NGÂN HÀNG VPBANK CHI NHÁNH HÀ NỘ
2.2.2. Giải pháp về nội dung, phương pháp thẩm định
Ngân hàng đã áp dụng được các phương pháp thẩm định khoa học, song để đánh giá chính xác nhất DAĐT thì dự án cần được thẩm định theo trình tự, và đối với mỗi nội dung cụ thể thì nên có phương pháp thẩm định riêng áp dụng cho nội dung đó. Ngân hàng cần tích cực áp dụng những phương pháp thẩm định tài chính dự án đầu tư hiện đại đang được áp dụng trên thế giới, nhưng không gò ép nguyên xi mà việc vận dụng mang tính sáng tạo, phù hợp với khả năng, điều kiện của VPBank cũng như điều kiện của Việt Nam (cơ chế quản lý tài chính, hệ thống doanh nghiệp…). Cụ thể như sau:
* Nội dung thẩm định tổng vốn đầu tư và nguồn tài trợ
Việc thẩm định tổng vốn đầu tư và nguồn tài trợ tuy đã được đưa vào song còn khá hình thức. Các cán bộ thẩm định thường xác định theo những số liệu do chủ đầu tư đưa ra, đặc biệt là tổng vốn đầu tư. Ngoài việc thẩm định cơ cấu nguồn vốn (đặc biệt quan tâm đến tỷ trọng vốn tự có) ngân hàng cần chú trọng kiểm tra tính hợp lý của những dự tính về chi phí đầu tư dựa trên cơ sở tham khảo những dự án đầu tư tương tự điển hình (không chỉ những dự án do VPBank thẩm định ). Ngân hàng cần xác định các định mức kinh tế kỷ thuật trong xây dựng cơ bản, thiết bị lắp đặt…những phân tích, đánh giá chung của ngân hàng về tình hình lạm phát, tỷ giá hối đoái, thị trường trong từng giai đoạn… để đồng bộ hoá trong toàn hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng mỗi cán bộ định mức, đánh giá một kiểu… ngân hàng cần thẩm định kỷ lưỡng không nên chỉ dựa vào kế hoạch do chủ đầu tư đưa ra như hiện nay, tránh tình trạng tính thừa hay thiếu vốn đầu tư, đặc biệt với những dự án lớn, có thời gian đầu tư lâu dài. ngân hàng cần phải bổ sung những chi phí đầu tư mà chủ dự án bỏ qua như: lãi vay trong thời gian thi công, chi phí dự phòng.
* Việc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá tài chính dự án
Có thể nói, nội dung chính trong thẩm định tài chính dự án chính là ở hệ thống chỉ tiêu tài chính. Vì vậy, ngân hàng cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu sử dụng trong phân tích một cách thường xuyên bởi những người trực tiếp tham gia thẩm định để phát hiện những sai sót, bất hợp lý trong cách tính
toán cũng như sử dụng chúng để đánh giá, giúp cho việc thay đổi, bổ sung cho phù hợp.
Khi vận dụng chỉ tiêu thẩm định tài chính dự án (về cơ bản gồm chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời và độ rủi ro của dự án), ngân hàng cần kết hợp giữa các chỉ tiêu tương đối và tuyệt đối bởi mỗi loại chỉ tiêu này có một ý nghĩa khác nhau và chúng cùng bổ sung cho nhau để nhận thức, đánh giá sâu sắc hiện tượng…. Các chỉ tiêu là quan trọng song điều cuối cùng là phải biết cách đánh giá, kết luận từ những gì mà các chỉ tiêu, phương pháp phân tích mang lại, nên phải chú trọng lựa chọn tiêu chuẩn chấp nhận dự án một cách chính xác, thích hợp (nó cũng phụ thuộc vào điều kiện cụ thể), kết luận chung phải mang tính hỗn hợp, khái quát, đôi khi có sự phân biệt tầm quan trọng khác nhau của chỉ tiêu đánh giá cũng như sự ưu tiên khía cạnh nào đó của dự án.
Trong việc tính toán, áp dụng các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính dự án đầu tư thì việc lựa chọn mức lãi suất chiết khấu hợp lý là rất quan trọng. Theo em, ngân hàng nên lựa chọn mức lãi suất chiết khấu để tính NPV cũng như làm tiêu chuẩn so sánh của IRR là lãi suất ngân hàng cho vay với dự án trong trương hợp vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay ngân hàng, trường hợp thông thường chọn chi phí bình quân gia quyền của vốn đầu tư dự án. như thế sẽ phù hợp với giác độ thẩm định của ngân hàng đồng thời không làm sai lệch cơ sở lý thuyết của phương pháp (bởi hiện nay cán bộ thẩm định lựa chọn lãi suất chiết khấu hoàn toàn theo chủ quan cá nhân).
* Việc tính công suất, doanh thu dự kiến của dự án
Cần phải chú trọng đặc biệt đến những phân tích về thị trường đầu ra của sản phẩm bởi thực tế kế hoạch về sản lượng phụ thuộc chủ yếu vào việc nhìn nhận chổ đứng của sản phẩm trên thị trường, thị hiếu người tiêu dùng…cũng như giá bán phụ thuộc mức giá chung và vị thế cạnh tranh. Do đó, cán bộ thẩm định khi thực hiện cần đưa ra những mô hình phân tích về cung, cầu hiện tại cũng như tương lai, đặt sản phẩm của dự án trong tương quan với sản phẩm của các nhà cung cấp khác tức là có phân tích định lượng cụ thể (tất nhiên công việc này đòi hỏi phải có nhiều thông tin, có phần mềm chuyên dụng để tính toán và tiêu tốn thời gian, công
sức) chứ không phải chỉ dựa vào đánh giá chung chung cảm tính, đặc biệt với những dự án quan trọng.
Đồng thời, ngân hàng cũng phả chú ý thích đáng đến những thẩm định công nghệ kỹ thuật. Việc thẩm định kỹ thuật ở dự án không chỉ dừng lại ở việc công nghệ hiện đại hay lạc hậu mà phải đánh giá ở sự tương quan phù hợp với dự án, phù hợp với điều kiện kỹ thuật của ngành nghề đó…Như vậy, ngân hàng cần có những cán bộ thẩm định có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chú ý tham khảo những dự án tương tự, đồng thời việc thuê tư vấn thẩm định cũng là cần thiết đối với những dự án quan trọng, có công nghệ phức tạp, tinh vi.
* Việc tính chi phí sản xuất
Ngân hàng không nên coi nhẹ những yếu tố chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay vốn lưa động…mà chấp nhận hoàn toàn như tính toán của doanh nghiệp. Do đây là những chi phí không được quy định rõ ràng, việc tính một cách chính xác đôi khi quá phức tạp không đủ thông tin : Ví dụ như tính lãi vay vốn lưu động cần phải xác định doanh số bán hàng từng ngày…Bởi vậy ngân hàng nên dựa vào những chi tiêu của các dự án tượng tự để tính cho các dự án đầu tư mới và những chỉ tiêu của những năm trước cho dự án mở rộng.
Các chi phí như : Khấu hao tài sản cố định, chi quảng cáo, ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với những văn bản quản lý tài chính mới nhất của Nhà nước có liên quan để đảm bảo tinh hợp lệ,tính hợp pháp trong việc tính toán. Trong việc trích khấu hao, doanh nghiệp thường đưa ra mức khấu hao lớn trong những năm đầu để tăng khả năng trả nợ ngân hàng. Nên ngoài việc kiểm tra, đối chiếu với những quy định về quản lý tài chính ngân hàng còn phải xem xét tính hợp lý của cách tính khấu hao tình hình cụ thể của dự án, của doanh nghiệp (ví dụ phù hợp với mức huy động công suất…).
* Việc thẩm định tài chính dự án qua các năm
Việc phân tích các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ (đối với các dự án mở rộng) có thể phần nào nói lên được tương lai của doanh nghiệp căn cứ trên chiều hướng về tình hình tài chính và khả năng sinh lợi. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng thẩm định và đánh giá độ an toàn của các khoản vay thì việc dự
báo tình hình tài chính của dự án sẽ như thế nào vào các thời điểm khác nhau suốt kỳ hạn vay, dựa trên các báo cáo tài chính tạm thời của dự án là việc rất cần thiết. Mặc dù các báo cáo như thế thường là quá rộng đối với giới hạn nhưng sự chuẩn bị và sử dụng chúng là cần thiết khi hoạch định cho tương lai. Ngân hàng cần yêu cầu chủ dự án lập các báo cáo đó, nhất là báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối kế toán (thực tế thường bị bỏ qua), xem xét tính hợp lý của các dự tính, đảm bảo cho tính chắc chắn của kế hoạch chuẩn bị ngân quỹ của doanh nghiệp cũng như đánh giá mức rủi ro trong cho vay thông qua việc phân tích các chỉ số về khả năng thanh toán cũng như hiệu quả đầu tư.
Khi thẩm định cũng như sử dụng những đánh giá từ đó đề ra quyết định, ngân hàng không nên chú trọng đến khả năng trả nợ. Ngân hàng nên quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả tài chính của dự án và tạo điều kiện cho những dự án có hiệu quả tài chính cao về lâu dài mặc dù trước mắt có thể thiếu nguồn trả nợ bằng việc thoả thuận về thời hạn, tính chất nguồn vốn ngân hàng cũng như sự rủi ro trong cho vay dài hạn.
* Việc phân tích rủi ro
ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của phân tích rủi ro đã được đề cập ở phần trước, tuy nhiên khía cạnh này vẫn thường bị bỏ qua hoặc tiến hành không đầy đủ, chi tiết. Như vậy, ngân hàng nên chú trọng hơn vào phân tích rủi ro, đánh giá được mối tương quan giữa rủi ro và lợi ích của dự án, dự án sẽ được chấp nhận ở mức tương quan hợp lý hoặc có thể có những biện pháp đề xuất để hạn chế, ngăn ngừa rủi ro nhằm đảm bảo an toàn vốn ngân hàng nhưng cũng không bỏ qua những cơ hội cho vay tốt.
Về các phương pháp định lượng phân tích rủi ro, trước mắt, ngân hàng nên áp dụng ngay 2 phương pháp phân tích độ nhạy và phân tích trường hợp. Phân tích độ nhạy có thể mở rộng bằng cách kết hợp sự thay đổi một số yếu tố đầu vào cùng một lúc cũng như chi tiết hơn các mức biến động để kết quả chính xác hơn vì thực tế rất ít khi chỉ có một nhân tố thay đổi. Từ kết quả thay đổi của các chỉ tiêu đầu ra (thường NPV, IRR), sẽ xác định được:
Chỉ số nhạy cảm: Cho biết NPV, IRR thay đổi bao nhiêu % khi yếu tố đầu vào thay đổi 1%.
Đồ thị: Từ đó cũng có thể vẽ đồ thị IRR, NPV cho thấy độ co giãn của những chỉ tiêu này theo sự biến động của các biến đầu vào.
Phân tích tình huống: cần dựa trên phân tích định tính một cách chính xác, đánh giá xác suất cho các tinh huống, áp dụng phân tích khả năng tốt nhất và xấu nhất có thể xảy ra đối với dự án. Đưa ra kết luận dựa trên việc so sánh với tình huống tính toán trước đó.
Ngân hàng cũng nên xây dựng một quy trình phân tích rủi ro với các bước tiến hành được sắp xếp theo một trình tự lôgic, khoa học và phù hợp với điều kiện của ngân hàng,có sự kết hợp chặt chẽ giữa phân tích định tính và định lượng rủi ro. Như vậy, phân tích rủi ro mới trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn.