Khi xem xét tư cách của chủ đầu tư, cán bộ tín dụng có thể nhận đựơc ý đồ, thiện chí hợp tác của chủ dự án. Đối với khách hàng có thái độ hợp tác thì đó là điều kiện cung cấp cho ngân hàng những thông tin liên quan một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng. Còn đối với những khách hàng có thái độ nóng vội, trì hoãn cung cấp thông tin thì Chi nhánh phải có biện pháp cân nhắc phù hợp đối với dự án xin vay vốn. Trong công tác quản lý rủi ro về chủ đầu tư, có thể gặp một số loại rủi ro sau:
+ Rủi ro về năng lực pháp lý: Các rủi ro này xảy ra do các giấy tờ pháp nhân, thế nhân cung cấp không đúng, Hội đồng thành viên thuê Giám đốc đứng tên nhưng không điều hành, Công ty chia tách hoặc sát nhập công ty song trên giấy phép đăng ký kinh doanh chưa thể hiện sự thay đổi đó, điều này gây rủi ro cho ngân hàng vì pháp nhân cũ đứng ra vay vốn của ngân hàng không tồn tại. Rủi ro pháp lý cũng có thể xảy ra khi khách hàng làm giả giấy đăng kí kinh doanh để đứng ra vay vốn, các quyết định bổ nhiệm, biên bản họp hội động thành viên, hội đồng quản trị, điều lệ công ty không hợp lệ,…các cán bộ thẩm định sẽ xem xét năng lực pháp lý của chủ đầu tư, để quản lý, hạn chế rủi ro xảy ra, khi tiển hành thẩm định các cán bộ sẽ phải yêu cầu khách hàng cung cấp các loại giấy tờ đã qua công chứng và phải đối chiếu với bản chính khi nhận hồ sơ pháp lý. Xác minh thông tin của khách hàng qua kiểm tra thực tế, theo dõi sát sao tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Cán bộ cũng phải nắm được một số điểm nhận dạng các loại giấy tờ nếu phát hiện có nghi ngờ để phối hợp với bộ phận pháp chế và các cơ quan có liên quan để xác minh tính chính xác của giấy tờ.
+ Rủi ro về năng lực quản lý điều hành. Xem xét khả năng quản lý, điều hành của chủ đầu tư với dự án thông qua việc xem xét uy tín của chủ đầu tư trên thị
trường và những kinh nghiệm khả năng của chủ đầu tư thông qua các dự án mà chủ đầu tư đã thực hiện, xem xét quy mô của dự án có phù hợp với năng lực của chủ đầu tư hay không, chủ đầu tư có đủ khả năng, năng lực để quản lý điều hành toàn bộ quá trình của dự án hay không. Nếu chủ đầu tư không có đủ khả năng điều hành quản lý toàn bộ dự án hay một quá trình nào đó của dự án mà phải thuê bộ phận quản lý riêng thì phải có hợp đồng thuê quản lý.
+ Rủi ro về năng lực tài chính: các cán bộ thẩm định phải nghiên cứu quá trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư, tình hình hoạt động của chủ đầu tư trong thời gian qua, tốc độ gia tăng về tổng nguồn vốn và tổng tài sản, nguồn vốn tự có của chủ đầu tư xem có phù hợp với tỷ lệ phần trăm theo quy định hay không…
- Nội dung quản lý rủi ro về dự án:
Các cán bộ ngân hàng khi xem xét rủi ro về dự án sẽ xem xét đánh giá dự án một cách chi tiết, chặt chẽ, phân tích một cách cẩn thận các chỉ tiêu tài chính của dự án, dòng tiền của dự án, thị trường đầu vào và đầu ra của dự án, tư cách và năng lực của chủ đầu tư. Đề ra các rủi ro có thể xảy ra đối với dự án, từ đó đánh giá tính khả thi của dự án. Chỉ những dự án có tính khả thi cao mới được chấp nhận cho vay vốn.
Do đó trong nội dung quản lý rủi ro về dự án có thể xác định được các loại rủi ro đối với dự án bao gồm có rủi ro thị trường, rủi ro về khả năng cung ứng yếu tố đầu vào của dự án, rủi ro về vấn đề kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong dự án, rủi ro về vốn và cơ cầu vốn, rủi ro về hiệu quả tài chính và các chỉ số độ nhạy. Trong quản lý rủi ro về dự án thực chất là đánh giá tính khả thi của dự án. Rủi ro về thị trường gồm có các rủi ro xảy ra do sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường, công suất của dự án lớn hơn nhu cầu mà thị trường cần, các loại sản phẩm thay thế, các đối thủ cạnh tranh, giá bán sản phẩm thấp không đủ khả năng trả nợ… Về cung ứng đầu vào có thể xảy ra các rủi ro nguồn cung cấp không đủ, dự án sử dụng loại nguyên liệu khan hiếm, giá cả đắt đỏ, hiệu quả của dự án thấp hơn. Công nghệ sử dụng trong dự án có phù hợp với trình độ của người sử dụng hay không, tuổi đời của công nghệ, chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị công nghệ, … Nguồn vốn của dự án, cơ cấu vốn có hợp lý hay không, đánh giá hiệu quả của dự án thông qua các chỉ tiêu về hiệu quả tài chính, các chỉ số độ nhạy của dự án xem dự án có mang lại hiệu quả cao hay không. Từ đó đưa ra các biện pháp như mua bảo hiểm cho máy móc thiết bị, hợp đồng cung cấp dài hạn nguồn nguyên vật liệu đầu vào, các nguyên tắc về giá…