Huy động vốn từ nguồn vốn tự tích luỹ và vốn ODA của VNPT
Những năm qua, nguồn vốn tự tích luỹ và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đóng một vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của VNPT. Nguồn vốn ODA của VNPT trong giai đoạn 2001-2010 dự kiến là 10.700 tỷ đồng, chiếm 15,02% tổng nguồn vồn đầu tư của VNPT. Nguồn vồn này có đặc điểm lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài nên chủ yếu được sử dụng đầu tư vào các dự án trọng điểm có số vốn đầu tư lớn, khả năng sinh lợi thấp để đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực mạng lưới hoặc các dự án mang tính công ích cao như: các dự án cáp quang biển, phát triển viễn thông nông thôn và Internet phục vụ cộng đồng… Nguồn vốn tự tích luỹ của VNPT trong giai đoạn 2001-
2010 dự kiến là 32.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng là 45,8% tổng nguồn vốn đầu tư. Nguồn vốn tự tích luỹ của VNPT chủ yếu được hình thành từ:
- Nguồn vốn khấu hao cơ bản từ tài sản cố định của các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc ( trừ trường hợp đơn vị tự vay tự trả), các đơn vị sự nghiệp, và một phần khấu hao của các đơn vị hạch toán độc lập.
- Nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển tập trung của VNPT, từ quỹ đầu tư phát triển của các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc và một phần quỹ đầu tư phát triển của các đơn vị hạch toán độc lập ( tối đa 10% ).
Theo quy định hiện hành, nguồn vốn này được quản lý, sử dụng tập trung ở Tổng công ty để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển tập trung của VNPT, nó do 3 Ban chức năng là Ban Kế toán Thống kê Tài chính, Ban Đầu tư Phát triển và Ban Kế hoạch trực tiếp theo dõi, quản lý, cân đối và trình Lãnh đạo VNPT quyết định phân bổ tái đầu tư vào dự án tập trung mà VNPT trực tiếp ra quyết định đầu tư.
Thực trạng tình hình đầu tư xây dựng cơ bản của VNPT những năm vừa qua cho thấy trong quá trình quản lý, sử dụng các nguồn vốn tự tích luỹ tập trung, nguồn vốn ODA đã phát sinh một số tồn tại như:
- Các đơn vị thành viên sau khi trích lập khấu hao thường chưa chuyển ngay về VNPT theo đúng thời gian quy định mà tạm chiếm dụng để sử dụng vào các mục đích khác.
- Trong thời gian chưa sử dụng để tái đầu tư vào các dự án, nguồn vốn tự tích luỹ tập trung ở VNPT chủ yếu được gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng với lãi suất rất thấp.
- Trong quá trình sử dụng vốn ODA, các thủ tục trình duyệt dự án, hợp đồng của cả bên Việt Nam và đối tác nước ngoài đều rất phức tạp, qua nhiều khâu, gây chậm trễ chung cho toàn bộ dự án.
- Các Ban chức năng của VNPT do số lượng cán bộ chuyên viên có hạn mà phải đảm trách nhiều nhiệm vụ nên chưa thực hiện được tốt chức năng tham mưu giúp lãnh đạo VNPT sử dụng có hiệu quả các khoản vốn tích luỹ tập trung ở VNPT đang tạm thời nhàn rỗi vào những lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, hoặc quản lý sử dụng vốn vay ODA hiệu quả và đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tự tích luỹ và vốn ODA của toàn VNPT, theo tôi PTF nên trình VNPT uỷ thác cho PTF quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Với vai trò là một tổ chức tài chính trung gian, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ chắc chắn rằng PTF sẽ quản lý tốt nguốn vốn này, đảm bảo nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư, đẩy nhanh thủ tục giải ngân, tiến độ thanh quyết toán công trình để sớm thực hiện khấu hao tài sản cố định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và phát triển hoạt động chung của VNPT.
