Trung Quốc trong việc điều chỉnh chính sách thương mại sau khi gia nhập WTO.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là vấn đề sở hữu trí tuệ. Trung Quốc thực hiện bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, ngăn cấm và xử lý tội giả mạo, ăn cắp bản quyền. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng khi xuất khẩu hàng hóa vào thì trường Trung Quốc đăng ký thương hiệu thương mại ở Trung Quốc tránh được tình trạng mất thương hiệu. Tuy nhiên đây cũng là một khuyến cáo, đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu thương mại và bản quyền tác giả cho chính mình.
Tóm lại, việc tìm hiểu về thị trường Trung Quốc, nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng cũng như những quy định về nhập khẩu là một việc cần thiết giúp Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam thấy được điểm mạnh, yếu, khó khăn, thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường này. Từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc.
1.2.2. Vai trò của thị trường Trung Quốc đối với quan hệ thương mại toàn cầu cầu
Ngày 1/10/1949, tại quảng trường Thiên An Môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông – nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đã long trọng tuyên bố nước CHND Trung Hoa ra đời. Từ một nước phong kiến nông nghiệp lạc hậu, nhân dân nghèo đói, sau 59 năm trải qua những thăng trầm do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trung Quốc ngày nay đã trở thành cường quốc không chỉ riêng khu vực Đông Á mà trên cả phạm vi toàn cầu. Trung Quốc đã trở thành “con rồng mới”, “hiện tượng thần kỳ mới” về sự phát triển nhanh và xếp hạng cao trong
nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc được thể hiện là đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và liên tục 29 năm qua đều duy trì ở chỉ số trên dưới 10% bình quân hàng năm, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa với chiến lược bốn hiện đại hóa do nhà lãnh đạo Đặng Tiển Bình khởi xướng năm 1979. Chính vì thế tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng mạnh và tăng rất nhanh qua các năm. Năm 1975, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1% GDP thế giới, đến năm 2006, đã chiếm đến 6%, và nếu tiếp tục phát triển ổn định, kinh tế Trung Quốc vào năm 2020 sẽ chiếm từ 12 – 15% GDP toàn cầu. Đặc biệt, năm 2007 tăng trưởng 13%, với quy mô GDP đạt mức 25.731 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3.380 tỷ USD), đã đưa Trung Quốc vươn tới vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, vượt qua Đức, GDP của Đức năm 2007 chỉ là 2.424 tỷ Euro, tương đương 3.320 tỷ USD.như vậy, kinh tế Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản, và lớn thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản.
Việc Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu là một trong những nhân tố góp phần duy trì sự tăng trưởng của thương mại quốc tế. Trung Quốc hiện là nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đa dạng hơn và sự thâm nhập sâu hơn vào thị trường của các nước công nghiệp, diễn ra cùng làn sóng nhập khẩu của Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự chuyên môn hóa khu vực. Hiện nay, Trung Quốc trở thành một trong những điểm xuất nhập khẩu quan trọng nhất của hầu hết các nước châu Á. Sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Trung Quốc là một sự kiện có tính chất bước ngoặt đối với khu vực và cả nền kinh tế toàn cầu.