Chính sách định giá

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng Marketing Mix vào hoạt động phân phối bán lẻ của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Trang 26 - 28)

Trong những trường hợp khác nhau, tuỳ thuộc vào tiềm lực và mục tiêu của doanh nghiệp mà doanh nghiệp sử dụng các chính sách giá phù hợp. Có bốn chính sách giá mà doanh nghiệp phân phối bán lẻ thường áp dụng như sau:

- Chính sách về sự linh hoạt của giá

Chính sách về sự linh hoạt của giá thể hiện cách thức mà doanh nghiệp sử dụng mức giá đối với các đối tượng khách hàng.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn các chính sách sau:

Chính sách giá cố định: là chính sách sử dụng một mức giá đối với tất cả các khách hàng mua hàng trong cùng điều kiện cơ bản và cùng một khối lượng.

Chính sách này có ưu điểm: đảm bảo được thu nhập dự tính, duy trì được uy tín khách hàng, rút ngắn thời gian bán, định giá và quản lý giá dễ dàng. Nhược điểm: Cứng nhắc về giá, khi có biến động khó điều chỉnh kịp thời; kém linh hoạt và cạnh tranh khi đặt giá cao hơn đối thủ cạnh tranh.

Chính sách giá linh hoạt: đối với các khách hàng khác nhau sử dụng các mức giá khác nhau trong cùng điều kiện cơ bản và cùng một khối lượng. Ưu điểm: Hỗ trợ tốt cho việc bán hàng trong các tình huống cụ thể một cách linh hoạt; đáp ứng nhu cầu mong muốn được trả giá của khách hàng. Nhược điểm: Việc quản lý giá khó khăn; công sức và thời gian bán hàng lớn; tạo tâm lý không hài lòng cho khách hàng khi khách cảm giác bị mua đắt.

- Chính sách về mức giá theo chu kỳ sống của sản phẩm.

Chính sách này thường được áp dụng để lựa chọn mức giá cho các sản phẩm mới. tuỳ theo điều kiện cụ thể có thể lựa chọn các chính sách sau:

Chính sách giá hớt váng: là việc đưa ra mức giá cao nhất so với thị trường đối với sản phẩm hoàn toàn mới, độc đáo. Mức giá này nhằm chinh phục nhóm khách hàng không nhạy cảm về giá và tăng tối đa việc hớt phần ngon của thị trường.

Chính sách giá thâm nhập: là chính sách thường dùng đối với các sản phẩm mới nhưng mang tính tương tự, sản phẩm cải tiến hoặc trên các thị trường mới . Mức giá được xác định là mức giá thấp để có thể bán được hàng với khối lượng lớn.

Chính sách giá giới thiệu: là chính sách đưa ra mức giá thấp trong một thời gian ngắn để lôi kéo khách hàng chú ý, dùng thử và sẽ được nâng lên khi khách hàng đã biết về sản phẩm.

Chính sách giá theo thị trường: là chính sách giá được xác định thông qua mặt bằng giá thị trường nghĩa là thông qua nghiên cứu cung cầu và nghiên cứu giá bán của đối thủ cạnh tranh.

- Chính sách giá theo chi phí vận chuyển:

Khách hàng khi mua hàng thường mong muốn doanh nghiệp vận chuyển hàng đến nơi họ yêu cầu. Chi phí cho việc vận chuyển hàng hoá khá là lớn, có thể chiếm đến 50% - 60%. Vì vậy, khi tính giá có thêm chi phí vận chuyển, doanh nghiệp phải có chính sách đúng đắn để lựa chọn phương án đạt giá hợp lý. Có ba loại chính sách chính mà doanh nghiệp có thể áp dụng là:

Giá giao hàng theo địa điểm: Lấy địa điểm giao hàng cụ thể giữa bên mua và bên bán làm căn cứ để xác định mức giá hàng hoá.

Giá giao hàng theo vùng: Mức giá được xác đinh theo vùng địa lý đã xác định từ trước, nghĩa là, trong cùng một vùng mức giá sẽ như nhau.

Giá giao hàng đồng loạt: Mức giá được xác định theo chi phí vận chuyển bình quân cho tất cả người mua trên thị trường..

Giá vận chuyển hấp dẫn: Mức giá như mức giá theo địa điểm nhưng áp dụng với những khách hàng ở xa nhằm thu hút khu vực thị trường mới.

- Chính sách hạ giá và chiếu cố giá:

Chính sách này được áp dụng khi điều kiện kinh doanh thay đổi một khía cạnh nào đó. Hạ giá là sự giảm giá công bố (giá người bán thông báo cho người mua). Chiếu cố giá, tương tự như hạ giá nhưng có kèm theo điều kiện cho người mua như giúp doanh nghiệp quảng cáo, bán hàng…

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng Marketing Mix vào hoạt động phân phối bán lẻ của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Trang 26 - 28)