3. Các nhân tố ảnh hưởng và các biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định.
3.2.1. Làm tốt công tác đầu tư xây dựng, mua sắm TSCĐ.
Hiệu quả sử dụng VCĐ trước hết phụ thuộc vào chất lượng của công tác đầu tư mua sắm xây dựng TSCĐ.
Mục đích trực tiếp của việc đầu tư, mua sắm TSCĐ là làm tăng năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác đây cũng là quá trình phức tạp đòi hỏi khối lượng vốn rất lớn. Do vậy mà trước khi đầu tư doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, kiểm tra về điều kiện khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình cũng như điều kiện cung cấp vật tư, khả năng tận dụng thời gian làm việc và tận dụng công suất của TSCĐ. Dựa trên cơ sở phân tích đó đi đến quyết định đầu tư vào loại TSCĐ nào là hợp lý, sau đó tiến hành lựa chọn các đối tác đầu tư, xác định cơ cấu đầu tư đúng đắn.
Muốn nâng cao hiệu quả sử dụng VCĐ thì phải xác định được những khâu chủ yếu để đầu tư. Nếu khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường là lớn thì đầu
tư phải chú ý ưu tiên cho những TSCĐ có tính chất trực tiếp sản xuất hơn là những TSCĐ có tính chất phục vụ sản xuất thì quá trình hoạt động sản xuất mới nhịp nhàng đồng bộ mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Chỉ tiến hành đầu tư mua sắm máy móc thiết bị khi thực sự cần thiết, giảm bớt lượng thiết bị dự trữ tránh tình trạng ứ đọng vốn. Mặt khác phải lựa chọn được phương án đầu tư thích hợp mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời phải chú trọng, quan tâm đến yếu tố tiến bộ khoa học kỹ thuật: TSCĐ được đầu tư, mua sắm phải hiện đại, phải phù hợp với trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế hao mòn vô hình và phải phù hợp với yêu cầu về công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.
Trước khi đầu tư xây dựng cơ bản mua sắm TSCĐ cần phải điều tra nghiên cứu thị trường cẩn thận, phải xem xét phân tích và nắm bắt khả năng tiêu thụ của sản phẩm trên thị trường, xu thế nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, điều kiện cung cấp vật tư, khả năng tận dụng thời gian làm việc và công suất TSCĐ.
Việc đầu tư mua sắm phải theo xu hướng ngày càng tăng tỷ trọng những loại TSCĐ có ý nghĩa tích cực trong sản xuất kinh doanh, còn các loại TSCĐ không phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và TSCĐ dùng ngoài sản xuất kinh doanh ngày càng giảm. Căn cứ vào việc xác định tỷ lệ hợp lý giữa các máy móc thiết bị, giữa các khâu của quy trình công nghệ và trong tổng số TSCĐ hiện có để lập kế hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ hoá thiết bị sẵn có, cải tạo thiết bị cũ, thải loại những thiết bị mà chi phí sửa chữa phục hồi lớn hơn giá trị còn lại, đồng thời phải có kế hoạch đầu tư mua sắm thay thế từng phần hoặc toàn bộ TSCĐ. Xác định đúng các TSCĐ không cần dùng để thanh lý và nhượng bán. Đầu tư phải theo chiều sâu, quán triệt phương châm đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII: “Trong quá trình xây dựng và quản lý kinh tế, mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản xuất phải luôn luôn chú ý phát triển chiều sâu, tìm cách khai thác bằng mọi biện pháp thích hợp và đồng bộ hoá cải tạo mở rộng...”