- Cần tập trung hơn nữa vào việc tăng cường năng lực và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ tham gia quản lý tài chính vì đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định tiến độ giải ngân của dự án. Một trong những bộ phận cần có biện pháp tăng cường năng lực và kiện toàn bộ máy là các cán bộ tài chính kế toán của các Ban PPMU tỉnh. Do số lượng cán bộ tài chính kế toán của các Sở NN& PTNT có hạn nên các tỉnh cần phải có chính sách để đào tạo, thành lập một đội ngũ chuyên quản lý tài chính kế toán của các dự án.
- Do mức lương cơ bản đã được điều chỉnh tăng từ năm 2009 nên cần có sự điều chỉnh về chi phí nhân sự của dự án, đặc biệt là cần xin cấp thêm vốn từ GTZ và Bộ NN&PTNT. Hiện nay BQL đã có công văn gửi lên Bộ nhưng vẫn còn đang trong tình trạng chờ phê duyệt. Tuy nhiên mức lương sau khi tăng chắc chắn vẫn không thỏa đáng, đặc biệt là mức phụ cấp của các cán bộ tỉnh do đó thường gây khó khăn cho việc tuyển dụng và thu hút nhân tài cho dự án. Do đo cần có các quy định linh hoạt hơn về mức phụ cấp, đặc biệt là với các tỉnh vùng sâu vùng xa. Các vùng này cần có mức phụ cấp cao hơn nữa để có thể thu hút cán bộ có năng lực từ các nơi khác đến.
- Cần đơn giản hóa cơ chế lựa chọn nhà thầu và xét duyệt các khoản tín dụng, không nên kéo dài tình trạng có quá nhiều cơ quan cùng tham gia xét duyệt như hiện nay. Có thể hạn chế bớt sự tham gia của ban chỉ đạo dự án và yêu cầu sở xây dựng tỉnh phối hợp cùng với ngân hàng để cùng đánh giá và thống nhất về hồ sơ kỹ thuật của nhà thầu trước khi để ngân hàng đánh giá mảng tài chính và ngân hàng sẽ là người quyết định cuối cùng.
- Cần thống nhất phương pháp quản lý tài chính cho từng PPMU trước khi triển khai dự án sao cho phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ. Do các dự án thường có các dòng chi có
tính chất đặc thù và theo các tỷ lệ rất khác nhau như các cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ cho từng dự án. Tính đặc thù của các dòng chi đòi hỏi cán bộ tài chính kế toán phải đầu tư thời gian và công sức để tìm hiểu nội dung của từng dự án. - Bộ NN&PTNT cần ủy quyền hơn nữa cho BQLDA trung ương để giám đốc dự án có thể tự phê duyệt và quyết định các khoản chi không quá lớn để có thể tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tốc độ giải ngân do đặc điểm dự án nông nghiệp là có nhiều khoản chi nhỏ, khó hạch toán chi tiết. Với các khoản chi phát sinh ngoài thiết kế ban đầu của dự án thì tùy theo quy mô có thể cho phép PPMU, CPMU tự quyết định trước và báo cáo lên cấp trên sau. Bộ NN&PTNT cần định ra hạn mức này để tạo sự linh hoạt trong quản lý và giảm bớt khối lượng công việc cho các cấp trung ương. Điều này là cần thiết vì với các khoản phát sinh nhỏ như vậy thì các cấp trung ương cũng khó hiểu rõ sự cần thiết và mức độ phù hợp với dự án, nếu cố quản lý quá nhiều sẽ dẫn đến việc tốn quá nhiều công sức cho các khoản nhỏ mà không đủ sức làm các vấn đề vĩ mô quan trọng hơn như lập kế hoạch hàng năm, xác định phạm vi dự án, đánh giá dự án…
- Do hầu hết các dự án gần đây đều gặp khó khăn do trượt giá, việc thỏa thuận bù giá cho nhà thầu luôn tốn thời gian nên có thể khuyến khích chính quyền địa phương tạm ứng bằng ngân sách tỉnh để nhà thầu có thể tiếp tục thi công trong lúc chờ các cấp trung ương xét duyệt tỷ lệ bù giá. Tuy nhiên với các tỉnh không dư giả về ngân sách hoặc không nhiệt tình với dự án thì khi Bộ đã đồng ý sẽ có bù giá và đang chờ quyết định về tỷ lệ cụ thể thì dự án có thể bảo lãnh để các ngân hàng nhà nước (như ngân hàng phát triển Việt Nam, ngân hàng chính sách…) đứng ra cho các nhà thầu vay tạm để có thể tiếp tục thi công trong lúc chờ quyết định bù giá.
