Phương pháp giáo dục của Khổng Tử

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 34 - 42)

Từ những nội dung đã trình bày trên, có thể nói rằng, Khổng Tử là một nhà tư tưởng kiệt xuất của lịch sử Trung Quốc. Ông đã nhận thấy những nguyên nhân làm cho xã hội Trung Quốc trở nên loạn lạc, và đưa ra những giải pháp rất tích cực để lập lại trật tự xã hội. Tuy nhiên, điều làm cho Khổng Tử trở thành nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà giáo dục vĩ đại, người thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu) là ngoài nội dung giáo dục,

Khổng Tử còn đưa ra rất nhiều phương pháp giáo dục hết sức tích cực. Mặc dù các phương pháp này chưa thật sự rõ ràng và có hệ thống, nhưng thông qua những bài giảng, những lời nói của Khổng Tử, chúng ta có thể thấy được những luận điểm cơ bản về những phương pháp giáo dục hết sức tiến bộ và tích cực.

Trong quá trình dạy học, Khổng Tử đã sử dụng rất nhiều phương pháp, nhưng trong phạm vi luận văn này tác giả xin được nêu ra một số phương pháp như: phương pháp dạy tuỳ đối tượng; phương pháp kết hợp học với suy nghĩ; phương pháp học đi đôi với hành; phương pháp nêu gương; phương pháp ôn cũ biết mới.

Phương pháp dạy tuỳ đối tượng. Đây là phương pháp căn cứ vào tư chất, trình độ và nhu cầu của người học mà đưa ra nội dung, yêu cầu và phương pháp giảng dạy phù hợp để từ đó nâng cao tối đa năng lực của mỗi người. Phương pháp này là một trong những căn cứ để sau này Nho giáo khát quát thành tư tưởng “Nhân tài thì giáo”, tức là căn cứ vào tài năng, phẩm chất từng người để giáo dục.

Đối tượng giáo dục của Khổng Tử rất khác nhau: có người nhiều tuổi, người ít tuổi, có người giàu, có người nghèo, có nhiều người có tính cách và xu hướng chính trị khác nhau. Thường ngày Khổng Tử quan sát rất kỹ các học trò, ông từng nói: “Trò Sài (Cao Sài tự Tử Cao) thì kém thông minh; trò Sâm (Tăng Tử) chậm lụt thật thà; trò Sư (Tử Trương) thì hay chưng diện bề ngoài; còn trò Do (Tử Lộ) thì thô tục kém văn nhã” (Sài giã ngu, Sâm giã lỗ, Sư giã tích, Do giã ngạn) [62, tr.168-169]. Trên cơ sở nắm vững tính cách, trình độ, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm của từng người, ông mới đưa ra những nội dung giáo dục phù hợp. Ông không thích áp đặt cách giáo dục cứng nhắc, rập khuôn sáo rỗng mà ông luôn khuyến khích học trò phát huy sở trường, sở đoản, ý thích và khả năng của từng người. Có thể thấy rõ điều này qua cách ông trả lời học trò về các nội dung nhân, lễ, hiếu,…

Khi học trò hỏi về điều nhân, trả lời Nhân Hồi, Khổng Tử nói: nhân là là chế thắng được bản thân mình thì thiên hạ sẽ coi mình là người nhân; Trả lời Phàn Trì, Khổng Tử nói: Nhân là yêu người; lần khác Phàn Trì hỏi về nhân Khổng Tử trả lời: Nhân là thái độ và dung mạo khiêm cung,... Trả lời Tử Trương, Khổng Tử nói Nhân là cung, khoan, tín, mẫn, huệ….

Về việc thi hành đạo lý, khi Tử Lộ và Nhiễm Hữu cùng hỏi câu: “Như tôi nghe được điều phải thì nên làm liền chăng?” thì Khổng Tử cũng căn cứ trên tính tình từng người mà dạy. Khổng Tử trả lời Tử Lộ: “Ngươi còn cha anh, phải hỏi lại đã, lẽ nào nghe được mà làm liền - Hữu phụ huynh tại, như chi hà kỳ văn tư hành chi?” Trái lại ông trả lời Nhiễm Hữu: “Nghe được thì nên làm liền - Văn tư hành chi”. Khi Công Tôn Hoa nghe, không hiểu tại sao Khổng Tử lại trả lời hai cách khác nhau liền hỏi thì Khổng Tử trả lời: “Tính trò Cầu thì nhu nhược, nên ta phải đôn tới cho. Còn tánh trò Do thì cường thắng, nên ta phải biết thối lại - Cầu giã thối, cố tấn chi. Do giã kiêm nhơn, cố thối chi” [62, tr.172-173].

Khi dạy về đức Hiếu, cũng dựa vào tính tình từng người mà Khổng Tử trả lời một nội dung khác nhau. Mạnh Ý Tử nhiều khi thất lễ với cha mẹ nên Khổng Tử dạy rằng: không làm trái lẽ phải, trái với lễ. Mạnh Võ Bá tính tình gàn dở, coi thường tính mạng, không thận trọng lấy thân nên khi Mạnh Võ Bá hỏi về Hiếu, Khổng Tử dạy: phải giữ gìn thân thể khoẻ mạnh tránh nỗi lo của cha mẹ. Tử Du tuy biết nuôi cha mẹ nhưng lại không có lòng hiếu kính nên Khổng Tử dạy: phải hiếu và kính với cha mẹ, nếu nuôi cha mẹ mà không hiếu kính thì chẳng khác gì nuôi chó ngựa. Còn Tử Hạ có tính cau có nên Khổng Tử dạy phải giữ hoà vui trong khi phụng dưỡng cha mẹ là đáng hiếu….

Từ những nội dung trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách giáo dục của Khổng Tử rất tiến bộ so với thời đại ông. Trong phương pháp của Khổng Tử, ông nhấn mạnh đến vai trò chủ thể của người học và tính linh hoạt của người dạy. Người thầy chỉ giữ vai trò hướng dẫn và tạo điều kiện để học trò tự phát huy năng lực bản thân. Có thể nói, Khổng Tử là người đầu tiên đề xuất và quán triệt phương pháp này và đã thu được những thành công to lớn trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp này có ý nghĩa to lớn trong suốt quá trình lịch sử phát triển giáo dục của Trung Quốc và cho đến nay vẫn còn giá trị thực tiễn trong điều kiện giáo dục đòi hỏi người học làm trung tâm.

Phương pháp kết hợp học với suy nghĩ: Trong quá trình dạy học, Khổng Tử luôn khích lệ học trò tự suy nghĩ, người thầy chỉ giữ vai trò hướng dẫn. Chính vì vậy, Khổng Tử đòi hỏi học trò phải phát huy tính năng động, linh hoạt của mình để suy nghĩ ra vấn đề. Có như vậy học trò mới phát triển được: “Học mà chẳng suy nghĩ thì chẳng được

thông minh. Suy nghĩ mà chẳng chịu học thì lòng dạ không được yên ổn - Học nhi bất tư, tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi” [62, tr.22-23]. Khổng Tử không bao giờ giảng dạy một cách chi tiết vấn đề học trò hỏi mà ông chỉ nói một cách khái quát mang tính gợi mở để học trò tự suy nghĩ, người nào không chịu suy nghĩ thì dạy cũng vô ích: “Người nào chẳng ra công tìm tòi, như làm việc chi, chẳng tự hỏi: tôi phải làm cách gì? Tôi phải làm sao? Người như vậy, ta cũng chẳng có cách gì mà chỉ bảo cho được - Bất viết như chi hà? Như chi hà giả? Ngô mạt như chi hà giã dĩ hỹ” [62, tr.146-147].

Như vậy, Khổng Tử rất chú ý đến tính chủ động, tích cực suy nghĩ của người học, xoá bỏ sự thụ động trong việc tiếp thu tri thức. Ông đặt ra yêu cầu người học phải có lòng yêu thích đạo lý, biết bực bội, uất ức tức giận vì sự kém cỏi của mình để có ý chí vươn lên. Ông nói: “Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào chẳng rán lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa - Bất phẫn, bất khải; bất phỉ, bất phát. Cử nhứt ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục giã” [62, tr.100-101]. Chỉ có như vậy thì người học mới có thể hiểu được sự vật, mới biết ít hiểu nhiều, học một biết mười. Đối với việc học, suy nghĩ là một khâu không thể thiếu được, nó là tiền đề cần thiết cho sự tiếp tri thức của người học. Bản thân Khổng Tử cũng thừa nhận ông không phải là biết hết mọi thứ một cách dễ dàng mà là quá trình đào sâu suy nghĩ, đi từ biết ít đến biết nhiều: “Này Tứ (Tử Cống)! Ngươi cho rằng ta nhờ học nhiều mà nhớ hết phải chăng?... Chẳng phải vậy. Ta nhờ để tâm quan sát, bắt một mối mà thông suốt tất cả” (Tứ giã, nhữ dĩ dư vi đa học nhi chí chi giã dư?... Phi giã. Dư nhứt dĩ quán chi) [62, tr.238-239].

