3.1.1. Những đặc điểm
Trong cuốn sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” GS, TS Trần Ngọc Thêm có đánh giá những công trình nghiên cứu nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam: tuyệt đại bộ phận các công trình được viết ra mang tính chất miêu tả, có giá trị tư liệu hết sức quý báu nhưng bên cạnh đó còn tồn tại ba nhược điểm chủ yếu là:
- Tản mạn, thiếu tính hệ thống, tính quy luật. - Chứa đựng nhiều mâu thuẫn nội tại.
- Thường bị chi phối một cách vô thức bởi căn bệnh lấy “Trung Hoa làm trung tâm” [62, tr.12]
Đây là những nhận định tương đối thuyết phục đối với các công trình nghiên cứu văn hóa nói chung hơn một thế kỷ qua. Trong khuôn khổ của luận văn, bước đầu chúng tôi chỉ đưa ra một số nhận xét về quá trình nhận thức lý luận về văn hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Thứ nhất về phương diện nội dung, những nhận thức lý luận về văn hóa của giai đoạn này là kết quả của quá trình tiếp thu lý luận văn hóa thế giới và phản ánh thực tiễn văn hóa Việt Nam.
Những nội dung cơ bản trong nhận thức lý luận văn hóa đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945 được trình bày trên đây bao gồm: quan niệm về văn hóa; về văn hóa dân tộc; quan niệm của những người mác xít. Những nội dung này đã khái quát quá trình nhận thức lý luận về văn hóa ở nước ta: từ việc tiếp thu thành tựu lý luận của thế giới đi đến nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong đó, quan điểm về văn hóa của những người mác xít
Việt Nam là sự tiếp thu và vận dụng thành công chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc xây dựng một nền văn hóa mới của dân tộc gắn liền với công cuộc giải phóng đất nước ra khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân.
Như đã trình bày, cho đến đầu thế kỷ XX, nước ta chưa có chuyên ngành lý luận văn hóa, nghiên cứu lý luận văn hóa hầu như chưa có gì. Trước đó, các nhà tư tưởng của dân tộc cũng đã từng đề cập đến văn hóa nhưng chưa thể gọi đó là lý luận với tư cách là hệ thống tri thức cơ bản trên lĩnh vực văn hóa. Lý luận nói chung, lý luận văn hóa nói riêng ra đời dựa trên những tiền đề, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Trong một nước nông nghiệp phương Đông khép kín với thế giới bên ngoài, chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết Nho giáo cùng với những điều kiện riêng về lịch sử, Việt Nam không có tiền đề để cho lý luận văn hóa có khả năng xuất hiện. Mặc dù nước ta vẫn có những sách sử ký, địa dư, lịch sử, văn chương nhưng không có những cuộc tranh luận về phương pháp viết sách học thuật, không có một môn học chuyên biệt về những phương pháp tìm chân lý, phát triển tư duy khoa học. Nói cách khác, chúng ta không có một “lý luận học được quan niệm là một môn riêng biệt, được vun bón cẩn thận, chăm chút kỹ lưỡng” [33; tr.663]. Cuộc giao lưu văn hóa với phương Tây từ cuối thế kỷ XIX, mở cửa với thế giới bên ngoài sau một thời gian dài bế quan tỏa cảng đã tạo cơ hội cho trí thức dân tộc tiếp xúc với những thành tựu của văn minh nhân loại. Qua phong trào Tân thư, qua việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, những thành tựu này tác động mạnh mẽ vào Việt Nam, được nhiều trí thức dân tộc đón nhận một cách hào hứng. Những cuộc tranh luận mang tính học thuật, những cuốn sách khảo cứu về triết học, sử học, văn hóa, kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Cuốn sách đầu tiên có liên quan đến lý luận văn hóa mang dấu ấn của sự tiếp thu lý luận của thế giới là Văn minh tân học sách. Tác phẩm này được các sĩ phu yêu nước sáng lập Đông Kinh nghĩa thục biên soạn năm 1904, là cương lĩnh văn hóa, ngọn cờ tư tưởng cho phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Các tác giả của cuốn sách đã trình bày những nét khái quát về khái niệm văn minh, phân biệt sự khác nhau giữa văn minh Việt Nam (văn minh tĩnh) với văn minh phương Tây (văn minh động), chỉ ra nguyên nhân tụt hậu và cách thức để đưa đất nước phát triển theo con đường văn minh. Rõ ràng, những nội dung này dựa trên sự kế thừa tác phẩm “Văn minh luận chi
khái lược” của Phúc Trạch Dụ Cát, một học giả Nhật Bản, người đã có công trong việc
dịch chuyển văn hóa phương Tây vào Nhật Bản. Trong buổi đầu, như mọi sự tiếp xúc một cái gì mới lạ sự tiếp thu còn mang tính “bắt chước”, dịch những sách của nước ngoài về lý luận văn hóa. Văn minh luận do Phạm Quỳnh biên dịch là một ví dụ, tác giả đã giải nghĩa khái niệm văn minh bằng cách đưa ra các quan niệm của các học giả phương Tây bàn về văn minh như Littre, Guizot, Gibbon… với bốn đặc điểm: có tiến bộ về khoa học; về dân chủ, về kinh tế và về quan hệ quốc tế, từ đó, tác giả đi đến chứng minh nước Pháp có đầy đủ các yếu tố đó, là một nước văn minh. Trong cuộc tranh luận về Quốc học mà Lê Dư là người khởi xướng, ông đã đưa ra định nghĩa Quốc học theo tinh thần của người Nhật Bản, nghiên cứu nền Quốc học của Nhật Bản để từ đó chứng minh nước ta cũng có một nền Quốc học cũng không kém gì Nhật Bản cả. Quan niệm của Lê Dư đã gây ra cuộc tranh luận thu hút nhiều học giả đương thời tham gia, sự không thống nhất giữa các ý kiến này khởi nguồn từ định nghĩa của Lê Dư và chính sau này ông đã phải đưa ra một định nghĩa mới phù hợp với Việt Nam hơn. Để viết được
Việt Nam văn hóa sử cương, trước hết Đào Duy Anh đã dựa vào khái niệm văn hóa của
các học giả Pháp và Trung Quốc lúc đó là F. Sartiaux và Dương Đông, cả hai người này khi đưa ra khái niệm văn hóa đều chú trọng những yếu tố xã hội và tinh thần hơn là yếu tố kinh tế. Đào Duy Anh cho những quan niệm đó là phù hợp với yêu cầu của cuốn sách, ông đã tiếp thu cách tiếp cận đó để đi vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông còn tham khảo cách sắp xếp của F. Sartiaux chia cuốn Việt Nam văn hóa sử cương ra làm ba phần lớn: sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt xã hội và chính trị, sinh hoạt về kinh tế và đặt thêm một phần tự luận nêu lên điều kiện địa lý của Việt Nam. Dần dần, sự tiếp thu của các học giả Việt Nam đi vào chiều sâu hơn, thoát khỏi “sự bắt chước vụng về”, có sự chọn lọc trong việc tiếp nhận, thẩm thấu được những tư tưởng mới đó để tự mình có những kiến giải riêng. Điều đó thể hiện ở những nghiên cứu về văn hóa dân tộc chiếm một phần lớn, quan trọng trong những nhận thức lý luận về văn hóa mà giai đoạn này có được. Từ sự tiếp thu lý luận văn hóa của thế giới, các học giả tập trung vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc như bản sắc văn hóa, dân tộc Việt Nam có bản sắc hay không, con đường để xây dựng văn hóa dân tộc…
được đem ra tranh luận hết sức quyết liệt. Những nhận thức lý luận về văn hóa dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều, với các cách tiếp cận đa dạng từ các cuộc tranh luận. Thực tiễn sự vận động của văn hóa Việt Nam trong cuộc giao lưu tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã được phản ánh rất rõ thông qua các quan niệm về bản sắc dân tộc. Ngay như Đề cương văn hóa Việt Nam, một tác phẩm chịu ảnh hưởng của lý luận văn hóa của Liên Xô lúc đó, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của “Bài nói chuyện tại Hội nghị văn nghệ
Diên An” của Trung Quốc năm 1942 nhưng đã thể hiện sức sống mới, sự sáng tạo khi
giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn hóa Việt Nam, để cuối cùng đóng góp vị trí quan trọng trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng văn hóa của dân tộc.
