Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, địa bàn dân cư văn hóa, cơ quan, công sở văn hóa và nhà trường kiểu mẫu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ppt (Trang 88 - 94)

văn hóa, cơ quan, công sở văn hóa và nhà trường kiểu mẫu

Xây dựng MTVH muốn trở thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, hội nhập vào đời sống thì trước hết nó phải được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với không gian sinh sống, học tập, công tác của các cộng đồng dân cư. Thực tiễn ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua, chính thông qua các phong trào xây dựng GĐVH, khối phố văn hóa, cơ quan văn hóa và nhà trường kiểu mẫu (ở khu vực đô thị) đã góp phần quan trọng bảo vệ và nâng cao chất lượng của MTVH.

* Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH).

Thực chất, xây dựng GĐVH là xây dựng MTVH trong phạm vi vi mô, đó là gia đình. Đây là yếu tố nền tảng, và cốt lõi nhất. Bởi lẽ tất cả đều phải xuất phát từ gia đình với tư cách là "tế bào của xã hội". MTVH trong gia đình là yếu tố quan trọng hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình. Muốn xây dựng khối phố văn hóa, công sở văn hóa và rộng ra là MTVH của toàn xã hội, thì trước hết nền tảng gia đình phải trong sạch, lành mạnh, đầm ấm và yên vui. Trong giai đoạn hiện nay, gia đình không chỉ đảm nhận chức năng duy trì nòi giống mà còn có vai trò to lớn về văn hóa, xã hội, kinh tế, do đó, xây dựng GĐVH càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đẩy mạnh xây dựng nền tảng gia đình có văn hóa vừa đảm bảo xây dựng lý tưởng, hoài bão sống cho con người, hình thành nên một kiểu mẫu nhân cách phù hợp với yêu cầu của thời đại, vừa

có tác dụng giảm thiểu những căn bệnh trầm kha của đô thị: trẻ em lang thang, người già cô đơn không nơi nương tựa; hạn chế tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi vị thành niên v,v... Xây dựng GĐVH ở thành phố Đà Nẵng phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

- Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện hiện có và làm giàu chính đáng. Vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Bố mẹ có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đối xử công bằng với các con. Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực nêu gương tốt cho con cháu noi theo. Con cháu phải hiếu thảo, chăm ngoan, lễ phép, làm tròn bổn phận chăm sóc chu đáo ông bà, cha mẹ và những người thân. Chăm lo rèn luyện sức khỏe và phòng bệnh tốt.

- Thực hiện tốt, đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Không vi phạm pháp luật, không có người mắc vào các TNXH, không có người trong độ tuổi mù chữ, không được đi học. Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con, đảm bảo tốt việc phát triển dân số theo chủ trương của địa phương, có đủ điều kiện để nuôi dạy con tốt. Giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan di tích, di sản văn hóa và lịch sử của khu dân cư.

- Đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ xóm giềng trong lúc hoạn nạn, khó khăn, giúp đỡ người nghèo và những gia đình neo đơn, chính sách, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện do địa phương tổ chức. Tham gia hòa giải các mâu thuẫn, xung đột, các mối quan hệ bất đồng với ý thức xây dựng. Tham gia đầy đủ các sinh hoạt, hội họp của tổ dân phố, khu dân cư.

Ngoài ra, còn thực hiện tốt kế hoạch "5 không" của thành phố, phấn đấu năm 2001, 70% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; đến năm 2005 đạt tỷ lệ 80% [47, tr. 1].

Như vậy, xây dựng GĐVH chính là tạo dựng một MTVH lành mạnh, để mỗi người dân, gia đình, dòng họ có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, thiết thực tạo lập NSVH mới. Muốn vậy, chính quyền địa phương các cấp cần phải có chính sách phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm cho người lao

động. Có các chính sách tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ của các gia đình về văn hóa, giáo dục, y tế, đồng thời cũng cần có những chính sách phát huy vai trò, khả năng của các gia đình trong việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe và văn hóa. Đối với mỗi gia đình cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình chính đáng và có hiệu quả, nâng cao chất lượng của các thành viên trong gia đình, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh. Đồng thời xây dựng GĐVH phải trở thành nội dung hoạt động tích cực, thường xuyên và lâu dài trong tất cả các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ở địa phương.

