II. VỀ ĐỊA DANH
1. Nhóm địa danh tự nhiên
Rất dễ nhận thấy nhóm địa danh tự nhiên chiếm tỉ lệ khá nhiều trong hệ thống các địa danh mà Nguyễn Du chú ý đến. Nhưng chúng được nhắc đến chủ yếu chỉ để thực hiện chức năng định danh các vùng đất in dấu chân và tư tưởng Nguyễn Du như:
- “Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long” (Thăng Long) (Núi Tản sông Lô hàng năm vẫn thế
Đầu bạc còn được thấy cảnh Thăng Long)
- “Đại tiểu Hoa Sơn sổ lý phân” (Hoàng Sào binh mã) - “Vũ trệ Tần Giang hiểu phát trì
Nhất giang tân lạo bình Tam Sở
Đại bán phù vân trú Cửu Nghi” (Thương Ngô mộ vũ) (Vì mưa phải dừng lại ở Tần Giang, sáng khởi hành muộn, Gần chiều, trên thành Thương Ngô vẫn còn mưa lâm dâm. Lụt mới đổ về, nước sông tràn cả đất Tam Sở,
Già nửa mây quanh quất ở núi Cửu Nghi)
trong đó địa danh núi Hồng Lĩnh được Nguyễn Du hay nhắc đến với hàm lượng trăn trở nhiều nhất:
- “Đoàn thành vân thạch tịch tương hậu
Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm dao” (Lạng thành đạo trung) (Mây đá Đoàn Thành chiều hôm như đợi nhau
Bầu bạn non Hồng càng ngày càng xa) - “Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng
Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong” (Nhiếp Khẩu đạo trung) (Hơn năm nay ý muốn trở về Hồng Lĩnh đó thành huyền ảo Đầu bạc còn phải đi giữa gió thu ngoài nghìn dặm)
- “Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp
Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên” (Hàm Đan tức sự) (Núi Hồng trong mộng vắng những cuộc đi săn
Ta bạc đầu mà dấu chân còn in khắp núi sông) - “Lai đáo Tiềm Sơn lộ
Uyển như Hồng Lĩnh cư” (Tiềm Sơn đạo trung) (Ngay trên đường đi Tiềm Sơn
Mà tưởng như ở Hồng Lĩnh)
Địa danh núi Hồng như một nỗi niềm đau đáu của người tự nhận mình là “Hồng Sơn hiệp lộ” (Phường săn núi Hồng). Đường đi sứ ngàn dặm gặp bao danh thắng mà ông chánh sứ vẫn khôn nguôi nỗi nhớ da diết về Hồng Lĩnh. Ông nhắc tới Hồng Lĩnh như nhắc tới một bến đậu bình an, ấm cúng cho con thuyền đang mỏi mệt, rã rời sau những ngày rong ruổi cùng sóng gió cuộc đời:
“Hồng Sơn nhất sắc lâm binh cừ
(Núi Hồng một màu soi bóng xuống làn nước phẳng Nơi thanh tú tĩnh mịch này, kẻ hàn sỹ có thể ở được)
Càng xa cố hương, cố quốc, Hồng Lĩnh càng hiện lên như một nỗi tủi thân của một tâm hồn giàu lòng trắc ẩn vu vơ thế sự. Khi gối đã chồn, chân đã mỏi, đầu đã bạc trắng những nỗi niềm thế sự, Nguyễn Du càng hướng về Hồng Lĩnh như lật mở lại những trang ký ức xa xôi, mời gọi , như đáp lời những giấc mộng xa xôi.
Nhìn chung, những địa danh tự nhiên có sức mời gọi Nguyễn Du không nhiều. Và nếu có nhắc đến, hàm lượng ý nghĩa của chúng cũng không hứa hẹn nhiều những tầng sâu của sự khơi mở, kiếm tìm đối với Nguyễn Du và đối với tất cả người tiếp nhận.
