các mối quan hệ xã hội
Hai yếu tố có tác động rất lớn đến chất lượng của MTVH đô thị, và làm cái nền cho sự hình thành văn hóa đô thị là cảnh quan, môi trường đô thị (kiến trúc nhà cửa, phố xá, cây cối, điện nước...) và lối sống, nếp sống của cộng đồng dân cư. Hai yếu tố này vừa có mối quan hệ mật thiết, vừa có sự chi phối, ràng buộc lẫn nhau. Nếu cảnh quan, môi trường đô thị tạo nên môi trường không gian, môi trường sống trong lành là cái gốc của NSVM đô thị, thì đến lượt mình, nếp sống phù hợp với đô thị lại là yếu tố nâng cao hiệu quả, chất lượng của văn minh đô thị.
Chất lượng môi trường không gian để lại dấu ấn sâu đậm lên lối sống của con người. Một môi trường được tổ chức mạch lạc và trật tự là nguồn gốc cho cách sống ngăn nắp. Một không gian được tổ chức hài hòa đem đến cho con người những cảm xúc tích cực, làm cho lối sống trở nên đẹp hơn [30, tr. 158]. Một môi trường được bảo vệ trong sạch, lành mạnh, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm độc hại sẽ nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, làm đổi thay tập quán, hành vi, lối sống cũng như cách thức hành xử của con người đối với tự nhiên và trật tự kỷ cương đô thị.
Chất lượng môi trường không gian được tạo nên chủ yếu bởi những giá trị của kiến trúc đô thị. Đó là những kiểu dáng kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa hết sức sáng tạo, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, được kiến tạo trong một tổng thể hài hòa, có sự tôn trọng và thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cái bộ phận với cái toàn thể. Nó không chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong đời sống sinh hoạt thường nhật mà còn phải đáp ứng những nhu cầu về vui chơi giải trí (công viên, khu vui
chơi...), nhu cầu nghiên cứu sáng tạo (trường học, viện nghiên cứu), nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật (nhà hát, rạp chiếu bóng, các Hội sáng tạo nghệ thuật), nhu cầu về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe (bệnh viện, nơi luyện tập TDTT)... Chất lượng không gian đô thị còn được tạo lập bởi việc quy hoạch hợp lý các khu công nghiệp tập trung, hạn chế và xử lý rác thải công nghiệp; xây dựng hệ thống cấp thoát nước hợp vệ sinh, hệ thống điện đường, cây xanh v,v...
Một đô thị trẻ, đang trên đà phát triển mạnh như Đà Nẵng đây là vấn đề hết sức đáng lưu tâm để kiến thiết một đô thị văn minh, hiện đại, mang màu sắc dân tộc. Bởi hiện nay ở thành phố, tình trạng xây dựng tràn lan, bất chấp quy hoạch, kiểu dáng kiến trúc...đang phổ biến ở các cụm dân cư, không những đe dọa phá vỡ cảnh quan đô thị, môi trường sinh thái mà còn cản trở cả công tác quy hoạch. Hiện tượng "bê tông hóa", "hộp hóa", "mặt tiền hóa" đang diễn ra khá phổ biến, các khu vực vui chơi, giải trí, công trình công cộng ngày càng thu hẹp. Đà Nẵng có nhiều khối phố hộp đồng dạng mặt tiền, nhưng cao thấp khác nhau, chi tiết cấu kiện sai khác; bên cạnh những con đường rộng mở, kiến trúc nhà cửa còn lụp xụp, tồi tàn, đánh mất mỹ quan đô thị.
Mật độ cây xanh, điện chiếu sáng còn hẹp. Số cây xanh trong nội thị hiện chỉ có 6.800 cây, giảm 500 cây so với năm 1999, số cây xanh bị chặt phá nhiều do phát triển đô thị và do thay thế những cây không phù hợp. Tỷ lệ diện tích cây xanh đầu người rất thấp, khoảng 0,3 m2/người [31, tr. 4]. Công trình cấp, thoát nước hư hại, xuống cấp gây ra tình trạng úng lụt thường xuyên trong mùa mưa lũ. Đô thị xanh, sạch, đẹp xem ra chưa đủ, mà phải tiến tới không có úng lụt vào mùa mưa.
Công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập, thể hiện trong triển khai quy hoạch chi tiết, trong quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực khá nghiêm trọng, chưa được đầu tư xử lý đúng mức, ý thức bảo vệ môi trường công cộng, còn hạn chế, chưa thành thói quen của đại bộ phận dân cư, nhưng chưa có biện pháp điều chỉnh thích hợp. Trên địa bàn thành phố có khoảng 3.574 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hải sản, phần lớn chưa có hệ thống
xử lý nước, rác thải, đa số nằm xen kẽ trong khu dân cư (84%) đang gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất (8 - 2001) thành phố có 14 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng cần phải xử lý tức thời, hoặc di chuyển đi nơi khác; 145 cơ sở khác gây ô nhiễm khá nghiêm trọng cần phải tìm biện pháp khắc phục [4, tr. 1]. Hiện trạng môi trường bệnh viện cũng đáng lo ngại, thành phố có 67 cơ sở y tế, chỉ có 3/67 cơ sở có hệ thống xử lý
nước thải đạt yêu cầu,
1/67 cơ sở có lò đốt rác y tế, lượng rác thải độc hại phần lớn được chôn lấp không bảo đảm an toàn [31, tr. 6].
Cùng với sự ô nhiễm về MTTN, cảnh quan đô thị còn có một sự ô nhiễm khác rất khó thấy nhưng vô cùng nguy hại, đó là sự ô nhiễm MTVH - tinh thần. Đó là sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự gia tăng những TNXH, là lối sống hưởng lạc, gấp gáp, thực dụng vì tiền, là sự ô nhiễm trong cử chỉ, hành vi, lời nói của con người trong ứng xử giao tiếp với nhau. Sự ô nhiễm trong bầu không khí tinh thần của xã hội, nhất là trong hoạt động văn hóa, văn nghệ rất đáng lo ngại. Những độc tố từ nhiều loại văn hóa phẩm độc hại lén lút lưu hành và phổ biến đã đầu độc tâm hồn, lối sống, nhân phẩm con người, làm băng hoại các mối quan hệ xã hội. Do đó, các TNXH phải được bài trừ tận gốc, theo từng nguyên nhân đã sản sinh ra nó vì nó làm rối ren xã hội, hủy hoại nhân cách, xói mòn lòng tin ở con người. Phải thanh toán cho được những hiện tượng không lành mạnh đang có nguy cơ lan tràn đó là tệ nạn tham nhũng, mọi cách thức làm ăn lừa đảo phi nhân tính, các hành vi trốn lậu thuế, buôn bán hàng rởm, hàng quốc cấm... Đồng thời phải xây dựng được các chuẩn mực của đời sống mới, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong sinh hoạt, học tập, công tác.
Như vậy, chất lượng MTVH đô thị không thuần túy căn cứ vào các ngôi nhà cao tầng, những khách sạn sang trọng, những tiện nghi vật chất hiện đại, buôn bán sầm uất, mà nó thể hiện trong lối sống, nếp sống, trong các mối quan hệ xã hội, hệ thống những ứng xử văn hóa hàng ngày, những yếu tố của văn hóa cá nhân (trình độ học vấn, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ), những chương trình, chính sách văn hóa, các phương tiện truyền bá văn hóa và diện mạo của những vi MTVH (GĐVH, làng xã văn hóa, công sở văn hóa...).
Chương 3
Những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa
ở thành Phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa