Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, sắp xếp lại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã thực hiện cổ phần hoá các đơn vị thành viên hạch toán độc lập như sản xuất công nghiệp, xây lắp, thương mại và hiện đang tiến hành cổ phần hoá hơn 10 công ty xây lắp trực thuộc các Bưu điện tỉnh, thành và dự kiến trong thời gian tới VNPT sẽ thực hiện cổ phần hoá toàn bộ các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc không kinh doanh dịch vụ công ích, đường trục thông tin; đồng thời VNPT cũng có chủ trương tham gia thành lập mới các Công ty cổ phần hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn như thông tin di động, công nghệ thông tin… Chủ trương đó tạo ra những cơ hội đa dạng hoá danh mục đầu tư cho PTF. Do vậy, PTF cần phải theo sát tiến trình cổ phần hoá của các Công
ty, sau đó tiến hành phân tích, xây dựng các phương án tham gia đấu giá, mua cổ phần của các Công ty này sao cho mua được cổ phần nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của việc đầu tư. Đây là một trong những bước chuẩn bị giúp PTF sẵn sàng cho việc nhận uỷ thác quản lý vốn góp của VNPT tại các Công ty cổ phần, Liên doanh.
Trong thời gian Điều lệ tổ chức và hoạt động của PTF chưa được sửa đổi cho phù hợp với Nghị định 79/2002/NĐ-CP thì PTF nên xin VNPT cơ chế đầu tư góp vốn liên doanh, mua cổ phần của các doanh nghiệp ngoài VNPT theo phân cấp mức đầu tư hợp lý. Như vậy, PTF mới gia tăng được lượng vốn đầu tư tài chính vào các dự án bên ngoài, làm quen dần với các ngành nghề kinh doanh khác để chuẩn bị sẵn sàng khi VNPT chuyể̉n đổi hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, đa sở hữu thì PTF sẽ đảm trách được vai trò là đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, đầu tư tài chính cho Công ty mẹ.
Ngoài ra, PTF cũng cần đẩy mạnh việc tham gia đầu tư và kinh doanh chứng khoán niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, trái phiếu như là một trong những giải pháp nhằm đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh, nhằm tăng lợi nhuận, giảm dần lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; đồng thời tập trung đào tạo đội ngũ chuyên viên đầu tư của PTF. Để làm được điều đó, PTF cần phải thiết lập hệ thống thu thập các thông tin có ảnh hưởng đến giá chứng khoán để có những giải pháp kinh doanh kịp thời và hiệu quả.
3.2.2.3 Một số giải pháp khác:
- PTF là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và tín dụng thì năng lực tài chính của Công ty là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Và một trong những chỉ tiêu
nói lên khả năng tài chính của Công ty chính là vốn chủ sở hữu. Các Công ty có vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng tự chủ về tài chính càng cao, vốn chủ sở hữu như một tấm lá chắn đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của Công ty. Do vậy, để nâng cao năng lực tài chính của PTF, PTF nên trình VNPT bổ sung vốn điều lệ, ngoài ra PTF có thể xin VNPT cho phép phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn. Trong đó VNPT nắm giữ cổ phần chi phối để vẫn duy trì sở hữu Nhà nước trong PTF. Hình thức phát hành cổ phiếu là hình thức huy động vốn có tính khả thi cao, ngoài việc gia tăng lượng vốn điều lệ của PTF, nó còn góp phần gia tăng lượng vốn cho PTF từ chính các cổ đông.
- Phát triển nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong từng lĩnh vực, đặc biệt trong hoạt động đầu tư tài chính, bố trí cán bộ, chuyên viên vào những vị trí phù hợp với trình độ, năng lực và ngành nghề đã được đào tạo để họ có thể phát huy hết khả năng của mình trong công việc. Cán bộ nhân viên phải có thái độ hoà nhã và tận tình với khách hàng. Hình thức đào tạo có thể kết hợp tự đào tạo nội bộ và đào tạo bên ngoài, kết hợp đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng với đào tạo về lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông. PTF cần thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề, thảo luận để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong xử lý công việc.
- Các đơn vị thành viên của VNPT có địa bàn hoạt động trải rộng khắp cả nước, do vậy PTF cần thúc đẩy việc mở chi nhánh tại các thành phố lớn trong nước, trước mắt là ở thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là ở Đà Nẵng… Việc mở thêm các chi nhánh tạo điều kiện cho PTF tìm hiểu cũng như gây dựng những mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị trong ngành và các đối tác khách hàng bên ngoài. Từ đó, PTF có thể tìm kiếm được những cơ hội đầu tư mới tiềm năng hơn.
- PTF cần đầu tư trang bị hệ thống tin học hiện đại, chương trình phần mềm quản lý nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu kinh doanh, đảm bảo tính chính xác và an toàn cao, đồng thời thiết lập chương trình cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến nội dung hoạt động của PTF.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phân tích thị trường, xác định thị trường tiềm năng, thị trường hiệu quả và có các chính sách Marketing khách hàng, nhằm thu hút khách hàng, duy trì và phát triển khách hàng. Để cạnh tranh tốt thì chỉ không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà Công ty cung cấp, ngày nay khi mà đã có sự đồng dạng nhất định về các sản phẩm giữa các Công ty thì yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh là các dịch vụ đi kèm theo sản phẩm. Chính vì thế PTF cần phải thực hiện tốt chính sách chăm sóc khách hàng sau khi đã cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
- Nâng cao năng lực quản trị điều hành của đội ngũ cán bộ PTF, thông qua việc cử cán bộ tham dự các lớp đào tạo về quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh và các lớp nâng cao kiến thức nghiệp vụ.
3.3 MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:
Để đảm bảo cho các giải pháp phát triển hoạt động đầu tư tài chính của PTF trong VNPT có tính khả thi và đạt hiệu quả cao, trong phạm vi nghiên cứu của mình, tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
3.3.1 Đối với cơ quan quản lý Nhà nước:
- Kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các Công ty Tài chính, đặc biệt là các Công ty Tài chính trong Tổng công ty Nhà nước; cho phép các Công ty tài chính được mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra ngoài Tổng công ty, cho phép các Công ty tài chính trong các Tổng công ty Nhà nước hoạt động bình đẳng như các tổ chức tài chính khác
trên thị trường. Cụ thể, Chính phủ nên xem xét bổ sung Nghị định 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính cho phép các Công ty tài chính trong Tổng Công ty được phép có thêm các hoạt động như quản lý, sử dụng các quỹ, vốn tạm thời nhàn rỗi trong Tổng Công ty.
- Kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Quyết định số 492/2000/ QĐ-NHNN5 ban hành ngày 28/11/2000 quy định về việc góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, theo đó các tổ chức tín dụng được đầu tư góp vốn, mua cổ phần tối đa không vươt quá 40% vốn điều lệ và mức góp vốn vào một doanh nghiệp không quá 20% vốn điều lệ. Quy định này là phù hợp đối với các ngân hàng thương mại bởi hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng thương mại vẫn là hoạt động tín dụng, quy định này sẽ đảm bảo tính an toàn trong hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại. Nhưng đối với các Công ty Tài chính thì như vậy là kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy, tôi kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên sưa đổi Quyết định này theo hướng quy định tỷ lệ riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các Công ty Tài chính.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước nên có những giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường chứng khoán, tạo thêm thị trường đầu tư cho các Công ty Tài chính nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư và tăng lợi nhuận cho Công ty. Các biện pháp để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam là: thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, quy định thêm các chế độ ưu đãi đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ tăng thêm hàng hoá cung cấp trên thị trường; thúc đẩy việc thành lập các Quỹ đầu tư chứng khoán, Công ty quản lý quỹ; hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường chứng khoán, nâng cao trình độ cho các chuyên viên hành nghề chứng khoán.
3.3.2 Đối với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam:
- Tăng cường năng lực tài chính cho PTF thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty. Tiềm lực tài chính hiện nay của PTF còn thấp hơn nhiều so với một số đơn vị thành viên của VNPT và so với các tổ chức tín dụng trên thị trường. Tính đến tháng 6/2006 thì vốn điều lệ của PTF vẫn là 70 tỷ đồng, việc tăng vốn tự có bằng việc bổ sung vốn từ các quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển của PTF hàng năm rất nhỏ. Như vậy, tôi cho rằng VNPT cần nghiên cứu cấp bổ sung vốn điều lệ cho PTF, sao cho tương xứng với vai trò và khả năng hoạt động kinh doanh của PTF, giúp PTF tăng khả năng tự chủ về tài chính và phát triển các hoạt động kinh doanh.
- Phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa Ban Kế toán Thống kê Tài chính và PTF, trong đó xác định rõ chức năng nhiệm vụ của PTF là trung gian tài chính - cầu nối giữa VNPT, các đơn vị thành viên của VNPT với các tổ chức tài chính, thị trường tài chính trong và ngoài nước.
- Thay đổi Quyết định số 153/QĐ/ĐTPT-HĐQT ngày 25/04/2001 theo hướng cho phép PTF đầu tư vào các dự án trên 3 tỷ mà không cần phải trình Hội đồng quản trị VNPT xét duyệt. Hoặc giải pháp khác là VNPT cần sớm đề cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của PTF. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho VNPT tại PTF. Có như vậy, PTF mới kịp thời nhận được các ý kiến chỉ đạo từ Hội đồng quản trị khi thực thi những công việc mà như hiện nay cần phải xin phép VNPT. Khi đó, PTF sẽ có thể nâng cao hiệ̣u quả hoạt động kinh doanh và thúc đẩy được vai trò của mình trong Tổng Công ty.
- Giao cho PTF làm tổ chức đầu mối huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
- Uỷ thác cho PTF quản lý nguồn vốn tự tích luỹ và nguồn vốn ODA của VNPT để tái đầu tư phát triển.
- Uỷ thác cho PTF quản lý phần vốn góp của VNPT tại các Công ty cổ phần, Công ty Liên doanh; giao cho PTF làm đại diện trực tiếp quản lý phần vốn góp của VNPT tại doanh nghiệp này.
- Uỷ thác cho PTF thực hiện hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong và ngoài Ngành.
- Giao cho PTF xây dựng các phương án huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu của VNPT và uỷ thác cho PTF giải ngân nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
- Hoàn chỉnh mô hình Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong đó xác định rõ vị trí, vai trò và chức năng nhiệm vụ của PTF trong Tập đoàn sao cho phát huy hiệu quả nhất vai trò của PTF trong Tập đoàn.
KẾT LUẬN:
Khái niệm Công ty Tài chính và hoạt động đầu tư tài chính của Công ty Tài chính là những khái niệm rất mới đối với Việt Nam trong những năm gần đây. Những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này còn rất ít. Những kết quả tổ chức, quản lý Công ty Tài chính và hoạt động đầu tư tài chính của Công ty Tài chính đều được đúc rút, học tập từ những nước có nền kinh tế phát triển hơn và hiện nay nó đang dần được hoàn thiện để phù hợp với đặc điểm riêng của nền kinh tế Việt Nam - Công ty Tài chính trực thuộc Tổng công ty Nhà nước.
Trong những năm qua, hoạt động đầu tư tài chính của Công ty Tài chính Bưu Điện đã đạt được những thành tựu nhất định, quy mô đầu tư tài chính của Công ty tăng đều đặn hàng năm, kinh doanh luôn đảm bảo thu được lợi nhuận. Tuy nhiên nó vẫn chưa xứng tầm là hoạt động kinh doanh chủ yếu của một Công ty tài chính, chưa tận dụng được hết những ưu thế của mình, là một đầu mối đầu tư tài chính cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - một trong những Tổng công ty Nhà nước có tiềm lực và quy mô lớn nhất nước. Nguyên nhân của tình trạng này có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là chính bản thân Công ty Tài chính Bưu Điện chưa thực sự phát huy được hết thế mạnh của mình. Còn nguyên nhân khách quan là xuất phát từ những quy định, những bất cập trong quản lý của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam; xuất phát từ môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự phát triển; và cuối cùng là xuất phát từ môi trường pháp lý của chúng ta vẫn chưa hoàn thiện, chưa tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư tài chính của Công ty Tài chính. Qua nghiên cứu cụ thể tình hình hoạt động đầu tư tài chính của Công ty tài chính Bưu Điện, đồng thời dựa vào những nguyên nhân nêu trên, chuyên đề thực tập tốt
nghiệp của em mong đưa ra những giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển hoạt động đầu tư tài chính của Công ty Tài chính Bưu Điện. Hy vọng những giải pháp đó có thể có những giá trị thiết thực cho sự phát triển hoạt động đầu tư tài chính của Công ty.
Hoàn thành chuyên đề thực tập tốt nghiệp này, em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn của thầy giáo – TS. Đặng Ngọc Đức, sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Công ty Tài chính Bưu Điện.
DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Giáo trình tài chính doanh nghiệp, PGS.TS. Lưu Thị Hương, Nhà xuất bản thống kê.
- Giáo trình ngân hàng thương mại, TS. Phan Thị Thu Hà, Nhà xuất bản thống kê.
- Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính, F.Mishkin, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật Hà Nội.
- Phân tích hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Năng Phúc, Nhà xuất bản tài chính.
- Đầu tư tài chính, Trần Thị Thái Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Mô hình tập đoàn kinh tế trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Vũ Từ Huy, Học viện chính trị quốc gia.
- Nghị định 79/2002/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính.
- Quyết định số 492/2000/QĐ-NHNN5 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng. - Quyết định số 153/QĐ/ĐTPT-HĐQT ngày 25/04/2001 của VNPT. - Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính Bưu Điện.
- Quyết định số 75/QĐ/KT-NQ của Giám đốc Công ty Tài chính Bưu