Trong mối quan hệ giữa học và suy nghĩ, theo Khổng Tử, thì học có vai trò quyết định. Ông nói: “Trước đây, ta mảng trầm tư mặc tưởng mà trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ. Xét ra, sự ấy không mấy gì có ích cho ta. Chẳng bằng chậm học còn hơn” (Ngô thường chung nhựt bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư. Vô ích. Bất như học giã) [62, tr.250-251]. Ông cũng khuyên học trò không nên suy nghĩ quá nhiều, quá sâu xa mà thành câu nệ, do dự, thiếu quả quyết, mà theo ông chỉ nên suy nghĩ hai lần là đủ “Tái tư khả hỹ” [62, tr.76-77].

Như vậy, từ việc đặt ra yêu cầu học kết hợp với suy nghĩ, suy nghĩ gắn liền với học, Khổng Tử đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa học với suy nghĩ, đã chỉ ra được mối liên hệ giữa nhận thức cảm tính, trực quan với nhận thức lý tính. Ông đòi hỏi học trò phải nghe nhiều, quan sát nhiều từ đó có cơ sở để suy nghĩ sâu rộng, nhưng cái gì còn nghi ngờ thì phải trừ lại để hỏi cho rõ ràng, cái gì đã nghe thấy, trông thấy thì phải thận trọng trong nói và làm. Có như vậy mới đảm bảo tính tinh thần trung thực, khách quan trong quá trình học tập và tiếp thu tri thức và thực hành đạo. Ở đây, Khổng Tử ít nhiều đã coi trọng nhận thức cảm tính, nhưng ông cũng khẳng định nhận thức đó chỉ đúng khi người ta biết suy nghĩ và hoài nghi về những gì mà giác quan đem lại. Bằng cách đó, Khổng Tử đã khơi gợi và kích thích tư duy của học trò vận động linh hoạt trên cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động.

Phương pháp kết hợp học với tập: là phương pháp kết hợp học với việc tập luyện, thực hành những điều đã học và đem tri thức đã học vận dụng vào cuộc sống. Đây là tư tưởng nhất quán trong thực tiễn giáo dục của Khổng Tử. Ông dạy học trò phải luôn luyện tập và không được quên những điều đã học được. Ông yêu cầu học trò phải củng cố những kiến thức đã học bằng cách thực hành ngay chứ không phải bằng cách ôn luyện trong sách vở, ở câu văn, lời nói của thầy. Học và hành là những công đoạn rất quan trọng trên con đường đi tới Đạo của người học. Chính vì thế, Khổng Tử luôn nêu cao tinh thần học phải hành. Ông nói: “Kẻ học đạo lý mà thường ngày luyện tập cho tinh thông, nhuần nhã, há không lấy đó làm vui sao” (Học nhi thì tập nhi, bất diệc duyệt hồ) [62, tr.4-5]. Nếu học đem lại cho người học tri thức thì tập đem lại cho người học sự nhuần nhuyễn, linh hoạt và sâu sắc hơn về những tri thức đã học.

Chính vì sự quan trọng của việc “tập” nên Tăng Sâm trong một ngày thường xuyên tự xét mình về việc luyện tập: “Đạo lý do thầy truyền dạy, ta có học tập hay chăng” (Truyền, bất tập hồ) [62, tr.4-5]. Thông qua sự luyện tập, người học dần dần làm chủ những tri thức của mình, tạo thành thói quen và kinh nghiệm giúp cho việc nắm kiến thức dễ dàng và sâu sắc hơn. Luyện tập thường xuyên, người học hiểu sâu hơn và nắm vững hơn những điều đã học. Và khi người học đã nắm chắc những tri thức đã học thì sẽ có sơ sở để hiểu biết thêm nhiều tri thức mới. Vì thế Khổng Tử nói: “Người nào ôn lại

những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người ấy có thể làm thầy thiên hạ đó” (Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ) [62, tr.20-21].

