Công tác phát huy và quảng bá giá trị văn hóa

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 49 - 52)

Ngày nay, đứng trước xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế, việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc không phải chỉ đơn giản là cất giữ cho khỏi mất tài sản, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hoặc để tự ca ngợi mình. Tài sản văn hóa

dân tộc của chúng ta được đánh giá là giàu có và quý giá, nó chứng minh trình độ phát triển và truyền thống lâu đời của nền văn hóa dân tộc. Vậy cần phải quảng bá và phát huy tác động giáo dục của nó vì mục đích phát triển hôm nay và ngày mai. Phải làm cho nó giàu thêm, cao và quý thêm, chứ không chỉ dừng lại với lưng vốn ấy. Phải làm sao cho giá trị di sản văn hóa Việt Nam mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế , góp phần nâng cao vị thế của dân tộc,và nó cần được tiếp tục sáng tạo đẹp thêm lên để trở thành động lực tinh thần cho sự phát triển xã hội đang đổi mới hiện nay.

Để phát triển những di sản văn hóa dân tộc cần có nhiều biện pháp quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ra khu vực và trên thế giới, truyền bá, giáo dục, đào tạo tới mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và chính cả những người làm công tác bảo tồn di sản hiện nay, thông qua những thiết chế và phương tiện giáo dục- văn hóa, thông tin đại chúng, hoạt động xã hội và trường học. Coi trọng việc giáo dục và truyền bá, bồi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cho ngày mai bắt đầu từ lớp trẻ, thiếu nhi, học sinh của hôm nay. Thông qua các trường phổ thông, chuyên nghiệp, đại học…trang bị cho các em vốn văn hóa dân tộc Việt Nam, để các em đủ bản lĩnh vào đời. Phải tạo điều kiện cho mỗi người thu nhận nhiều kiến thức hiện đại trên cơ sở một bản lĩnh văn hóa dân tộc vững vàng.

Sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay cũng phải quán triệt nguyên tắc này. Cần tăng trưởng kinh tế, cần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng cũng phải dựa chắc trên nền tảng văn hóa dân tộc. Sự giàu có về kinh tế, sự hiện đại về cơ sở hạ tầng, sự sang trọng thuận lợi về tiện nghi sinh hoạt là cần, nhất định phải có, nhưng đấy không phải là mục tiêu cứu cánh. Mục đích cao nhất của chúng ta phải là con người Việt Nam, có một đời sống vật chất và tinh thần cao, tiến tới một xã hội văn minh, hòa hợp với tâm hồn Việt Nam.

Bảo tồn những di sản văn hóa là bảo tồn những di sản văn hóa của tổ tiên các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam ta để lại, tài sản ấy phải được coi là tài sản văn hóa chung của toàn xã hội, của mọi người dân, của cả nước. Bởi vậy, mọi người dân, mọi thành phần xã hội được quyền sử dụng và có nhiệm vụ bảo tồn, phát triển kho tàng đó. Tất nhiên là phải tuân theo sự phân định, điều khiển và được sự bảo hộ của nhà nước với tư cách là người được xã hội ủy thác quản lý kho tàng ấy.

Những năm gần đây, chúng ta có chủ trương xã hội hóa, chủ trương phát triển nhiều thành phần hoạt động văn hóa và chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Những chủ trương như vậy, phải được triển khai đúng hướng sẽ có tác dụng tích cực, vì nó phù hợp với quy luật vận động của văn hóa.

Lâu nay, hoạt động văn hóa bao gồm các khâu: sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm văn hóa đều do cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội (mang tính nhà nước) tiến hành, thì nay Nhà nước chủ trương giao cho nhiều chủ thể xã hội khác nhau (bao gồm các tổ chức, tập thể và tư nhân) cùng chăm lo hoạt động văn hóa. Nói khác đi là, các chủ thể xã hội ấy có quyền đứng ra tổ chức và điều hành quá trình sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm văn hóa theo đúng pháp luật của Nhà nước quy định. Đó chính là xã hội hóa quyền tổ chức và điều hành công việc bảo tồn, khai thác và phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Nội dung xã hội hóa phải được biểu hiện ra ở ba phương diện:

Về cơ chế bộ máy nhân lực cho sự quản lý và điều hành chuyên môn. Về kinh phí xây dựng và hoạt động chuyên môn.

Về chương trình hoạt động chuyên môn.

Khi chủ thể nào đứng ra tổ chức và điều hành hoạt động văn hóa , thì chủ thể ấy phải lo đảm đương cả ba phương diện, dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn,

điều phối và quản lý chung của nhà nước. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, chủ thể nhà nước cần phải đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức mọi quá trình hoạt động văn hóa, nhưng đứng trước xã hội và pháp luật, các thành phần chủ thể xã hội khác nhau đều được quyền bình đẳng.

Trong lĩnh vực di sản cổ vật gốm sứ, việc khai thác chủ yếu do nhà nước quản lý thông qua luật di sản năm 2001 và các văn bản dưới luật khác, xong một thực tế cho thấy là nhà nước đã xã hội hóa công tác này rất có hiệu quả, nhiều cuộc đấu giá cổ vật quốc tế trong đó có cổ vật gốm sứ Việt Nam đã được các nhà sưu tầm trong nước và Việt kiều ngoài nước tham dự và đã mang về làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của họ, mặt khác cũng là góp phần gìn giữ tài sản quý báu của ông cha.

Nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, giao lưu, đấu giá cổ vật đã được tổ chức cả trong và ngoài nước, nhiều bảo tàng tư nhân xuất hiện, nhiều nhà sưu tầm, nhiều bộ sưu tầm cổ vật… đã là những hành động thiết thực nhằm phát huy và quảng bá giá trị văn hóa cho di sản văn hóa Việt Nam.

2.2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC SƯU TẦM CỔ VẬT GỐM SỨ

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 49 - 52)