Ngoài ra còn có 1 số chỉ tiêu khác như các kênh phân phối, dịch vụ sau bán hàng, các hoạt động marketing, quảng cáo, khuyến mại hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm, môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý…
- Hệ thống phân phối: giải quyết vấn đề hàng hoá dịch vụ được đưa đến người tiêu dùng như thế nào. Các doanh nghiệp tổ chức và quản lý hoạt động phân phối thông qua các hệ thống kênh phân phối (con đường mà hàng hoá được lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng). Để hoạt động tiêu thụ sản phẩm được diễn ra thông suốt, thường xuyên và đầy đủ doanh nghiệp cần phải lựa chọn các kênh phân phối, nghiên cứu các đặc trưng của thị trường, của khách hàng. Từ đó có các chính sách phân phối sản phẩm hợp lý, hiệu quả, đáp ứng
nhu cầu của khách hàng. Chính sách phân phối sản phẩm hợp lý sẽ giúp tăng nhanh vòng quay của vốn, thúc đẩy tiêu thụ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
- Các hoạt động hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm: là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Việc lựa chọn thị trường tiêu thụ tốt kết hợp với các chính sách marketing, quảng cáo, khuyến mại…hợp lý chắc chắn sẽ đem lại những ưu thế rõ nét cho sản phẩm. sản phẩm được sản xuất ra cần thiết phải có những hoạt động này thì mới có thể đến được với tay người tiêu dùng.
- Các dịch vụ kèm theo: Trong hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính cạnh tranh cao như hiện nay, vai trò của các dịch vụ kèm theo hàng hoá ngày càng quan trọng. Nó bao gồm các hoạt động trong và sau bán hàng như vận chuyển, bao gói, lắp đặt, bảo dưỡng, bảo hành, tư vấn... Cải tiến dịch vụ cũng chính là nâng cao chất lượng hàng hoá sản phẩm. Do đó phát triển hoạt động dịch vụ là rất cần thiết, nó đáp ứng mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn, tạo ra sự tín nhiệm, sự gắn bó của khách hàng đối với doanh nghiệp đồng thời giữ gìn uy tín của doanh nghiệp. Từ đó sản phẩm có thể thu hút được khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.