Phật giáo từ thời Meij

Một phần của tài liệu Sự du nhập, phát triển của Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần ở Nhật Bản (Trang 39 - 43)

- Tông Nichiren và tông Jodo

1.3.6.Phật giáo từ thời Meij

Thời kỳ Meiji (1868 - 1912) là kỷ nguyên của những thay đổi lớn ở Nhật. Động cơ của những thay đổi là do nhu cầu phải tự vệ quốc gia khi nước Nhật buộc phải đương đầu với các thế lực Âu - Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Meiji tin tưởng rằng chỉ có khả năng quân sự mạnh mới bảo vệ được đất nước. Điều này đòi hỏi một nền tảng công nghiệp mạnh và kinh tế vững chắc. Khẩu hiệu của chính sách này là: "Nước giàu - quân mạnh".

Nhờ những cải cách về chính trị mà nền tảng là Hiến pháp năm 1885, Tenno Meiji đã thâu tóm được những quyền hành to lớn và trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc.

Để củng cố thế lực, quyền hạn, chính quyền Meiji đã lợi dụng đức tin vào đạo Shinto để thiết lập một cơ cấu chính trị ổn định tập trung vào Tenno.

Trong những năm đầu thời kỳ Meiji các tổ chức tôn giáo có sức mạnh đáng kể trong chính phủ, mặc dù tính ưu thế của họ đối với phái thế tục trong chính phủ lại mang tính hình thức chứ không phải thực chất trong Hiến pháp 1889, những tổ chức tôn giáo như vậy không có vị trí chính thức nhưng uy thế tôn giáo đối với cơ quan Tenno là một thứ vũ khí đầy quyền lực. Những

nghi thức cổ xưa liên quan tới Tenno đã được chính thức hóa trong cái được gọi là đạo Shinto, Nhà nước trở thành một phần căn bản trong đời sống người Nhật. Những sắc chỉ và những chỉ dụ của Tenno có ý nghĩa thiêng liêng [2, tr. 95].

Trong bối cảnh như vậy, Phật giáo lâm vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đầu tiên vào năm 1867 triều đình tuyên bố vương chính phục cổ, đến tháng 3 năm 1868 tuyên bố Thần - Phật phân ly. Ngoài ra y phục, cách ăn uống của tăng ni cũng phải trở về như người phàm tục. Tên Thần linh theo Phật ngữ cũng bị đổi lại, tăng ni bị cưỡng ép hoàn tục và tiến hành hợp nhất nhiều chùa Phật thành một chùa lớn.

Những chính sách của Meiji đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Phật giáo. Chính quyền buộc phải tuyên bố: Thần - Phật phân ly chứ không phải bãi Phật. Cuộc đấu tranh quyết liệt của Phật giáo mà đi đầu là các sư tăng của Shingon tông, Nichiren tông đã dần dần buộc chính phủ Meiji phải thay đổi quan điểm. Năm thứ 22 đời Meiji đã ban bố Hiến pháp trong đó điều 28 qui định tín ngưỡng tự do.

Trước những khó khăn do sự o ép của chính quyền, để tồn tại, Phật giáo phải tự thích nghi và đổi mới. Quá trình này diễn ra theo các trọng điểm như sau:

- Tự làm trong sạch phẩm hạnh, tăng cường đào tạo những tăng ni có tài năng và phẩm chất.

- Tự hạn chế tư tưởng đề cao giáo nghĩa của tông phái mình, tăng cường hiệp thương, hiệp đồng giữa các tông phái.

- Nhấn mạnh tư tưởng "Hộ quốc", nghiên cứu Cơ Đốc giáo để phê phán Cơ đốc giáo...

Vì những phương châm đó, Phật giáo trên thực tế là người cổ xúy cho chủ nghĩa đế quốc đương thịnh hành ở Nhật, trở thành đồng minh của chủ nghĩa "Đại Đông Á" của quân phiệt Nhật.

