- Quá trình sản xuất:
Cà phê quả tươi sau khi thu hoạch qua quá trình sơ chế sẽ cho ta cà phê nhân. Ở Việt Nam chế biến cà phê nhân thường theo 2 phương pháp đó là chế biến theo phương pháp ướt và phương pháp chế biến khô.
Phương pháp chế biến ướt bao gồm các công đoạn thu lượm quả tươi đem lọc và rửa sơ bộ để loại bỏ đất, que, lá cây, đá... sau đó đến xát vỏ để loại bỏ vỏ
rồi đến đánh nhớt, sau đó lên men ngâm rửa rồi đem phơi khô. Phương pháp chế biến khô là cà phê tươi để phơi khô không cần qua khâu sát tươi.
Từ cà phê nhân qua quá trình chế biến công nghiệp sẽ cho ta các sản phẩm cà phê tinh chế như là cà phê rang xay pha phin (cà phê bột) hay các sản phẩm cà phê hoà tan, cà phê sữa... Hiện nay cà phê hòa tan được chế biến theo hai phương pháp: sấy phun (spray-dried) và đông lạnh (frezzed). Các chất tan của hạt cà phê được cô đặc và sản phẩm có dạng các bóng hơi nhỏ li ti hoặc các hạt, mảnh nhỏ. Chất lượng cà phê hòa tan được thể hiện một phần ở tính hòa tan. Nếu cà phê hòa tan bị lắng cặn khi pha là cà phê chất lượng kém. (Chưa kể đến các yếu tố cảm quan khác như hương, vị...)
- Các nhà sản xuất và chế biến cà phê lớn ở Việt Nam:
Trong những năm gần đây ở Việt Nam, cả hai sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan của các thương hiệu Cafe Moment, Vinacafe, Nescafe, Trung Nguyên đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.
Tuy nhiên nếu nói đến thị trường cà phê hòa tan, cần nói đến hai doanh nghiệp chế biến cà phê hoà tan lớn là Nestlé với nhãn hiệu Nescafé và Vinacafé Biên Hòa với nhãn hiệu Vinacafé. Cà phê hòa tan có đặc điểm chung là hơi chua. Ở Vinacafé, tính chất này đã được xử lý, vì thế cà phê hòa tan Vinacafé ít chua nhất, được đánh giá là phù hợp với gu sở thích cà phê của người Việt Nam.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường của trung tâm nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ (Taylor Nelson Sofrees - TNS năm 2004) thì Vinacafé chiếm 50,4%, Nescafé 33,2%, các nhãn hiệu khác 16,4%.
Năng suất chế biến cà phê hoà tan của nhà máy Vinacafé khoảng 1.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) cho biết, trong
năm 2006, hơn 500 tỷ đồng được đầu tư xây dựng mới và mở rộng năng lực sản xuất của 3 nhà máy chế biến cà phê tại Biên Hoà, Bình Dương và Gia Lai. Dựa trên lợi thế về chất lượng sản phẩm, giá, uy tín, thương hiệu các sản phẩm hoà tan, Vinacafe Biên Hoà sẽ đầu tư mở rộng quy mô nhà máy chế biến cà phê hoà tan với công suất 3.200 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước (sản lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu đạt từ 45 – 50%). Ngoài ra, sẽ đầu tư xây lắp 2 nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao tại các tỉnh Bình Dương và Gia Lai, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 108 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện để Vinacafe chủ động thu mua, chế biến, tiêu thụ và gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu qua chế biến chất lượng cao, tiến tới thực hiện vai trò định hướng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Năm 2008, Vinacafé Biên Hoà xuất khẩu các sản phẩm cà phê hoà tan đạt kim ngạch hơn 1 triệu đô la Mỹ. Sản lượng chế biến trong năm ngoái đã đạt 100% công suất của nhà máy, trong đó 40 - 50% sản lượng cà phê hoà tan và 20% sản lượng cà phê sữa được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước.
Như vậy ta có thể thấy nổi bật hơn cả trong thị trường cà phê chế biến ở Việt Nam đó là các sản phẩm của Vinacafé và Trung Nguyên, những doanh nghiệp thuần Việt tiên phong trong việc sản xuất và chế biến cà phê. Ngoài ra cũng phải kể tới nhãn hiệu Cafe Moment của Vinamilk và Nescafé của Nestlé hiện chiếm thị phần khá lớn trong nước với nhiều các sản phẩm như Cafe Moment hay “cà phê Việt” - loại cà phê đen hòa tan không đường của Nescafé rất được ưu chuộng…cũng góp phần đưa tên tuổi của cà phê Việt Nam tới người tiêu dùng ở các thị trường trên thế giới.