Phương pháp học kết hợp với hành: Khổng Tử yêu cầu học trò học phải gắn với hành, tức là phải vận dụng những kiến thức đã học vào trong cuộc sống. Tri thức lý luận chỉ nêu ra những nguyên tắc định hướng còn thức hành mới giúp cho người học đạt đạo. Theo Khổng Tử, nếu chỉ biết thế nào là Nhân, Lễ, Trí, Tín mà không thực hành thì đó mới chỉ là cái biểu hiện hời hợt bên ngoài, không có ý nghĩa, nên ông đòi hỏi học trò phải thực hành những điều đã học được với những người khác như với vua, với cha mẹ, với anh em, với bạn bè. Khổng Tử nói: “Đức hạnh chẳng trau dồi, học vấn chẳng giảng cứu cho tinh tường, nghe biết điều nghĩa mà chẳng làm theo, tự mình có điều chẳng phải mà không hay sửa đổi, đó là những việc mà ta lấy làm lo vậy” (Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỹ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu giã) [62, tr.98 - 99]. Khổng Tử rất phản đối việc học đơn thuần, tức là học để cho biết. Theo Khổng Tử học không chỉ để mở mang thêm kiến thức mà học còn là để sửa mình, học là để biết làm người, cho nên việc học và hành rất quan trọng. Ông nói: “Người ta lấy lời phép tắc mà chỉ bảo cho mình, mình há không nghe theo sao? Chẳng những mình nghe theo, mà mình phải sửa lỗi mới quý … nghe theo mà chẳng sửa lỗi, người như thế ấy, ta chẳng có cách nào đối với họ nữa” (Pháp ngữ chi ngôn, năng vô tùng hồ. Cải chi vi quý … tùng nhi bất cải, ngô mạt như chi hà gĩ dĩ hỹ) [62, tr.177-178]. Theo Khổng Tử, hàng ngày học bao nhiều điều hay, bao nhiêu lẽ phải nhưng nếu không đem những điều đã học thực hành vào cuộc sống thì những điều đã học là những điều sáo rỗng, vô ích:

Như có ai đã đọc thuộc hết ba trăm thiên trong Kinh Thi, được bực Quốc Trưởng trao quyền hành chính cho mình, nhưng cai trị chẳng xuôi; được phái đi sứ đến các nước ở bốn phương, nhưng tự mình chẳng có tài ứng đối; người ấy dẫu học nhiều, nhưng có biết dùng tài học của mình chăng? (Tụng thi tam bá, thọ chi dĩ chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối; tuy đa, diệc hề dĩ vi) [62, tr.200-201].

Như vậy theo Khổng Tử, học mà tiếp thu tốt thì suy nghĩa (tư) mới cẩn thận và thông suốt, suy nghĩ thận trọng thì luyện tập (tập) mới nhanh thuộc, luyện tập thành thạo thì thực hành mới có hiệu quả. Vì vậy, học - tư - tập - hành là những công đoạn hết sức quan trọng của quá trình tiếp thu và vận dụng tri thức. Đây là một đóng góp rất quan trọng của Khổng Tử cho giáo dục về khía cạnh phương pháp. Tuy nhiên, Khổng Tử chỉ dạy học trò Học, Tư, Tập, Hành ở phương diện đạo đức, giao tiếp, lễ nghi, mà không dạy học trò về các lĩnh vực lao động sản xuất - lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội. Đây cũng là hạn chế trong nội dung giáo dục và trong quan niệm Học và Hành của ông.

Phương pháp nêu gương: Đây là một phương pháp và là một yêu cầu quan trọng trong giáo dục của Khổng Tử. Người thầy không chỉ có kiến thức cao thâm thì có thể dạy học trò giỏi, mà muốn học trò giỏi còn đòi hỏi ở người thầy tư cách và phẩm chất cao đẹp làm gương cho học trò noi theo, từ đó mỗi lời thầy giảng mới trở thành “tiên chỉ” để học trò phấn đấu thành tài. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử là minh chứng cho tấm gương mẫu mực của người thầy.

Theo Khổng Tử, nhân cách của người thầy có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người học, người học nhìn vào tấm gương người thầy mà tin rằng những điều thầy dạy là chân lý, là những điều tốt đẹp. Cho nên, để trở thành tấm gương cho học trò thì người thầy phải là người phải đi trước. Người thầy muốn dạy học trò điều gì thì thầy phải là người làm điều đó trước đã để chứng minh điều đó là đúng đắn: “Mình muốn dạy người ta điều gì, trước hết mình hãy làm điều đó đi. Rồi cứ theo đó mà dạy” (Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tùng chi) [62, tr.20-21]. Diễn ra thì ý Khổng Tử muốn nói là người thầy muốn quở trách học trò điều gì, trước hết người thầy đừng phạm điều ấy. Người thầy muốn khuyên học trò làm điều gì, trước hết người thầy phải làm cho xong điều đó. Như vậy mới làm thầy người ta được.

Trên nguyên tắc đó, những gì Khổng Tử dạy người khác thì ông đã làm trước bằng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay doc (Trang 34 - 42)