2. Nhóm địa danh văn hóa - lịch sử
Như trên chúng ta nhận thấy Nguyễn Du nhắc khá nhiều đến các danh nhân văn hóa- lịch sử, và hầu hết những cái tên ấy được gọi về nhờ những vùng đất, di tích đã đập mạnh vào tâm não vị “lão sứ thần” Nguyễn Du. Sự kết hợp giữa danh nhân và một địa chỉ nào đó tạo ra một thứ nhân – địa danh văn hóa - lịch sử với nhiều tầng vỉa ý nghĩa sâu sắc. Để “Tri kiến đến điều” tập “Bắc hành tạp lục” lẫn tâm hồn Nguyễn Du, chúng ta không ngại ngần đào bới, khai mở những tầng vỉa ý nghiã lắng đọng sâu dưới cái vỏ dày và đầy tính võ đoán của các con chữ.
Nhóm địa danh văn hóa - lịch sử được kiến tạo từ những cái tên người “có tiếng” kết hợp với địa điểm gắn bó với danh nhân đó. Kiểu địa danh này xuất hiện khá nhiều trong “Bắc hành tạp lục” như: “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ”, “Dương Phi cố lý”, “Lạn Tương Như cố lý”, “ kinh Kha cố lý”, “ Nhị sơ cố lý”, “Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch”, “Triệu Vũ Đế cố cảnh”,…
Trên đường đi sứ Nguyễn Du cùng sứ bộ có lẽ không lên Thiểm Tây - quê cũ của Dương Quý Phi, nhưng địa danh “Dương Phi cố lý” vẫn vang lên trong hành trình tâm trạng của Nguyễn Du với âm hưởng tha thiết, được đẩy lên thành triết lý, quan niệm sâu sắc về thân phận người phụ nữ “hồng nhan đa truân”. Giới thiệu vẻ đẹp êm đềm, mềm mượt của mảnh đất :
“Sơn vân tước lược ngạn minh hoa
Kiến thuyết Dương Phi thử địa sinh” (Dương Phi cố lý) (Mây núi thưa thớt, hoa trên bờ sông rực rỡ
chỉ là bước đệm để Nguyễn Du chiêm nghiệm về triết lý đầy nghịch lý chua xót của cuộc đời người phụ nữ trong suốt phần còn lại của bài thơ. Và những danh địa Nam Nội (nơi Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông ở), Tây Giao (nơi Dương Quý Phi bị thắt cổ) cũng được nhắc lại như một đối trọng với vẻ êm đềm, trong sáng trên:
“Tiêu tiêu Nam Nội bồng cao biến
Mịch mịch Tây Giao khâu lũng bình” (Dương Phi cố lý) (Cung Nam Nội buồn teo, cỏ dại mọc khắp
Đồng Tây Giao vắng ngắt, gò đống san bằng)
Những danh địa Tây Giao, Nam Nội tự nó cũng có sức tái tạo lại những sự kiện, biến đổi mà chúng vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân trước bão dông lịch sử. Chỉ với hai cái tên mà đồng hiện được bao nhiêu niềm hân hoan hạnh phúc của những ngày Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông sủng ái lẫn kết cục bi thảm của đời người phụ nữ sắc tài, đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái hình hài của vỏ ngôn ngữ với cái lõi triết luận nhân sinh sâu sắc như đã nói về mảng nhân vật người phụ nữ trên. Gặp “nhà cũ của Liễu Tử Hậu ở Vĩnh Châu” Nguyễn Du chỉ phác qua về vị trí địa lý của danh địa này:
“Hành Lĩnh phù vân, Tiêu thủy ba Liễu Châu cố trạch thử phi gia?”
(Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch) (Mây Hành Sơn, sóng sông Tiêu
Nhà cũ của ông Liễu Châu có phải ở chốn này chăng?)
Cũng như hầu hết các danh địa khác, vị trí địa lý và ngoại cảnh không phải là đối tượng để ông chánh sứ Nguyễn Du chiêm ngưỡng, hướng vọng. Mà từ đó ông đi vào khám phá những hàm nghĩa, những lớp trầm tích lắng đọng dưới bề sâu của danh địa ấy. Thế nên, khi đến nhà cũ của Liễu Tử Hậu ở Vĩnh Châu, Nguyễn Du toàn nói những điều tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với tiêu đề mà ông đã chọn:
“Tráng niên ngã diệc vi tài giả Bạch phát thu phong không tự ta”
(Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch) (Thời trẻ ta cũng là kẻ có tài năng,
Ở đây Nguyễn Du vừa là nhà thơ cổ điển, vừa là nhà thơ lãng mạn nếu theo cách nhận xét của Đỗ Lai Thúy: “Nhà thơ cổ điển nhìn thiên nhiên như nhìn vào một tấm gương phản chiếu để tự nhận thức mình với tư cách là một bộ phận của nó, một tiểu vũ trụ. Nhà thơ lãng mạn thì sử dụng thiên nhiên như một (…) công cụ để giãi bày nội tâm” [9, 216]. Khi “tình”gặp “cảnh”, Nguyễn Du phóng chiếu hồn mình lên “cảnh” để chiêm nghiệm, nhìn nhận lại mình và nhìn về cuộc đời. Điều này càng rõ hơn trong cách viết của Nguyễn Du về “Triệu Vũ Đế cố cảnh”, “Lạn Tương Như cố lý”, “Nhị Sơ cố lý”, “Kinh Kha cố lý”. Ở đó những thông tin về vị trí địa lý và phong cảnh đều bị tẩy trắng, cái còn lại chỉ là những triết luận thâm trầm, là bản chất thật nhất của con người Nguyễn Du:
“Tàm quý lực ách hổ,
Bình sinh vô khả thư” (Lạn Tương Như cố lý)
(Thẹn cho ai có sức bắt hổ
Mà trọn đời không có gì đáng ghi) “Mạc hữu chủy thủ cánh vô tế
Yết can trảm mộc vi tiên thanh” (Kinh Kha cố lý)
(Chớ nói dao găm không làm nên chuyện gì, Nó mở đầu cho việc dựng cờ khởi nghĩa sau này) “Phù thế thao thao tử tuẫn danh
Hồi đầu thùy khẳng niệm ngô sinh” (Nhị Sơ cố lý)
(Trên đời biết bao người đua nhau chết theo danh Có chịu ngoảnh lại nghĩ đến sinh mạng của mình)
Từ những địa danh tưởng như sẽ cũ đi cùng với thời gian, Nguyễn Du đã khơi ra một dòng chảy mới của tư tưởng thời đại, có ý nghĩa triết luận cho mọi giai đoạn của lịch sử trước và sau đó.
Điểm nổi bật nhất và đáng nói nhất trong hệ thống địa danh của “Bắc hành tạp lục” là hiện tượng những ngôi mộ cứ trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh. Và sâu dưới ba thước đất ấy là những cảm quan, triết luận thâm thúy của Nguyễn Du về cuộc đời con người, về thế sự. Nguyễn Du có cảm hứng đặc biệt trước những ngôi mộ, nên có nhà nghiên cứu gọi Nguyễn Du là “thi sỹ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa” [ 1, 128]. “Mộ” là đối tượng phản ánh phổ biến trong “Bắc hành tạp lục” nhưng tư tưởng thẩm mỹ của nó lại không chỉ dừng lại ở
những nấm mồ. Quan sát thật kỹ những bài thơ có tiêu đề “mộ” chúng ta sẽ nhận thấy Nguyễn Du chủ yếu đặt nấm mộ đè nặng lên những nhân vật được coi là “chính diện” như: “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ”, “Âu Dương Văn Trung công mộ”, “Tỉ Can mộ”, “Nhạc Vũ Mục mộ”, “Liễu Hạ Huệ mộ”, “Á Phụ mộ”, “Chu Lang mộ”,…
Mộ là biểu tượng mạnh mẽ nhất, cổ điển nhất của cái chết. Trên thế giới không có cái gì là của riêng ai, trong đó cái chung nhất là cái chết, như Trang Tử nói: “Chết, sống là mệnh”. Đứng trước mỗi ngôi mộ với mỗi số phận của chủ nhân nó, Nguyễn Du có những xúc cảm, suy tư riêng với những nhu cầu chia sẻ, triết luận, chiêm nghiệm khác nhau, làm nên tập hợp đầy đủ nhất có thể có về thế giới tâm tư sâu kín của ông.
