Tìm hiểu, phát hiện ý nghĩa theo kết cấu văn bản

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp đọc sáng tạo vào dạy học bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Trang 56 - 58)

GV hướng dẫn HS tìm hiểu, phát hiện tiếng nói tình yêu được bộc lộ, thể hiện một cách đặc sắc qua cái tôi trữ tình theo mạch cảm xúc:

+ Khổ 1 và 2: Xuân Quỳnh đã mượn những đặc tính của sóng để biểu đạt những sắc thái tình yêu trong “em”, có “dữ dội và dịu êm”, có “ồn ào và lặng lẽ”. Có những biểu hiện đối lập cùng tồn tại: sóng bất thường và tình yêu của “em” cũng bất thường. Người đọc dễ nhận ra một trạng thái rất thực của người con gái bộc lộ tình yêu nồng nàn và không che dấu khát vọng yêu thương của mình: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. Sóng chuyển theo hành trình tìm mình không mệt mỏi trước biển bao la, con người cũng không nguôi ngoai thương nhớ bởi tình yêu trong cuộc sống. Xuân Quỳnh bộc bạch tiếng nói chân thành, mạnh mẽ về nỗi khát vọng “tình yêu”, đây là dấu hiệu khác lạ về cách thể hiện tình yêu ở người phụ nữ.

Tác giả suy nghĩ, xúc cảm về sức cuốn hút sâu xa nhưng rất quen thuộc gần gụi của tình yêu khi mượn hình ảnh ẩn dụ của sóng: “Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế” qua việc so sánh ngầm: khác gì sự trường tồn của sóng trong không gian, tình yêu luôn luôn hành trình gắn bó không tách rời với con người trước thời gian, là ngọn nguồn của hạnh phúc, là điểm tựa của cõi sống. Nỗi bồi hồi là hiện thân của con tim, là hiện thân của tình yêu gắn với cuộc - đời - người!

+ Khổ 3 và 4: Các trạng thái tự nhiên của sóng cũng giống như trạng thái tâm lí độc đáo của con người với tình yêu. Từ đó, nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc khá bất ngờ nhưng suy cho cùng cũng giản dị, tự nhiên, nhà thơ không kìm được lòng mình - tiếng lòng chân thật: “Em nghĩ về anh, em/ Em nghĩ về biển lớn”. Tác giả trăn trở tìm tới cội nguồn của tình yêu. Câu hỏi mà

con người đã cất công đi tìm lời giải đáp nhưng vẫn không sao đi đến tận cùng ý nghĩa: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu? …” Xuân Quỳnh suy tưởng, bộc lộ một cách tự tin, hồn nhiên về điều tưởng không bao giờ giải thích được nhưng đó chính là điều kỳ diệu, linh diệu của tâm hồn con người (Xuân Diệu: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?). Tình yêu như sóng biển, gió trời, nó biến hoá như thiên nhiên vì thế càng khó hiểu và bất ngờ.

+ Khổ 5: Tiếp nối sự so sánh “con sóng” với những trạng thái chuyển động tự nhiên “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước”, tình yêu là sóng và chỉ có nó, cái đại dương mênh mông mới so sánh nổi với khát vọng chất chứa trong con tim. Dòng suy tưởng của nhân vật trữ tình chuyển sang một phát hiện thú vị “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”, cảm giác “sóng thức” là tâm trạng thổn thức, bồn chồn của chính “lòng em”, là duyên cớ để nhà thơ bộc bạch niềm rạo rực yêu thương rất đỗi thắm thiết, gắn bó: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn đầy tình yêu thương, hiển hiện trong không gian và thời gian và không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn thấm sâu vào tiềm thức, thâm nhập cả vào giấc mơ. Kết cấu câu thơ ngũ ngôn có sự biến đổi (dôi thêm hai câu) nhằm nêu bật tâm trạng vững tin, không che đậy và muốn trút sự cảm thông chia sẻ trong tình yêu. Có tiếng nói tình yêu nào chân thành, táo bạo và mạnh mẽ hơn?

+ Khổ 6 và 7: Như con sóng cuộn trào vô hạn, vô hồi giữa biển cả, những dự cảm, trải nghiệm, thách thức trước những biến đổi trong cuộc đời càng làm cháy bỏng niềm khát khao hướng tới bến đỗ bình yên của tình yêu thuỷ chung trong lòng người. Còn gì sâu sắc hơn lời nguyện ước chân thành: “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh - một phương”. Nhận ra quy luật chuyển động của tự nhiên, niềm tin vào tình yêu bền vững của nhà thơ càng nồng nàn, thắm thiết.

+ Khổ 8 và 9: Trước biển cả bao la, con người thường không tránh khỏi sự suy nghĩ về triết lí nhân sinh cho mình: cuộc đời con người thì có hạn nhưng tình yêu thì vô cùng. Tình yêu không có tuổi, không có thời gian để già đi, nó không mất đi như bản thân cuộc sống. Vì thế, làm sao để thoát ra khỏi nỗi băn khoăn trước giới hạn chật hẹp của cuộc đời con người trên trần thế? Nhà thơ đã tự lí giải và tìm ra lời giải đáp cho những trăn trở của mình. Chỉ có hoà nhập vào “biển lớn tình yêu” thì con người vẫn còn lí do để tin vào tình yêu đáng quý của cuộc đời từng con người và của mọi người: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ.”.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp đọc sáng tạo vào dạy học bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)