Hình tượng con người mới – con người của sức mạnh phi thường

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng " Con Người Mới" trong văn xuôi Việt Nam 1945- 1975 (Trang 70 - 75)

NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM

3.2.Hình tượng con người mới – con người của sức mạnh phi thường

Một tổng kết về lịch sử văn học đã ghi nhận khuynh hướng nghệ thuật, cảm hứng thẩm mỹ quán xuyến, chi phối văn học giai đoạn 1945 – 1975 ở ta là khuynh hướng sử thi cảm hứng lãng mạn. Có thể thấy đây là một đặc điểm về tư duy nghệ thuật của một thời đoạn “một đi không trở lại”. Bởi lẽ, nó được hình thành trong khu vực của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong các sáng tác văn học ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em và trong điều kiện của những cuộc chiến không cân sức liên tiếp. Cái thời như thế đã xảy ra. Lịch sử nhân loại đã sang trang với những bước đi khác trong một thế giới đa cực. Nhắc lại quá khứ văn học một thời để điểm lại những gì mà văn học góp phần nói lên được tiếng nói thời đại. Và nếu hiểu lịch sử văn học là lịch sử của những bước đi khác nhau của văn học và việc văn học để lại dấu ấn của con người một thời thì chính khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong khi tái hiện con người, cuộc sống đã hướng đến mục tiêu cao cả nhất: ngợi ca sức mạnh con người, một sức mạnh phi thường về cả thể chất lẫn tinh thần.

Không ở đâu như ở Việt Nam ta, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc lại kéo dài đến thế. Sử sách bây giờ và mãi mãi về sau không thể nói khác được. Và theo đó thì, con người thời chiến phải mang trên mình một sức mạnh khác thường. Sức mạnh ấy lại không phải chỉ một lần xuất hiện mà phải luôn thường trực. Chúng tôi muốn nói đến cái khỏe khoắn, khỏe mạnh của con người được tái hiện trong văn học cách mạng Việt Nam.

Để có thể đối diện kẻ thù, trước hết và cần thiết là lòng quả cảm, ý thức mình không được yếu đuối, thụt lùi. Muốn vậy thì phải khỏe. Cái sức mạnh thể lực sẽ quy định sức mạnh tinh thần. Trên các trang viết về những thanh niên ưu tú của đất nước ngày trước chúng ta thấy xuất hiện những hoạt động liên tiếp, dồn dập: cảnh đào công sự, cảnh băng rừng vượt suối để tìm về đơn

vị hoặc khi bị kẻ thù truy kích, cảnh một nữ y tá mảnh mai tải thương giữa những cánh rừng bạt ngàn, mông quạnh, cảnh lao động hăng say trên đồng ruộng, công trường… Bao giờ cũng vậy, nếu muốn tìm cho mình một nguồn năng lượng sống sau những mệt mỏi, căng thẳng, người đọc có thể tìm đến các trang văn mang không khí khẩn trương ấy. Khám phá để biết được nhân dân và dân tộc trong quá khứ đã sống hết mình, cháy hết mình với những gì đã có. Biết còn là để suy ngẫm, trải nghiệm và tự hào, yêu thương.

Trên các trang viết, con người được đo bằng chiều kích của dân tộc, của thời đại. Và do vậy, họ phải lớn lao về tầm vóc. Chịu đựng những hình phạt, những tra tấn hoặc có khi tay không đối diện với kẻ thù là một biểu hiện của sức mạnh vật chất của con người. Người đọc hôm nay sau mỗi lần giở lại những trang sách như thế vẫn hay xuýt xoa, hồi hộp vì những điều được phản ánh trên trang viết. Nhưng có lẽ đẹp nhất và hay nhất chính là những trang sách về cái đẹp, cái khỏe mạnh trong lao động. Chúng tôi đã có dịp trình bày điều này ở trên. Càng hay hơn nữa là những câu văn trên trang viết họ Nguyễn ngông nghênh, tài tử về cuộc đọ sực giữa con người và thiên nhiên cùng cái tư thế “tỉnh như không” của ông lái sau cuộc chế ngự thác, đá dữ con sông Tây Bắc. Dưới biến hoá của ngòi bút tác giả Vang bóng một thời, cả một “dòng sông chữ” (cách gọi của nhà giáo Đỗ Kim Hồi) cứ cuồn cuộn tuôn chảy để ngợi ca cái đẹp của Con Người và Lao Động, con người “rất đẹp” và “chỉ đẹp” khi gắn mình với lao động.

Không phải chỉ có trên các trang văn xuôi, thơ ca xây dựng chủ nghĩa xã hội và thơ ca về đề tài người lính cũng đã đề cập vấn đề này rất rõ. Tố Hữu từng viết: “Anh cuốc, em cuốc; Đất lở, đá nhào…”, trong thơ Phạm Tiến Duật người đọc cũng thấy được hình ảnh những anh lái xe vượt qua làn tên mũi đạn trong phút chốc. Bằng cảm hứng ngợi ca, lạc quan, người sáng tác đã có công giúp cho thế hệ sau hiểu hơn thế hệ trước. Tất cả, có lẽ đã xuất phát

từ sự “nặng lòng” của người viết dẫu cho văn học có bị chính trị hóa đi chăng nữa. Nền văn học và nhà văn đã góp phần quan trọng vào việc tái tạo, sáng tạo và khẳng định những hình tượng đẹp đẽ về người anh hùng và những giá trị thuộc về họ. Con người thời chiến lại càng lớn lao khi đó là những tập thể vững mạnh, lớn mạnh từng ngày. Không phải không có những hèn yếu, đầu hàng nhưng phải thừa nhận một mặt bằng chung của văn học thời chiến là đi từ sức mạnh con người, sức mạnh dân tộc lí giải các vấn đề liên quan đến con người, đến cuộc chiến. Vả chăng, tính tất yếu của lịch sử dân tộc, số phận của dân tộc ta trong quá khứ là bằng đấu tranh cách mạng mà tự giải phóng mình. Do đó, một tất yếu được quy định là tái hiện sức mạnh vật chất của con người lên trang viết để người khác còn soi vào, còn tiếp bước.

Cảm hứng ngợi ca chi phối, những người hùng thời đại được ghi nhận, được tôn vinh. Họ đẹp trong cái khỏe, trong sự vạm vỡ, rắn chắc. Huân trong

Mùa lạc, Chấm trong Cái sân gạch là những nhân vật đẹp, và rất trong, rất sáng, rất nguyên sơ. Một lần nữa chúng ta hãy đọc những nhận xét cũng vừa là những ưu ái của Đào Vũ dành cho cô Chấm của mình: “Chấm cứ như một cây xương rồng. Cây xương rồng chặt ngang chặt dọc chỉ cần cắm nó xuống

đất, đất cằn cũng được, nó sẽ sống và sẽ lớn lên […]. Chấm hay làm, thực sự đó là một nhu cầu của sự sống, không làm tay chân nó bứt rứt làm sao ấy

[…]. Chấm mộc mạc như hòn đất. Hòn đất ấy bầu bạn với nắng với mưa để

cho cây lúa mọc lên hết vụ này qua vụ khác…” [82, tr.720]. Đa phần, người đọc sẽ thấy những thanh niên Việt Nam trên các sáng tác thuộc đề tài lao động xã hội chủ là những hình mẫu lý tưởng.

Quyết định thắng lợi của một trận đánh, một chiến dịch là chiến lược và con người. Văn học cách mạng Việt Nam phản ánh lịch sử dân tộc và nhân dân mình ngoài bằng việc ngợi ca sức mạnh vật chất thì điều quan trọng hơn chính là nêu cao sức mạnh tinh thần con người. Và không mảnh đất nào như

mảnh dất này (văn học cách mạng), hình ảnh con người nhỏ bé hình thể nhưng lớn lao tầm vóc lại được trỗi dậy, vươn lên đến thế.

Như đã chỉ, được ra trận với con người thời chiến là một hạnh phúc. Hạnh phúc vì được cống hiến ngay cả tuổi xuân của mình cho dân tộc, lớp lớp những người con của Tổ quốc phải động viên và nâng nhau dậy bằng nguồn động viên tinh thần. Sức mạnh tinh thần kết hợp sức mạnh vật chất làm nên chiến công thời chiến, làm nên hồn cốt dân tộc và làm say lòng người, cái mà kẻ thù không thể nào lí giải nổi khi thất bại trên đất nước ta. Nghĩ như nhà văn Chu Lai thật là thấu lí đạt tình: “Các bà mẹ chết hết con, các gia đình không còn người nào sống sót… đó là bi kịch, thậm chí hơn thế nữa, đó là thảm kịch nhưng cũng bà mẹ tột cùng đau thương đó đã bình thản nói: “Con mất nhưng nước còn” thì đó lại là một cái cốt cách anh hùng của ngàn năm truyền thống cộng đồng mà loài người kính trọng, mà kẻ thù không sao hiểu nổi” [20, tr.178].

Vẻđẹp tâm hồn người lính, sức mạnh tinh thần, dũng khí một thời có khi còn được tiếp sức từ những yếu tố bên ngoài: vẻ đẹp của một đêm trăng, một tiếng chim rừng, một câu hát cất lên trên chặng đường dừng chân của đoàn quân… Chất lãng mạn, bay bổng nâng bước, tạo đà, trở thành cảm hứng chính chi phối sáng tác. Cho nên, có lúc văn học gác lại, bỏ qua những hy sinh, tổn thất, đó cũng là một tất yếu, cũng nói như Chu Lai thì, “Nói đùa, những năm tháng đó mà chỉ mải đắm chìm trong sự ghê rợn kinh hoàng hay nỗi chán nản tột cùng thì chắc đầu hàng, tự thương tự sát hết rồi” [20]. Nhà văn vì thế, đã truyền cho người đọc cái cảm hứng nồng nàn, say sưa khi đưa người đọc vào những sự kiện liên tiếp trên trang viết. Sự kiện chi phối sáng tác hơn là tính cách, số phận nhân vật, nhưng trong chừng mực và điều kiện không thể khác được, văn học thời chiến đã nêu lên được phẩm chất mà chiến tranh cần, phẩm chất ấy, theo Nguyên Ngọc thì: “Chiến tranh, y thì kẻ vào cuộc phải có

điều kiện, cái đức tính sơ đẳng của người làm chiến tranh: phải dũng cảm” [44(2), tr.201].

Sử thi hóa, lãng mạn hóa trong văn học thời chiến là một nhược điểm nhưng nó còn là đặc điểm. Với tư cách là một đặc điểm của một nền văn học, chúng tôi đồng tình với quan điểm sau của Trần Đình Sử: “Chúng ta không thể đánh giá đặc điểm của văn học sử thi cách mạng theo tiêu chuẩn của chủ

nghĩa hiện thực của Bandắc, Tônxtôi hay Sêkhốp. […] . Những tác phẩm văn học ấy hoàn toàn thống nhất về phong cách với các bài ca cách mạng, mà hôm nay vẫn được thính giả yêu chuộng qua chương trình những bài ca không quên hoặc những khúc hát vẫn còn xanh” [28, tr.64]. Xét trong tinh thần đó, không thể phủ nhận tác động to lớn của văn học cách mạng đến con người của mọi thế hệ. Thiết nghĩ, một số ý kiến xem văn học cách mạng là công thức, sơ lược và đòi “xóa tên“ nó ra khỏi lịch sử văn học là quá cực đoan. Cùng với thời gian, lùi xa những sự kiện thời chiến để nhìn lại nhưng nếu lùi quá xa người viết sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái dửng dưng, vô tâm của một người ngoài cuộc, mà như vậy cũng có nghĩa anh chưa thực sự hiểu lịch sử tâm hồn dân tộc mình. Gần đây nhất, nhà văn Bảo Ninh có tập truyện ngắn về những vấn đề vụn vặt “có vấn đề” ở thời bao cấp, trong tập truyện có một truyện ngắn làm nhan đề cho cả tập (Chuyện xưa, kết đi được chưa? – NXB Hội nhà văn, 2009); trong truyện ngắn đó, Bảo Ninh không bình giá về việc nhìn nhận quá khứ như thế nào qua cái nhìn của hai thế hệ, nhưng có thể thấy đề tài chiến tranh không bao giờ là thứ cằn cỗi và viết về quá khứ vẫn không bao giờ là cũ. Văn học viết về chiến tranh cách mạng, vì thế, vẫn là một vùng đất chẳng bao giờ bạc màu. Những năm của thập niên đầu thế kỉ XXI này, nhìn lại, ta lại càng thấy cần cho mình một phần nào đó trong nhu cầu thưởng thức văn học. Những cuộc thi viết văn về đề tài này vẫn còn thu hút được sự quan tâm của nhiều người viết chuyên nghiệp và không chuyên là một minh

chứng cho tính “nóng hổi” của đề tài này. Và tất nhiên, cùng với thời gian, cách khai thác về chiến tranh trên trang viết của các nhà văn hiện nay có khác. Tuy vậy, không nhiều thì ít, các tác giả vẫn mang cảm hứng lạc quan, tin tưởng tải vào trang viết.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng " Con Người Mới" trong văn xuôi Việt Nam 1945- 1975 (Trang 70 - 75)