn, bảo đảm sự phát triển của Công ty trong tương lai.
Trên thực tế, các thống kê chỉ ra rằng, các thị trường Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường có nhu cầu đá xây dựng tăng vọt trong những năm qua, nhưng Công ty vẫn chưa chú trọng đúng mức đến các khu vực thị trường này. Cụ thể là tỷ trọng nhập khẩu đá xây dựng của Hồng Kông luôn dẫn đầu trong danh sách các nước nhập khẩu tại khu vực châu Á. Một vấn đề nữa cũng cần phải có giải pháp sớm đó là việc các cán bộ tại hai phòng kinh doanh xuất khẩu đá xây dựng không có cán bộ nào thông thạo các ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Arập… Đây là một rào cản lớn với việc thâm nhập thị trường khu vực này. Mặc dù ngày nay, tiếng Anh là công cụ giao tiếp thương mại toàn cầu, nhưng để có thể có những khách hàng truyền thống và thân thiết, việc thông thạo ngôn ngữ của đối tác cũng như là nền văn hóa bản địa là một điều cực kỳ quan trọng. Mặt khác, khi thông thạo ngôn ngữ của khách hàng, Công ty sẽ có những kế hoạch marketing bài bản, phù hợp với phong tục từng quốc gia, khắc phục được những yếu kém còn tồn tại trong công tác marketing từ trước tới nay.
Công tác marketing là một công việc quan trọng trong thương mại ngày nay, nó còn đặc biệt quan trọng với những công ty kinh doanh xuất nhập khẩu. Mặt hàng đá xây dựng là mặt hàng mang tính chuyên ngành kỹ thuật nhưng nó vẫn mang tính nghệ thuật trong đó. Do đó, công tác nghiên cứu phát triển cần phải được chú trọng, để giảm bớt tính thụ động trong khâu thiết kế. Khi Công ty có năng lực trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, điều đó không chỉ làm tăng khả năng thu hút khách hàng mà còn nâng thương hiệu của Công ty lên một tầm cao mới, đủ khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế.
Một điều đặc biệt quan trọng là Công ty chưa có một định hướng nghiên cứu thị trường bài bản cho mặt hàng đá xây dựng. Kim ngạch xuất khẩu đá xây dựng của Công ty có được những phát triển nhanh chóng phần lớn do nhu cầu nhập khẩu đá xây dựng của thế giới đang rất phát triển. Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết