SỰ CẦN THIẾT KHÁCH QUAN CỦA VIỆC KẾ THỪA CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 53 - 57)

TRUYỀN THỐNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Sự phát triển nói chung và sự phát triển của xã hội loài người nói riêng là một quá trình hết sức phức tạp, nhưng giữa chúng có điểm chung là sự phát triển không bao giờ từ hư vô mà luôn bắt đầu từ những cái đã có để hình thành cái mới. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, phát triển là khuynh hướng chung của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Chủ nghĩa duy vật biện chứng chỉ ra các quy luật vận động và phát triển chung của thế giới. Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật phản ánh quá trình phát triển từ cấp độ chung nhất của nó, trong đó, quy luật phủ định của phủ định khái quát tính khuynh hướng của sự phát triển, qua việc làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các nấc thang khác nhau của quá trình vận động và phát triển trong thế giới.

Tính phổ biến của quá trình phủ định diễn ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy là sự phủ định làm cái cũ mất đi và cái mới tiến bộ hơn xuất hiện. Đó là hình thức giải quyết mâu thuẫn nội tại của sự vật bị phủ định. Mỗi lần phủ định là kết quả đấu tranh và chuyển hoá của các mặt đối lập - giữa cái cũ và cái mới, giữa mặt khẳng định và mặt phủ định - trong bản thân sự vật. Như vậy, phủ định biện chứng là tự thân phủ định, tự thân phát

triển. Quá trình phủ định biện chứng đồng thời là quá trình tích luỹ dần về lượng để tạo nên sự biến đổi về chất của sự vật.

Phủ định biện chứng bao hàm trong nó việc giữ lại những nhân tố tích cực của cái bị phủ định. Do đó, phủ định biện chứng là phủ định có kế thừa - nó duy trì những nhân tố có ý nghĩa tích cực đối với sự ra đời và phát triển của cái mới. Đề cập đến vấn đề này, V.I. Lênin viết:

Không phải sự phủ định sạch trơn, không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi, không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản chất trong phép biện chứng, - dĩ nhiên, phép biện chứng bao hàm trong nó nhân tố phủ định, và thậm chí với tính cách là nhân tố quan trọng nhất của nó, - không, mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định [58, tr.245].

Sự phủ định không chỉ đơn thuần là phá vỡ, xoá bỏ, triệt tiêu cái cũ mà còn là sự duy trì và phát triển những cái hợp lý đã có, tức là kế thừa. Kế thừa phản ánh mối liên hệ giữa các giai đoạn hay giữa các cấp độ khác nhau trong sự phát triển của sự vật. Tính kế thừa biểu hiện ở chỗ, một hay nhiều yếu tố của sự vật được bảo tồn khi sự vật chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Như vậy, khi xem xét tính kế thừa cần phải hiểu rõ cấu trúc của sự vật, so sánh cấu trúc đó ở các thời điểm khác nhau để thấy những yếu tố được bảo lưu khi sự vật chuyển sang dạng tồn tại khác của chính nó. Kế thừa là một trong những đặc trưng cơ bản, phổ biến của phủ định biện chứng nói riêng, quy luật phủ định của phủ định nói chung. Nó là sự biểu hiện mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới (tự nhiên, xã hội, tư duy) khi cái mới thay thế cái cũ nhưng vẫn giữ lại một hoặc một số yếu tố của cái cũ cần thiết cho sự ra đời và phát triển của cái mới.

Hiện nay, nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đây là một quá trình hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, trong đó không thể thiếu vai trò của yếu tố truyền thống dân tộc. Truyền thống là “tập hợp những tư tưởng và tình cảm, những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử

của một cộng đồng người nhất định được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” [54, tr.32]. Với những giá trị được đúc rút từ lịch sử lâu dài như vậy, truyền thống có rất nhiều ý nghĩa đối với hiện tại. Có thể khẳng định, không có truyền thống sẽ không có hiện tại và tương lai, không có truyền thống thì lịch sử mỗi dân tộc sẽ bị đứt đoạn. Truyền thống chính là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Bởi “Truyền thống là cái chứa đựng trong bản thân mình những năng lực to lớn để tạo ra cái mới” [43, tr.334]; và “Truyền thống luôn luôn gợi ý thông minh cho tương lai. Trong truyền thống thường có lời khuyên đắt giá cho tương lai” [13, tr.20].

Nói đến truyền thống là nói đến truyền thống văn hoá. Bởi văn hoá là cái gắn bó chặt chẽ với truyền thống. Các giá trị văn hoá truyền thống là sự kết tinh sức sáng tạo, bền vững phản ánh bản lĩnh và sức sống của dân tộc theo chiều dài của lịch sử. Trong sự phát triển của mỗi dân tộc, ở quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, việc nghiên cứu và tiếp thu các giá trị truyền thống văn hoá vào sự phát triển trong hoàn cảnh mới là một tất yếu khách quan. Nếu quốc gia, dân tộc nào đi trái với quy luật này sẽ dẫn tới nền văn hoá nước mình suy thoái và diệt vong. V.I. Lênin đã từng nói:

Văn hoá vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hoá vô sản, phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hoá vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích luỹ được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu [59, tr.361]. Ngày nay, với xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá diễn ra rộng khắp trên thế giới, chúng ta kế thừa được rất nhiều thành tựu về khoa học và kỹ thuật, trình độ quản lý và phát triển kinh tế - xã hội… của xã hội hiện đại. Những thành tựu đó đã góp phần rất lớn đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, nhưng bên cạnh đó nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, mà hạn chế lớn nhất, dễ thấy nhất là làm cho đạo đức, lối sống của con người ngày càng bị tha hoá, xuống cấp. Chính điều này là lực cản đối với sự phát triển xã hội. Trong khi đó, văn hoá truyền thống lại có vai trò rất lớn trong việc xây dựng đạo đức, lối sống, cũng cố các giá trị văn hoá, tinh thần của xã hội.

thì chúng ta không thể thiếu tri thức, thiếu thành tựu mới của khoa học và công nghệ. Song, nếu chỉ có tri thức, khoa học và công nghệ mà thiếu đi các giá trị truyền thống văn hoá, tinh thần thì chúng ta cũng không thể thực hiện được sự nghiệp đó. Các yếu tố hiện đại và truyền thống đều có quan hệ với nhau, trong đó các yếu tố hiện đại đều liên quan đến truyền thống, đều có sự tác động qua lại với truyền thống, bởi con người dù hiện đại, cũng đều từ truyền thống đi lên, bản thân họ có nhiều sợi dây hữu hình và vô hình ràng buộc với truyền thống. Cho nên, trong xã hội hiện nay, cả hiện đại và truyền thống đều tạo nên động lực, trong đó tư liệu hiện đại là điều kiện cơ bản quy định nội dung và tính chất của công cuộc đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá, còn tư liệu truyền thống là một trong những cơ sở quy định bước đi và tốc độ của chính quá trình đó. Chúng ta có thể tiến nhanh hoặc chậm, thuận lợi hoặc trắc trở, một phần không nhỏ là tuỳ thuộc vào sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên hợp lực cho sự phát triển đất nước. Do vậy, muốn phát huy tối đa nguồn lực con người, bên cạnh các yếu tố hiện đại như tri thức, khoa học, nhất thiết chúng ta phải làm sống dậy và phát huy sức mạnh của văn hoá truyền thống - yếu tố đã từng làm nên cội nguồn của sức mạnh dân tộc, giúp dân tộc ta vượt qua bao thăng trầm của lịch sử. Chính vì vậy, có thể khẳng định: để phát triển chúng ta cần tới kinh tế, nhưng để tồn tại chúng ta cần tới văn hoá. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng ta nhiều lần khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc, tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới,…” [28, tr.111].

Mặc dù truyền thống có ý nghĩa không nhỏ đối với tới sự phát triển của xã hội hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là tất các giá trị truyền thống đều tích cực. Truyền thống luôn có cả tích cực và hạn chế. Do vậy, trong việc kế thừa truyền thống chúng ta phải có những phương pháp tiếp thu một cách khoa học mới đem lại hiệu quả thực sự. Vậy những phương pháp đó là gì?

Một là, phải kế thừa có phê phán văn hoá truyền thống, không bê nguyên xi văn hoá truyền thống, mà cần có sự gạt bỏ, lọc bỏ, vượt qua những hạn chế lịch sử của văn hoá truyền thống, nghĩa là chỉ tiếp thu những tinh hoa, những hạt nhân hợp lý của nó để làm phong phú thêm nền văn hoá đương đại và phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phát triển.

Hai là, phải nâng cao những gì đã được kế thừa từ truyền thống lên ngang tầm thời đại mới ở một trình độ mới, bằng cách bổ sung thêm những tư tưởng mới, thổi thêm sinh khí của thời đại mới cho phù hợp với hoàn cảnh hiện đại và mới tiếp tục phát huy tác dụng trong điều kiện mới.

Ba là, quá trình kế thừa văn hoá truyền thống phải gắn liền với sự phát triển sáng tạo, trong đó kế thừa những yếu tố tích cực chính là tạo tiền đề, tạo động lực cho sự phát triển và sáng tạo. Điều này cho phép tạo ra nền văn hoá mới vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính thời đại, đồng thời còn tạo ra môi trường thuận lợi để hoà nhập vào nền văn hoá thế giới.

Hiện nay, nói đến truyền thống, chúng ta không chỉ hiểu là những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc như tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức cộng đồng,… mà bên cạnh đó cần phải nói đến những giá trị “ngoại sinh” đã được Việt Nam hoá, gạn lọc qua thời gian và được dân tộc thừa nhận và đề cao, như tư tưởng Nho giáo, Phật giáo,… Mặc dù ra đời ở dân tộc khác nhưng những tư tưởng đó đã vào nước ta từ rất sớm và đã được nhân dân ta đón nhận, cải biến và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Và, cùng với những giá trị cốt lõi của dân tộc, những giá trị “ngoại sinh” đã làm nên sự phong phú, sâu sắc và đậm đà bản sắc dân tộc của truyền thống Việt Nam. Một trong những giá trị “ngoại sinh” đã được Việt hoá có nhiều ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay của nước là tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù nhiều tư tưởng đã không còn phù hợp, nhưng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử vẫn còn nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta, nhất là đối với việc xây dựng con người mới. Việc kế thừa các giá trị đó một cách có phương pháp sẽ là một đóng góp quan trọng vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới nói chung và xây dựng con người mới nói riêng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)