* Xây dựng khối phố văn hóa.

Thôn, khối phố là đơn vị gắn bó, gần gũi nhất trong cộng đồng dân cư ở thành phố Đà Nẵng. Trước đây, thôn, khối phố không có vai trò của một đơn vị pháp lý, mọi công việc dù nhỏ nhặt nhất cũng đều do xã, phường quản lý và xử lý. Hiện nay, vai trò của thôn, khối phố đã được chú trọng hơn, trước hết đó là một đơn vị chịu trách nhiệm và đứng ra giải quyết, hòa giải mọi bất đồng ở cộng đồng dân cư, cho đến việc tổ chức sinh hoạt, hội họp để phổ biến mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời cũng là nơi chịu trách nhiệm trước Đảng, chính quyền về mọi diễn biến, hoạt động ở khu vực dân cư mà mình quản lý. Vì lẽ đó, xây dựng khối phố văn hóa (ở khu vực đô thị) và xây dựng thôn văn hóa (ở khu vực nông thôn) là một yêu cầu không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo ra MTVH lành mạnh trên địa bàn dân cư, củng cố mối quan hệ bền chặt giữa các cá nhân với cộng đồng, phát huy quyền dân chủ thiết thực của người dân.

Xây dựng khối phố văn hóa, thôn văn hóa phải bằng nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển (không có hộ đói nghèo, không có người ăn xin, không có người thất nghiệp).

- Có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú (không có TNXH, trộm cắp, cướp giật, hút sách; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi...).

- Có môi trường cảnh quan sạch đẹp.

- Có khu vui chơi giải trí và hoạt động văn hóa - thể thao.

- Thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Phấn đấu năm 2001, thành phố có 20% khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; đến năm 2005 nâng tỷ lệ này lên 50% [47, tr. 2].

So với khu vực nông thôn, xây dựng khối phố văn hóa có nhiều thuận lợi cơ bản: trình độ dân trí, trình độ nhận thức của cư dân đô thị cao hơn; ít bị trói buộc bởi các tập tục, lề thói cổ hủ, lạc hậu; nơi có các phương tiện thông tin đại chúng, thiết chế văn hóa khá phát triển, ĐSVH tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ các mặt bất lợi của nó: cộng đồng cư dân không ổn định, không thuần nhất về dân tộc, văn hóa; trình độ không đồng đều, quan hệ cộng đồng rất lỏng lẻo, thoát khỏi sợi dây ràng buộc của các quan hệ họ hàng, dư luận xã hội, trong lúc trình độ quản lý và trật tự kỷ cương đô thị còn lỏng lẻo nên rất dễ phát sinh các biểu hiện tiêu cực. Do đó, phải hết sức chú trọng các biện pháp xây dựng khu dân cư tự quản, tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức quần chúng, sự điều hành của tổ dân phố và Ban chỉ đạo khối phố. Điều hết sức cần thiết là phải tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các cấp cơ sở và phải xây dựng cho được các Bản quy ước riêng của từng khối phố. Những Bản quy ước này phải được cộng đồng dân cư trong khối phố bàn bạc, thảo luận và xây dựng nên, phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng... của nhân dân khu vực. Đồng thời phải đảm bảo những nguyên tắc mà Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quy định, không được tự do, tùy tiện đề ra những chủ trương theo ý muốn chủ quan của một số người. Có như vậy, nó mới thực sự mang đầy đủ ý nghĩa của các yếu tố nhân văn, chống lại những tư tưởng phản văn hóa, bảo thủ, trì trệ, thu hút mọi người đồng tâm hiệp lực thực hiện một cách tự giác và triệt để, làm cho quy ước trở thành một động lực thúc đẩy đơn vị phát triển.

