Bên cạnh những thành tựu, MTVH ở thành phố Đà Nẵng còn tồn tại không ít những khuyết nhược, yếu kém, cần phải nhận thức đầy đủ, để trên cơ sở đó tìm ra những biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Trước hết, môi trường đạo đức xã hội đang đặt ra những vấn đề đáng quan tâm, lo ngại, có ảnh hưởng, tác động xấu đến việc xây dựng MTVH, NSVH cho nhân dân. Tuy chưa gay gắt và bức xúc như một số tỉnh, thành khác, nhưng TNXH ở thành phố Đà Nẵng thời gian gần đây đang có dấu hiệu gia tăng. Đầu năm 1997, thành phố đã lập hồ sơ quản lý 276 đối tượng nghiện ma túy, 226 gái mại dâm; phát hiện 29 tụ điểm kinh doanh trá hình; xóa 28 tụ điểm mại dâm, đã phát động nhiều phong trào quần chúng đấu tranh, phát hiện và tố giác các tụ điểm, các hành vi vi phạm TNXH. Thế nhưng trong năm 2000, qua 600 lượt kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành thành phố đã phát hiện 106 trường hợp vi phạm trong các hoạt động karaoke, massa, cà phê chuồng...[35, tr. 2]. Đáng lo ngại hơn, TNXH đang có xu hướng lan tỏa ra các vùng ngoại vi, với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. TNXH đã làm gia tăng đáng kể các căn bệnh xã hội nguy hiểm, hủy hoại và làm ô nhiễm MTXH, hủy hoại nòi giống, nhân cách con người. 6/6 quận, huyện; 37/47 xã, phường đã phát hiện đối tượng nhiễm HIV dương tính. Đến 20 - 6
- 2001 đã có 280 trường hợp nhiễm HIV, 151 trường hợp chuyển thành AIDS, 143 người đã chết [49, tr. 1].
Nền tảng đạo đức gia đình đang bị đe dọa và có nguy cơ rạn nứt vì tình trạng ly hôn, quan hệ bất chính, vi phạm pháp luật, làm ăn phi pháp... trong các gia đình. Tình trạng ly hôn tăng đáng kể (tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 40 trở xuống), phần lớn nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề đạo đức (lòng chung thủy, hám danh lợi, sự đày ải, thiếu tôn trọng lẫn nhau). Kéo theo tình trạng ly hôn là tình trạng con cái hư hỏng, số trẻ em lang thang gia tăng. Theo điều tra của Văn phòng thường trực chống AIDS thành phố Đà Nẵng phần lớn trẻ em lang thang do nguyên nhân cuộc sống tình cảm gia đình bất ổn hoặc bố mẹ mất sớm (8/60 trẻ có bố mẹ đã ly dị nhau; 16/60 trẻ có bố hoặc cả bố lẫn mẹ đã mất) [49, tr. 2].
Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm xã hội tuy có giảm, nhưng lại tăng một số loại tội phạm nguy hiểm: cướp tài sản công dân: 9 vụ; hiếp dâm trẻ em: 4 vụ. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng "trẻ hóa" trong tội phạm xã hội: có 22/324 tội phạm dưới 18 tuổi (chiếm tỷ lệ 6,8%); tình trạng tái phạm và tái phạm nguy hiểm còn xảy ra nhiều: có 43/324 người tái phạm (chiếm tỷ lệ 13,3%) [50, tr. 2]. Tội phạm ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tăng nhiều so với trước, chỉ riêng tháng 7 năm 2001 cơ quan chức năng đã khám phá 7 vụ buôn bán ma túy, bắt và xử lý 17 đối tượng [6, tr. 1].
Tệ nạn tham nhũng, quan liêu cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, vi phạm đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên vẫn xảy ra. 6 tháng đầu năm 2000 đã phát hiện trên 10 vụ án tham nhũng, trong đó có 2 vụ hết sức nghiêm trọng gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỷ đồng, gây xôn xao dư luận [50, tr. 3]. Nhiều đơn vị vi phạm trong thu chi, quản lý tài chính tùy tiện, trái quy định gây thất thu cho Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân. Kết quả kiểm tra của ủy ban kiểm tra thành phố năm 2000, có 112 đảng viên vi phạm, trong đó có 101 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật [40, tr. 1]. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu tập trung ở chấp hành chỉ thị, nghị quyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, những vấn đề có liên quan đến kinh tế (tham ô, tham nhũng), vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống.
Những vụ việc này đã làm ô nhiễm bầu không khí xã hội, làm chao đảo kỷ cương phép nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Thứ hai, môi trường giáo dục - đào tạo, môi trường khoa học vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhiều nhà trường, cơ sở đào tạo vẫn chưa ý thức đầy đủ và coi trọng nhiệm vụ xây dựng MTVH, môi trường sư phạm thật sự lành mạnh, trong sáng, tôn nghiêm trong chốn học đường. Vấn đề giáo dục đạo đức, phẩm chất đạo đức, đạo lý làm người cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, các mối quan hệ thầy trò, bè bạn chưa được quan tâm xây dựng. Do đó, sự miễn dịch, sức đề kháng của học sinh đối với các thói hư tật xấu, TNXH còn hết sức yếu ớt. Tình trạng quản lý lỏng lẻo học sinh đã tạo điều kiện thuận lợi để TNXH thâm nhập chốn học đường. Năm 1997, trong số thanh niên vi phạm TNXH đã có 57 học sinh, trong đó có 22 em sử dụng các chất kích thích (thuốc an thần, bù đà); 18 học sinh càn quấy, gây rối, trộm cắp đã xử lý [38, tr. 41]. Tình trạng che dấu các hành vi vi phạm trong học sinh vì sợ ảnh hưởng thi đua, sợ liên đới trách nhiệm đang là lực cản đáng kể công tác phòng chống TNXH trong nhà trường. Trong 7 tháng đầu năm nay, thành phố đã phát hiện thêm 97 con nghiện ma túy mới, có 12 người là học sinh và sinh viên [4, tr. 7].
Môi trường sư phạm còn chịu sự ô nhiễm bởi các hành vi thiếu gương mẫu của các thầy cô, của các cấp lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực giáo dục ở một số nơi. Theo Báo cáo tổng kết năm học 2000 - 2001, qua thanh tra ở 4 cơ sở đào tạo với 536 văn bằng, chứng chỉ phát ra đã phát hiện 22 bằng, chứng chỉ bất hợp pháp (tỷ lệ 3,9%), còn rất nhiều văn bằng, chứng chỉ giả đang trôi nổi trên thị trường chưa thể kiểm soát hết được [30, tr. 4].
Bên cạnh sự ô nhiễm về MTXH, một số trường học còn chịu sự ô nhiễm nặng nề về MTTN, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ học tập. Năm học 2000 - 2001, 34 trường tiểu học chưa có phòng học liệu; 30 trường THCS và 6 trường THPT chưa có phòng học bộ môn. Một số trường học sân chơi chật hẹp (thậm chí không có sân chơi), bụi, tiếng ồn, sự ô nhiễm đều quá mức cho phép nhiều lần, điều kiện vệ sinh không đảm
bảo. Đó là các trường PTCS Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trãi, THCS Hòa Phước... [29, tr. 6].
Môi trường khoa học tuy phát triển hàng đầu ở khu vực miền Trung, nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ CNH, HĐH.
Đội ngũ cán bộ khoa học có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi. Cả thành phố chỉ có 43 tiến sĩ khoa học, trong đó chủ yếu tập trung ở lĩnh vực KHKT(25 người), KHXH&NV (9 người), y học (6 người), kinh tế (3 người), như vậy ở rất nhiều lĩnh vực không có chuyên gia đầu ngành. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kế cận chưa được chú trọng đúng mức, quan tâm đầy đủ. Các nhà khoa học trẻ (dưới 30 tuổi) có trình độ đại học chỉ chiếm 26,9%, thạc sĩ 3,3%, tiến sĩ chuyên ngành 2,5%, chưa có tiến sĩ khoa học [24, tr. 360].
Do cơ chế chính sách chưa hợp lý, thành phố vẫn chưa phát huy, tận dụng hết tiềm lực của đội ngũ cán bộ khoa học tại chỗ. Chưa tận dụng được tiềm lực khoa học của hàng nghìn cán bộ hưu trí (1.640 người có trình độ đại học; 36 thạc sĩ; 37 tiến sĩ chuyên ngành; 5 tiến sĩ khoa học). Chưa tranh thủ được tiềm lực khoa học của đội ngũ đông đảo các nhà khoa học hiện đang công tác tại các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, chưa tạo được sự liên kết giữa các lực lượng khoa học. Đây là một sự lãng phí rất lớn, bởi trong số 505 thạc sĩ làm việc trong khu vực Nhà nước đã có tới 74,5% thuộc cơ quan trung ương quản lý; 88 tiến sĩ chuyên ngành (89,7%); 38 tiến sĩ khoa học (78,9%). Đội ngũ cán bộ khoa học do thành phố quản lý làm công tác nghiên cứu khoa học không đáng kể, sự dấn thân vì khoa học, nỗ lực ý chí vươn lên chưa cao. Trong đội ngũ này còn đến 25% chưa biết ngoại ngữ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học còn rất ít (chiếm 17,2% quỹ thời gian), thái độ an phận thủ thường, thiếu chí tiến thủ, xa rời khoa học còn tồn tại khá phổ biến [24, tr. 361]. Cùng với nó, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn quá ít ỏi, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn quá nghèo nàn, lạc hậu, thông tin khoa học thiếu và không kịp thời. Thành phố lại chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư triển khai, áp dụng kết quả nghiên cứu sau khi kết thúc đề tài, do đó đội ngũ
cán bộ không những không nâng cao được nghiệp vụ chuyên môn khoa học, mà còn bào mòn tri thức đã có, tạo ra trạng thái thụ động trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ nhân tài chưa đủ hấp dẫn, môi trường làm việc chưa khuyến khích sáng tạo, điều kiện sinh hoạt và thu nhập thấp đang là trở lực lớn để thành phố có thể thu hút được nguồn trí tuệ "chất xám" từ các nơi khác về phục vụ địa phương, tình trạng "chảy máu chất xám" tại chỗ vẫn xảy ra. Sự quan tâm đối với khoa học còn mờ nhạt, thị trường khoa học chưa định hình rõ nét, do vậy, sự năng động vốn là bản chất của khoa học đã nhường chỗ cho thái độ bình quân, cầm chừng, hay thụ động trong nghiên cứu khoa học, lòng tự trọng khoa học, ý thức vươn lên dần bị thui chột trong môi trường thụ động đó. Môi trường khoa học do vậy phát triển thiếu động lực, trong đó chủ yếu nhất là thiếu động lực cho lòng say mê, tìm tòi, khám phá sáng tạo, áp dụng tiến bộ KH&CN tạo lực đẩy cho khoa học phát triển.
Trong nghiên cứu khoa học lại chưa tạo ra được sự liên kết giữa các khoa học với nhau để tạo động lực phát triển lâu dài và bền vững. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học không chỉ hạn chế về số lượng đề tài, dự án nghiên cứu mà còn có sự cô lập tách rời, KHTN dường như "độc lập" với KHXH&NV. Những công trình nghiên cứu KHTN thường không hội đủ "hàm lượng văn hóa", hoặc có chăng thì cũng rất rời rạc, thiếu tính hệ thống. Tình trạng đó đã dẫn đến việc khai thác tài nguyên, ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã vấp phải những sai lầm: màu xanh di tích, các cảnh quan bị biến dạng, các địa điểm du lịch bị ô nhiễm nặng nề, có thời kỳ người ta đã không ngần ngại đục khoét Ngũ Hành Sơn để khai thác đá. Một bộ phận công dân quên đi lịch sử, quên cội nguồn, chỉ biết sống cho hiện tại, chối bỏ quá khứ. Thành phố hiện nay đang rất thiếu các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực để trên cơ sở đó hoạch định ra chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Cũng chính vì lẽ đó mà Đà Nẵng chưa thật sự phát huy được nhân tố nội sinh trong khoa học để thay đổi được diện mạo của mình. Sức ỳ về phát triển kinh tế phần lớn là do sự yếu kém về môi trường khoa học, trong việc giải phóng sức lao động hiện có. Quan hệ sản xuất vẫn còn bị kìm hãm bởi cơ chế chưa thông thoáng, thiếu nhạy cảm, không quy tụ được hàm lượng chất xám trong khoa học.