Thứ hai, về phương diện mục tiêu nghiên cứu: nghiên cứu lý luận về văn hóa trong giai đoạn này để giải quyết những vấn đề của văn hóa dân tộc, không hướng tới xây dựng lý thuyết văn hóa
Khảo cứu các tác phẩm của các học giả Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX có bàn đến lý luận về văn hóa cho thấy những quan niệm về văn hóa mang tính lý luận tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu văn hóa dân tộc, tìm ra con đường, cách thức để giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếp thu tinh hoa của nhân loại để cho văn hóa dân tộc mạnh cũng chỉ được đề cập rải rác chứ không tập trung thành một công trình nghiên cứu có hệ thống. Điều kiện của một lý thuyết khoa học nói chung, một lý thuyết văn hóa nói riêng là phải đưa ra được một hệ thống những khái niệm, phạm trù, quy luật. Thử đối sánh điều kiện này với những nghiên cứu về văn hóa trong giai đoạn này: Phạm Quỳnh có đưa ra một định nghĩa coi văn hóa như đời sống tinh thần, Ngô Đức Kế coi văn hóa đồng nhất với ngôn ngữ, văn tự nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, các ông không có những kiến giải về định nghĩa mà mình đưa ra, chưa nói đến việc xây dựng một hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật. Mặt khác, cách định nghĩa của các học giả này như là những phát biểu mang tính chất cảm nhận, xét về mặt lôgic các khái niệm đưa ra chưa thể coi là một thuật ngữ khoa học bởi không thể xác định chính xác nội hàm và ngoại diên của các khái niệm đó. Điểm nổi bật trong các quan niệm về văn hóa ở đây vẫn là những gì liên quan đến văn hóa dân tộc, giải quyết những vấn đề đang đặt ra với văn hóa dân tộc. Đào Duy Anh đã đi những bước xa hơn trên con đường nghiên cứu lý luận
văn hóa so với các nhà nghiên cứu khác với hai cuốn sách Việt nam văn hóa sử cương
và Văn hóa là gì, song hầu hết các nội dung của lý luận văn hóa được ông đề cập đến
vẫn chỉ là sự kế thừa, là những cái mà ông “thừa nhận” từ những thành tựu lý luận văn hóa của thế giới lúc đó. Hai công trình cũng chỉ được ra đời trong những tình huống cụ thể, trước những đòi hỏi của thực tiễn. Việt Nam văn hóa sử cương được viết năm 1938 với tư cách là cuốn sách tham khảo để giảng dạy môn văn hóa Việt Nam ở chương trình giáo dục của cấp Cao đẳng tiểu học, ngay lời tựa tác giả đã nói rằng “sách này chỉ là một mớ tài liệu tham khảo” và sau này khi nhắc lại, Đào Duy Anh coi đó chỉ là “những điều cũ lặt ở các sách đã đọc được mà chưa hề có nhãn quan mới để nhìn và lựa chọn” [1, tr.79]. Cuốn “Văn hóa là gì” là tập hợp các bài viết của Đào Duy Anh nhằm mục đích đưa ra một cách hiểu thống nhất về văn hóa khi mà trong ủy ban Văn hóa cứu quốc lúc đó đang tồn tại nhiều quan niệm rất khác nhau về khái niệm này. Như vậy, ngay cả Đào Duy Anh, một học giả có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu văn hóa thì những quan niệm của ông đưa ra, mặc dù rất phong phú và toàn diện cũng chưa thể tạo nên một lý thuyết văn hóa mới. Do đó, các kết quả nghiên cứu về văn hóa của các học giả mới chỉ dừng lại ở những nhận thức lý luận về văn hóa mà thôi. Đề cương văn hóa Việt Nam, ra đời năm 1943, trong điều kiện đất nước, văn hóa dân tộc còn chìm trong vòng nô lệ nhằm mục đích tập hợp giới trí thức lập nên mặt trận văn hóa của những người yêu nước chống Pháp, Nhật. Đây là công trình nêu lên những tư tưởng lý luận văn hóa đầu tiên ở nước ta theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trước đòi hỏi của thực tiễn phải chỉ ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể cho văn hóa dân tộc. Đề cương mang tính chất của một cương lĩnh văn hóa có giá trị chỉ đạo thực tiễn trong một không gian, thời gian nhất định.
