Công tác bảo tồn và lưu giữ.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 42 - 49)

Việc bảo tồn văn hóa dân tộc đã được đặt ra từ lâu, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, chủ yếu là trên phương diện thực hành, tức là công việc sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu và công bố tư liệu về di sản văn hóa; còn việc nghiên cứu lý thuyết về phương diện này chỉ gần đây mới được giới khoa học lưu ý.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trước đây là công việc thuộc phạm vi những quốc gia, nhưng từ thập kỉ sáu mươi trở lại đây, nó đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế. Dưới đây tôi xin trình bày trình tự các vấn đề đó:

Trong phạm vi thế giới:

Vào thập kỉ 60 xuất hiện một sự kiện quan trọng là nước Ai Cập dự định xây dựng đập nước Aswan trên sông Nil. Hậu quả của việc xây dựng đập nước sẽ làm cho toàn bộ đền đài son ở Nubia bị nhấn chìm trong dòng nước. Cộng đồng thế giới nhận thấy nếu mất đi những đền đài son kính này sẽ là tổn thất nặng nề không chỉ đối với hai nước Ai Cập và Xu Đăng, mà còn là thiệt thòi cho cả nhân loại. Người ta còn biết rằng việc cứu trợ các di sản quý báu trên đây, đòi hỏi có một nguồn kinh phí to lớn, vượt quá khả năng của hai nước hữu quan. Do đó, ngày 8/3/1960, ông René Maheu, Tổng giám đốc UNESCO đã phát đi lời kêu gọi và sau đó thu được 30 triệu đô la, đóng góp và quỹ cứu trợ các ngôi đền của Nubia.

Cũng vào thời gian này, trên thế giới xuất hiện nhiều tiếng nói đòi bảo vệ môi trường thiên nhiên và giữ gìn di sản văn hóa. Phong trào ngày càng lớn mạnh đẩy tới sự ra đời của công ước về di sản thế giới (bao gồm di sản thiên nhiên và di sản văn hóa). Công ước giống như bản tuyên bố chung đã được Hội đồng UNESCO có đại biểu của 112 quốc gia tham gia thông qua vào năm 1970. Công ước khẳng định: các tác phẩm của con người và các tác phẩm của thiên nhiên hợp thành vốn di sản duy nhất cần được bảo vệ chu đáo. Các quốc gia tham gia công ước có quyền lập ra cho quốc gia mình một danh mục tài sản, đủ tiêu chuẩn thì được xếp vào “ Danh mục di sản thế giới”, một Ủy ban di sản thế giới được thành lập. Đó là cơ quan liên Chính phủ gồm đại diện của 21 nước tham gia công ước, được luân phiên bầu vào. Dựa vào báo cáo của hai tổ chức phi Chính phủ là Hội đồng quốc tế về các đền đài và di chỉ (gọi tắt là ICOMOS) và Liên hiệp quốc tế bảo tồn thiên nhiên (gọi tắt là IUCN), Ủy ban sẽ nghiên cứu hồ sơ hàng năm quyết định việc công nhận di sản thế giới. “ Tính đến ngày 1/1/1995 đã có 140 quốc gia tham gia công ước. Cho đến nay đã có 440 di sản của 99 nước nước được công nhận là di sản thế giới. Trong số này có 326 di sản văn hóa, 97 di sản thiên nhiên và 17 di sản tổng hợp.

Riêng đối với nước ta, tháng 12/1993 cố đô Huế được xếp vào danh mục tài sản văn hóa thế giới và đến tháng 12/1994 Vịnh Hạ Long được xếp vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới.

Ngoài ra, cũng vào năm 1994 tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã phối hợp với Ủy ban UNESCO của Việt Nam mở Hội nghị quốc tế các chuyên gia, nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Hội nghị đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18/3/1994 thảo luận các vấn đề bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam, và tại Huế từ ngày 20 đến ngày 24/3/1994 cũng thảo luận vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nhã nhạc cung đình Huế.

Trong vòng 50 năm kể từ khi thành lập tới nay, tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã tập trung hoạt động, hướng vào lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Nhiều cuộc vận động quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO đã được triển khai, nhằm cứu vãn, bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của nhân loại. Các hoạt động này đã gây được tiếng vang và thu hút được sự chú ý của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy vậy, các cuộc vận động ấy mới chỉ nhằm vào việc tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa mang tính chất vật thể. Trong khi đó, trong vòng hai thập kỉ qua, nhiều quốc gia thành viên của UNESCO đã nhận thấy tác động to lớn của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, làm cho văn hóa đa dạng của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng đang có nguy cơ bị mai một và mất đi bản sắc truyền thống của nó. Người ta đang thật sự lo ngại về một kiểu “đồng phục” cho mọi nền văn hóa trên thế giới. Vì thế, từ thập kỉ 80 trở lại đây, UNESCO đã triển khai một chương trình hành động với chủ đề “ Bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể”. Các cuộc hội thảo khoa học tiến hành ở Hà Nội và Huế vừa qua là nhằm vào ý đồ ấy.

Phạm vi trong nước:

Ngay từ xa xưa, giới quý tộc phong kiến thời xưa đã có quan tâm đặc biệt đối với việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, nhất là các di sản liên quan đến tôn miếu nhà vua. Ở nước ta, bộ Luật hình Triều Lê (còn gọi là luật Hồng Đức) nêu 4 điều cấm vi phạm đối với tài sản văn hóa. Xin nêu 2 điều làm ví dụ:

Điều 431 viết: Ăn trộm những đồ thờ trong lăng miếu và tượng thánh, áo mũ thờ thì đều xử chém, điền sản bị tịch thu xung công. Người giám thủ không biết để mất trộm thì phải tội biếm hay tội đồ.

Điều 443 viết: Kẻ lấy trộm và phá các tượng thần Thiên Tôn (tức Trời – vị thần của Đạo giáo) đều phải tội như tội ăn trộm tượng phật và phải đền gấp 3 lần số tổn hại, nộp vào kho của của đền ấy. Nếu chính các người đạo sĩ, nữ quan, sư ni mà ăn trộm phá tượng thì xử nặng thêm một bậc.

Thời Lê còn có một văn bảo gọi là Lê Triều giáo hóa điều luật tứ thập thất điều (47 điều dạy dân dưới triều Lê), trong đó điều 37 ghi:“Phàm lăng miếu của các triều đại, từ đường, phần mộ của các vị công thần, thì không đ ược chặt phá cây cối ( mọc trên các nơi đó), không được thả trâu bò để chúng dày đạp phá hoại, những mồ mả của cố nhân dù rằng không có ai nhìn nhận cũng phải giữ lấy di tích, không được phá hoại. Kẻ nào xâm phạm tới, nên bắt dẫn trình quan để trị tội”

Để giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc, triều đình đã tiến hành phong sắc cho các vị thành hoàng làng. Thư tịch đời Lê cho biết có vào khoảng 2511 vị thần được phong sắc, chia làm 3 cấp: thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần. Mỗi vị thần thường gắn với một danh lam vì thế cũng phân ra đại danh lam, trung danh lam và hạ danh lam tương ứng.

Đối với vấn đề giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, chính quyền thực dân Pháp cũng có những việc làm đáng ghi nhận. Vào cuối thế kỉ thứ XIX, một nhà cổ ngữ học người Pháp tên là Lu-i Finô (Louis Finot) đã sang khảo sát tại Đông Dương. Ông cùng với Đờ La - giông - ki - e – ơ (sau này làm giám đốc trường Mỹ thuật Đông Dương) tiến hành cuộc khảo sát từ Nam ra Bắc trên đất nước ta. Các ông đã nghiên cứu các di tích của người Chàm, như khảo sát tháp PoKham Garai ở Phan Rang (Ninh Thuận), tháp PoNagar ở Nha Trang (Khánh Hòa), nghiên cứu các đền miếu quanh thành Chà Bàn ở Bình Định, tìm hiểu các đền đài, miếu tháp tại Đông Dương, Mỹ Sơn, Trà Kiệu ở Quảng Nam, động Phong Nha ở Quảng Bình.

Ngày 15/1/1900 Fi – nô đến Hà Nội, ông đã gặp toàn quyền Đông Dương, đặt vấn đề phải tiến hành xếp hạng, để bảo tồn các di tích lịch sử trên đất nước ta. Sau đó ông đi Hưng Hóa, Điện Biên rồi sang Lào. Fi- nô còn gửi báo cáo về Viện hàn lâm khoa học Pháp để thúc đẩy công việc. Nhờ đó mà năm 1909 một nhà bảo tàng đầu tiên ở Đông Dương mở cửa tại Hà Nội. Bảo

tàng trưng bày một số cổ vật do các nhân viên Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm tại các nước Đông Nam Á. Trong thời kì thống trị của thực dân Pháp, phủ toàn quyền Đông Dương đã ban hành quyết định công nhận 404 di tích của Việt Nam( tính đến năm 1930), 670 di tích của Campuchia và 72 di tích của Lào.

Trên mảnh đất của nhà bảo tàng cũ, ngày 17/3/1932 đã khánh thành nhà bảo tàng mới, mang tên Lu-i Fi-nô, ngày nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng: di sản văn hóa dân tộc là những tài sản thuộc về nhân dân, để tỏ ra tôn trọng nhân dân cho nên Nhà nước dù là phong kiến hay thực dân, cũng đều biểu thị thái độ trân trọng đối với di sản văn hóa dân tộc.

Dưới thời Nhà nước Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc càng được xem trọng. Cách mạng tháng Tám vừa thành công, trong lúc đất nước còn đang bị đe dọa bởi “thù trong, giặc ngoài”, thì ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 65/SL_CTP về bảo tồn cổ tích. Sắc lệnh đã nhấn mạnh việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết của nhà nước. Sắc lệnh coi toàn bộ di tích lịch sử văn hóa của nhà nước là tài sản của nhân dân, nghiêm cấm việc phá hoại đình chùa, đền miếu và những nơi thờ tự khác, bia kí, văn bằng có ích cho lịch sử. Sắc lệnh còn quy định Nhà nước chi ngân sách cho việc bảo vệ và tu sửa di tích và công nhận các khoản trợ cấp cho Đông Dương Bác Cổ học viện.