Thứ ba, môi trường truyền thống, môi trường thẩm mỹ còn tồn tại không ít khuyết nhược cần khắc phục. Sự am hiểu sâu sắc của nhân dân, trong đó có không ít học sinh, sinh viên về truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, lễ thức tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều phong tục tập quán cũ, lạc hậu chưa được xóa bỏ, các chuẩn mực của đời sống mới đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện chưa ăn sâu vào phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân. Cùng với môi trường pháp luật còn nhiều lỏng lẻo, đã tạo ra những khoảng trống, những kẽ hở để các TNXH có điều kiện phát sinh, các tập tục lạc hậu trỗi dậy, và lối sống thực dụng, lai căng, tệ nạn lừa đảo, làm ăn phi pháp, tham nhũng tràn vào trong những năm tháng mở cửa đã làm rã rời các mối quan hệ xã hội, băng hoại nền tảng đạo đức. Nhiều giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc (truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, ý chí kiên cường, bất khuất trong chiến đấu...) chưa được phát triển tiếp nối ngang tầm với những yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, để trở thành động lực của sự nghiệp kiến thiết đất nước.
Sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, xây dựng môi trường thẩm mỹ mới ở thành phố đang đòi hỏi phải có thêm những tác phẩm tầm cao về đề tài kháng chiến, đề tài cách mạng, và quan trọng hơn là những đề tài về sự nghiệp đổi mới có chất lượng, có giá trị, phản ánh sinh động và sáng tạo cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, góp phần xây dựng con người Đà Nẵng trong thời kỳ mới. Yếu kém nhất trong lĩnh vực này là sự bất cập trước sự nghiệp đổi mới và yêu cầu của nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng như các bậc đàn anh đi trước còn rất mỏng. Thời gian qua có rất ít tác phẩm đỉnh cao tương xứng, thiếu những tác phẩm có giá trị đi sâu vào những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, việc tuyên truyền những điển hình tiên tiến chưa nhiều. Văn hóa phẩm độc hại còn tồn tại khá nhiều, trôi nổi trên thị trường, thâm nhập vào nền tảng gia đình và cả chốn học đường.
Những tồn tại, và khiếm khuyết nêu trên có rất nhiều nguyên nhân:
- Trước hết, là do hậu quả nặng nề và lâu dài của cuộc chiến tranh khốc liệt để lại; do những tàn dư lối sống tiêu cực của chủ nghĩa thực dân còn rơi rớt lại. Một nền kinh tế kém phát triển, thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, đời sống vật chất và văn hóa tinh
thần của nhân dân chậm được cải thiện... là những trở lực rất lớn đối với vấn đề xây dựng MTVH ở địa phương.
- Sự phát triển thiếu đồng bộ giữa giáo dục - đào tạo, KH&CN với những giá trị truyền thống, giá trị đạo đức và thẩm mỹ; sự hạn chế trong việc đầu tư cho MTVH đã tạo nên sự suy giảm các giá trị nhân văn, đánh mất sức đề kháng trước sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, làm băng hoại các giá trị văn hóa, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội, dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phẩm chất chính trị của một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân.
- Do tập trung mọi nỗ lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới, chưa lường hết tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực văn hóa cộng với sự quan tâm chưa đầy đủ, chỉ đạo thiếu sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối công tác xây dựng ĐSVH ở cơ sở đã hạn chế không nhỏ những thành quả xây dựng MTVH thời gian qua.
- Cơ bản và cốt lõi nhất là cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa xây dựng được một cơ chế, chính sách thống nhất, một hệ giải pháp đồng bộ, nhất quán (thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa các giải pháp về kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội) để thống nhất các chương trình hành động hiện có ở địa phương, như: xóa đói giảm nghèo, đền ơn