2.3.2.1 Hạn chế
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, Chi nhánh Hà Thành vẫn còn không ít những hạn chế và khó khăn còn tồn tại trong hoạt động tín dụng trung và dài hạn:
Thứ nhất, chất lượng tín dụng trung và dài hạn của Chi nhánh Hà Thành đã không ngừng được nâng cao, Ngân hàng tiếp tục chủ trương mở rộng hoạt động tín dụng trung và dài hạn. Nhu cầu tín dụng trung và dài hạn dù đã được Chi nhánh nỗ lực đáp ứng và mở rộng loại hình cho hình thức tín dụng này nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng thấp. Chất lượng tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng mới chỉ đạt được những kết quả nhất định, chưa tường xứng với tiềm năng của Ngân hàng.
Thứ hai, dù dư nợ tín dụng trung và dài hạn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong tổng dư nợ tăng. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng này còn thấp so với nguồn vốn trung và dài hạn huy động dồi dào của Ngân hàng. Hệ số sử dụng vốn trung và dài hạn còn thấp, mức cao nhất năm 2007 cũng chỉ đạt 19,6%. Trong khi đó, để huy động được nguồn vốn trung và dài hạn thì Ngân hàng phải trả một mức lãi suất cao, vì vậy chi phí trả lãi của Ngân hàng lớn.
Thứ ba, nợ xấu cũng như tỷ lệ quá hạn trung và dài hạn còn cao, tăng dần trong mấy năm gần đây. Năm 2007, 2008, tỷ lệ này đều tăng lên so với năm 2006. Nợ xấu của Ngân hàng vẫn còn cao so với toàn hệ thống, tỷ lệ nợ
quá hạn trung và dài hạn thấp nhưng quy mô nợ quá hạn trung và dài hạn còn cao. Số lượng các khoản nợ còn tồn đọng còn khá cao. Hoạt động tín dụng của Ngân hàng còn chịu nhiều ảnh hưởng của nền kinh tế. Công tác dự báo chưa thực sự hiệu quả và cho những kết quả đúng với thực tế.
Thứ năm, việc cho vay của Ngân hàng chủ yếu dựa trên tài sản đảm bảo. Những tài sản đảm bảo này chủ yếu là bất động sản , máy móc, dây chuyền thiết bị…trong khi thị trường bất động sản và thị trường hàng hóa chưa phát triển và còn nhiều biến động phức tạp. Việc định giá tài sản đảm bảo còn chưa hiệu quả và chính xác vì vậy Ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ khi rủi ro tín dụng xảy ra.
2.3.2.2 Nguyên nhân
Những hạn chế còn tồn tại làm giảm chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Chi nhánh Hà Thành là do một số nguyên nhân sau:
• Nguyên nhân chủ quan:
Đối với cán bộ Ngân hàng, tuy đã được nâng cao nghiệp vụ nhưng chưa đồng đều. Điều này đã hạn chế chất lượng phân tích tín dụng và chất lượng thẩm định dự án của Ngân hàng. Việc đánh giá khả năng cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án trên thị trường liên quan đến nhiều khía cạnh đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp, dự đoán nhạy bén của cán bộ tín dụng. Đây là nguyên nhân tồn tại ở hầu hết các Ngân hàng và nó là một vẫn đề bất cập đã tồn tại lâu đời tại các Ngân hàng ở nước ta.
Việc thẩm định dự án vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều dự án được phê duyệt cấp tín dụng dựa vào tài sản đảm bảo trong khi dự án đó không thực sự có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều dự án được chỉ định cho vay theo chỉ thị của Chính phủ, yếu tố hiệu quả không được đặt lên hàng đầu mà những dự án này thường có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.
