Nhận định chung

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cấu trúc cú pháp của ca dao Việt Nam theo quan điểm ngữ pháp chức năng (Trang 62 - 65)

ngữ pháp chức năng

3.3. Nhận định chung

Dựa trên tiêu chí hoàn chỉnh về ngữ pháp của cấu trúc cú pháp cơ bản của ca dao Việt Nam, chúng tôi chia ca dao ra làm bốn dạng câu: ca dao có cấu trúc là câu đơn (trong đó có câu đơn dơn phần: chỉ có một phần đề hay một phần thuyết; câu đơn song phần: gồm một cấu trúc đề - thuyết), ca dao có cấu trúc câu ghép, ca dao có cấu trúc câu phức và ca dao có cấu trúc câu ghép phức.

Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành thống kê tỉ lệ của các loại câu và các thành phần của câu thì được kết quả như sau:

Loại câu Thành phần Đơn Ghép Phức Ghép phức Đề 0,7% 8,3% 9% Thuyết 2,1% 5,6% 10,5% Cấu trúc đề - thuyết 22,2% 9% 18% Tổng cộng 25% 22,9% 37,5% 14,6%

Thông qua bảng thống kê trên, ta thấy các loại cấu trúc câu của ca dao Việt Nam có sự chênh lệch rất rõ. Khi sáng tác ca dao, tác giả dân gian sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc là thể lục bát (thể văn vần), mỗi câu ca dao có hai dòng nên việc xác định loại câu rất khó khăn. Trong các câu ca dao có nhiều loại cấu trúc câu đan xen nhau. Do đó, khi thống kê, chúng tôi tiến hành theo từng loại chứ không dựa vào một bài ca dao hoàn chỉnh (ở đây là hoàn chỉnh về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa). Kết quả thu được: 36 câu ca dao có dạng câu đơn, 33 câu ca dao có dạng câu ghép, 54 câu ca dao có dạng câu phức, 21 câu ca dao có dạng câu ghép phức; tổng cộng là 144 câu. Ca dao thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng… của con người Việt Nam. Tuỳ theo từng mức độ thể hiện tình cảm mà nhân dân ta đã thể hiện trên những cấu trúc câu của ca dao có sự khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp (câu dao có dạng câu đơn đến ca dao có dạng câu ghép phức). Cấu trúc câu của ca dao phần nào phản ánh những cung bậc tình cảm của con người Việt Nam.

Cũng qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy: ở ca dao Việt Nam, đề - thuyết tình thái rất ít xuất hiện (chỉ khoảng 3 lần trong tổng số). Theo chúng tôi, đó là vì ca dao Việt Nam thể hiện thái độ, tình cảm, suy nghĩ của con người Việt Nam một cách dứt khoát.

KẾT LUẬN

Ca dao là một thể loại văn học độc đáo của nhân dân ta, đã được nhân dân ta sáng tạo, lưu truyền và phát triển cho tới ngày nay. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Ca dao Việt Nam là tiếng nói tình cảm của nhân dân lao động, thể hiện những cung bậc tình cảm, tâm hồn của con người Việt Nam. Nhiếu vấn đề về ca dao đã lôi cuốn sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu làm việc trên nhiều phương diện của ca dao, trong đó, có phương diện ngôn ngữ.

Trong đề tài này, trước khi đưa ra đặc điểm của thể loại ca dao và những tiêu chí để phân biệt, nhận diện ca dao bên cạnh những thể loại gần gũi, chúng tôi trích dẫn một số quan điểm của các nhà nghiên cứu về khái niệm của ca dao. Qua đó, ta thấy vấn đề về khái niệm của ca dao vẫn chưa thống nhất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa thống nhất đó là các nhà nghiên cứu còn đứng trên lập trường khác nhau.

