Tiếp theo toà phương đình được nối liền bởi hệ thống ống máng là toà nhà Đại đình. Đây là toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích.
Toà Đại đình được đặt trên một nền cao hơn toà Phương đình là 20cm, cao hơn mặt sân 60cm. Toà nhà bao gồm 5 gian 2 chái và được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu hình chuôi vồ trong đó phần nền được lát bằng gạch Bát Tràng. Phần mái toà Đại đình được phủ một lớp ngói di và có tường bao quanh.
Trên nóc mái của toà Đại Đình khoảng giữa có đắp nổi hình 2 đám mây đơn giản không trang trí. Hai đầu nóc mái cũng được đắp bằng vữa hình 2 con long mã có gắn sứ. Ở 2 đầu kìm là những đao cong vút lên theo kiểu hình sừng
và phía đỉnh cao là 2 đầu rồng đắp bằng xi măng ... tất cả bờ nóc bờ dải, guội... đều đắp bằng vôi vữa, ở hai đốc của mái còn có bộ phận vỉ ruồi được lắp ván rốn nhện nhằm che phần thô cứng mặt sau vì hồi. Gian giữa còn giữ được theo lối cổ truyền là thấp hơn với những gian khác.
Tuy nhiên, đối với các kiến trúc cổ truyền việt, xuất phát từ điều kiện tự nhiên và xã hội nên hình thành phần chịu lực chính không phải là nền nhà mà sự vững chắc của công trình là nhờ vào khung kết cấu gỗ nối liên kết các mộng cùng sức nặng của bộ mái đè xuống hệ thống cột. Tất cả sức nặng của công trình được phân tán qua các cột gỗ xuống chân tảng bằng đá xanh. Đường kính chân tảng cột cái là 40 x 40 cm, đường kính chân tảng cột quân 30 x30 cm, dày 20 cm, chân tảng đá ở đình Triều Khúc cũng như chân tảng đá ở các di tích khác, có dạng trên là hình tròn, phần dưới là hình vuông, tượng trưng cho trời tròn, đất vuông. Trong quan niệm mang tính triết học của người xưa.
Toà nhà Đại Đình có kích thước: -Chiều rộng 8,5 m
-Chiều dài 16,5 m
Đại Đình là một toà nhà lớn với kết cấu 6 hàng chân cột bao gồm 8 cột cái và 16 cột quân. Cột được làm bằng các thân cây gỗ lớn kiểu “thượng thu hạ thách”, cột cái có đường kính 30 cm, cột quân có đường kính 25 cm. Hệ thống cột được bào nhẵn để mộc, chỉ sơn dưới chân cột để chống ẩm mốc và mối mọt. Mặc dù được làm bằng loại gỗ tốt nhưng do thời gian, các yếu tố khí hậu, thời tiết tác động làm cho hệ thống cột bị mối mọt, nên ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng chịu lực của chúng không những thế giá trị thẩm mỹ của kiến trúc cũng bị giảm sút. Hệ thống cột chính là xương sống cho mọi liên kết, là thành phần chính quyết định cho sự tồn tại của di tích vì vậy nó cần được bảo vệ một cách thoả đáng.
Liên kết các cột tạo nên bộ khung của kiến trúc là hệ thống các xà.
Hệ thống xà dọc: gồm hai xà thượng nối từ trụ trốn của gian chái này ăn mộng qua các cột cái đến trụ trốn của gian chái kia. Xà thượng có tác dụng cố định các cột cái. Hai xà trung thay hoành đỡ mái đứng trên đầu các cột quân, 2
xà hạ ăn mộng vào cột quân ở vị trí phía dưới của xà trung. Giữa xà trung và xà hạ là một ván đỡ để mộc không trang trí.
Hệ thống xà ngang: gồm hai xà ngang và xà đai. Hai xà ngang có tác dụng nối 2 cột cái ngoài cùng của hai gian sát chái, xà đai nối hai cột quân ở đầu hồi.
Như vậy hệ thống xà rất quan trọng, chúng được gia công, bào soi vỏ măng đã làm cho kết cấu không những không bị giảm khả năng chịu lực, mà về mặt trang trí nó còn làm giảm phần thô cứng của vật liệu.
Một cấu kiện nữa làm nên kết cấu kiến trúc đó là bộ vì. Bộ vì đó là yếu tố cơ bản liên kết các cấu kiện, nó vừa có tác dụng chịu lực, vừa nâng đỡ mái vừa là đơn vị cấu thành tổ chức không gian của công trình. Bộ vì ở nhà Đại Đình có kết cấu đa dạng. Vì nóc của tất cả các gian đều có kết cấu theo kiểu vì giá chiêng, riêng bộ vì nách có sự khác biệt, hai bộ vì nách ở gian giữa có kết cấu thượng chồng rường, hạ cốn nách, các gian còn lại vì nách có kết cấu chồng rường đỡ mái hiên là bẩy hiên.
Bộ Vì nóc toà Đại Đình đình Triều Khúc có kết cấu kiểu giá chiêng, dược liên kết nhau qua các đấu vuông thót đáy. Con rường thứ nhất rất ngắn đỡ thượng lương qua một dép hình thuyền. Con rường thứ hai dài hơn đỡ con rường thứ nhất qua hai đấu vuông, con rường thứ ba tỳ lực lên 2 trụ trốn qua hai đấu vuông tương tự. Trụ trốn được đỡ bởi câu đầu qua 2 đấu vuông. Ở mỗi đầu con rường đều khoét lõm để đỡ các hoành của mái, ở kiến trúc này không xuất hiện dép hoành. Các đấu vuông ở đây có kích thước nhỏ 25 x 25 cm, gia công đơn giản. Câu đầu là bộ phận đỡ toàn bộ các con Rường, nó được làm bằng một thân gỗ lớn tỳ lực lên hai cột cái qua hai đấu vuông lớn. Câu đầu còn được đỡ bằng hai đầu dư.
Trang trí trên kiến trúc đình Triều Khúc không dàn đều ở tất cả các đơn nguyên kiến trúc, mà những mảng đề tài trang trí đặc sắc hội tụ chủ yếu ở toà Đại Đình
Trang trí con kê nối thượng lương là đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) kiểu chạm lộng, to, mập ...
Ở các đầu bảy phía trước được trang trí rất công phu, mỗi đầu bảy là một đề tài trang trí. Nghệ thuật chạm khắc ở đây với chủ đề chủ yếu là những linh vật như: rồng, phượng, chim, cá, rùa, long vật và các con vật khác gắn với tư duy dân dã của người Việt xưa. Các đầu bẩy phía trước toà Đại Đình được trang trí cả hai mặt theo thứ tự từ trái sang phải như sau :
Đầu bẩy thứ nhất: Mặt bên trái trang trí hình rùa với những dải mây cuộn. Đầu bẩy thứ hai: Mặt bên trái trang trí hình rùa với những dải mây cuộn xen kẽ. Mặt bên phải trang trí hình rồng, đầu rồng nổi những đao mác, với hai mắt mở, miệng ngậm ngọc, xen kẽ là những dải mây cuộn .
Đầu bẩy thứ ba: Là đầu bẩy ở gian giữa được trang trí ở mặt trái là hình long mã đang ở tư thế phi. Con long mã này với hai mắt mở rộng, hai chân choãi ra phía trước, điểm xung quanh là những hoa lá mây mác. Mặt phải: Trang trí đầu rồng tua tủa vây, chân có móng sắc nhọn, đao mác nổi.
Đầu bẩy thứ tư: Ở đầu bẩy này đề tài trang trí dày đặc gồm có mặt trái: Cá chép có vây lớn, rùa, rồng, ba con vật này đang vờn mây rất đẹp với những đường nét mềm mại, mặt bên trái trang trí toàn bộ là đao mác.
