Từ quá trình nhận thức lý luận về văn hóa trong giai đoạn từ đầu thế kỷ đến năm 1945 và những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, có thể rút ra một số bài học đối với công tác nghiên cứu lý luận văn hóa giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, nghiên cứu lý luận văn hóa phải gắn liền với thực tiễn dân tộc. Đây tưởng như một điều rất hiển nhiên vì bất kỳ một lý luận nào chẳng phải dựa vào thực tiễn, khái quát thực tiễn, vạch quy luật vận động, phát triển của thực tiễn để bổ sung cho lý luận, mở đường cho thực tiễn phát triển. Nhưng ở đây nhấn mạnh đến thực tiễn của dân tộc Việt Nam chứ không phải thực tiễn nói chung. Với trình độ lý luận văn hóa ở đầu thế kỷ XX và ngay trong cả giai đoạn hiện nay chúng ta còn khoảng cách khá xa so với thế giới thì việc đóng góp cho khoa học văn hóa về lý thuyết khó có khả năng thực hiện được. Quá trình nhận thức lý luận về văn hóa của giai đoạn này là quá trình tiếp thu lý luận văn hóa thế giới để nghiên cứu và làm sáng tỏ thực tiễn văn hóa Việt Nam. Trong đó những vấn đề mang tính lý luận về văn hóa như : bản sắc văn hóa, bản sắc văn hóa Việt Nam, con đường để giải phóng văn hóa, xây dựng một nền văn hóa mới... là kết quả của sự tiếp thu lý luận văn hóa thế giới để vận dụng vào nghiên cứu văn hóa dân tộc. Xét trên phương diện lý thuyết thì những nhận thức lý luận về văn hóa giai đoạn này không phải là mới với thế giới lúc đó. Đây là những thành quả của khoa học văn hóa mà các học giả Việt Nam tiếp thu được. Nhưng chính nhờ sự vận dụng lý thuyết này để xử lý những vấn đề cụ thể của văn hóa dân tộc mà các học giả đưa ra được nhiều quan niệm về văn hóa, về văn hóa dân tộc mà trước đó chưa được đề cập đến. Như vậy, sự sáng tạo đã được nảy sinh trong việc vận dụng những tư tưởng khoa học này để giải quyết vấn đề của Việt Nam. Sự đóng góp của quá trình nhận thức lý luận về văn hóa cũng thể hiện tập trung nhất trên phương diện này. ở một phương diện khác, chúng ta có thể thấy những nhận thức lý luận về văn hóa trong giai đoạn này đều xuất phát từ những băn khoăn, trăn trở của giới trí thức dân tộc trước thực tiễn văn hóa dân tộc đang trong cơn khủng hoảng khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Họ cố gắng tìm tòi về mặt lý luận để tìm ra một con đường thích hợp đưa văn hóa dân tộc thoát ra khỏi khủng hoảng, gây dựng cho dân tộc một nền văn hóa độc lập. Nhưng không phải mọi cố gắng đó đều đến được mục tiêu mở đường, giải phóng cho văn hóa dân tộc ra khỏi thân phận nô lệ. Tuy đều có tư tưởng dân tộc nhưng có khuynh hướng thiên về bảo thủ, có khuynh hướng cải lương tư sản, có khuynh hướng xa quần chúng cho nên trên thực tế chưa phản ánh đúng bản chất của văn hóa dân tộc là dân tộc có được tự do thì văn hóa dân tộc mới
phát triển được. Do đó, những lý luận này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của văn hóa dân tộc. Một nền “văn hóa ngu dân”, “văn hóa nô dịch” đang rên xiết, kìm kẹp dưới ách thống trị của chủ nghĩa phát xít, thực dân chỉ có thể được giải phóng, phát triển khi nó hướng tới dân tộc, hướng tới nhân dân, chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái với khoa học, phản tiến bộ và phải được đặt trong quỹ đạo của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chính vì thế, khi những người mácxít Việt Nam đưa ra quan điểm về xây dựng một nền văn hóa mới mang tính dân tộc - khoa học - đại chúng và xác định cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam phải là một quá trình biến đổi sâu sắc và toàn diện đời sống theo định hướng: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo những nhà văn hóa tài năng, giàu nhiệt huyết tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự nghiệp đó đã thành công mở ra một giai đoạn mới cho văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới độc lập, mang đậm bản sắc dân tộc. Với tất cả những điều đó cho thấy, nghiên cứu lý luận văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn dân tộc, hướng tới mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển theo hướng tiến bộ. Trong điều kiện hiện nay, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là hướng tới nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến. Tuy nhiên, do những giới hạn của lịch sử, Mác, ăngghen, Lênin chưa thể có những câu trả lời về mặt lý luận đối với nhiều hiện tượng văn hóa của hôm nay. Từ thực tiễn xây dựng nền văn hóa mới ở nước ta trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường và tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa dặt ra cho lý luận văn hóa nhiều vấn đề cần giải đáp. Với những điều kiện có tính đặc thù đặc thù như thế, bài học nghiên cứu lý luận văn hóa phải gắn liền với thực tiễn dân tộc có thể giúp các nhà nghiên cứu không chỉ có những sáng tạo trong việc vận dụng lý thuyết văn hóa để xử lý những vấn đề cụ thể của văn hóa Việt Nam mà có thể có những bổ sung lý luận mà ở đây là tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho nó trở thành một học thuyết hoàn chỉnh, có giá trị phổ quát.