Khả năng phân tích tình hình tài chính của bên vay vốn còn nhiều yếu kém. Phân tích tính khả thi của dự án chủ yếu dựa vào kết quả phân tích đánh
giá trên phương diện tài chính của dự án, nhưng nguồn số liệu, cơ sở đến phân tích chủ yếu được lấy từ các báo cáo của bên vay vốn như: báo cáo tài chính hàng năm với độ tin cậy không cao, chưa được xác nhận của cơ quan kiểm toán (chất lượng thông tin chưa cao). Do vậy không tránh khỏi những rủi ro do khách hàng vay vốn nhưng khi sử dụng lại sử dụng vốn sai mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng, khách hàng chiếm dụng vốn Ngân hàng, cho vay những dự án không có tính khả thi cao.
Chi nhánh chưa được giao quyền chủ động trong cho vay đối với các dự án có quy mô lớn, nhu cầu vay vốn vượt quá thẩm quyền cho vay của Ngân hàng. Vì vậy, mà quy trình cho vay đối với các dự án này trở nên phức tạp hơn, gây mất thời gian của khách hàng. Từ đó có thể mất cơ hội cho khách hàng, giảm uy tín của Chi nhánh, mất dần lợi thế cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ngân hàng chưa coi trọng đến công tác marketing Ngân hàng, chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh Ngân hàng. Các thông tin về thị trường và khách hàng còn thiếu, chậm, không nắm bắt được thông tin thực tế trên thị trường. Đứng trước sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng, không chỉ NHTM trong nước mà còn các Ngân hàng nước ngoài trong cùng địa bàn với sự cạnh tranh gay gắt về lãi suất và các tiện ích cho khách hàng nhưng Chi nhánh Hà Thành vẫn chưa có những biện pháp tích cực và thực sự hấp dẫn có hiệu quả để thu hút khách hàng mới. Ví như các tiện ích đi kèm theo hay các đợt khuyến mãi khi khách hàng sử dụng vốn của Ngân hàng chưa nhiều.
Sự phối hợp giữa các phòng ban trong Ngân hàng chưa được thông suốt, do đó còn làm mất nhiều thời gian của khách hàng khi khách hàng đến giao dịch tại Chi nhánh.
Chính sách tín dụng, chính sách lãi suất, chính sách về tài sản đảm bảo… của Ngân hàng chưa được điều chỉnh kịp thời và hợp lý theo điều kiện thực tế. Quy trình tín dụng, đặc biệt là đối với tín dụng trung và dài hạn vẫn còn
nhiều điểm bất cập, chưa thực sự gọn nhẹ, điều kiện cho vay rườm rà phức tạp đã khiến cho Ngân hàng phải từ chối nhiều khoản vay vì khách hàng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn. Nhất là đối với những DN vừa và nhỏ với nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng thiếu những điều kiện trong xét duyệt cho vay. Từ đó dẫn đến khó khăn cho những DN này trong việc đáp ứng nhu cầu vốn để mua sắm tài sản cố định, máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Cơ cấu nguồn vốn tuy đã được Ngân hàng chú trọng nhưng song vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Sự mất cân đối về có cấu thời hạn tín dụng, cũng như việc sử dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn có thể gây ra rủi ro lớn và mất an toàn trong Ngân hàng. Mặc dù Chi nhánh cũng như toàn bộ hệ thống đã tăng cường các biện pháp huy động, nhưng khả năng huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ các cá nhân và tổ chức vẫn còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn. Hơn nữa, huy động vốn vẫn chủ yếu dưới hình thức tiết kiệm truyền thống, chiếm khoản hơn 70% nguồn huy đồng từ nền kinh tế. Sự mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và sử dụng vốn, trong khi vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 70% tổng nguồn vốn huy động thì dư nợ cho vay trung và dài hạn lại chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.
