Nâng cao năng lực tác nghiệp thực chất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho vay tiêu dùng của ngân hàng. Đây là yêu cầu rất quan trọng đang đặt ra đối với Ngân hàng. Bởi, đội ngũ cán bộ tín dụng là cầu nối đưa sản phẩm tín dụng của ngân hàng đến với khách hàng. Các khách hàng có sử dụng sản phẩm tín dụng của ngân hàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ này.
Một trong những hạn chế lớn của Vietcombank Hà Nội trong hoạt động tín dụng đó là đội ngũ cán bộ tín dụng còn trẻ cả tuổi nghề và tuổi đời. Hơn nữa, đội ngũ này còn khá mỏng dẫn đến tình trạng phải kiêm nhiệm nhiều công việc làm hạn chế trong khâu cập nhật thông tin, thẩm định và quản lý khách hàng. Với mục tiêu phát triển lấy con người làm nhân tố nòng cốt, Ngân hàng cần xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ, tạo động lực khuyến khích người lao động :
- Tiếp tục bổ sung nhân sự cho phòng Khách hàng Thể nhân.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ngay từ khi mới được tuyển dụng. Trong đó, chú trọng đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ cho vay tiêu dùng phải được đào tạo các kỹ năng sau:
+ Kỹ năng “bán hàng”: đó là những kỹ năng về Marketing để thu hút được sự chú ý của khách hàng, kỹ năng giao tiếp, đàm phám với khách hàng và thể hiện được văn hoá kinh doanh của Ngân hàng.
+ Kỹ năng thu thập và khai thác thông tin: cán bộ tín dụng phải biết cách thu thập và khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ cho công việc của mình.
+ Kỹ năng phân tích: trên cơ sở thông tin thu thập được, cán bộ tín dụng phải biết phân tích, xử lý thông tin một cách có hiệu quả phục vụ cho việc ra quyết định cho vay.
+ Kỹ năng trình bày và đàm phán với khách hàng: cán bộ phải biết tiếp xúc, trình bày và thương lượng với khách hàng về các vấn đề liên quan đến quy định, cơ chế và các điều khoản thoả thuận trong hợp đồng làm vừa lòng khách hàng vẫn đảm bảo mục tiêu đặt ra.
+ Bên cạnh các kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, các cán bộ tín dụng còn phải trang bị thêm kiến thức về pháp luật, thị trường và các lĩnh vực kinh tế – tài chính khác. Đồng thời thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ tín dụng những kiến thức nhất định về các nghiệp vụ liên quan như : Thẻ, ngân quỹ, kế toán, xuất nhập khẩu,...nhằm giúp cán bộ có thể bán kèm, bán chéo sản phẩm cho Ngân hàng;
- Lập kế hoạch đào tạo và đào tạo lại, tạo lập đội ngũ cán bộ nguồn, kế cận đáp ứng được yêu cầu của tổ chức đề ra.
- Xây dựng cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng nhằm khuyến khích cán bộ phát huy năng lực, yên tâm công tác tránh xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” đồng thời xử lý kịp thời những cán bộ vi phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm hạn chế rủi ro đạo đức trong đội ngũ cán bộ tín dụng.