Ca dao là một thể loại văn học đặc sắc, phong phú không chỉ về nội dung mà cả về hình thức nghệ thuật. Nội dung của ca dao được chia thành hai phương diện lớn là: nội dung ca dao trữ tình và nội dung ca dao thế sự. Về hình thức nghệ thuật của ca dao, những yếu tố đã mang lại giá trị to lớn cho ca dao như thể thơ, cấu tứ, ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật. Những yếu tố này được tác giả dân gian sử dụng để xây dựng hình tượng của ca dao.

Bên cạnh vấn đề về khái niệm, đặc điểm của ca dao về nội dung và hình thức nghệ thuật, chúng tôi điểm qua một số quan điểm của các nhà nghiên cứu về việc phân biệt ca dao với các thể loại gần gũi: tục ngữ và dân ca. Qua đó, chúng tôi đưa ra tiêu chí để nhận diện thể loại ca dao.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều khuynh hướng ngữ pháp để nghiên cứu về vấn đề câu trong tiếng Việt. Trong đó, quan niệm ngữ pháp mà chúng ta quen dùng là ngữ pháp cấu trúc. Tuy nhiên, nghiên cứu câu tiếng Việt theo ngữ pháp cấu trúc gặp rất nhiều hạn chế.

Việc nghiên cứu câu tiếng Việt theo quan điểm ngữ pháp chức năng mới xuất hiện gần đây nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Theo quan điểm ngữ pháp chức năng, câu tiếng Việt được chia thành đề và thuyết. Phần đề, tuỳ theo đối tượng được nói đến mà được chia thành đề tài và đề khung. Bên cạnh cấu trúc đề - thuyết trong câu miêu thuật, câu tiếng Việt còn có đề tình thái và thuyết tình thái.

Cấu trúc Đề - Thuyết còn mở rộng theo quan hệ ngữ đoạn để tạo thành câu có nhiều đề, nhiều thuyết, nhiều cấu trúc đề - thuyết (hiện tượng ghép) và phức tạp hoá theo quan hệ đối vị để tạo ra một cấu trúc đề - thuyết nhỏ hơn (bậc tiểu cú). Tuỳ theo phần đề, phần thuyết hay cả cấu trúc đề - thuyết mà có dạng: phức đề, phức thuyết, phức cấu trúc đề - thuyết. Câu tiếng Việt còn có thể kết hợp cả phức tạp hoá theo quan hệ đối vị và mở rộng theo quan hệ ngữ đoạn, tạo thành câu ghép phức.

Theo quan điểm ngữ pháp chức năng, có ba tác tử cú pháp chuyên dùng để phân giới và đánh dấu đề - thuyết. Ba tác tử đó là: “thì”, “là”, “mà”.

Câu tiếng Việt theo quan điểm ngữ pháp chức năng có những loại sau đây: câu đơn, câu ghép, câu phức, câu ghép phức.

Việc nghiên cứu ca dao Việt Nam theo quan điểm ngữ pháp chức năng đã được một số nhà nghiên cứu nói đến. Người viết thông qua đề tài này, muốn tìm hiểu và làm sáng tỏ cấu trúc cú pháp của ca dao Việt Nam theo quan điểm ngữ pháp chức năng.

Giống như câu tiếng Việt, cấu trúc cú pháp của ca dao Việt nam khi được nghiên cứu theo quan điểm ngữ pháp chức năng cũng được chia thành đề và thuyết. Ca dao Việt Nam ngoài câu chỉ có một cấu trúc đề thuyết cũng còn được mở rộng theo quan hệ ngữ đoạn, tạo thành ca dao có dạng câu ghép và phức tạp hoá theo quan hệ đối vị, tạo thành ca dao có dạng câu ghép, kết hợp cả mở rộng lẫn phức tạp hoá, tạo thành ca dao có dạng câu ghép phúc.

Trong ca dao, ba tác tử “thì”, “mà”, “là” cũng là ba tác tử cú pháp chuyên dùng để phân giới và đánh dấu đề - thuyết.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu cấu trúc cú pháp của ca dao Việt Nam theo quan điểm ngữ pháp chức năng (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w