- Tông Nichiren và tông Jodo
2.1. PHẬT GIÁO VỚI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Có thể nói, trong hành trình phát triển của nhân loại, không có một dân tộc nào lại không tự sáng tạo cho mình một di sản văn hóa về phương diện văn học, nghệ thuật. Những sáng tạo đó về nguyên tắc, đều bắt nguồn từ những nhu cầu của cuộc sống và được xây dựng trên những chất liệu của cuộc sống. Chính vì vậy, những sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng là sự sáng tạo mang tính phong phú và đa dạng.
Đối với Nhật Bản, lịch sử thời kỳ cổ đại diễn ra như thế nào, cho đến nay vẫn còn là vấn đề không rõ ràng. Do đó, việc tìm hiểu những sáng tạo văn hóa nhằm làm sáng tỏ ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học nghệ thuật là cực kỳ khó khăn.
Theo các nguồn sử liệu của Nhật Bản và những ghi chép của người Trung Hoa, trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, dân cư tập trung thành từng nhóm nhỏ sống dọc theo bờ biển hay các triền sông. Người ta biết trồng lúa và nấu rượu gạo (rượu sa-kê). Vào khoảng thế kỷ III (SCN) người Nhật đã biết kéo sợi và dệt vải, biết trồng dâu, nuôi tằm. Phụ nữ đã biết đeo đồ trang sức - kỹ nghệ làm đồ gốm đã khá phát triển. Tuy vậy: "Trong khi nền văn hóa vật chất của Nhật Bản ở thời đại huyền thoại còn nghèo đến mức nó bị nền văn hóa vật chất Trung Quốc nhanh chóng bao trùm khi vừa có tiếp xúc, song các thiết chế xã hội và văn hóa của Nhật Bản về một số mặt tỏ ra phát triển hơn là nhiều tác giả đã nghĩ" [35, tr. 55].
Điều này được chứng minh ở chỗ, người Nhật đã có những quan niệm khá độc đáo trên bình diện tín ngưỡng. Trong tâm thức của người Nhật đã xuất hiện các biểu tượng rất đa dạng của thần linh (Kami). Mặc dù đó mới chỉ là những quan niệm khá mơ hồ và chưa định hình về vũ trụ, coi vũ trụ chỉ là vô số những bộ phận có tri giác nhưng đã chứa đựng nhiều yếu tốt tốt đẹp. Người ta thờ cúng thần linh (những hiện tượng thiên nhiên được thiêng hóa) không chỉ vì sự sợ hãi mà động lực chính là sự tán thưởng. Chính G.B. Samsom đã viết rằng: "Việc thờ cúng những thứ đó có phần tương ứng với những tình cảm tế nhị đối với vẻ đẹp của tự nhiên, điều này vốn là một trong những đặc tính đáng mến nhất của người Nhật ngày nay"[35, tr. 55].
Về văn học, mặc dù chưa có văn tự nhưng những huyền thoại của người Nhật, nhất là huyền thoại về nữ thần mặt trời (vị thần được tôn sùng
nhất của Shinto) là tượng trưng cho vẻ đẹp và sức mạnh mà tâm hồn người Nhật sáng tạo ra được. Khoảng đầu thế kỷ thứ VIII có hai cuốn Kojiki và
Nihongi đã ra đời. Bản thân hai công trình này là sự ghi chép của người Nhật về nguồn gốc các đảo, đời sống của thần thánh, sự hình thành cung vua và lịch sử của đế chế cho tới năm 701. Những công trình đó vừa mang tính truyền thuyết, vừa mang tính sử liệu phản ánh phong cách sống, nhận thức thế giới và ý nguyện của người dân. Mặc dù vậy hai công trình trên vẫn có ý nghĩa về mặt văn học bởi thông qua mô tả lịch sử, thông qua các hình tượng thần linh mà tâm hồn người Nhật được bộc lộ. Có thể nói,
Kojiki và Nihongi là những tác phẩm phản ánh lịch sử Nhật Bản, chứa đựng sự sáng tạo độc lập của tư duy Nhật Bản khi nó chưa chịu những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.
Kể từ thế kỷ thứ VI trở về sau, những cuộc tiếp xúc ngày càng mạnh mẽ với Trung Hoa, Triều Tiên đã làm cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Nhật Bản có những thay đổi khá căn bản. Thông qua vai trò của Phật giáo, Nho giáo, văn hóa Trung Hoa, Triều Tiên được du nhập và phát huy ảnh hưởng. Biểu hiện dễ nhận thấy là sự du nhập những tín ngưỡng mới với một hệ thống giáo lý khá đồ sộ cũng như một kho tàng những điển tích cổ, những câu chuyện ly kỳ có khi là những truyền thuyết liên quan đến cả Phật giáo và Nho giáo.