Thứ ba, về lực lượng nghiên cứu lý luận văn hóa: quá trình nhận thức lý luận về văn hóa là hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến khoa học. Điều đầu tiên có thể thấy ở lực lượng này là họ không phải là những người nghiên cứu lý luận văn hóa chuyên nghiệp cho nên thành phần khá đa dạng. Có người là những sĩ phu được đào tạo theo chương trình Nho học như Ngô Đức Kế, có người là sản phẩm trong buổi giao thời của Hán học và Tây học như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng
Kim, Phạm Quỳnh… có người được đào tạo hoàn toàn Tây học như nhóm Tự Lực Văn Đoàn, có người là nhà văn, nhà báo, có người là nhà hoạt động chính trị … Về tư tưởng, quan điểm chính trị của họ cũng rất khác nhau: người thì bảo thủ, người cấp tiến; người cách mạng, người chủ trương cải lương… Nhưng cho dù không thuần nhất và có cả sự khác biệt thì giữa họ vẫn có điểm chung là sự thiết tha với văn hóa dân tộc. Họ đều xúc động, băn khoăn, trăn trở trước hiện trạng văn hóa dân tộc đang bị rung động trong cuộc giao lưu với văn hóa phương Tây, đang nằm trong vòng nô lệ của nước ngoài. Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc, họ đều có chung một niềm khát vọng cháy bỏng muốn gây dựng được một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam - một nền văn hóa có bản sắc, có khả năng thâu thái tinh hoa của các dân tộc khác và nhất là phải độc lập trong quá trình tiếp xúc với thế giới. Đó là khởi nguồn cho các cuộc tranh luận mang tính học thuật xuất hiện càng nhiều và thu hút đông đảo các học giả lúc bấy giờ tham gia, điều mà trước đó chưa hề có. Trong các cuộc tranh luận, những người tham gia đã đặt ra vấn đề khái niệm, giới thuyết về khái niệm như thế nào, sau đó mới đi vào những nội dung cụ thể. Các cuộc tranh luận đó đều thể hiện tinh thần đối thoại, dân chủ mà không hề có sự áp đặt, độc thoại của một xu hướng nào cả. Chân lý khoa học dần dần trở thành trọng tài cho các cuộc tranh luận. Không vì tình cảm yêu mến văn hóa dân tộc mà các tác giả không thẳng thắn vạch ra những mặt còn bất cập của dân tộc Điều đó đã cắt nghĩa tại sao trong điều kiện khó khăn về thông tin khoa học, chịu sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân và quan trọng là trước đó chưa có nhiều vốn liếng về lý luận, các học giả trong giai đoạn này đã để lại nhiều quan niệm về văn hóa có ý nghĩa với việc xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc và đặt nền móng cho công tác nghiên cứu lý luận văn hóa ở nước ta.