Những nỗ lực của các sư tăng đã thổi một luồng sinh khí vào Phật giáo. Nhiều sư tăng đã du học Âu Tây, đem về nước một phương pháp học thuật mới. Đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu Phật giáo từ nguyên thủy đến hiện đại dựa trên các thành tựu mới của khoa học, cải cách giáo dục Phật giáo và hướng hoạt động của Phật giáo vào xã hội thế tục. "Những người chỉ ngồi trong núi tu hành và chờ đợi chúng sinh đến xin cứu độ đã bị xã hội và hiện thực đào thải không thương tiếc" [25, tr. 632]. Tình hình đó đã hình thành ở Nhật một phong trào nhập thế chưa từng có. Tăng lữ được tham gia chính trị, nhiều đảng phái chính trị của Phật giáo hình thành mà lớn nhất là Sokagakkai (Sáng giá học hội) (1954) sau phát triển thành Komeito (Đảng Công Minh) có trên 10 triệu tín đồ.

Qua quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây, ở thời kỳ từ sau Meiji, nhất là bước vào đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện hàng loạt tông phái, hội đoàn của các tôn giáo. Riêng Phật giáo, theo Thống kê niên giám Tôn giáo xuất bản năm 1950, đã có từ 13 tông, 56 phái tăng vọt lên 162 phái.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật Bản bị quân đồng minh chiếm đóng. Dưới áp lực nhiều mặt của Mỹ, Tenno vẫn tồn tại nhưng quyền lực đã giảm đi đáng kể. Cùng với việc hạn chế quyền lực của Tenno, Shinto hoàng gia cũng bị hạn chế và Shinto bình dân được phát triển. Chính sách tự do tín ngưỡng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các tôn giáo ngoài Shinto như Phật giáo, Tin lành... Cũng như ở Mỹ và Tây Âu, ở Nhật Bản nhiều hiện tượng tôn giáo mới nổi lên như Ômoto, Aum... mà theo ước tính hiện nay có khoảng 300 hiện tượng tôn giáo mới.

Trong Phật giáo, điểm đặc biệt của các dòng, hội tôn giáo mới được hình thành là sự chú trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức. Từ đặc trưng tu tập theo sơn môn, Phật giáo ở Nhật Bản lần đầu tiên đã có tổ chức thống nhất lấy tên là Hội Liên hiệp Phật giáo theo kết quả của đại hội họp năm 1915 (năm thứ 4 Đại Chính). Đại hội này đã thông qua hai nghị quyết về vấn đề tham chính và xác lập hành chính tôn giáo.

Một đặc điểm khác của Phật giáo ở Nhật Bản từ sau Meiji (1912) là xu hướng phát tán ra nước ngoài. Phật giáo Nhật Bản đã lan sang cả Trung Hoa, Triều Tiên, Đài Loan, Ha Oai, Mỹ và nhiều nước ở Nam Bắc Mỹ.

Hiện nay ở Nhật Bản, các tông phái như Zen, Jodo tông, Shingon tông, Nichiren tông là những tông phái có thế lực và có sự hấp dẫn nhất đối với tín đồ.

Theo sách dữ liệu về tôn giáo của người Nhật hiện đại [65] thì lực lượng của các tông phái ở Nhật Bản hiện nay như sau:

Tông phái

Chùa viện Phật tử

Tên Số lượng Tendai 20 5.093 18.429 2.715.250 Shingon 46 15.012 59.026 13.228.883 Jodo Shin 23 30.292 62.424 19.574.049 Nichiren 38 13.042 511.861 22.548.852 Zen 22 21.042 23.206 3.349.881 Nara Bukkyo 8 491 1.876 793.086 [65, tr. 211-216].

Như vậy, nếu như dân số Nhật Bản hiện nay là hơn 120 triệu thì có thể thấy người theo hoặc có cảm tình với Phật giáo chiếm hầu hết dân số. Điều này phản ánh một thực tế ở Nhật Bản cũng như một số nước khác ở phương Đông là một người có thể theo một hoặc một vài tôn giáo, và đức trị vì vậy có tính "bàng bạc" như quan niệm của giáo sư Đặng Nghiêm Vạn và một số nhà nghiên cứu khác.

Một phần của tài liệu Sự du nhập, phát triển của Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần ở Nhật Bản (Trang 39 - 43)