- Tiến hành các cuộc họp, hội thảo với sự có mặt của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính, đơn vị tài trợ vốn và các cơ quan quản lý khác để bàn về các biện pháp hài hòa hóa thủ tục hành chính và các cơ chế QLDA vốn có nhiều điểm mâu thuẫn giữa chính phủ Việt Nam và đơn vị tài trợ cũng như khả năng vận dụng có hạn của các tỉnh. Một trong các vấn đề
cần làm ngay là việc giảm bớt sự tham gia quản lý của các cơ quan trung ương vào các khoản chi quá nhỏ để vừa tăng tính tự chủ của các tỉnh, vừa giảm bớt gánh nặng công việc cho các cơ quan trung ương, giúp họ tập trung hơn vào việc quản lý vĩ mô, định hướng cho dự án nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ cần có đối với việc quản lý các dự án sử dụng vốn ODA.
- Để có thể đẩy nhanh việc giải ngân vốn vay cho các hộ nông dân và các đơn vị thực hiện dự án thông qua hợp phần tín dụng thì trước hết BQLDA trung ương cần xúc tiến việc thành lập sổ tay hướng dẫn cho vay với các quy định cụ thể về tiêu chuẩn cho vay, thời hạn và lãi suất ưu đãi. Sổ tay này cần được ngân hàng NN&PTNT, Bộ Tài Chính, Ban chỉ đạo dự án và BQLDA trung ương thống nhất quan điểm để không chỉ phù hợp với các điều khoản vay vốn đã ký với GTZ mà còn đảm bảo khả năng thu hồi vốn để có thể lập quỹ quay vòng trong tương lai. Điều này là rất cần thiết vì trong dự án này và cả dự án phát triển chè và cây ăn quả đều từng gặp khó khăn trong việc xác định cơ chế quản lý khoản vốn của hợp phần tín dụng nên đã dẫn đến những chậm trễ không đáng có. Về cơ bản, các khoản cho vay đối với hộ nâng dân thường là các khoản vay không quá lớn nên việc quy định tài sản thế chấp gây nhiều phiền toái và chậm trễ do đó có thể lập ra các quỹ tín dụng do hợp tác xã, hội phụ nữ, hội sản xuất khoai tây quản lý và thực hiện việc quay vòng vốn thay vì để cho ngân hàng thẩm định toàn bộ việc cho vay như hiện nay. Tại những địa bàn nghèo, cả ngân hàng NN&PTNT và Quỹ tín dụng nhân dân nên tiến hành nghiên cứu chi tiết nhằm khai thác các tiềm năng, giảm đi các tài sản thế chấp quy định đối với nông dân nghèo và/hoặc nâng cao quyền sử dụng đất nhằm biến các vùng đất canh tác của họ thành các tài sản có thể thế chấp cho ngân hàng. Trang bị thêm cho nông dân về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và giám sát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo rằng họ có thể phát triển vụ mùa bội thu và giúp họ tiếp thị các sản phẩm của mình và cũng việc trả nợ tiền vay ngân hàng. Mặt khác, đối với việc cho vay với các nhà thầu cũng cần đơn giản hóa cơ chế thẩm định và can thiệp đối với quyết định cho vay. Nếu tiếp tục cơ chế hiện nay thì sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các cơ quan
quản lý: Ban chỉ đạo dự án lựa chọn dựa vào đánh giá của các chuyên viên kỹ thuật của mình; sở xây dựng xem xét dựa vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật của nhà thầu; ngân hàng NN&PTNT đánh giá dựa trên khả năng tài chính; ngoài ra còn có ủy ban nhân dân tỉnh. - Với dự án phát triển chè và cây ăn quả có đặc điểm là có nhiều các khoản vay trung và dài hạn dẫn đến khó xác định khả năng thu hồi vốn cho ngân hàng nhưng ở dự án phát triển sản xuất khoai tây, phần lớn các khoản vay đều là vay ngắn và trung hạn nên có thể áp dụng rộng rãi hình thức cho các quỹ tín dụng nhân dân, hội phụ nữ, hợp tác xã đứng ra vay của ngân hàng NN&PTNT sau đó cho vay lại với các hộ nông dân. Thời hạn cho vay ngắn là một yếu tố giúp dễ dàng hình thành và quản lý quỹ quay vòng. Do đó, trong thời gian tới có thể tăng cường áp dụng phương thức này để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân hợp phần tín dụng.
- Về vấn đề định mức chi tiêu, mặc dù định mức này là do Bộ tài chính và bộ NN&PTNT đề ra, việc kiến nghị và thay đổi sẽ khó khăn và mất thời gian, tuy nhiên BQLDA trung ương có thể đề xuất tăng quỹ lưu động dùng để tạm ứng cho các khoản chi đột xuất vượt quá định mức và cho phép các địa phương được tự quyết với những khoản chi quá nhỏ dưới một mức nào đó và tổng chi vẫn nằm trong mức quỹ lưu động hàng kỳ cấp cho địa phương đó.