Di sản cổ vật là một bộ phận của văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 36 - 40)

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về cả tư duy, nhận thức, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa và thực hiện xã hội hóa sự nghiệp này… Di sản văn hóa đã và đang hành trình cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Với những tài liệu khảo cổ học đã tìm được, chúng ta thấy rằng khu vực phân bố cơ bản của văn hóa Đông Sơn là khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Địa bàn đó nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Những miền ngoài Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn hoặc có những di vật lẻ tẻ của văn hóa Đông Sơn.

Văn hóa Đông Sơn là văn hóa của người Lạc Việt mà như chúng ta đã biết, người Lạc Việt là tổ tiên của người Việt hiện đại; cho nên cái kết luận hiển nhiên và chặt chẽ có thể rút ra được là chủ nhân văn hóa Đông Sơn chính là tổ tiên của người Việt hiện đại.

Trước văn hóa Đông Sơn có văn hóa Gò Mun. Trước văn hóa Gò Mun là văn hóa Đồng Đậu và trước văn hóa Đồng Đậu là văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa nói đây là văn hóa khảo cổ. khái niệm “văn hóa khảo cổ” được hiểu như một tập hợp di tích đồng tính chất, phân bố vào một khu vực nhất định, tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.

Các văn hóa từ Phùng Nguyên đến Gò Mun phân bố chủ yếu trong các lưu vực sông Hồng, ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. có thể nhìn ra được sự khác biệt này qua nhiều đặc điểm văn hóa. Đặc biệt, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng những văn hóa này qua đồ gốm. Khi cầm trong tay những đồ gốm có miệng loe rộng ra ngoài, bên trong thành miệng có trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn ngoài đồ gốm thường là văn “nan chiếu”, loại hoa văn được tạo nên bằng một bàn dập cuộn dây thực vật, ta biết đó là những di vật của văn hóa Gò Mun. Ta có thể nhận ra các di tích văn hóa Đồng Đậu với những đồ gốm có đồ án hoa văn gồm những đường song song, tạo nên bởi cái que có nhiều răng như cái bút kẻ khuông nhạc ngày nay. Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên lại bày ra trước mắt chúng ta những đồ án trang trí có nhiều đường cong, giữa những đường vạch chìm là những chấm nhỏ li ti đều và thẳng hàng.

Đó chỉ là một vài đặc điểm, chưa phải toàn bộ, đủ cho chúng ta phân biệt các văn hóa này với nhau. Nhưng sự khác biệt giữa văn hóa Tiền Đông Sơn cũng như sự khác biệt giữa các văn hóa này với văn hóa Đông Sơn không hề phá vỡ tính liên tục giũa chúng.

Hiện nay, chúng ta có thể chứng minh sự phát triển liên tục các văn hóa này qua nhiều mặt. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những dịa điểm quan trọng có tầng văn hóa dày, trong đó các di tích của văn hóa này chồng trực tiếp lên nhau không có lớp trống ngăn cách. Chẳng hạn ở địa điểm Đồng Đậu (Vĩnh Phú), lớp dưới mang tính chất trung gian giữa văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đồng Đậu, lớp giữa là văn hóa Đồng Đậu và chồng lên lớp này là văn hóa Gò Mun. Ở địa điểm Đình Chàng (Hà Nội), lớp dưới cùng là văn hóa Đồng Đậu, lớp trên là lớp văn hóa Gò Mun, sau đó chủ nhân văn hóa Đông Sơn lại chôn vào di chỉ Gò Mun những ngôi mộ của họ. Ngoài những địa điểm có di tích ba văn hóa như Đồng Đậu và Đình Chàng, chúng ta biết đến khá nhiều địa điểm hai di tích văn hóa chồng lên nhau và những địa điểm mang di tích có tính chất hỗn hợp giữa hai văn hóa. Nhờ những địa điểm như vậy, chúng ta thấy được rằng phổ hệ Phùng Nguyên- Đồng Đậu- Gò Mun- Đông Sơn mà các nhà khảo cổ học đã dựng lên là chính xác. Trật tự sớm muộn của các văn hóa này còn được xác định bằng các niên đại cacbon phóng xạ.