Đầu bẩy thứ năm: Trang trí rất đơn giản chủ yếu là mây mác và sóng nước ở cả hai mặt của đầu bẩy.
Đầu bẩy thứ sáu: Trang trí mây mác .
Hai đôi đầu dư của hai bộ Vì gian giữa được tạo tác hai đầu rồng bằng kỹ thuật chạm lộng, hai đầu rồng chầu vào nhau, được chạm đặc biệt tỷ mỉ tinh tế, nó thể hiện tài năng, trí tuệ của người nghệ sĩ dân gian. Rồng có mắt to, mũi hếch mồm ngậm ngọc, râu dài xoắn mang phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII, có thể nói đây là những tác phẩm quý của di tích còn lưu giữ được cho tới ngày nay. Các đầu dư còn lại cũng chạm nổi hình rồng đầu nổi rõ, thân uốn lượn.
Đề tài trang trí trên các bộ Vì cũng rất phong phú, đa dạng, dày đặc các hoa văn, con rường trên cùng ngắn, trang trí hình đầu rồng cách điệu. Con rường thứ hai đỡ con rường thứ nhất qua một đấu. Các con Rường ăn mộng vào cột cái. Con Rường thứ hai của vì nách chạm nổi hình nghê rất linh hoạt, sống động. Con nghê đang trong tư thế nằm phủ phục, lưng đỡ hoành, miệng ngậm ngọc.
Con Rường thứ ba đỡ con rường thứ hai cũng vẫn bằng cái đấu, trên trang trí rồng rất tinh xảo, tỉ mỉ.
Tại các cốn ở trong Đại đình chủ yếu được chạm rồng, rồng cuốn thuỷ, rồng trông dữ dằn, đầu rời hẳn ra với những đao, mắt kiểu râu cá trê, đang phun nước. Ở góc trên là phượng, dưới rồng là long mã và một lá sen úp xuống, để hoá thân thành rùa. Trên nền các đề tài là văn xoắn, đao và nước làm kín cả mảng chạm. Mặt cốn phía trái trên xà nách là hình tượng lân và rùa nô giỡn cùng đôi sư tử hí cầu. Ở mặt ngoài của các cốn bên chạm văn xoắn và điểm xuyết một con rồng đơn giản trong hình thức chạm lộng nửa nổi. Nhìn chung các mảng chạm ở các cốn được chạm kỹ, phong cách nghệ thuật chủ yếu là của thời Nguyễn.
Bên trong đình, chính giữa gian lớn nhất có bức hoành phi đề “Thánh cung vạn tuế” trong bốn khung riêng biệt. Viền khung là một đường diềm kết bởi văn xoắn dưới các dạng khác nhau. Bao xung quanh khung trên đỉnh hoành phi là một đôi rồng lớn chầu mặt trời, đi sau là phượng. Rồng được làm đầu rời hẳn ra với những đao đuôi nheo lớn, hai đao mắt bay về phía trước như râu cá trê, mũi sư tử dữ dằn, trán lạc đà, mắt quỷ. Thân rồng ba khúc, hai chân trước bành ra hai bên, bám lấy thành của bức hoành phi. Hai chân sau, một chân bám mây phía trước, một chân đạp ra phía sau, đuôi rồng xoắn lại. Phượng làm đầu quá to so với thân, cánh hợp bởi những lông lớn riêng biệt. Phượng đang trong tư thế múa. Dải hai bên hoành phi chạm rồng chạy xuống, ngóc đầu lên chầu vào theo kiểu chạm tròn. Dưới rồng là một cành sen thân uốn lượn, trên có hai hoa đang nở, một lá sen úp trở thành mai Rùa, đầu Rùa ngóc lên cuốn thuỷ, từ đó chạy vào giữa chân đế của hoành phi là một đường diềm kiểu chân quỳ dạ cá. Y môn trái làm đơn giản bao quanh một bức hoành phi. Phía trên là những ô được chạm nổi hình phượng, bát bửu, mặt trời. Hai bên là long mã, phía dưới là rồng chầu mặt hổ phù. Phía trong là y môn chạm trúc hoá long chầu vào bông hoa cúc được cách điệu thành mặt trời. Hình thức chạm khá đẹp. Ở hai góc cũng là hoa lá, đó là trúc hoá phượng, mai hoá lân, phía dưới là cánh sen hóa rùa. Đây