Để thực hiện giải pháp này, tôi đề xuất:
- Đối với VNPT: Ban hành quyết định uỷ thác cho PTF quản lý nguồn vốn tích luỹ và vốn ODA của VNPT; đồng thời thông báo cho các đơn vị thành viên được uỷ quyền làm chủ đầu tư các dự án biết để các đơn vị tiếp nhận vốn đầu tư từ PTF; VNPT quy định mức phí uỷ thác PTF được hưởng; chỉ đạo cho PTF và các đơn vị thành viên khác giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Đối với PTF: Đề nghị các đơn vị liên quan gửi đầy đủ hồ sơ về dự án đầu tư, tiến hành thẩm định hồ sơ và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tiến độ giải ngân theo đúng quy định của Nhà nước và của VNPT; phải báo cáo VNPT tiến độ triển khai dự án theo định kỳ 3 tháng 1 lần vào cuối mỗi quý; phân tích, đánh giá tình hình sử dụng nguồn vốn do VNPT uỷ thác và đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trình VNPT theo định kỳ 6 tháng, năm.
Huy động vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu của VNPT
Hiện nay, do bị hạn chế bởi hạn mức tín dụng 15% vốn tự có ( 10,5 tỷ đồng ) đối với một khách hàng, mà theo quy định thì VNPT và 70 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của VNPT cũng chỉ được coi là một khách hàng của PTF, nên PTF phải huy động vốn bằng hình thức nhận uỷ thác đầu tư từ các tổ chức tín dụng là chủ yếu. Tuy nhiên, đặc điểm nguồn vốn này thường có lãi suất cao hơn nhiều so với nguồn vốn huy động trực tiếp từ các tổ chức và cá nhân. Do vậy, giải pháp quan trọng nhằm gia tăng nguồn vốn và giảm chi phí huy động vốn đối với PTF hiện nay là cần chủ động xây dựng các phương án phát hành trái phiếu trình VNPT, trong đó VNPT là chủ thể phát hành trái phiếu và PTF chỉ đóng vai trò là tổ chức nhận uỷ thác phát hành và giải ngân vốn cho các dự án đầu tư của VNPT.
Đây là hình thức huy động vốn có tính khả thi cao đối với VNPT do VNPT là một tổ chức có uy tín trên thị trường nên có thể thu hút được lượng vốn lớn với lãi suất thấp thông qua việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu và giải ngân vốn VNPT nên uỷ thác cho PTF thực hiện, do để quản lý và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu có hiệu quả cao thì VNPT cần phải có kế hoạch giải ngân vốn chính xác và kế hoạch quản lý nguồn vốn trả nợ tối ưu, nhưng thực tế do số lượng dự án và lượng vốn đầu
tư hàng năm của VNPT là quá lớn nên VNPT không có điều kiện và khả năng để thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nhận uỷ thác phát hành trái phiếu và giải ngân vốn, PTF cần liên hệ chặt chẽ với các đơn vị thành viên được uỷ quyền là chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn phù hợp với thời điểm huy động vốn, định kỳ báo cáo VNPT về kế hoạch giải ngân và trả nợ, đề xuất các giải pháp với VNPT nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Huy động vốn từ các đơn vị thành viên của VNPT
VNPT là một Tổng công ty lớn bao gồm nhiều đơn vị thành viên có tiềm lực mạnh về kinh tế. Trong đó, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Công ty Tiết Kiệm Bưu Điện (VPSC) là hai trong các định chế tài chính của VNPT, các Công ty thường có nguồn vốn nhàn rỗi lớn. PTF cần tiếp xúc với PTI, VPSC tạo mối quan hệ khách hàng, đối tác để̉ có thể huy động được nguồn vốn này thông qua hình thức nhận uỷ thác đầu tư để cho vay, đầu tư vào các dự án của VNPT.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên hạch toán độc lập trong VNPT, các Công ty cổ phần, liên doanh mà VNPT có vốn góp chi phối cũng sẽ là nguồn thu hút vốn tiềm năng của PTF. Các đơn vị này thường có nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và được gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng với lãi suất thấp, do vậy PTF có thể huy động vốn từ các đơn vị này dưới hình thức vay vốn hoặc nhận uỷ thác đầu tư.