Với phương án thiết kế đập tràn và dốc nước công trình hồ chứa nước Earớt, trên mô hình thuỷ lực đã tiến hành thí nghiệm với 5 chế độ lưu lượng xả lũ từ 300 ÷ 695.83m3/s (lưu lượng lũ kiểm tra) nhận thấy:
(1) Về khả năng tháo lũ: Với cao trình đỉnh ngưỡng tràn chọn ∇496.0m và kích thước chiều rộng các khoang tràn (b=7.0m), khi xả lưu lượng lũ thiết kế và lưu lượng lũ kiểm tra đều đảm bảo, mực nước trong hồ theo thí nghiệm thấp hơn mực nước thiết kế tính toán là 0.35÷0.36m. Như vậy là an toàn cho đập chính (đập đất và công trình đập tràn. Từ đó thấy rằng cao độ đỉnh ngưỡng tràn, chiều rộng khoang tràn theo thiết kế đã chọn là hợp lý.
+ Với điều kiện địa hình và địa chất dưới nền công trình dốc nước đã chọn i=10% là phù hợp.
+ Với số liệu thí nghiệm chiều dài nước nhảy lớn nhất là 33.0m nên chiều dài bể tiêu năng chọn 35.0m là thiên lớn.
Tuy nhiên, từ kết quả thí nghiệm mô hình thuỷ lực nhận thấy: Về tình hình thuỷ lực còn một số điểm bất lợi thể hiện là:
+ Khi xả lưu lượng lũ Q= 500 ÷ 695.83m3/s dòng chảy ở hai bên tường cánh đầu tràn có dòng chảy tạt ngang vào cửa tràn, nên ở cửa hai khoang tràn bên bị nhiễu loạn tạo ra co hẹp bên lớn.
+ Với hình dạng đầu vào và đuôi trụ pin giữa thiết kế theo dạng tròn sẽ sinh ra nước dềnh cao ở đầu trụ pin, còn ở đuôi trụ pin sinh ra dòng tia mạnh phóng xuống đầu đoạn dốc nước dài tới 13.0m cao đến 2.50÷3.0m gây ra sóng giao thoa trên dốc nước.
+ Với hình thức gắn nhám dày đặc trên dốc nước chỉ trong trường hợp công trình trình tháo lũ có nhiệm vụ phải thả bè (bè luồng, bè nứa hay bè gỗ) thì mới nên gắn nhám, còn bình thường xả lũ không nên gắn nhám bởi lẽ gắn nhám chỉ làm tăng thêm độ sâu dòng chảy ở đoạn dốc thứ hai, giảm bớt giá trị lưu tốc chỉ được gần 1.0m/s nên hiệu quả gắn nhám không cao mà thi công thêm phức tạp.
+ Đoạn chuyển tiếp cuối dốc nối với bể tiêu năng tuy là thiết kế theo đường cong nước rơi nhưng xoải và dài tạo ra dòng chảy mạnh ở trên mặt bể tiêu năng sinh ra sóng lớn đối với đoạn kênh xả lũ hạ lưu. Mặt khác do tạo nhám ở đoạn cuối dốc thứ hai có dạng sóng lướt lại gia tăng thêm dòng chảy mặt ở bể tiêu năng.
+ Dạng nước nhảy đầu bể tiêu năng có dạng nhảy mặt, mặt cắt đầu nước nhảy ở ngay trên đoạn cong chuyển tiếp. Phạm vi nước nhảy nằm một phần ở đoạn cong chuyển tiếp, một phần ở bể tiêu năng nên hiệu quả tiêu năng thấp, chỉ đạt xấp xỉ 30% năng lượng. Do đó chiều dài bể tiêu năng nên xem xét lại cho phù hợp.
+ Chiều cao tường bên dốc nước theo thiết kế cao từ 4.80 ÷ 3.50m, trong khi đó độ sâu dòng chảy lớn nhất là 2.65÷2.33m nên chiều cao tường bên của dốc nước là thiên lớn.
+ Trên đoạn kênh xả hạ lưu giá trị lưu tốc thay đổi từ 2.0÷5.46m/s, xét về giá trị lưu tốc đáy trên suốt cả đoạn kênh xả lũ thay đổi từ 1.80÷2.63m/s, nếu xét thêm mạch động lưu tốc σv thì chỉ từ 2.20÷3.30m/s. Do đó với vật liệu gia cố bảo vệ đáy kênh bằng rọ đá có kích thước 2x1x1m trên chiều dài 65.0m là quá dư. Vì vậy cần xem xét lại kích thước vật liệu gia cố và chiều dài cần thiết phải bảo vệ cho thích hợp.