Chấm điểm các tiêu chí phi tài chính:

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện phương pháp chấm điểm tín dụng trong xếp hạng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (Trang 38 - 41)

* Đánh giá chỉ tiêu về môi trường ngành:

 Chu kỳ kinh doanh: chu kỳ kinh doanh của một ngành thường gắn liền với mức tăng trưởng GNP của một số quốc gia và một số yếu tố khác, nói chung tình hình hoạt động của nhiều ngành thường tương đồng với các chu kỳ kinh tế. Việc đánh giá thường được dựa trên một chu kỳ kinh doanh để đánh giá.

 Triển vọng tăng trưởng của ngành: có liên hệ chặt chẽ với chu kỳ kinh tế. Một ngành có tăng trưởng mạnh có thể đem lại cho các doanh nghiệp trong ngành những cơ hội thuận lợi. Những cơ hội này thể hiện ở tiềm năng mở rộng thị trường, khả năng cải tiến vị thế của các doanh nghiệp. Tiêu chuẩn đánh giá căn cứ vào mức độ triển vọng tăng trưởng.

 Áp lực cạnh tranh trong ngành: tình hình cạnh tranh trong một ngành liên quan trực tiếp đến cơ cấu thị trường, số lượng các đối thủ cạnh tranh của ngành đó và chính sách định giá linh hoạt…Đa số các ngành thường chịu những áp lực từ thị trường và các doanh nghiệp thường phải định giá bán hàng hoá của họ trong mối liên hệ giữa cung và cầu đối với sản phẩm đó.

 Các nguồn cung ứng trong ngành: Cơ cấu thị trường và áp lực cạnh tranh trong ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của số lượng các nhà cung cấp các loại nguyên liệu, bán thành phẩm cho ngành. Khi đánh giá cần xem xét vị thế của doanh nghiệp với tư cách là khách hàng trong mối quan hệ với nhà cung cấp.

 Mức độ các quy định, luật lệ: Đặc điểm cũng như xu hướng thay đổi trong tương lai của các luật lệ hiện hành có thể trở thành những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến vị thế cạnh tranh của công ty.

* Điều kiện kinh doanh:

 Sự đa dạng hoạt động kinh doanh và dòng doanh thu theo chu kỳ đời sống của sản phẩm: việc bổ sung một lĩnh vực kinh doanh mới nào cũng có ảnh hưởng đến tổng lợi nhuận và việc chấm điểm tín dụng phải xem xét tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh riêng biệt mà lĩnh vực này có tính nhạy cảm cao đối với chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, sự thay đổi về kỹ thuật công nghệ nhanh chóng, việc nới lỏng luật lệ, sự dao động về tỷ giá hối đoái…Việc đa dạng hoá kinh doanh cùng với những thay đổi khác có thể giúp cho doanh nghiệp chống lại việc suy giảm ở một lĩnh vực nào đó.

 Đánh giá chất lượng sản phẩm: Việc đánh giá chất lượng sản phẩm thường dựa vào 3 mức tiêu chuẩn sau:Mức 1: sản phẩm chưa nhận được chứng nhân ISO 9000/9002; Mức 2: sản phẩm đã nhận được chứng nhận ISO 9000/9002; Mức 3: sau khi nhận được chứng nhận ISO 9000/9002. Về tiêu chuẩn, có thể căn cứ vào mức độ hoạt động nhằm loại bỏ chi phí ẩn và đạt được chứng nhận ISO để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá.

 Quy mô thị trường: quy mô thị trường tiềm năng là tổng mức cầu đối với sản phẩm trong một giai đoạnh cụ thể hay chính là tổng doanh thu tối đa mà tất cả các doanh nghiệp trong ngành có thể đạt được.

 Đánh giá thị phần: Thị phần của doanh nghiệp là tỷ số giữa doanh số bán của doanh nghiệp và tổng doanh số bán của ngành. Do đặc điểm của các hoạt động điều tra thị trường nên thị phần của doanh nghiệp chỉ là giá trị chính xác tương đối.

Thị phần của doanh nghiệp( %) = 100 * (Doanh số bán ước tính của DN)/ ( Doanh số bán ước tính của ngành)

 Đánh giá hoạt động nghiên cứu và phát triển: các sản phẩm có thành phần công nghệ cao có thể nhanh chóng bị lỗi thời và lạc hậu, vì vậy doanh nghiệp phải có nguồn tài chính để duy trì và phát triển công nghệ.

* Đánh giá chất lượng quản lý: Dù rất khó để đánh giá chất lượng quản lý nhưng chất lượng quản lý lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Việc đánh giá thường dựa vào một số chỉ tiêu sau: đánh giá cơ cấu tổ chức; đánh giá về ban quản lý; đánh giá về chính sách nhân sự; đánh giá về nét văn hoá và bản sắc của doanh nghiệp.

 Đánh giá cơ cấu tổ chức: thường dựa trên sự hiệu quả của mô hình tổ chức và bộ máy quản trị mà người ta có thể áp dụng cho một doanh nghiệp như tốc độ xử lý thông tin, ra quyết định và quản trị, ở đây có thể có các mức độ như: rất hữu hiệu, hữu hiệu, trì trệ, rất trì trệ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng về ngành nghề sản phẩm, chiến lược kinh doanh, trình độ nhân viên…do đó, căn cứ vào đặc điểm và chiến lược mà doanh nghiệp đang theo đuổi để xem xét tính hợp lý trong lựa chọn cơ cấu của doanh nghiệp đó.

 Đánh giá về ban quản lý: ban quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Khi đánh giá về nhà lãnh đạo, tổ chức định mức tín nhiệm thường xét các yếu tố như uy tín, năng lực, đạo đức, khả năng đảm đương chức vụ, trình độ học vấn, sức khoẻ, tuổi tác…

 Đánh giá về chính sách nhân sự: Chính sách nhân sự của doanh nghiệp thể hiện ở các góc độ như: chính sách tuyển dụng, chính sách sử dụng, lương bổng và đãi ngộ. Các chính sách này thể hiện khả năng thu hút, giữ nhân tài và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động của doanh nghiệp.

 Đánh giá về văn hoá và bản sắc doanh nghiệp: văn hoá công ty là hệ thống những giá trị chung, những niềm tin, những tập quán của doanh nghiệp. Chúng tác động qua lại với cơ cấu chính thức để hình thành những chuẩn mực hành động mà tất cả mọi thành viên công ty đều tự nguyện noi theo. Bản sắc của doanh nghiệp xuất phát từ triết lý kinh doanh và từ nền văn hoá doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có nền văn hoá vững mạnh với những giá trị

riêng, đặc sắc, chứng tỏ doanh nghiệp có một truyền thống tốt và có uy tín trên thương trường.

* Tình hình và uy tín giao dịch với ngân hàng: đây là một tiêu chí rất

quan trọng để cán bộ tín dụng đánh giá khả năng và ý chí trả nợ của khách vay. Nếu doanh nghiệp là khách hàng có uy tín với ngân hàng, luôn trả nợ gốc, lãi đúng hạn, không phải gia hạn nợ và phát sinh nợ quá hạn thì điểm tín dụng cho tiêu chí phi tài chính sẽ rất cao. Ngoài ra còn tính đến các quan hệ phi tín dụng như: số lượng giao dịch trung bình hàng tháng của doanh nghiệp tại ngân hàng, số lượng các loại giao dịch, số dư tiền gửi trung bình tháng tại ngân hàng…Những khách hàng truyền thống của ngân hàng luôn đạt được điểm số cao hơn trong phần chấm điểm này so với khách hàng mới, đặt quan hệ tín dụng lần đầu với ngân hàng.

* Tài sản bảo đảm: Tài sản đảm bảo được xem là nguồn trả nợ thứ hai,

giảm rủi ro khi cho vay vốn, ngân hàng yêu cầu khách hàng có tài sản đảm bảo. Do đó những tài sản đảm bảo này phải mang tính thanh khoản cao và rủi ro thấp. Một tài sản có tính thanh khoản cao nghĩa là có khả năng chuyển hoá thành tiền của tài sản nhanh chóng, tốn ít thời gian và chi phí cho ngân hàng khi phát mại tài sản. Tính rủi ro thấp được hiểu là tài sản khi bán đi không bị mất giá, hay hư tổn trong quá trình đảm bảo. Đảm bảo hai điều kiện trên, khách hàng dễ vay vốn của ngân hàng hơn( vì chấm điểm tín dụng cao hơn).

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện phương pháp chấm điểm tín dụng trong xếp hạng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (Trang 38 - 41)