Sự cần thiết khách quan của việc xây dựng con người mới ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 50 - 53)

hiện nay

Lịch sử nhân loại đã chứng minh, mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi phải có những con người phù hợp để xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội đó. Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay cũng vậy, việc xây dựng con người mới trở thành đòi hỏi cấp bách mang tính khách quan của toàn xã hội. Điều này được khẳng định bởi vì:

Thứ nhất, con người mới vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội. Chính vì vậy, xã hội nào sẽ sản sinh ra con người như vậy. Những con người sinh ra trong xã hội sẽ được xã hội đào luyện cho phù hợp với yêu cầu tồn tại và phát triển của nó. Đành rằng, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh lại do chính con người tái tạo ra. Sự phù hợp giữa con người và hoàn cảnh chỉ được hiểu thông qua hoạt động thực tiễn mà thôi.

Ngày nay, con người mới không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất vật chất - yếu tố hàng đầu, yếu tố đóng vai trò quyết định trong lực lượng sản xuất xã hội, mà còn đóng vai trò vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, con người mới vừa là sản phẩm, nhưng cũng vừa là người sáng tạo ra nội dung các quan hệ xã hội mới.

Do vậy, sự nghiệp đổi mới ngày nay không chỉ là làm ra và đem lại cho con người những điều con người mong muốn, mà chủ yếu là khơi dậy trong con người lòng tự hào, niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng để con người tự mình làm ra tất cả. Chúng ta phải tạo mọi điều kiện, thu hút tối đa quần chúng tham gia vào hoạt động cách mạng, đấu tranh cải tạo xã hội, xây dựng xã hội mới; cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi thành viên phát triển tài năng sáng tạo và lợi ích của xã hội, của bản thân mình. Thông qua đó, những con người mới, với những phẩm chất mới được hình thành và phát triển. Bởi vì, lịch sử được coi là quá trình tự sinh của con người, do con người thực hiện

trong quá trình thực tiễn cải tạo thế giới. Thực tiễn cho thấy, không một môi trường nào tự bản thân nó lại có thể đào tạo được con người, nếu con người không tích cực tác động vào môi trường đó với mục đích cải tạo nó. Vì thế, việc xây dựng con người mới có phẩm chất, năng lực nhất định phải được coi là yêu cầu cấp bách trong quá trình đổi mới hiện nay.

Thứ hai, con người mới vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, như Đảng ta chỉ rõ, là tạo ra một xã hội, mà trong đó, con người được giải phóng, nhân dân lao động làm chủ đất nước; có nền kinh tế phát triển cao và có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, công bằng xã hội và dân chủ được đảm bảo; có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Một xã hội "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, xã hội công bằng, văn minh". Mục tiêu trên cho thấy, sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới con người mới. sự nghiệp đổi mới cũng là nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và lấy đó làm môi trường để xây dựng và phát triển toàn diện con người. Phát triển con người mới là đặc trưng bản chất của công nghiệp hoá, hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa; là mục tiêu, động lực cơ bản của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiểu động lực ở đây không có nghĩa là sử dụng con người như một phương tiện để có xã hội mới, mà quá trình hình thành con người Việt Nam mới chính là quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá trình xây dựng xã hội mới. Quá trình xây dựng con người Việt Nam mới cũng là quá trình tạo ra động lực cho xã hội phát triển.

Sự nghiệp đổi mới, cụ thể là sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta là quá trình xây dựng một lực lượng sản xuất hiện đại, trong đó, con người là lực lượng sản xuất hàng đầu. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay khác thời kỳ trước là ngoài việc phát triển có kế hoạch theo định hướng xã hội chủ nghĩa, còn lấy nhân tố thị trường để điều tiết nền kinh tế. Muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh là chính con người mới với tri thức ngày càng cao. Con người mới là chủ thể tạo ra động lực phát triển của lực lượng sản xuất. Như vậy, chính con

người mới cùng với những công cụ do nó chế tạo ra sẽ quyết định thay đổi của bộ mặt xã hội, quyết định thành công của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cũng như sự thành công của sự nghiệp đổi mới.

Thứ ba, con người mới là nguồn lực quan trọng nhất để hoàn thành sự nghiệp đổi mới. Phát huy nguồn lực con người là vấn đề chiến lược trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói riêng và sự nghiệp đổi mới nói chung.

Để phát triển xã hội thì tất cả mọi nguồn lực đều rất quan trọng, từ nguồn lực về vốn, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý… và con người. Tuy nhiên, trong tất cả các nguồn lực thì nguồn lực con người là nguồn lực quan trọng nhất, là nguồn lực của mọi nguồn lực. Bởi vì so với nguồn lực con người, các nguồn lực khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý,… tự bản thân nó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng chỉ phát huy tác dụng khi được con người sử dụng vào hoạt động thực tiễn của mình. Hơn nữa, các nguồn lực này đều là hữu hạn và có thể khai thác cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn lực con người, mà cái cốt lõi là trí tuệ lại là nguồn lực vô tận. Tính vô tận của trí tuệ con người biểu hiện ở chỗ, nó có khả năng không chỉ tái sinh và tự sản sinh về mặt sinh học, mà còn tự đổi mới không ngừng, phát triển về chất trong con người, nếu biết chăm lo, bồi dưỡng và khai thác hợp lý. Đó là cơ sở làm cho năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người phát triển như một quá trình vô tận. Chính vì vậy, việc chăm lo phát triển và sử dụng nguồn lực con người sẽ quyết định sự phát triển của toàn xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới nhanh chóng tới đích, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực, kể cả nguồn lực tự nhiên và con người, trong đó, quan trọng nhất là nguồn lực con người. Con người Việt Nam với những đức tính quý báu như cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh,… là những tiền đề để chúng ta phát triển nguồn lực con người. Trong những năm qua cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, nguồn lực con người Việt Nam đã được nâng lên không ngừng và chứng tỏ được năng lực của mình đối với khu vực và thế giới. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải phát huy tối đa nguồn lực con người Việt Nam, và xem đó là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Sự đi lên của chúng ta phải dựa vào thế mạnh duy nhất của mình, đó là con người Việt Nam, trí tuệ

Việt Nam, tiềm năng chất xám Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khoá VIII khẳng định: "Muốn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững” [27, tr.85].

Trong bối cảnh khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão và ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; lực lượng sản xuất đã mang tính quốc tế hoá cao, đang chứng tỏ cho thế giới thấy trí tuệ con người là nguồn tài nguyên quý nhất của quốc gia. Vì vậy, vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước. Nhân tố then chốt của toàn bộ sự phát triển kinh tế tri thức là trình độ cao của trí óc con người. Do đó, phát huy nguồn lực con người vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là vấn đề chiến lược của sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)