Một số huyện thuộc tỉnh Quảng Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Đại Lộc, Quảng Nam pptx (Trang 26 - 27)

- Tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam:

Là huyện trung du, cách thành phố Tam Kỳ 25 Km về phía tây. Trong 45.322 ha diện tích tự nhiên thì có đến 20.695 ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên là 3.228 ha và 17.467 ha rừng cây trồng kinh tế. Đất lúa và hoa màu chỉ chiếm 7.760 ha.

Trong những năm qua, vận dụng “Cơ chế tài chính khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2002-2005” theo Quyết định số 30/2002/QĐ-UB, ngày 24 tháng 5 năm 2002 và “Cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2004-2007)”, theo Quyết định số 66/2004/QĐ-UB, ngày 20 tháng 8 năm 2004 của UBND tỉnh Quảng Nam, chi nhánh NHNo&PTNT huyện Tiên Phước đã mạnh dạn mở rộng đầu tư tín dụng cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc. Tính đến thời điểm 31/12/2005 trong tổng dư nợ NHNo&PTNT trên địa bàn là 30.384 triệu đồng thì dư nợ cho vay đối với kinh tế trang trại, kinh tế vườn là đã chiếm 22.764 triệu đồng, tỷ trọng 91,37% tổng dư nợ. Còn lại là dư nợ các ngành CN, TTCN, thương mại và dịch vụ 7.620 triệu đồng.

Với cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 30/2002/QĐ-UB và Quyết định 66/2004/QĐ- UB, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi vay thông qua chính sách sử dụng công cụ tín dụng là: năm 2003 là 589 triệu đồng, năm 2004 là 754 triệu đồng, 2005 là 769 triệu đồng. [19, tr.3]

- Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam:

Điện bàn là huyện tiếp giáp về phía đông của Đại Lộc. Chi nhánh NHNo&PTNT KCN Điện Nam - Điện Ngọc có trụ sở đóng tại KCN, là địa bàn cạnh tranh khốc liệt với sự có mặt của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, thương mại nhà nước trong và ngoài địa bàn. Để tồn tại và phát triển, ngay từ khi thành lập chi nhánh NHNo&PTNT tại KCN này (2001), Lãnh đạo NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam đã có những quyết sách hợp lý như: Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, có cơ chế mềm dẻo về lãi suất cho vay, thấp hơn lãi suất áp dụng tại các chi nhánh khác, phù hợp với mặt bằng chung về lãi suất của các NHTM khác có mặt tại KCN; Bố trí đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Tổng số CBVC chi nhánh là 11 người thì có đến 10 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 2 người (Ban Giám đốc) có trình độ thạc sỹ kinh tế). Tuổi đời bình quân của CBVC là rất trẻ, (bình quân khoảng 30 tuổi).

Từ đó, sau 5 năm thành lập, chi nhánh NHNo&PTNT KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã vươn lên chiếm giữ thị phần tín dụng chủ yếu tại KCN. Tính đến 31/12/2005 chi nhánh NHNo&PTNT KCN Điện Nam - Điện Ngọc có dư nợ 83,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,55% tổng dư nợ của các chi nhánh NHTMNN ở KCN. Trong khi đó, chi nhánh NHĐT&PT KCN Điện Nam - Điện Ngọc có dư nợ 40,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,33% và chi nhánh NHCT KCN Điện Nam - Điện Ngọc có dư nợ 18,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,11% [20, tr.4].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Đại Lộc, Quảng Nam pptx (Trang 26 - 27)