Nguyễn Du tìm đến mộ Đỗ Phủ vừa là để ca tụng và thể hiện sự khâm phục trước tài năng của bậc “Thi thánh” vừa là để ông giãi bày lòng mình như trước một người bạn tri âm tri kỷ, để được thấy lại lòng mình, dự cảm về bản thân, về cuộc đời, về thân phận của người có tài văn chương. Ông chánh sứ đa cảm cũng tìm viếng mộ Âu Dương Tu để thể hiện lòng cảm thông và kính trọng lẫn nỗi xót xa:
“Bình sinh trực đạo vô di hám,
Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương Thu thảo nhất khâu tàng thử lạc
Danh gia bát đại thiện văn chương”
(Âu Dương Văn Trung công mộ) (Bình sinh ông theo đường ngay, lòng không ân hận
Nghìn năm dưới suối vàng, vẫn còn tiếng thơm. Một nấm cỏ thu trở thành hang chuột cáo
(Là nơi yên nghỉ) của một trong tám nhà văn nổi tiếng)
Ông viếng Tỉ Can bằng những giọt nước mắt đau xót chân thành:
“Mục trung sở xúc năng vô lệ” (Tỉ Can mộ) (Không thể không rơi lệ vỡ những điều trông thấy)
Viếng mộ Lưu Linh, ông nhận ra nỗi trăn trở của người thức sự không thể đánh đổi lấy một cuộc say:
“Thiên niên cổ mộ trường kinh cức, Vạn lý quan đạo đa phong ai. Hà tự thanh tinh khan thế sự
Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai” (Lưu Linh mộ) (Ngôi mộ nghìn năm mọc đầy gai góc,
Đường quan muôn dặm, gió bụi nhiều. Sao bằng cứ tỉnh để xem việc đời
Như những cánh bèo trôi dạt rất đáng thương)
Đi qua mộ Phạm Tăng , Nguyễn Du thể hiện một nhân sinh quan rất đặc biệt, không phải là để chê trách thái độ thiếu sáng suốt, chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở mà là sự sẻ chia, cảm thông rất sâu:
“Đa thiểu nhất tâm trung Sở tại
Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu” (Á Phụ mộ)
(Bao nhiêu kẻ hết lòng trung với người mình thờ Chỉ tổ bị thiên hạ cười là ngu)
Thậm chí, qua số phận của Phạm Tăng, Nguyễn Du tìm được sự đồng cảm của người “tri thiên mệnh”, ông coi người đó khuất như còn đang sống để an ủi trái tim lớn lao cô độc bằng sự thấu hiểu những nghịch lý chua chát.
Khi viếng mộ Hạng Vũ, Nguyễn Du đánh giá lại sự nghiệp của ông ta với tâm thức của người “duyệt thế phương tri”:
“Cập thức bại vong phi chiến tội
Không lao trí lực dữ thiên tranh” (Sở Bá Vương mộ) (Đến khi biết bại vong không phải vì đánh trận kém, Thế mới thấy đem trí lực chống lại trời là uổng công)
Trong cảm quan của Nguyễn Du, mộ không chỉ là ký hiệu buồn của cái chết mà còn là một thế giới khác, thế giới bên kia của cõi sống. Ở đó, ông phát hiện ra một thế giới thuần nhất, không có sự ngăn cách với thế giới của người đời, nó là chiếc cầu nối giữa hữu thức và vô thức của tâm hồn con người. Ở đó là sự lưỡng phân và lưỡng hợp giữa sống và chết, mỗi ngôi mộ có quyền lực nội tại làm trung gian giữa quá khứ và hiện tại, khiến những ngày đã qua và những ngày đang tới hợp thành muôn mặt của một thế giới hiện thực. Dựng dậy những bi kịch tưởng chừng đã xanh cỏ, Nguyễn Du tạo ra một sự tồn tại ngoài tồn tại, một không gian ảo sống động của sự sống tinh thần với đủ
các diễn biến, thang bậc, độ căng của tâm hồn người và của lịch sử. “Trong trục thời gian lịch sử, các nhân vật danh tiếng và tai tiếng trong những nấm mồ hoang lạnh, vốn đã an bài theo cách nhìn của lịch sử đơn thuần, từ hàng ngàn năm trước trải dọc suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc được Nguyễn Du gọi về hiện tại để miêu tả phẩm bình, đánh giá và bày tỏ cảm xúc, thái độ của mình bằng tiêu chí nhân văn, văn hóa (…). Mộ là bến cuối khép lại vĩnh viễn sự sinh tồn của mỗi con người thì Nguyễn Du đến với các ngôi mộ đóng kín kia để mở ra những tầm mới mẻ, sâu sắc về hiện thực, lịch sử, văn hóa” [ 13, 167-168].
Đứng giữa bãi nghĩa địa với biết bao nấm mồ của nhiều thân phận, Nguyễn Du như lạc sâu trong miền bất khả tri của nỗi lòng khi đối với ông “cái chết không chỉ là giới hạn của tồn tại mà còn là một đối tượng của biện giải”:
“Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ”
(Xưa nay hiền ngu rốt cục chỉ là nấm đất)
Theo như những gì Nguyễn Du đã thông báo trên văn bản thơ, chúng ta nhận thấy mỗi ngôi mộ cũng số phận của chủ nhân nó là mỗi triết lý, tâm sự sâu kín mà ông không tiện nói ra, muốn đào sâu chôn chặt trong cõi lòng.
Bên mộ Đỗ Phủ, Nguyễn Du gọi về bi kịch cay đắng của người có tài văn chương. Viếng mộ Tỉ Can, Chu Du, Phạm Tăng, Hạng Vũ, Nguyễn Du rút ra bi kịch chính trường đâu đáu. Ông nhận ra sức sống dai dẳng và có tính quy luật, phổ biến của những câu chuyện đó từ ngàn năm cũ nhưng chưa hề cũ. Qua đó thâm cung bí hiểm của nội tâm Nguyễn Du cũng được thăm dò ở nhiều tầng bậc. Ta thấy đứng trước các nấm mồ, Nguyễn Du như kẻ bị mắc kẹt lại giữa cuộc đời đầy những bon chen, chộn rộn này, bi kịch như dồn tụ, chất đống trong lòng người ở lại.
Gặp lại số phận cùng những thăng trầm của mỗi nhân danh đã trở thành “muôn năm cũ”, Nguyễn Du làm cho những khúc đoạn lịch sử chứa con người ấy hiển hiện như một cuốn phim quay chậm, tái hiện lại từng khía cạnh nhỏ nhất, từng khuất khúc trong thâm cung của nội tâm đầy uẩn ức của cả người đã khuất và người đang sống. Trong tâm thức của Nguyễn Du “cõi trăm năm chỉ là giấc mơ mở mắt”(Trần thế bách niên khai nhãn mộng), đời người thật là ngắn ngủi mà lại dặc dài ẩn ức, nhưng dường như chưa một ngày nào của dặm dài năm tháng ấy trôi đi. Thời gian buổi chiều của quá khứ như
một nỗi ám ảnh, như muốn độc chiếm và bao trùm lên những nấm mộ, lên tâm hồn người đang trơ lại trên cõi đời:
“Trường tùng chi thảo sinh hà xứ Tiều mục ca ngâm quá tịch dương”
(Âu Dương Văn Trung công mộ) (Thông tốt cỏ chi mọc ở đâu?
(Chỉ nghe tiếng) hỏt của tiều phu mục tử lúc chiều hôm) “Trường vọng Lâm An cựu lăng miếu
Thê Hà sơn tại mộ yên trung” (Nhạc Vũ Mục mộ)
(Buồn trông về lăng miếu cũ ở Lâm An (Thấy) núi Thê Hà chìm trong khói chiều)
Dù trong nhiều bài Nguyễn Du không nói rõ thời gian, bối cảnh nhưng vẻ ảm đạm, u ám của buổi chiều tà vẫn cứ gợn lên trong từng câu chữ. Hơn nữa, đó lại là buổi