• Nguyên nhân khách quan
Trước sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, sự tăng giá liên tục của giá vàng trong mấy năm gần đây, thay vì gửi tiết kiệm, mọi người rút tiền, đầu tư vào chứng khoán, chấp nhận rủi ro nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao. Khả năng huy động vốn của Ngân hàng giảm dẫn đến việc mở rộng quy mô tín dụng nhất là tín dụng trung và dài hạn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng không thể đáp ứng tất cả nhu cầu vay vốn dù dự án có tính khả thi cao. Ngân hàng phải đứng trước sự lựa chọn cân nhắc kỹ lưỡng hơn vì nguồn vốn eo hẹp. Năm 2008 cũng là một năm diễn ra nhiều sự kiện, diễn biến phức tạp,
khó khăn của nền kinh tế thế giới, cũng là năm hệ thống Ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn thách thức chưa từng có trong hơn hai mươi năm qua. Nền kinh tế Việt Nam không những phải đối mặt với những diễn biến khó lường của nền kinh tế mà còn phải đối mặt với những khó khăn nội tại: Lạm phát tăng mạnh, thâm hụt cán cân thương mại đạt mức kỷ lục (hơn 14% GDP), thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm. Toàn bộ hệ thống Ngân hàng ĐT & PT Việt Nam, cũng như Chi nhánh Hà Thành cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc cho vay đối với khách hàng bị đình chỉ, Ngân hàng chỉ ưu đãi cấp tín dụng theo hạn mức đối với một số khách hàng truyền thống, trong khi lãi suất bị đẩy lên cao ở mức 18%/năm rồi 21%/năm. Ngân hàng phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống nhằm đảm bảo tính an toàn cho hệ thống.
Nguyên nhân xuất phát từ phía các DN, do trình độ yếu kém của các DN nên việc xây dựng được một dự án mang tính khả thi để trình Ngân hàng xin vay vốn là rất khó khăn. DN vướng mắc về thủ tục, những vướng mắc khi DN không đủ mức vốn tự có tối thiểu tham gia vào dự án, không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, trình độ quản lý và sử dụng vốn của nhiều DN còn yếu kém nên hiệu quả của dự án giảm sút, DN gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ Ngân hàng hoặc không có thể trả được nợ.
Mặt khác, nếu trong 6 tháng đầu năm 2008, sự gia tăng mạnh của giá dầu, giá lương thực, chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa tiêu thụ chậm lợi nhuận của các DN giảm. Đồng thời lãi suất tín dụng tăng cao, tình hình vay vốn của các DN gặp nhiều khó khăn dẫn tới chi phí giá thành tăng cao, lợi nhuận giảm, kèm theo đó là năng lực tài chính suy giảm, vốn luân chuyển chậm, không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ Ngân hàng dẫn tới nợ quá hạn Ngân hàng tăng lên. Các DN khó khăn về tài chính đều gặp phải trở ngại trong việc thanh toán tiền hàng, việc thu tiền bán hàng chậm dẫn đến Ngân hàng phải điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn vào các nhóm
nợ thích hợp. Ngân hàng trong nhiều trường hợp chưa khảo sát kỹ khách hàng, phương án khả thi, cho vay vốn sai mục đích, khách hàng không kinh doanh hiệu quả, có nguy cơ phá sản, Ngân hàng khó hoặc không thể thu hồi được vốn và lãi vay. Nợ xấu và nợ quá hạn của Ngân hàng tăng lên.
Các báo cáo tài chính của DN phải nộp lên Ngân hàng chưa đầy đủ, sát với tình hình tài chính thực tế của Ngân hàng, gây khó khăn cho Ngân hàng trong việc đánh giá, giám sát tình hình tài chính và sử dụng vốn vay của DN, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm trong xét duyệt cho vay.
Những ứng xử và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước chưa kịp thời, chưa hợp lý với những diễn biến thay đổi của thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng.
Sự can thiệp của Chính phủ vào hoạt động tín dụng của Ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng trung và dài hạn, sự độc lập trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng bị hạn chế. Nhiều khoản cho vay của Ngân hàng được thực hiện theo chỉ thị của Chính phủ, lợi nhuận không phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Các dự án được thực hiện cho vay theo chỉ thị thường là có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nên khi rủi ro xảy ra tổn thất đối với Ngân hàng là rất lớn.