là một mảng chạm thủng khá đẹp và sáng tạo, với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Phía dưới bức hoành phi ở cửa ngăn cách với hậu cung bao gồm những xà, những mảng chạm, những đao mác thuộc nghệ thuật thế kỉ thứ XVII. Ở hai cửa bên phía trên đỉnh của võng cũng có những rồng, đao của thế kỷ thứ XVII (đao mác nổi lên chủ yếu ở đầu mũi, nhiều đao mác nhỏ). Rất tiếc ngôi đình không còn nhiều mảng chạm thế kỉ XVII nhưng một phần dấu vết mảng chạm trên đã giúp cho ta khẳng định ngôi đình có từ lâu đời, ít nhất là từ thế kỉ thứ XVII.
2.1.2.5. Hậu Cung.
Hậu cung của ngôi đình mang tính chất sâu lắng nhất, đó là nơi thờ tự chính của ngôi đình nó thể hiện tính chất thâm nghiêm nhất trong tổng thể kiến trúc của di tích.
Hậu cung của đình Triều Khúc gồm ba gian dọc được làm nối liền với gian giữa đại đình thành kiểu kết cấu hình chữ đinh ( ). Bộ khung mái hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu xà nách. Nghệ thuật chạm khắc trang trí chủ yếu là bào trơn kẻ soi. Hậu cung đình được làm kín đáo, phía trước mở các cửa gỗ, phía trong bài trí bàn thờ, đồ thờ tự và là nơi đặt long ngai bài vị thành hoàng của làng .
Bộ cửa của gian hậu cung làm kiểu bức bàn có 5 ô: 2 ô lớn và 3 ô nhỏ. Mỗi cánh cửa của 3 ô nhỏ đều chạm vân xoắn, trung tâm là một hoa cúc mãn khai cách điệu. Ô lớn được trổ thủng kiểu hàn thư, hai con rồng chạm thủng trong tư thế ngóc đầu lên, đuôi xoắn, ở dưới có bốn khung thể hiện bốn cây tứ quý. Đi từ trái sang ô thứ nhất là Cúc - Trúc, ô thứ hai là Tùng – Mai, ô thứ ba là Cúc – Trúc. Nhìn chung bố cục cân đối chắc chắn, đường nét uyển chuyển mềm mại gần gũi với tự nhiên nhưng ý nghĩa tâm linh vẫn được đẩy lên khá cao, trong đó cúc là biểu tượng của dương khí, sức mạnh, trí tuệ. Trúc là biểu hiện
của quân tử, ngay thẳng, những chí nhân. Trong cách chạm trổ người nghệ nhân đã chú ý dến những nét khúc khuỷu và tạo được sự gợi cảm khá cao.
Bức y môn của toà hậu cung cũng chạm thủng và chia ô. Ô giữa là cuốn thư và hoa cúc. Người ta nhận thấy rằng có một đầu rồng chui vào chính giữa cuốn thư rồi ngóc lên khiến cho hệ thống hoa cúc này đã hoá thân thành rồng. Hai ô bên chạm thủng hình lân, đường ngăn chia của ba ô là những trụ lửng. Đầu trụ lửng là những lãng quả với những quả thiêng như: na, phật thủ, đào…. trong ý nghĩa cầu hạnh phúc. Đường diềm của bức y môn cũng chạm thủng hoa cúc dây, phía dưới của nó cũng là những lãng quả.