Như đã phân tích ở phần thực trạng, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ, hoạt động mua bán chứng khoán có những thời điểm mang về khoản lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng nhưng cũng có thời điểm làm cho tổng lợi nhuận ngân hàng sụt giảm mạnh. Để tham gia hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoại tệ và mua bán chứng khoán, các ngân hàng cần phải có một đội ngũ nhân viên am hiểu về từng lĩnh vực, nhạy bén và
nắm bắt nhanh chóng các cơ hội kinh doanh, ngoài ra các ngân hàng nên nghiên cứu sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro trong các hoạt động của mình.
6.2.3.2. Giảm rủi ro tín dụng
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, rủi ro tín dụng có tác động mạnh thứ hai đến khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN. Rủi ro tín dụng càng tăng thì khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN càng giảm và ngược lại; vì vậy để nâng cao khả năng sinh lợi của mình, các ngân hàng cần có các biện pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro tín dụng của mình.
Các ngân hàng cần cơ cấu lại danh mục cho vay bằng cách tính toán, chỉ ra được với tỷ suất sinh lời chấp nhận được thì tỷ trọng đầu tư tối ưu vào mỗi ngành, mỗi vùng là bao nhiêu để rủi ro thấp nhất. Ngoài ra, việc định giá các khoản vay phải được thực hiện một cách khoa học dựa trên chi phí vốn, mức độ rủi ro của khoản vay và mức lợi nhuận hợp lý của ngân hàng, không nên áp dụng một mức lãi suất chung cho tất cả mọi khách hàng. Để làm được điều này, trước hết, các ngân hàng cần xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng giúp xác định chính xác rủi ro của khoản vay, từ đó có thể đưa ra mức lãi suất và các điều kiện hợp đồng riêng phù hợp với đặc thù từng khoản vay. Ngoài những quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, các NHTMCPVN cần xây dựng một quy trình cho vay, quy trình quản trị rủi ro tín dụng, quy trình xử lý rủi ro tín dụng của riêng bản thân ngân hàng để hoạt động tín dụng của ngân hàng từ khâu tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định tín dụng, đến khâu quyết định cấp tín dụng, giám sát tín dụng, phát hiện và xử lý rủi ro tín dụng, được diễn ra một cách chuyên nghiệp, khoa học, có hệ thống, theo một quy trình chuẩn để giảm đến mức thấp nhất rủi ro tín dụng có thể xảy ra; cần thiết phải có sự độc lập giữa các chức năng mà một cán bộ tín dụng ngân hàng hiện nay thường thực hiện đó là: chức năng bán hàng, chức năng tác nghiệp và chức năng quản trị rủi ro.
Thêm vào đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở mức rủi ro của từng khoản vay chứ không chỉ trên cơ sở nợ quá hạn. Vì trên thực tế có các khoản vay mặc dù chưa đến hạn nhưng đã tiềm ẩn khả năng mất vốn rất cao, cần được dự phòng song lại không được trích lập.
6.2.3.3. Tăng quy mô vốn chủ sở hữu
Theo kết quả nghiên cứu, quy mô vốn có tác động mạnh thứ ba đến khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN. Quy mô vốn chủ sở hữu của một ngân hàng càng tăng thì khả năng sinh lợi của ngân hàng đó càng tăng. Có rất nhiều cách để ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu của mình như: phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần cho các đối tác chiến lược là các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài, các tổng công ty trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, sử dụng thặng dư vốn cổ phần của năm trước để tăng vốn cho năm nay, trích lập các quỹ từ nguồn lợi nhuận năm trước. Tùy theo thế mạnh và tình hình cụ thể trong từng thời kỳ, ngân hàng sẽ có những lựa chọn các phương thức tăng vốn khác nhau sao cho đảm bảo nguồn vốn bền vững, đảm bảo lợi ích của các cổ đông trong ngân hàng.
6.2.3.4. Thu hút tiền gửi từ khách hàng
Theo kết quả nghiên cứu, quy mô tiền gửi của ngân hàng càng tăng thì khả năng sinh lợi của ngân hàng càng tăng. Vì thế ngân hàng cần có những biện pháp thu hút tiền gửi của khách hàng đặc biệt là nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư tạo một nguồn vốn rẻ và dồi dào để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng không
nên chờ đợi khách hàng đến với mình mà phải chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng bằng cách xây dựng một đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, nắm bắt được các nhu cầu của khách hàng giúp ban lãnh đạo ngân hàng có thể thiết kế những sản phẩm thiết thực, phù hợp với từng phân đoạn thị trường, với từng nhóm khách hàng khác nhau. Trong điều kiện lãi suất bị khống chế ở mức trần như hiện nay, các ngân hàng muốn huy động được tiền gửi từ khách hàng cần tích hợp thêm nhiều tiện ích cho sản phẩm tiết kiệm của mình như gửi tiền tiết kiệm qua internet, nộp tiền qua hệ thống máy ATM, khả năng liên kết, chuyển dịch tiền gửi giữa các loại tài khoản khác nhau của cùng một khách hàng, kết hợp sản phẩm tiền gửi tiết kiệm và sản phẩm bảo hiểm; ngoài ra các ngân hàng cũng nên điều chỉnh giờ giấc làm việc, tăng thêm giờ làm ngoài giờ hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, công tác marketing, tuyên truyền qua thông tin đại chúng, qua các hoạt động xã hội cũng làm cho của hình ảnh ngân hàng có vị trí tốt đẹp hơn trong lòng khách hàng, tạo thêm niềm tin cho khách hàng an tâm gửi tiền ở ngân hàng.
6.2.3.5. Vấn đề mở rộng quy mô ngân hàng
Theo kết quả nghiên cứu, quy mô ngân hàng có ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN, quy mô ngân hàng càng tăng thì khả năng sinh lợi của ngân hàng càng tăng, tuy nhiên tác động của yếu tố này không mạnh. Một ngân hàng khi mở rộng quy mô cần chú ý đến việc phát triển nguồn nhân lực có số lượng và trình độ tương xứng với quy mô ngân hàng, tránh tình trạng càng mở rộng quy mô, rủi ro càng nhiều và vượt khỏi tầm kiểm soát của ban lãnh đạo ngân hàng. Ngoài ra các ngân hàng cần thường xuyên theo dõi, cơ cấu lại danh mục tài sản theo hướng tối ưu đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả.
6.3. Hạn chế của đề tài và đề xuất hướng nghiên cứu mới:
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nghiên cứu còn có những hạn chế sau: Khoảng thời gian nghiên cứu sáu năm từ năm 2005 đến 2010 chưa đủ dài. Vì trong khoảng thời gian này có nhiều ngân hàng mới được thành lập, có ngân hàng chuyển đổi hình thức sở hữu, có ngân hàng chuyển đổi mô hình từ ngân hàng thành thị lên ngân hàng nông thôn nên số liệu thu thập được của một số ngân hàng chỉ có được trong hai năm.
Nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN như quyền sở hữu ngân hàng, tuổi của ngân hàng, rủi ro thanh khoản, chính sách lãi suất, năng suất lao động, tình trạng công nghệ thông tin, tốc độ cung tiền, sự phát triển của thị trường chứng khoán, tỷ lệ vốn hóa thị trường, sự tự do hóa thị trường ngoại hối, mức độ độc quyền của ngành ngân hàng, … chưa được nghiên cứu trong mô hình.
Những hạn chế của đề tài đã mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo là nghiên cứu khả năng sinh lợi của các ngân hàng trong thời gian dài hơn, bổ sung các yếu tố còn thiếu như đã trình bày ở trên mà nghiên cứu này chưa thực hiện được.