Nhân vật của thời đại lãng mạn và sử th

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng " Con Người Mới" trong văn xuôi Việt Nam 1945- 1975 (Trang 59 - 64)

HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 1945-1975 QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU

2.2.2. Nhân vật của thời đại lãng mạn và sử th

Ở trên chúng tôi vừa bàn về sức hấp dẫn của một số nhân vật chính trong vài tác phẩm có dấu ấn khá lâu, khá sâu trong lòng độc giả nhiều thế hệ qua hoàn cảnh, qua cuộc đời của họ. Đặt trong bối cảnh của nền văn học cách mạng dân tộc ta thì không khí thời đại chi phối một cách mạnh mẽ cách tái tạo nhân vật. Không thể không kể đến cảm hứng sáng tác một thời: cảm hứng sử thi và lãng mạn.

Cần thừa nhận một điều, nếu thiếu cảm hứng lãng mạn của thời đại chi phối thì có lẽ văn học cách mạng thiếu chỗ đứng, không lôi kéo được một bộ phận lớn công chúng của mình. Do vậy, dù có khi chất lãng mạn biến nhân

vật trở nên “vô trùng” nhưng nó vẫn say, nhất là ở cái thời của nó. Tiệp là một ví dụ.

Chu Văn nhấn mạnh vào tính lý tưởng, những lý tưởng cao đẹp khi xây dựng nhân vật Tiệp. Anh sống say mê, sẵn sàng hy sinh tất cả cho cách mạng, có những hoài bão lớn, những ước mơ táo bạo và không lùi bước trước khó khăn. Những phẩm chất này chúng tôi đã có dịp đề cập ở trên. Người đọc thấy Tiệp như một người hùng có mộng “vá trời lấp biển” (chữ dùng của Phan Cự Đệ). Tác giả đã không giấu niềm tự hào về nhân vật của mình, dành cả những say sưa cho việc đề cao lý tưởng của nhân vật. Cho nên, ta dễ dàng thấy nhà văn đã hết sức tạo điều kiện cho nhân vật (chẳng hạn: Tiệp không phải gánh một gia đình phức tạp như Thất, nhân thân của Nhân “có vấn đề” khiến Tiệp và Nhân khó lòng đến với nhau, bên Tiệp có Vượng, Ái và nhiều thanh niên tiên tiến ở Sa Ngoại hết lòng ủng hộ…). Có thể nói, so với những nhân vật khác trong một số tác phẩm cùng chủ đề, Tiệp là nhân vật hoàn hảo. Đấy là hình ảnh con người trong thời bình ở miền Bắc, trong quan hệ lao động xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Còn trên chiến trường, trong chiến đấu? Ta thấy rõ nhất qua cặp nhân vật Nguyệt – Lãm của Nguyễn Minh Châu.

Lãm, nhân vật xưng “tôi” trong truyện, xuất hiện và kể lại câu chuyện tình lung linh, mờ ảo như ánh trăng của mình và cô thanh niên xung phong đường Trường Sơn là cái cớ để Nguyễn Minh Châu “đi tìm hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người” thời chiến. Tình yêu của anh và Nguyệt xuất phát từ sự ngưỡng mộ những lý tưởng: Nguyệt ngưỡng mộ chàng trai quyết trốn nhà đi lính, Lãm yêu Nguyệt qua lời kể người chị gái và một dịp được chứng kiến vẻ đẹp tâm hồn của cô gái trong một lần nhờ xe anh, bị trúng thương khi bảo vệ anh, bảo vệ người chiến sĩ lái xe đang thực hiện nhiệm vụ. Lãm yêu Nguyệt trong niềm băn khoăn tự hỏi: “Qua bấy nhiêu năm sống giữa bom đạn và tàn phá, mà một người con gái vẫn giữ bên lòng hình ảnh một người con

trai chưa hề gặp và chưa hứa hẹn một điều gì ư?” [62, tr.236]. Nguyệt yêu Lãm trong niềm tin và sự thủy chung, như chính niềm tin và sự thủy chung cô dành cho Tổ quốc.

Nói tóm lại, nhờ đôi cánh của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của con người thời chiến đã được bay cao, bay xa. Nó vẫn sống với thời gian. Nếu muốn đi tìm một tình yêu không vụ lợi, có lẽ chúng ta phải ngược trở lại văn học thời chiến.

Làm nên chiến công trên nhiều mặt trận, ngoài những điều trên trong trang viết, các tác giả văn xuôi còn tổ chức cho tác phẩm của mình đậm màu sắc sử thi, sắc màu của những điều lớn lao, hoành tráng, sắc màu huyền thoại. Đặc biệt, văn xuôi thời chống Mỹ cứu nước đậm đặc bút pháp này. Chúng ta thấy rõ trong Bão biển, Rừng xà nu, Dấu chân người lính. Sức mạnh dân tộc nhờ đó cũng được khẳng định. Cùng với bút pháp lãng mạn thì không khí sử thi (thể hiện trong nhân vật) trên các tác phẩm là một ưu thế, một đặc trưng của văn học thời chiến.

Đọc Bão biển, người đọc thấy cả một cuộc đọ sức không cân giữa các lực lượng, một bên là những con người mới ở Sa Ngoại một bên là tự nhiên, ngoài tự nhiên là bọn chống phá quyết liệt con đường khôi phục hậu quả chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, đọc đến đoạn miêu tả cảnh “thắng biển” của thanh niên, của những người con Sa Ngoại ta cứ thấy hừng hực một không khí sử thi. Hãy một lần đọc lại những dòng này: “Non hai ngàn người từ phía trên đi xuống đổ ra bãi biển Mập Đớp. Họ chia thành từng tiểu đội […]. Đoàn dân công nối đuôi nhau thành một sợi dây dài thẳng tắp, nhằm hướng trên bản đồ cắt ngang bãi vẹt ra làm đôi…” [81, tr.554- 555]; “Mặt trời lên cao dần. Gió đã bắt đầu mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ. Khoảng mênh mông ầm ĩ càng lan rộng mãi vào. […]. Biển cả như muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con mập đớp con cá chim nhỏ bé. […]. Một

bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng, hung hăng xông vào,

bẻ nát, đập tan, biến thành nước tất cả những gì vướng víu. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay, và những dụng cụ thô sơ, với tinh thần quyết tâm chống giữ. Cái đáng sợ chưa hẳn là biển và gió, mà là tinh thần bị chùn nhụt, ngã lòng trước nguy hiểm” [81, tr.568-569]. Qua đó ta cảm nhận không khí một thời. Trên cái nền ấy là người chỉ huy với quyết tâm sắt đá cùng lời hiệu triệu: “Ở lại thì sống. Chạy thì chết. Nó đánh vỡ khúc đê này thì tất cả sẽ trôi ráo ra biển. Đứng cả lại, ra sức mà chống đỡ” [81, tr.569]. Khí thế quyết tâm lấn biển đó đã đi vào kí ức, nhắc về nó, gợi lại nó để càng thêm yêu quý, tự hào.

Đọc Rừng xà nu, ta thấy một Tây Nguyên lịch sử. Theo Nguyên Ngọc thì: “Rng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái

đêm dài như cả một đời…” [dẫn theo 16, tr.188]. Đó là đời riêng của T’nú, cụ Mết nhưng là thân phận Tây Nguyên một thời. Chất sử thi của câu chuyện kể tỏa ra từ những con người và không gian được chọn lọc ấy, nó được cất thành lời: “T’nú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng là tiếng thét vang dội. Tiếp theo là tiếng “Giết!”. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng rào rào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết!”. Cụ

Mết, đúng rồi, cụ Mết đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác dài của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá mà T’nú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…” [63, tr.47]. Ở những thời điểm gay cấn, quyết liệt nhất, con người chuộng tự do đã hành động.

Tinh thần lớp cha đi trước, lớp con theo sau cũng được tái hiện rất hoành tráng trong Dấu chân người lính. Ở đó, Nguyễn Minh Châu đã nêu bật, đã lí giải được sức mạnh cuộc chiến: từ cội nguồn anh dũng sâu xa của bao lớp người Việt yêu nước, biết lặng lẽ hiến dâng khi Tổ quốc cần. Một đoạn trong

tác phẩm đã vẽ nên được bức tranh một đợt hành quân: “Đông đúc quá! Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay là quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và súng đạn. Người ta chỉ biết đông đúc và chật chội […], là cơn giận dữ của đất nước một lần cầm lấy súng” [5, tr.51].

Kết hợp hai cảm hứng tưởng như trái ngược nhau vào cùng nhau, văn học cách mạng đã có cả mặt mạnh và mặt yếu của nó một thời. Và đương nhiên, nhờ nó mà thế hệ viết văn sau mới có kinh nghiệm cho tương lai.

Mặt mạnh dễ thấy nhất là sự đa dạng của các bức chân dung con người: bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, phụ lão, nhân dân mọi tầng lớp… đều có những đại diện trong các tác phẩm. Những vẻ đẹp đó cụ thể, không trừu tượng, khó hình dung. Nó còn mang đến niềm tin vào cái đẹp của con người, cái đẹp của tình đồng bào, đồng chí. Mặt khác, ở cấp độ lớn hơn, nó mang đến niềm tin về độc lập, tự do, về sự bình yên của non sông đất nước. Những điều ấy là vô giá. Nó là một sự biểu dương văn hóa Việt. Các giá trị văn hóa truyền thống đến lúc này một lần nữa đã lên ngôi.

Tuy nhiên, trong giới hạn của sự bất thường, cách phân tuyến nhân vật, cách xây dựng tính cách, cách giải quyết mâu thuẫn (ta - địch, ta đúng - nó sai, quân ta luôn thắng, quân địch ắt thất bại v.v…) đã giới hạn trong khám phá con người. Hệ quả của nó, chúng tôi sẽ chỉ ra ở bên dưới, trong những đánh giá chung nhất hình tượng con người mới một thời.

Như vậy, nếu xét tổng thể, trong tinh thần chung của văn học chiến tranh, bút pháp lãng mạn hóa, sử thi hóa đã tạo nên giá trị tinh thần dân tộc. Văn học thời nào cũng hướng vào khẳng định những giá trị. Những giá trị của văn học thời chiến, vì thế, cần được bảo tồn, tiếp mạch.

Chương 3

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng " Con Người Mới" trong văn xuôi Việt Nam 1945- 1975 (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)