Thứ hai, tiếp thu có hệ thống thành tựu lý luận văn hóa thế giới. Nếu như ở đầu thế kỷ XX, các học giả Việt Nam đã tiếp nhận lý luận văn hóa bên ngoài để vận dụng vào thực tiễn của dân tộc thì ngày nay việc tiếp thu đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mặc dù là
một ngành khoa học mới ra đời nhưng trong hơn một thế kỷ qua khoa học về văn hóa đã có bước phát triển nhanh chóng với nhiều lý thuyết văn hóa ra đời. Đó là thành tựu chung của thế giới và có những giá trị phổ quát đối với văn hóa các dân tộc. Hơn nữa, trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, muốn hội nhập mạnh mẽ với thế giới, văn hóa Việt Nam phải tăng cường đối thoại với các nền văn hóa khác, lý luận văn hóa của Việt Nam phải vươn lên đạt trình độ phổ quát của thế giới và đóng góp tiếng nói của mình cho những thành tựu chung đó. Như vậy, việc tiếp thu lý luận văn hóa của thế giới trong giai đoạn hiện nay nhằm mục đích hiện đại hóa lý luận văn hóa Việt Nam là đòi hỏi khách quan trên con đường hội nhập thế giới, vấn đề đặt ra ở đây là trong điều kiện mới chúng ta phải tiếp thu cái gì và tiếp thu như thế nào?
Nghiên cứu lý luận về văn hóa trong giai đoạn này để giải quyết những vấn đề của văn hóa dân tộc mà không hướng tới xây dựng lý thuyết văn hóa cho nên như đã trình bày ở trên, những kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng ở việc nhận thức lý luận về văn hóa mà chưa tạo ra được hệ thống những khái niệm, phạm trù, quy luật của một lý thuyết. Những kết quả này không thể đạt đến sự sáng tạo thực sự, đi xa hơn nữa trên cơ sở những thành tựu đã tiếp nhận được, vấn đề ở đây là chúng ta đã không tiếp thu có hệ thống các lý thuyết văn hóa của thế giới. Có nhiều lý thuyết văn hóa đã không đến được Việt Nam. Việc tiếp thu lý thuyết Tiến hóa luận, Truyền bá luận văn hóa ở Việt Nam thì không phải là toàn bộ mà chỉ những khía cạnh, chưa nói đến việc nghiên cứu cơ sở triết học của các lý thuyết này hầu như chưa được đề cập đến. ở đây có nguyên nhân các trí thức dân tộc không được tiếp xúc giao lưu nhiều với thế giói, thiếu thông tin, sự tiếp thu chủ yếu qua con đường Nhật Bản và Trung Quốc với những sách Tân thư. Nhưng nguyên nhân sâu xa hạn chế trong tư duy lý luận của người Việt Nam, nó bắt nguồn từ cơ chế tiếp nhận của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa mở thâu nhận các yếu tố của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đó là sự tiếp nhận không theo hệ thống mà chỉ lựa chọn những giá trị phù hợp “chỉ nhận vào mình những gì mình muốn và những gì phù hợp với mình theo nguyên tắc thêm bớt lấy bỏ” và cách tiếp nhận không hệ thống này “mang tính thực dụng, nông nổi nên thường quy giản và làm biến đổi bản nguyên” [66, tr.18] Cách tiếp nhận này khác với người Nhật Bản, thông qua hai cuộc cải cách lớn:
Đại Hóa cải tân và Minh Trị Duy Tân, họ đã tiếp thu hệ thống để đạt đến trình độ “bằng người” để trên cơ sở đó phát triển, sáng tạo hơn người, hoặc ít nhất là khác người. Chúng ta biết rằng, một lý thuyết thường bao gồm hai bộ phận: bộ phận riêng có và bộ phận kế thừa từ các lý thuyết khác, trong đó, bộ phận thứ hai như điều kiện cần, không thể thiếu được với bất kỳ lý thuyết nào. Những thành tựu lý luận văn hóa là kết quả của sự khái quát thực tiễn trên cơ sở các học thuyết triết học, mặt khác đó còn là kết quả một quá trình phát triển có sự kế thừa nhau. Do đó, muốn hiểu các lý thuyết một cách sâu sắc, bản chất để từ đó tiếp thu và có sáng tạo thực sự thì phải nghiên cứu có hệ thống, lần ngược trở lại gốc vấn đề, từ lý thuyết văn hóa tới các học thuyết triết học. Con đường này có thể giúp công tác nghiên cứu lý luận văn hóa ở nước ta đi xa hơn, đóng góp cho kho tàng chung của thế giới.