Tiếp theo Sắc lệnh của Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 519/TTg ngày 19/10/1957 về bảo tồn di tích. Văn bản đã xác định rõ đối tượng và các nhiệm vụ căn bản của công tác bảo tồn bảo tàng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của thời kì ấy.

Suốt trong hai cuộc kháng chiến, việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc thường gắn với việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất

của dân tộc. cho nên công việc bảo tồn bảo tàng lúc nào cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm thích đáng. Sau khi tiếp quản Viễn đông Bác cổ do người Pháp bàn giao (1956), chúng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng hệ thống bảo tàng lịch sử và Bảo tàng cách mạng ở Trung ương cũng như các địa phương có điều kiện. Và ngày 24/6/1966 Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chào đời giữa những ngày chống Mỹ ác liệt nhất.

Cùng với sự ra đời của hệ thống nhà Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, hàng loạt cơ quan văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản và nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc như: Vụ Bảo tồn – bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, các Vụ nghệ thuật, cục âm nhạc và múa, Cục nghệ thuật sân khấu, các Trường văn hóa nghệ thuật, các viện Văn hóa nghệ thuật thuộc ngành văn hóa thông tin, các Viện ngôn ngữ và khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa dân gian thuộc Ủy ban khoa học xã hội nay là Trung tâm Khoa học và xã hội nhân văn quốc gia, các hội văn học, nghệ thuật , sử học văn hóa dân gian… ra đời trong thời kì này. Có thể nói: ngay trong thời kì kháng chiến, ở nước ta đã hình thành mạng lưới cơ quan văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Một số công trình tiêu biểu như các bộ lịch sử văn hóa Việt Nam, Văn học Việt Nam, lược khảo về thần thoại, về ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích, kịch dân tộc, âm nhạc dân tộc, các tập trường ca Đam San Nhã, Đẻ đất đẻ nước là kết quả của việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc thời kì kháng chiến.

Cũng phải kể thêm là ở miền Nam trước ngày giải phóng, phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc với tên gọi “trở về nguồn”, “tìm về dân tộc” được nuôi dưỡng như một sự thức tỉnh dân tộc, cùng một số trí thức văn nghệ sĩ ưu tâm với văn hóa dân tộc, như các nhà văn Sơn Nam, Vũ Hạnh, các nhà sưu khảo cổ như Vương Hồng Sển, Toan Ánh, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, Thanh Lãng, Nguyễn Bạt Tụy… đã góp phần bảo vệ dân tộc trước sự áp đảo của lối sống phương Tây.

Sau ngày giải phóng miền nam, đất nước thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc được các cơ quan lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII trình bày tại đại hội lần thứ VIII, phần nói về di sản văn hóa có đoạn viết “ … Kế thừa và phát huy các giá trị về đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của đất nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy tryền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp, ý thức về cội nguồn và lòng tự hào dân tộc.”

Về phương diện quản lý, công việc trùng tu, chống xuống cấp cho các di tích lịch sử, cách mạng và danh thắng được đặt thành một trong ba chương trình công tác trung tâm của Bộ văn hóa- Thông tin. Việc bảo vệ di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh trở thành nghĩa vụ của công dân đã ghi vào các văn bản pháp lý của nhà nước.

Ngày 4/4/1984 Hội đồng nhà nước ban hành pháp lệnh số 14/LCT- HĐNN về “ bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh”. pháp lệnh quy định trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, chấp hành các chế độ quy định của nhà nước về các đối tượng này.

Để bảo vệ hiệu quả pháp lý cho pháp lệnh, điều 216 trong bộ luật hình sự của nước ta ban hành năm 1990 viết “người nào vi phạm các quy định về bảo tàng và sử dụng các di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hiệu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.”

Điều 34 trong hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 cũng nói: “Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử, cách mạng, các công trình nghệ thuật và danh lam thắng cảnh”.

Song song với việc công bố các văn bản pháp lý, nhà nước cho tiến hành việc lập hồ sơ và công nhận di tích. Tính đến 30/9/1996 Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận 2102 di tích, bao gồm:

1062 di tích lịch sử, trong đó có 328 di tích tích lịch sử cách mạng. 962 di tích kiến trúc nghệ thuật.

20 di tích khảo cổ học

58 di tích danh lam thắng cảnh.

Trong đó có 109 di tích thuộc loại đặc biệt quan trọng của Nhà nước. Đây là biện pháp tích cực đối với việc bảo vệ tài sản văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy giá trị di sản cổ vật gốm sứ ở nước ta hiện nay ( Qua khảo sát Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình (Trang 42 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w