Xây dựng thôn, khối phố văn hóa là một yêu cầu cấp thiết từ cơ sở, góp phần ổn định đời sống xã hội, tạo cơ sở tiền đề để tiến tới xây dựng xã, phường văn hóa và thành phố văn hóa. Do đó, vấn đề xây dựng, công nhận phải được thực hiện nhất quán, chặt

chẽ, công tâm và khách quan, tránh chủ nghĩa phô trương, hình thức chạy theo thành tích đơn thuần.

* Xây dựng cơ quan văn hóa.

Xây dựng cơ quan văn hóa chính là xây dựng MTVH trong tất cả các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, công an, trường học, bệnh viện... (gọi chung là công sở), các doanh nghiệp (nơi làm việc, nơi sản xuất, dịch vụ). Đây là nội dung nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi lẽ, cơ quan, đơn vị, trường học...chính là khâu trung gian chuyển tải tri thức, kiến thức khoa học, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng địa phương, hoặc có nhiệm vụ thực thi mọi chính sách xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh đối với đời sống xã hội. Hơn nữa, mỗi thành viên của cơ quan, đơn vị, trường học phần lớn là những công dân kiểu mẫu của xã hội, có học thức, được đào tạo cơ bản, có tính đại diện cao. Cơ quan, đơn vị, trường học phát triển lành mạnh sẽ trở thành tấm gương kéo theo sự phát triển lành mạnh của xã hội. Vì vậy, yêu cầu xây dựng cơ quan văn hóa phải đảm bảo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Xây dựng công sở xanh, sạch, đẹp, an toàn.

- Sinh hoạt chính trị nề nếp, làm việc có kỷ luật, thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan.

- Ăn mặc gọn gàng, trang nhã. Giao tiếp ứng xử văn minh, nhã nhặn, lịch thiệp với đồng nghiệp, với khách, với nhân dân.

- Làm việc có hiệu quả, sáng tạo, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành công việc với năng suất cao, có hiệu quả rõ rệt.

- Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đoàn kết nội bộ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng, lãng phí của công và các hiện tượng tiêu cực khác.

- Quan hệ chặt chẽ với cơ sở, với nhân dân; khắc phục các thủ tục phiền hà, thực hiện cải cách hành chính có hiệu quả.

- Đẩy mạnh phong trào học tập, lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác.

- Không hút thuốc tại công sở, trong lúc hội họp, làm việc và tiếp khách. Không đặt bàn thờ, bát hương tại cơ quan, công sở.

- Thường xuyên có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT góp phần nâng cao ĐSVH và rèn luyện thể chất cho người lao động.

- Phấn đấu đến cuối năm 2001, thành phố có 70% cơ quan, đơn vị văn hóa; đến cuối năm 2005 nâng tỷ lệ lên 90% [47, tr. 3].

Xây dựng cơ quan, công sở văn hóa cần phải khắc phục các kiểu quan hệ mang tính họ hàng, thân tộc, xóm giềng, các kiểu quan hệ công tác, sắp xếp bố trí cán bộ "nhất thân nhì quen", "bằng cấp không bằng bằng lòng"... Xây dựng các mối quan hệ công tác lành mạnh, khoa học, củng cố tình đồng chí, đồng nghiệp sâu sắc, chí tình, có tính xây dựng tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có thể phát huy hết năng lực, sở trường công tác của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao và không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Phải xây dựng cho được cơ chế đánh giá năng lực, công trạng của cán bộ để khuyến khích tài năng sáng tạo của họ. Trong những nội dung nhiệm vụ phải nhận thức rõ đâu là những yêu cầu hoàn toàn mang tính bắt buộc, đâu là những nội dung mang tính chất vận động, kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người. Đây là những công việc rất khó khăn, gặp không ít trở ngại do thói quen, tập quán cũ. Quá trình thực hiện cuộc vận động cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để biến những nội dung ấy thành những tiêu chí thi đua thích hợp phát huy được tinh thần tự giác, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên trong đơn vị.

Ngoài ra trong nhóm giải pháp này còn phải hết sức chú trọng giải pháp xây dựng một cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo ra và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa nhiệm vụ xây dựng MTVH với nhiệm vụ xây dựng ĐSVH cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH" cũng như nhiều phong trào hành động khác đang diễn ra ở địa phương.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ppt (Trang 88 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)