5.1. Kết quả nghiên cứu
Kết quả hồi quy về mối quan hệ giữa khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và các biến giải thích được trình bày ở bảng 4.4 (xem phụ lục), với mô hình (1) là mô hình Fixed effects (FE) không bao gồm các nhân tố bên ngoài, mô hình (2) là mô hình Random effects (RE) không bao gồm các nhân tố bên ngoài, mô hình (3) là mô hình Fixed effects bao gồm cả các nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài, mô hình (4) là mô hình Random effects bao gồm cả các nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài.
Kiểm định Durbin – Watson trên 4 mô hình đều cho kết quả nằm trong khoảng (1,3) chứng tỏ không xảy ra hiện tượng tự tương quan trong mô hình hồi quy. Kết quả kiểm định F trên 4 mô hình đều có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% chứng tỏ sự phù hợp của mô hình.
Xét hệ số xác định R2 và R2 hiệu chỉnh, hai hệ số này đạt giá trị cao nhất trong mô hình (3) – mô hình Fixed effects bao gồm cả các nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài.
5.1.1. Quy mô ngân hàng (LNTA)
Quy mô ngân hàng có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong mô hình (3) và 10% trong mô hình (4), không có ý nghĩa thống kê tại tất cả các mức ý nghĩa trong mô hình (1) và (2). Mối tương quan dương chỉ ra rằng các ngân hàng Việt Nam càng mở rộng quy mô thì khả năng sinh lợi càng tăng, thể hiện tính kinh tế theo quy mô. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Spathis et al.(2002), Kosmidou (2008). Nghiên cứu này cho rằng quy mô ngân hàng có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của ngân hàng bởi hai lý do: Thứ nhất, nhờ sức mạnh của thị trường, các ngân hàng lớn sẽ trả chi phí đầu vào ít hơn, Thứ hai, ngân hàng có thể có lợi thế kinh tế theo quy mô thông qua việc phân bổ chi phí cố định trên một khối lượng giao dịch lớn hơn.
Thực vậy, ở Việt Nam, ngân hàng có quy mô lớn như VCB, CTG, EIB nhờ vào sức mạnh thị trường có thể thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với mức lãi suất thấp, chi phí đầu vào thấp; các ngân hàng này lại có lợi thế kinh tế theo quy mô khi chi phí cố định được phân bổ cho một khối lượng giao dịch lớn. Vì thế, lợi nhuận của các ngân hàng này rất lớn.
Hệ số hồi quy của LNTA không có ý nghĩa thống kê trong mô hình (1) và (2)- mô hình chỉ bao gồm các nhân tố bên trong, nhưng khi các nhân tố bên ngoài bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát được đưa vào mô hình hồi quy thì hệ số hồi quy của biến LNTA lại trở nên có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% đối với mô hình (3) và 10% đối với mô hình (4), điều này chứng tỏ tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô lên giá trị tài sản của ngân hàng Việt Nam là rất lớn.
5.1.2. Quy mô vốn chủ sở hữu (E/TA)
Quy mô vốn chủ sở hữu (E/TA) có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong cả 4 mô hình, chứng tỏ quy mô vốn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng sinh lợi của
các ngân hàng Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây như: Bourke (1989) ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc; Berger (1995) và Anghazo (1997) ở Hoa Kỳ; Panayiotis P. Athanasoglou et.al (2005) ở Hy Lạp; Ben Naceur & Goaied (2008) ở Tunisia; Sammy Ben Naceur & Omran (2008) ở Trung Đông và Bắc Phi; Fadzan Sufian & Royfaizal Razali Chong (2008) ở Philippines; Sufian & Habibullah (2009) ở Trung Quốc; Fadlan Sufian (2011) ở Hàn Quốc. Nghiên cứu này cho rằng các ngân hàng có vốn hóa tốt đối mặt với nguy cơ vỡ nợ thấp hơn. Hơn nữa, một cấu trúc vốn mạnh rất cần thiết cho các ngân hàng trong nền kinh tế đang phát triển, vì nó cung cấp thêm sức mạnh cho các ngân hàng có thể đứng vững trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và tăng mức độ an toàn cho người gửi tiền khi phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định.
Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2005-2010, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một thời kỳ đầy thăng trầm. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008, 2009 càng là cơ sở minh chứng cho tầm quan trọng của quy mô vốn chủ sở hữu đối với các NHTMCPVN. Giai đoạn diễn ra khủng hoảng, trong khi các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ tỏ ra chống chọi kém với những cú sốc của nền kinh tế thể hiện ở tỷ số ROA giảm mạnh thì các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn như ACB, CTG, EIB, STB, TCB, VCB vẫn có khả năng sinh lợi đạt ở mức cao và ổn định. Như vậy, rõ ràng quy mô vốn chủ sở hữu đã cung cấp cho các ngân hàng một sức mạnh nội lực để có thể đứng vững trong thời kỳ kinh tế có nhiều bất ổn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong hơn 20 năm định hình và phát triển, vấn đề nâng cao năng lực tài chính của các NHTMVN luôn được các cơ quan chức năng đặt ra như một vấn đề cốt lõi của hệ thống tài chính quốc gia. Vấn đề càng trở nên quan trọng hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các sự kiện kinh tế diễn ra trên thế giới đều ít nhiều có ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ có nâng cao năng lực tài chính mới tạo nên một nội lực để các NHTMVN có thể chống chọi được với các rủi ro, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do vậy, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính là giải pháp đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững.
5.1.3. Quy mô tiền gửi (DE/TA)
Quy mô tiền gửi (DE/TA) có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của các NHTMCP Việt Nam và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong cả 4 mô hình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở Việt Nam, ngân hàng thu hút được tiền gửi từ khách hàng càng nhiều thì khả năng sinh lợi càng cao. Kết quả nghiên cứu phù hợp với kết quả nghiên cứu của Samy Ben Naceur và Mohamed Goaied (2001). Nghiên cứu này cho rằng tiền gửi của khách hàng được xem là nguồn vốn rẻ nhất trong các công cụ huy động vốn, khi tiền gửi được chuyển hóa thành các khoản cho vay thì chênh lệch giữa chi phí đầu vào và đầu ra, hay nói một cách khác là chênh lệch giữa chi phí lãi và thu nhập từ lãi sẽ trở nên rất lớn, tạo nên một khoản lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Ngược lại, khi một ngân hàng thu hút được ít tiền gửi từ khách hàng thì để đảm bào cho nhu cầu thanh khoản của mình, ngân hàng phải đi vay từ thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, làm cho chi phí tăng, lợi nhuận của ngân hàng cũng vì thế mà giảm đi.
Thật vậy, tại Việt Nam, các ngân hàng lớn như CTG, VCB tiền thân là các NHTM Nhà nước nên có lợi thế rất lớn trong việc thu hút vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ các tổng công
ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Khi việc tăng trưởng tín dụng bị khống chế, việc cho vay thêm là không thể trong khi nguồn vốn huy động được còn khá dồi dào, các ngân hàng lớn đã tận dụng nguồn vốn này để cho các ngân hàng nhỏ vay thông qua thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao và thu được một khoản lợi nhuận lớn. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, nguồn vốn huy động được của các ngân hàng nhỏ lại chủ yếu đến từ dân cư là các khách hàng nhỏ lẻ, vì thế để huy động được vốn các ngân hàng nhỏ đã buộc phải tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất, ngân hàng càng nhỏ thì lãi suất huy động càng cao. Cuộc chạy đua lãi suất ngày càng làm co hẹp biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, làm cho lợi nhuận của ngân hàng nhỏ cũng vì thế mà giảm đi. Hơn thế nữa, dù đã dùng mọi biện pháp tăng lãi suất, tặng quà, khuyến mãi,… nhưng nguồn vốn thu hút được của các ngân hàng nhỏ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thanh khoản của mình. Lúc này, các ngân hàng nhỏ buộc phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, với chi phi đầu vào tăng cao như vậy, điều hiển nhiên là lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ lại tiếp tục bị co hẹp. Như vậy, quy mô tiền gửi của ngân hàng càng lớn thì lợi nhuận của ngân hàng càng cao và ngược lại.
5.1.4. Rủi ro tín dụng (LLP/TL)
Đúng như những gì đã kỳ vọng, rủi ro tín dụng (LLP/TL) có mối tương quan âm với khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong mô hình (1) và (3), có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 5% trong mô hình (2) và (4). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở Việt Nam, ngân hàng có rủi ro tín dụng càng cao sẽ có khả năng sinh lợi càng thấp. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Panayiotis P. Athanasoglou et.al (2005) ở Hy Lạp, Panayiotis P.Athanasoglou et.al (2006) ở vùng đông nam Châu Âu, Fadzlan Sufian & Royfaizal Razali Chong (2008) ở Philippines, Anna P.I.Vong & Hoi Si Chan (2009) ở Macao, Fadlan Sufian (2011) ở Hàn Quốc. Các nghiên cứu này cho lời khuyên là các ngân hàng nên tập trung nhiều hơn vào việc quản trị rủi ro tín dụng.
Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực trạng của các NHTMCPVN. Năm 2007, rủi ro tín dụng của tất cả các ngân hàng đều giảm so với năm 2006, cũng trong năm này, ROA của các ngân hàng đều tăng so với năm 2006. Năm 2008, các ngân hàng như KLB, MB, NVB, OCB, VTN,… có rủi ro tín dụng tăng đều có ROA giảm. Rủi ro tín dụng không những không mang lại lợi nhuận cho ngân hàng mà còn làm cho khả năng sinh lợi của ngân hàng giảm.
5.1.5. Mức độ đa dạng hóa (NI/TA)
Mức độ đa dạng hóa (NI/TA) có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong cả 4 mô hình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các ngân hàng có thu nhập ngoài lãi như thu nhập từ hoạt dịch vụ, từ hoạt động mua bán chứng khoán, kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối, thu nhập từ việc góp vốn mua cổ phần,… càng cao thì khả năng sinh lợi càng cao. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của Guorong Jiang et al. (2003) ở Hong Kong, Fadzlan Sufian (2011) ở Hàn Quốc, Nghiên cứu của Fadzlan Sufian & Royfaizal Razali Chong (2008) ở Philippines.
Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực trạng của các NHTMCPVN. Năm 2006, các ngân hàng thương mại bắt đầu chú ý đến việc phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại mà trước hết là dịch vụ thanh toán, trong đó đáng chú ý nhất là dịch vụ thẻ ATM, các ngân hàng đã có được các nguồn thu mà năm 2005 chưa có như: thu phí dịch vụ thanh
toán, thu phí dịch vụ ủy thác, đại lý, thu phí dịch vụ ngân quỹ, thu phí dịch vụ bảo lãnh, … Thu nhập ngoài lãi tăng làm cho ROA của các ngân hàng tăng, ngân hàng có thu nhập ngoài lãi càng tăng mạnh thì khả năng sinh lợi càng cao. Năm 2007, các ngân hàng có tốc độ tăng thu nhập ngoài lãi càng nhanh thì khả năng sinh lợi càng cao. Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho thị trường chứng khoán của Việt Nam chao đảo, các khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán đã kéo thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng xuống mức thấp, hậu quả là ROA của các NHTMCPVN giảm so với năm 2007. Năm 2009, trước những nỗ lực của Chính phủ, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, đã có những bước phát triển lạc quan hơn, các ngân hàng như ABB, EIB, FCB, HDB, MB, MSB, NVB, PGB,… đã có được nguồn thu trở lại từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ, vì thế ROA của các ngân hàng này cũng tăng so với năm 2008. Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và ngoại tệ như CTG, DAB, SHB, TPB,… đã làm cho ROA giảm so với năm 2008. Năm 2010, giá vàng, tỷ giá hối đoái diễn biến theo chiều hướng phức tạp, cùng với quy định siết chặt hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng làm cho thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng giảm kéo tỷ số ROA giảm theo.
5.1.6. Quản trị chi phí hoạt động (TC/TA)
Tỷ lệ TC/TA có mối tương quan âm với khả năng sinh lợi của ngân hàng. Mối tương quan âm này chỉ ra rằng, chi phí hoạt động của các NHTMCPVN càng tăng, mà đặc biệt là càng tăng nhanh hơn tổng tài sản thì khả năng sinh lợi càng giảm và ngược lại, chi phí hoạt động càng giảm thì khả năng sinh lợi càng tăng. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Bouke (1989) ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc; Guorong Jiang et al. (2003) ở Hong Kong, Panayiotis P. Athanasoglou et.al (2005) ở Hy Lạp; Fadzlan Sufian & Royfaizal Razali Chong (2008) ở Philippines; Sufian & Habibullah (2009) ở Trung Quốc, Fadlan Sufian (2011) ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hệ số hồi quy của biến TC/TA lại không có ý nghĩa thống kê tại tất cả các mức ý nghĩa trong cả 4 mô hình.
5.1.7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (RGDP)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối tương quan dương với khả năng sinh lợi của các NHTMCPVN và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1% trong cả hai mô hình (3) và (4). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam càng cao thì khả năng sinh lợi của các ngân hàng càng tăng; điều này phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trong các năm qua, khi kinh tế tăng trưởng kéo theo nhu cầu tín dụng và nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng tăng, các ngân hàng có nguồn thu dồi dào và đa dạng hơn, làm cho khả năng sinh lợi của các ngân hàng tăng cao. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Brouke (1989) ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc; Bashir (2000) ở Trung Đông , Nier (2000) ở Anh, Balachandher K.Guru et al.(2002) ở Malaysia, Gerlach et al.(2004) ở Hong Kong, , Sufian & Habibullah (2009) ở Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2006, nền kinh tế Việt Nam phát triển trong điều kiện thuận lợi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,17%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã làm cho tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của các ngân hàng đều tăng cao, ROA trung bình đạt 1,45% tăng so với mức 1,35% của năm 2005. Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2006, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,48%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2005-2010; ROA trung bình của các ngân hàng đạt mức 1,48% cũng là mức cao nhất
trong 6 năm từ 2005-2010. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ đã lan rộng ra khắp thế giới và có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm chỉ còn 6,23%, ROA của các NHTMCP cũng vì thế mà đồng loạt giảm theo khiến cho ROA trung bình trong năm 2008 giảm so với năm 2007 và chỉ đạt ở mức 1,40%. Năm 2009, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự chấm dứt, thị trường trong nước và thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,32% - mức thấp nhất trong giai đoạn 2005-2010, ROA trung bình của các NHTMCP cũng giảm đến mức thấp nhất