II. THỰC TRẠNG CSHTDL PHÚ THỌ
5. Cơ sở hạ tầng bổ trợ
5.1. Hệ thống cung cấp điện
5.1.1. Nguồn điện quốc gia
- Nguồn điện 220Kv được cấp từ hệ thống điện miền Bắc thông qua đường dây 220Kv Hòa Bình – Việt Trì – Sóc Sơn, cấp điện cho trạm 220/110 Việt Trì công suất 125 MVA.
- Nguồn điện 110KV của tỉnh được cấp từ 2 tuyến dây Việt Trì – Đông Anh và Việt Trì – Thác Bà cấp điện cho các trạm 110 KV trên địa bàn tỉnh.
- Nguồn điện tại chỗ: Tỉnh Phú Thọ có duy nhất nguồn điện tại chỗ là nhà máy điện của Công ty Giấy Bãi Bằng, công suất thiết kế 12 – 16 KW.
5.1.2. Lưới điện
- Lưới điện truyền tải gồm:
+ Lưới 220 KV có 3 đường là: Hòa Bình – Việt Trì – Sóc Sơn, Việt Trì – Sơn La và Việt Trì –Yên Bái. Trạm 220 KV Việt Trì thường xuyên vận hành trong tình trạng quá tải.
+ Lưới điện 110 KV, sản xuất từ nhà máy thủy điện Thác Bà đi từ trạm 220 KV Việt Trì tới các trạm 110 KV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cả tỉnh có 5 trạm 110 KV, tập trung chủ yếu ở thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh.
+ Trạm biến áp trung gian 35/6 – 10KV: Trên địa bàn tỉnh có 21 trạm biến áp trung gian với tổng dung lượng là 79.510 KVA.
- Lưới điện trung thế: Lưới điện trung thế trên địa bàn tỉnh có kết cấu hình tia, đang được sử dụng với nhiều cấp điện áp: 35KV, 10KV, 6KV.
5.2. Hệ thống bưu chính viễn thông
Mạng lưới bưu chính viễn thông thời gian gần đây đã được quan tâm phát triển. Số máy điện thoại tăng nhanh, năm 2005, số máy điện thoại đạt 121.700 cái (9,9 máy/100 dân), năm 2007 đạt 547.764 cái ( 40,4 máy/100 dân), tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Đã hình thành và phát triển rộng khắp các dịch vụ Internet, hộp thư thoại,…Chất lượng thông tin liên lạc của tỉnh có bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; mạng điện thoại di động đã phủ sóng đến hầu hết các xã; 100% doanh nghiệp, cơ quan của tỉnh được trang bị máy tính, kết nối Internet, nối mạng nội bộ.
5.3. Hệ thống cấp thoát nước
Hệ thống cấp nước sạch của tỉnh Phú Thọ còn rất hạn chế, chủ yếu nhờ vào 2 nhà máy nước Việt Trì và Phú Thọ, một số thị trấn cũng có trạm cung cấp nước nhưng công suất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nước sạch như: nhà máy nước Thanh Sơn, nhà máy nước Đoan Hùng, nhà máy nước Hưng Hóa, nhà máy nước Lâm Thao và nhà máy nước Hạ Hòa. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống trạm cấp nước nông thôn nằm rải rác ở các xã.
Hệ thống thoát nước của tỉnh mới chỉ đạt 10,5% tổng chiều dài đường, chủ yếu là thoát nước mặt và không qua xử lý. Việc xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa triệt để đã gây ra ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường nói chung. Các bãi chôn lấp rác thải đều chưa hợp vệ sinh, vị trí các nghĩa trang hầu hết chưa hợp lý, chưa đủ khoảng cách vệ sinh gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Hiện nay, chất lượng nước sông Hồng đoạn chảy qua Lâm Thao, thành phố Việt Trì bị ô nhiễm nặng, nhất là vào mùa khô. Sông Lô, sông Đà chưa bị ô nhiễm, là nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất cần được bảo vệ.
Tóm lại, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ du lịch (đường giao thông, các cơ sở hạ tầng bổ trợ) của Phú Thọ khá đầy đủ về quy mô cũng như phần nào đã đáp ứng được về mặt chất lượng cho nhu cầu phát triển du lịch. Hệ thống đường
giao thông đã có sự liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải thiện.
Kết luận: Có thể nói hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh phát triển không đồng bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ tương đối phát triển trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch lại quá nghèo nàn và lạc hậu. Chính sự thiếu đồng bộ này đã khiến du lịch Phú Thọ không thể phát triển đúng với tiềm năng.