Nghiệp vụ thanh toán nhờ thu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại Sở giao dịch I – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam pdf (Trang 25 - 27)

* Với hàng nhập khẩu

Khi nhận được thư nhờ thu kèm chứng từ từ Ngân hàng nước ngoài hoặc từ người có chỉ thị nhờ thu. Sở căn cứ vào chỉ thị trên thư nhờ thu, lập giấy thông báo gửi khách hàng. Trên giấy thông báo ghi đầy đủ các yếu tố sau: Ngân hàng gửi thư, Số tham chiếu, số tiền, loại tiền nhờ thu, hình thức thanh toán... Nếu nhờ thu theo điều kiện: "nhờ thu trả tiền theo chứng từ" (D/P) thì sau khi khách hàng nộp đủ tiền hàng và phí dịch vụ mới giao chứng từ cho khách hàng và chuyền tiền cho đơn vị đầu mối thanh toán với nước ngoài. Nếu nhờ thu theo điều kiện "nhờ thu chấp nhận trả tiền theo chứng từ" (D/A), yêu cầu khách hàng ký tên, đóng dấu chấp nhận trả tiền mới giao chứng từ cho khách hàng và loại nhờ thu này chỉ áp dụng đối với khách hàng truyền thống thanh toán tốt. Sau đó, thông báo ngay cho đơn vị đầu mối để thông báo cho nước ngoài khách hàng đã chấp nhận thanh toán.

Nếu từ chối một phần hoặc toàn bộ nhờ thu thì khách hàng phải có công văn ghi rõ lý do gửi Sở. Sở phải thông báo nội dung công văn cho đơn vị đầu mối để trả lời Ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp này, Sở chỉ được giao chứng từ cho khách hàng sau khi có ý kiến của đơn vị đầu mối.

Nếu 60 ngày (theo các nguyên tắc thống nhất nhờ thu ấn bản số 522) kể từ ngày gửi thông báo, không nhận được trả lời thì phải lập giấy báo gửi trả lại chứng từ cho Ngân hàng nhờ thu và không chịu trách nhiệm gì thêm.

Khi nhận được giấy yêu cầu kèm chứng từ giao hàng của khách hàng đề nghị thanh toán bằng phương thức nhờ thu, thanh toán viên phải ký nhận chứng từ, ghi rõ ngày, giờ nhận chứng từ. Trên giấy nhờ thu cho khách hàng cần ghi đầy đủ các yếu tố trên mẫu.

- Nhờ thu được tuân thủ theo "qui tắc thống nhất nhờ thu của phòng Thương mại Quốc tế ấn bản 522"; Tên, địa chỉ đầy đủ của ngân hàng nhờ thu hộ; Tên, địa chỉ của người trả tiền; Tên Ngân hàng xuất trình (nếu có); Số tiền, loại tiền nhờ thu; Hình thức thanh toán và giao chứng từ (D/A, D/P); Các loại phí (nếu có) và bên chịu phí; Bảng kê các loại chứng từ gửi kèm.

Sở kiểm tra chứng từ theo danh mục khách hàng liệt kê, và các yếu tố qui định, đồng thời tiến hành kiểm tra tính pháp lý của chứng từ nhờ thu.

Căn cứ vào thư yêu cầu nhờ thu của khách hàng, lập thư yêu cầu nhờ thu kèm chứng từ gửi về đơn vị đầu mối. Khi nhận được thông báo từ chối thanh toán nhờ thu từ Ngân hàng nhờ thu do đơn vị đầu mối chuyển đến, phải thông báo ngay và yêu cầu khách hàng có ý kiến bằng văn bản về việc xử lý chứng từ. Khi nhận được trả lời của khách hàng, chuyển ngay cho đơn vị đầu mối.

Biểu3: Kết quả hoạt động thanh toán nhờ thu

Đơn vị: USD

Chỉ tiêu Năm 98 Năm 99 Năm 2000 Quí 1/2001

Số món 5 15 21 5

Trị giá 116.355 685.018 1.038.822,8 456.031,48

(Nguồn: Báo cáo kết quả thanh toán quốc tế năm 98, năm 99, năm 2000, quý I năm 2001)

Năm 2000 là 21 số món thanh toán nhờ thu tăng 6 món so với năm 1999, tăng 16 món so với năm 1998, với số tiền tăng 353.804 USD so với năm 1999, tăng 922.087 USD so với năm 1998, tuy mới chỉ có số liệu quí I năm 2001 nhưng cũng thấy sự chuyển biến tốt với 5 món số tiền là 456.031,48 USD.

Phương thức nhờ thu có đặc điểm là không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người sử dụng, việc thanh toán tùy thuộc vào thiện chí của người mua hàng nên thường chỉ được áp dụng khi các bên thực sự tin tưởng, tín nhiệm nhau. Do vậy, sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của nghiệp vụ này đã chứng tỏ Ngân hàng nước ngoài đã đánh giá cao Sở I trong vai trò Ngân hàng nhờ thu hộ.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thực hiện thanh toán nhờ thu qua Sở giao dịch nhưng số lượng không nhiều chỉ chiếm một phần nhỏ vì các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lâu năm đã có mối quan hệ buôn bán tốt với đối tác, tin cậy nhau rồi thì thường chuyển sang phương thức thanh toán chuyển tiền cho đơn giản, giảm chi phí, nhanh gọn...

Nguyên nhân nữa là do những thuận lợi và những rủi ro của từng bên khi tham gia vào thanh toán theo phương thức nhờ thu, mặt khác, nghiệp vụ nhờ thu là một nghiệp vụ phụ thuộc khá chặt chẽ vào tình hình xuất nhập khẩu nói riêng và tình hình kinh tế đất nước nói chung. Bước vào hoạt động trong bối cảnh Việt Nam đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt: hạn hán, lũ lụt xảy ra liên tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân làm cho thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp, đầu tư nước ngoài bị giảm sút.

Mặc dù, chúng ta đã có những giải pháp khắc phục tình trạng này nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được cải thiện về tình hình tài chính cũng như năng lực điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chậm, sức mua trong dân giảm sút. Chính bởi những lý do đó mà có sự suy giảm về số lượng cũng như qui mô doanh số của hầu hết các Ngân hàng trên địa bàn. Chắc chắn, khi tình hình kinh tế ổn định, với kinh nghiệm và phong cách phục vụ của riêng mình, Sở sẽ có thêm nhiều khách hàng đến tham gia vào nghiệp vụ này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại Sở giao dịch I – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam pdf (Trang 25 - 27)