Đối với Phật giáo, khi bắt đầu được triều đình chấp nhận, kể từ triều đại của Thái tử Shotuku (593 - 622) nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của con người trong lĩnh vực niềm tin mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học, nghệ thuật, được kết tinh qua phong cách và tâm hồn người Nhật. Những ảnh hưởng của Phật giáo trên lĩnh vực văn học thể hiện thông qua phong cách sáng tác, chủ thể sáng tác cũng như nội dung tư tưởng của tác phẩm. Viện sĩ người Nga nổi tiếng N.I.Konrat trong tác phẩm Nghệ thuật văn xuôi Nhật Bản thời đại Hêian cho rằng, năm 1077 lại ra đời một tuyệt tác văn
xuôi Kônjraku Mônô Gatari (Cổ kim tập truyện)... Ở đây ta thấy một sự phong phú toàn diện các truyền thuyết tôn giáo, truyền thuyết lịch sử, các truyện cổ tích, truyện ngắn phong tục... hơn nữa không chỉ có ở Nhật Bản mà còn cả ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đây quả thật là một công trình vô giá, nó chứng tỏ khi ấy Nhật Bản đã sống một đời sống chung với những dân tộc khác vốn cùng thuộc một nền văn hóa, cũng chứng tỏ quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã được duy trì như thế nào. Từ đây mà có sự tiếp nhận không chỉ kinh, luận, các tác phẩm lịch sử, không chỉ thơ ca cao cấp và văn học bác học mà còn của Phôn-clo (văn hóa dân gian). Nó chứng tỏ văn hóa Nhật Bản đã phải chịu ơn nhiều các nhà truyền bá Phật giáo, những người đã mang tới cùng với kinh, luận và các Phôn-clo về giáo phái của mình là những truyền thuyết và các truyện cổ tích. Trước mắt chúng ta là một vườn hoa muôn sắc huy hoàng của sáng tác nghệ thuật ngôn từ, điều mà chúng ta sẽ, đã thấy trong giai đoạn đầu của thời kỳ trung thế kỷ ở phương Tây.
Ngoài những đóng góp cho nền văn học Nhật Bản ở một số phương diện như đã nêu, những tư tưởng của Phật giáo thông qua vai trò của các nhà sư - thi sĩ cũng là một nội dung mà thơ ca Nhật Bản thể hiện. Những vần thơ của các thi sĩ Nhật Bản dù rất đa dạng về hình thức biểu hiện cũng như nội dung sáng tác song cũng mang đậm dấu vết của Zen và các tông phái khác của đạo Phật. Những vần thơ đó bao giờ cũng chứa chấp, ấp ủ một khát vọng được nung nấu để chờ ngày ló rạng. Nó phản ánh một phong thái ung dung tự tại của nhà thơ và cũng là phong thái của tâm hồn Nhật Bản - một phong thái luôn biết kìm nén trước những cam go của cuộc sống, những bất ổn về chính trị... Đó là một phong thái luôn chứa đầy nghị lực sống và vươn tới song cũng luôn biết tự tạo những hài hòa làm cho cuộc sống cảm thấy ngọt ngào hơn. Cũng theo N.I.Kônrát, người có công trong việc chuyển tải văn hóa Phật giáo và đặt được dấu ấn của tôn giáo đó làm
nên nghệ thuật thi ca Nhật Bản là những "kẻ môi giới" của văn học. Họ là những nhà sư - thi sĩ hay những thi sĩ chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Lấy trường hợp nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường làm ví dụ. Sinh thời, Bạch Cư Dị là một nhà thơ nổi tiếng mà về bản chất tư tưởng thì chịu ảnh hưởng của cả Nho giáo và cả Phật giáo. Vì lẽ ấy trên bia mộ ông có khắc rằng: "Đối với cuộc đời thì xử theo cách của nhà thơ còn bên trong thì suy tư theo Phật giáo. Sơn, thủy, phong, nguyệt luôn ở bên ông. Ông say sưa với cả cầm, ca, thi, tửu"[16, tr. 281]. Trên thực tế, những sáng tác của Bạch Cư Dị đã được phổ cập ở Nhật Bản khi ông còn sống. "Chính Bạch Cư Dị đã tồn tại như vậy ở Nhật Bản, tại đó, suốt một thời gian dài hình ảnh nhà thơ là khuôn mẫu, không chỉ là khuôn mẫu một nhà thơ mà là khuôn mẫu con người, con người của một đẳng cấp nhất định, đẳng cấp có học vấn"[16, tr. 281].
Khác với Nho giáo, một học thuyết mà nhiệm vụ đầu tiên là chỉ ra thực chất của xã hội loài người và xác định nghĩa vụ con người trong xã hội, Phật giáo thì trước hết nói về thế giới bên trong của con người, chỉ ra cách thức để đạt tới chiều sâu tâm hồn, sự giàu có của tâm linh. Từ căn bản tư tưởng đó, Phật giáo đã để lại dấu ấn của mình trong lĩnh vực thi ca của Phật giáo. Vì lẽ ấy ta thấy, rất nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản mô tả những nhân vật có tính cách bề ngoài rất trầm lắng nhưng lại có một chiều sâu nội tâm phong phú. Ngay cả con người Nhật Bản cũng vậy, họ rất kín đáo, tế nhị trong giao tiếp nhưng lại có một đời sống nội tâm dường như trái ngược. Phải chăng vì những ảnh hưởng đó, hơn ai hết con người Nhật Bản yêu say đắm thiên nhiên mặc cho những chông gai của cuộc sống, bởi chính thiên nhiên là cái đa dạng và phong phú nhất nhưng cũng đạt đến sự hài hòa nhất. Cũng phải chăng vì lẽ ấy mà các "võ sĩ đạo" mặc dù tính cách mạnh mẽ nhưng cũng là những người luôn biết sống theo nếp của Zen.
Trong thời đại Nara, theo các nhà nghiên cứu, trên lĩnh vực văn học, có hai thành tựu nổi bật. Một là, có hai tập biên niên sử ghi lại lịch sử Nhật Bản trước thế kỷ thứ VIII và hai là, tuyển tập thơ Manyoshu. Riêng tuyển tập thơ gồm 4.000 bài thơ, có giá trị phản ánh đời sống tình cảm của con người Nhật Bản thế kỷ VII, VIII, về cuộc sống giản dị của dân tộc Nhật. Trong tuyển tập thơ, đề tài hầu hết đều lấy từ đạo Phật. "Điều mà ta thấy có dáng dấp của ảnh hưởng Phật giáo là ở những tứ thơ nói về sự trống rỗng của đời người, tính phù vân của cái đẹp và cái sướng, mờ ảo như sương tuyết, đổ vỡ như bong bóng" [34, tr. 146]. Trong tập thơ có những đoạn thơ như:
"Đắm mình trong biển khổ Của sự sống và sự chết
Đến bao giờ tôi thoát khỏi dòng đời..." "Cuộc đời ngắn tựa tấc gang,
Hãy để cho tôi được ngắm trời, ngắm nước non tinh khiết...". "Tôi có thể ví cuộc đời này với cái gì, nếu không phải là với con thuyền lặng lẽ trôi đến bình minh mà chẳng để lại vết tích gì...".
Rõ ràng, những đoạn thơ trên là mơ ước của con người muốn đạt đến cõi niết bàn, muốn đạt đến một cuộc sống ngoài cuộc sống. Khi con người đã nhận ra tính phù du của kiếp sống, sự tạm bợ của thân xác để rồi trong đó vụt sáng lên một tình yêu với cuộc sống.
Ngoài dòng văn học bác học, Phật giáo còn để lại khuôn dấu của tâm thức của mình trong các sáng tác dân gian. Rất nhiều điển tích, ngụ ngôn của Phật giáo đã hóa thân vào cuộc sống của tầng lớp bình dân nhất và nhiều khi chúng trở thành những chuẩn mực sống của xã hội. Chẳng
hạn, để đề cao sự học, người Nhật có câu: "Handokuga guichi mo Monjưu no chie" (Ngu như Bàn Đặc cũng trở nên thông tuệ như Bồ tát Văn Thù).
Bàn Đặc là một đệ tử của Phật Thích Ca. Trước khi được Phật giáo hóa Bàn Đặc rất dốt. Sau khi tu hành ông trở nên rất thông tuệ, sáng suốt.
Để nhấn mạnh sức mạnh đoàn kết, người Nhật có câu "San nin yoreba Monjưu no chie" (Ba người hợp lại thành một Bồ tát Văn Thù).
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống văn học, hơn 1.500 năm tồn tại ở Nhật Bản, Phật giáo cũng có những ảnh hưởng to lớn khác trên lĩnh vực kiến trúc, hội họa. Có thể nói, cùng với những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa qua vai trò của Nho giáo, Lão giáo, ở Nhật Bản trước khi văn hóa phương Tây được du nhập, Phật giáo đã góp phần tạo nên một sắc thái mới cho nền nghệ thuật Nhật Bản. Lần đầu tiên khi tiếp xúc với Phật giáo, những ngôi nhà bằng gỗ đơn giản của người bản địa có thêm bóng dáng của ngôi chùa với những đường uốn lượn tinh vi, tao nhã. Kiến trúc của chùa tháp ở Nhật Bản cho đến tận ngày nay vẫn là niềm tự hào của người Nhật bởi không chỉ đó là kho tàng nghệ thuật vô giá mà còn là việc bảo tàng lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước mặt trời mọc. Nhật Bản là quốc gia còn lưu giữ được rất nhiều công trình kiến trúc cổ. Những công trình đó to lớn, đồ sộ đến nỗi ngày nay chiêm ngưỡng ta vẫn thấy ngạc nhiên về độ tinh xảo, sự vĩ đại. Theo các tài liệu lịch sử, năm 747 người Nhật đã tiến hành xây dựng một ngôi chùa khổng lồ ở Nara.
Riêng tòa đại diện của chùa cũng đã lớn ghê gớm. Dài 86 mét, rộng 50 mét và cao 36 mét. Tòa đại diện này đã bị cháy hồi thế kỷ XII nhưng tòa nhà hiện nay tuy kích thước chỉ bằng 2/3 tòa nhà cũ, nhưng vẫn là tòa nhà một mái bằng gỗ lớn nhất thế giới [35, tr. 144].
Ngoài ra hệ thống chùa Kinhdo (Kim Đường), chùa Moryuji và đặc biệt là Todaiji được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, một mặt phản ánh sự tiếp nhận văn hóa Trung Hoa nhưng mặt khác đã bước đầu thể hiện phong cách nghệ thuật riêng của Nhật Bản: "Từ chùa viện cho đến nghệ thuật tạc các tượng Phật, tính chất dữ dội và trí tuệ của Phật giáo Trung Hoa được biến thái thành cái tế nhị, dè dặt, bản năng hơn là trí tuệ, dịu dàng hơn là dữ dội" [35, tr. 173]. Có lẽ Samsom đã nhận xét đúng khi ông cho rằng, kiến trúc chùa viện không chỉ tóm tắt lịch sử nghệ thuật mà còn là sự tóm tắt lịch sử xã hội. Vì thế, khi nghiên cứu chùa Todaiji, ông viết: "Sự phát triển của chùa Todaiji có thể nói là sự tóm tắt lịch sử xã hội và chính trị thời đó, và cũng là sự tóm tắt về tiến bộ nghệ thuật" [35, tr. 172].
Như vậy, thông qua việc truyền bá và mở mang Phật giáo, nền kiến trúc Nhật Bản đã tiếp nhận nghệ thuật, kiến trúc của chính tôn giáo này. Nhìn chung ảnh hưởng của Phật giáo đến nền kiến trúc Nhật Bản ở các giai đoạn lịch sử là không giống nhau song về tổng thể có thể nói, nếu loại bỏ sự đóng góp của Phật giáo thì kiến trúc Nhật Bản sẽ không còn sự đa dạng và đặc biệt hơn tình yêu thiên nhiên, sự quý trọng phẩm chất bên trong của con người sẽ thiếu đi mọi phương thức sinh động để biểu hiện. Thậm chí, quyền uy thiêng liêng của các Tenno sẽ chỉ là những trơ trọi của quyền lực trần tục bởi rất nhiều thời kỳ, các Tenno đã phải mượn uy danh của Phật, sử dụng uy danh đó nhằm tôn vinh vị thế của mình đối với các thần dân. Cũng cần phải nói rằng, nhờ quyền uy thiêng liêng mà các Tenno không những bảo vệ được bản thân mình mà còn tạo nên những cố kết cộng đồng giúp Nhật Bản vượt qua những cam go để đi tới hiện đại.
Về lĩnh vực hội họa, điêu khắc, Phật giáo cũng có những đóng góp to lớn. Những đóng góp đó đã góp phần tạo nên một hình ảnh Nhật Bản rất hiện đại song cũng rất Á Đông. Nghiên cứu Nhật Bản, không thể phủ nhận
rằng: "... Nghệ thuật Nhật Bản có một lịch sử khá dài. Nó ra đời vào cuối thế kỷ VI nhờ những tranh Phật mà người Triều Tiên mang theo để truyền bá đạo Phật ở Nhật" [21, tr. 85].
Phong cách Trung Hoa, kara-e, bao gồm phần lớn những tranh Phật giáo... có những thành tựu đạt đến đỉnh cao như bộ tranh tường ở phòng lớn của chùa Horyuji thực hiện vào đầu thế kỷ VII, được coi là tổng thể vĩ đại nhất trong những bức tranh tường của cả Viễn Đông, mà về tầm quan trọng vượt cả những tranh tường ở Đôn Hoàng... [21, tr. 85-86].
Trong quá trình truyền bá Phật giáo, các vị sư tăng hiểu rất rõ ý nghĩa của hội họa và điêu khắc như là một công cụ để chuyển tải giáo lý nhà Phật