- Hệ thống chính sách, pháp luật của các nước
3.3.1. Kiến nghị với chính phủ
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán quan trọng, thường được các nhà xuất nhập khẩu sử dụng trong thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu. Đây cũng là phương thức có những quy định tương đối phức tạp. Vì thế đòi hỏi phải có hành lang pháp lý chặt chẽ điều chỉnh để phương thức này có thể được sử dụng một cách an toàn và hiệu quả. Trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu theo đó là hoạt động thanh toán quốc tế ở nước ta
ngày càng tăng. Kết quả này có được là do sự hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có những quy định pháp lý phù hợp hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và cho thanh toán quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, các quy định nằm rải rác ở các văn bản luật hoặc dưới luật khác nhau, chưa có hệ thống thống nhất và chặt chẽ. Chính vì vậy, trong một số trường hợp khi có tranh chấp giữa các bên liên quan, giữa phía Việt Nam với phía nước ngoài hoặc giữa các bên Việt Nam với nhau rất khó tìm ra căn cứ chuẩn xác để xử lý.
Việt Nam cũng là nước áp dụng UCP 600 vào giao dịch thanh toán tín dụng chứng từ mà không bị bất cứ điều chỉnh nào của luật pháp quốc gia, và đây chính là điều mà Việt Nam còn thiếu. Chúng ta cũng cần xây dựng quy chế riêng hướng dẫn về thanh toán quốc tế, những quy định này không chỉ cho ngân hàng mà còn liên quan đến nhiều cơ quan hữu quan như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam… Do đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra tính nhất quán trong việc ban hành cũng như áp dụng và thi hành. Quy chế này không nên đối nghịch với thông lệ và tập quán trong thanh toán quốc tế nhưng phải phù hợp với các bộ luật của Việt Nam, có tính đến đặc thù về kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư của nước ta. Đặc biệt là hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động thanh toán quốc tế cần phải có những quy định cụ thể chi tiết cho việc điều chỉnh nghiệp vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên về phát hành L/C, chiết khấu hối phiếu… để một mặt có thể giảm bớt các vụ tranh chấp, mặt khác khi đã có tranh chấp xảy ra thì đã có những căn cứ pháp lý để điều chỉnh, giải quyết.
Tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu nói riêng là nền tảng và cơ sở cho sự tăng trưởng hoạt động thanh toán quốc tế. Vì vậy, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy xuất nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho giao dịch thanh toán quốc tế nói chung và thanh toán tín dụng chứng từ nói riêng phát triển.
Hội nhập kinh tế thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng phát triển mạnh. Việt Nam đã gia nhập WTO, chính phủ càng cần xúc tiến và có chính sách mở rộng quan hệ hợp tác theo tinh thần đa dạng hoá thị trường, đa phương hoá quan hệ kinh tế và có sự điều chỉnh hợp lý các chính sách về quan hệ kinh tế đối ngoại, biểu thuế xuất nhập khẩu.