Các văn hóa này không chỉ nối tiếp nhau trong thời gian mà chính là từ văn hóa này đã phát triển thành văn hóa kia. Qua sự phát triển bất kì một loại hình di vật nào chúng ta cũng có thể thấy rõ tính liên tục. Chúng ta thấy sự gần gũi giữa mũi giáo đá Phùng Nguyên với mũi giáo đồng trong các nền văn hóa sau. Sự phát triển liên tục như vậy cũng có thể nhận ra ở đồ trang sức. Loại vòng đồng rỗng có bản rìa xung quang rộng tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn gần như là sao y nguyên bản loại hình vòng đá Đồng Đậu, và đến lượt loại vòng đá này lại bắt nguồn từ những vòng đá thiết diện chữ T trong

văn hóa Phùng Nguyên. Chiếc vòng đồng có bốn mấu xung quanh, tìm thấy ở địa điểm Đông Sơn có khởi hình là chiếc vòng bốn mấu bằng đá có mặt ở cả ba văn hóa trước Đông Sơn. Có thể kể ra nhiều hơn những thí dụ tương tự. tính liên tục cũng thể hiện rõ ràng ở sự phát triển của đồ gốm. Nhiều hoa văn trang trí trên đồ đồng Đông Sơn rất giống với hoa văn trên đồ gốm Gò Mun hay Phùng Nguyên. Không những chỉ có sự gần gũi về đồ án hoa văn mà có cả sự gần gũi về bố cục hoa văn. Người Đông Sơn đã tiếp thu từ chủ nhân văn hóa trước đó không ngừng chỉ “từ vựng” hoa văn mà còn cả “ngữ pháp” hoa văn. Sự phát triển liên tục của đồ gốm còn thể hiện ở hình dạng. Một số đồ gốm ở các văn hóa tiền Đông Sơn còn là hình mẫu đầu tiên cho những đồ đựng bằng đồng trong văn hóa Đông Sơn.

Một loại di vật bằng đất nung, có hình dáng kì lạ, được các nhà khảo cổ học Việt Nam gọi bằng cái tên đã quen nhưng không chính xác là “chân dò” hay “chạc gốm”, đã tồn tại rất phổ biến trong tất cả địa điểm từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn. Công dụng của loại hiện vật này hiện còn là điều bí ẩn đối với các nhà khảo cổ học nhưng sự tồn tại phổ biến của nó đã làm thành một thứ tiêu chí dân tộc học để nhận ra mối quan hệ bà con giữa các văn hóa trên.

Thế là cho đến nay, đã có nhiều chứng cứ chắc chắc để chứng minh cho sự phát triển liên tục từ văn hóa Phùng Nguyên qua các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Những chứng cứ này cũng đồng thời nói lên rằng văn hóa Đông Sơn là văn hóa bản địa, phát triển lên từ văn hóa trước nó. Như vậy, chủ nhân văn hóa Đông Sơn không phải từ bên ngoài thiên di tới Việt Nam. Chủ nhân văn hóa Đông Sơn mà các thư tịch cổ chép là người Lạc Việt chỉ là con cháu của chủ nhân các văn hóa Tiền Đông Sơn trước đó.

Những văn hóa Tiền Đông Sơn cùng với văn hóa Đông Sơn hợp thành một hệ thống văn hóa, có thể gọi là hệ thống văn hóa sông Hồng, hay nói một nghĩa rộng là văn minh sông Hồng. Các văn hóa đã nói đến thực chất là

những bước phát triển khác nhau của văn minh này. Khi đã thừa nhận người Lạc Việt, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn là tổ tiên của người Việt - hay Việt - Mường - hiện tại, thì rõ ràng phải tìm cội nguồn của người Việt trong hệ thống văn hóa sông Hồng.

Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, Di sản cổ vật là một phần tất yếu không thể thiếu của di sản văn hóa. Chính bản thân các cổ vật, trong đó có cổ vật gốm sứ, đã là những minh chứng cụ thể, sống động và hết sức khách quan cho tiến trình lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, và như vậy di sản cổ vật là một bộ phận của văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 36 - 40)