Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chủ tư bản Pháp phát triển sang chủ nghĩa đế quốc.Nhu cầu về thị trường đã dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở bán đảo Đông Dương- một khu vực sẽ cung cấp nguyên liệu,nhân công và thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của chính quốc, là căn cứ quân sự làm bàn đạp xâm chiếm các nước khác.
Tư bản Pháp lăm le nổ súng xâm lược đúng lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang đi sâu vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Tháng 9 năm 1958, quân Pháp nổ súng chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ngay từ đầu, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đánh chiếm được thành Gia Định, Pháp lần lượt chiếm 3 tỉnh miền Đông (1862) rồi 3 tỉnh miền Tây (1867). Từ sau 1867,thực dân Pháp từng bước mở rộng đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, hai lần đánh chiếm thành Hà Nội (1873, 1882),rồi sau đó thôn tính một số tỉnh Bắc Kỳ, gây chiến với nhà Thanh để loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Hai bản hiệp ước Hác- măng (Hacmand) năm 1883 và Pa -tơ - nốt (Patenotre) năm 1884, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến Việt Nam và xác lập nền bảo hộ hoàn toàn của Pháp trên toàn bộ đất nước ta.
Sau khi hoàn thành về căn bản công cuộc bình định Việt Nam về mặt quân sự thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa Việt Nam nói riêng cũng như Đông Dương nói chung một cách quy mô. Ngày 22 tháng 3 năm 1897, Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume (Paul Doumer) gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp dự án chương trình hoạt động. Chương trình khai thác do Đume vạch ra để thi hành ở Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) từ những năm đầu thế kỷ XX có mục đích tối thượng là biến gấp Đông Dương thành một thuộc địa khai khẩn bậc nhất, bảo đảm siêu lợi nhuận cao nhất cho đế quốc Pháp [7;98].
Pôn Đume tìm mọi cách chia cắt đất nước,chia rẽ dân tộc Việt Nam hòng phân tán lực lượng để dễ bề cai trị. Việt Nam bị chia cắt làm 3 kì với 3 chế độ cai trị khác nhau. Bắc Kì và Trung Kì là hai xứ bảo hệ vẫn còn giữ lại chính quyền phong kiến về hình thức; Nam Kì là đất nước thuộc địa hoàn toàn do Pháp nắm.
Thông qua hai cuộc khai thác thuộc địa: lần thứ nhất (1897- 1914) và lần thứ hai (1919- 1929), phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu du nhập vào Việt Nam, cơ cấu kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên,cơ cấu kinh tế Việt Nam thời thuộc Pháp là sự phát triển không cân đối giữa một
nền nông nghiệp nặng nề, cổ hủ, lạc hậu với một nền công nghiệp mỏng manh, yếu ớt. Sự mất cân đối này được thể hiện trong từng ngành kinh tế. Cụ thể, trong nông nghiệp cây lúa vẫn giữ vị trí chủ yếu, trong công nghiệp, khai mỏ vẫn chiếm phần lớn việc kinh doanh cũng như giá trị toàn ngành. Các ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim, cơ khí, năng lượng hầu như không được đầu tư xây dựng. Do đó, các ngành sản xuất không có sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế Việt Nam còn biểu hiện ở sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền đất nước. Miền Trung từ trước đến sau này chỉ có một vài chuyển biến cục bộ ở một số địa phương như Quảng Nam, Vinh, Bến Thuỷ, còn lại vẫn nghèo nàn và lạc hậu như trước.
Về mặt xã hội :Xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cũng bắt đầu thay đổi khá nhanh. Nhân dân lao động bị bần cùng hoá, xã hội phân hoá ngày càng sâu sắc, nông thôn thành thị đều có những biến chuyển rõ rệt. Những lực lượng đại diện cho xã hội cũ như địa chủ, nông dân ngày càng bị phân hóa sâu sắc :địa chủ thì giàu lên nhanh chóng còn đa số nông dân thì rơi vào cảnh nghèo đói, bần cùng. Đồng thời, các lực lượng xã hội mới như tư sản, công nhân, tiểu tư sản cũng bắt đầu xuất hiện và từng bước trưởng thành nhanh chóng cùng với sự mở rộng của các thành phần kinh tế mới - TBCN.
Dân số tăng nhanh, các thị trấn và thị xã được mở rộng nhiều so với trước, bộ mặt thành thị và một số vùng nông thôn ven đô thị cũng thay da đổi thịt. Mâu thuẫn giữa công nhân với tư bản, nông dân với địa chủ, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp xâm lược ngày càng trở nên sâu sắc hơn, quyết liệt hơn dẫn đến cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ngày càng phát triển mạnh mẽ.