Cơ sở lý luận:
Đối với bất kì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào, thì đối tác cung ứng nguyên vật liệu luôn là những người chiếm vị trí quan trọng, không thể thiếu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Việc tìm kiếm và lựa chọn được một nhà cung ứng đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp được coi như là thành công bước đầu của quá trình tạo nên một sản phẩm hoàn hảo.
Cơ sở thực tiễn:
Việc công ty sử dụng hầu hết các nhà cung ứng cũ trong những lần thực hiện đơn hàng đã làm giảm đi tính linh động trong quá trình sản xuất, công ty chưa có sự đầu tư rõ ràng trong việc tìm kiếm các nhà cung ứng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn và
khả năng cung ứng tốt hơn, chủ yếu vẫn là dựa trên kinh nghiệm qua các lần thực hiện đơn hàng.
Trong xu thế phát triển hiện nay, mặc dù thị trường nội địa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là thiếu những nhà cung ứng mang lại chất lượng hàng hóa kém hơn so với các nhà cung ứng nước ngoài.
Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động, công ty cần xem xét kỹ lưỡng hơn, dựa trên những tiêu chí đánh giá cụ thể và phải thực hiện quá trình nghiên cứu thị trường và nhà cung ứng rõ ràng nhằm làm giảm nguy cơ rủi ro, tránh bị ép giá, đồng thời chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh…
Nội dung biện pháp:
Cán bộ phòng Nghiệp vụ phải thực hiện thu thập, phân tích và nghiên cứu các số liệu về thị trường nguyên vật liệu, qua đó cũng đưa ra những đánh giá phù hợp về các nhà cung ứng sẵn có (về số lượng nhà cung ứng, tính chất cạnh tranh,…) để từ đó thiết lập các mối quan hệ bạn hàng giữa hai bên.
Công ty cần chú ý hơn nữa tới các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là những vấn đề về thời gian cung ứng, khả năng đáp ứng đơn hàng khi thiếu…để tránh những rủi ro xấu nhất có thể xảy ra. Việc thỏa thuận với nhà cung ứng cũng cần được chú trọng, trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận cuối cùng thì công ty nên tìm kiếm những nhà cung ứng phù hợp hơn.
Với một số nhà cung ứng cũ, công ty cần thiết lập mối quan hệ và tạo ấn tượng tốt cho phía đối tác, đây sẽ là cơ sở cho những hợp đồng sau này và có thể đạt được những hợp đồng với giá cả được chiết khấu có lợi nhất cho công ty.
Điều kiện thực hiện:
Công ty cần có sự đầu tư về chi phí cho các hoạt động tìm kiếm thị trường và duy trì mối quan hệ với đối tác.
Người tham gia đàm phán về các hoạt động mua bán nguyên vật liệu cần là những người có chuyên môn cao, am hiểu rõ về thị trường nguyên vật liệu, đồng thời phải có khả năng giao tiếp và đàm phán nhằm gây ấn tượng tốt đối các nhà cung ứng.
Hiệu quả thực hiện:
Việc tìm được các nhà cung ứng tốt sẽ giúp cho công ty đảm bảo quá trình sản xuất liên tục, chất lượng nguyên vật liệu đảm bảo với giá cả phải chăng tạo điều kiện vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh của công ty trên thị trường.