Phương trình đồng liên kết trong dài hạn:
Ln(Res) = 0.049 Ln(Cad) - 0.147 Ln(Er) + 12.794 Ird + 0.89 Ln (M) - 16.906
Nhìn vào phương trình có thể thấy tác động của biến chi phí cơ hội IRD đến mức dự trữ là cao nhất, có thể giải thích bằng việc lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng nhà nước Việt Nam luôn có xu hướng cao hơn rất nhiều so với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, và xu hướng của các nước trên thế giới hiện nay là giảm bớt nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ để chuyển sang các loại ngoại tệ khác như EUR, GBP, JPY. Tuy nhiên, với biến IRD này có rất nhiều cách tính khác nhau do đó kết quả nhận được chỉ có thể giải thích một cách tương đối sự tác động, con số nhận được là không có ý nghĩa thống kê.
Tác động của mức cung tiền M2 cũng ảnh hưởng nhiều đến dự trữ ngoại hối. Điều này phù hợp với những chính sách điều hành hiện nay. Với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, người cư trú được phép sử dụng ngoại tệ sẵn có của mình đi mua hoặc đi vay để đầu tư sau khi được phép của cơ quan có thẩm quyền về việc đầu tư ra nước ngoài.
Do các giao dịch vốn đã tương đối được tự do hoá nên NHNN cần phải mua ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối khi các luồng vốn đổ vào Việt Nam để duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và phải bán ra khi đến hạn trả nợ hay có hiện tượng đảo chiều của các luồng vốn ngắn hạn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, với mức độ đô la hoá tương đối cao của Việt Nam, dự trữ ngoại hối cũng phải gia tăng để đảm bảo can thiệp khi có hiện tượng rút ngoại tệ ồ ạt tại các ngân hàng thương mại. Hiện tượng đô la hoá (theo số tương đối) hiện nay có xu hướng giảm do hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán gia tăng mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số tiền gửi ngoại tệ/M2 của Việt Nam hiện đang ở mức 22,3% vào cuối năm 2005, 20,9% cuối năm 2006 và ở mức khoảng 19,5% vào cuối tháng 6 năm 2007. Tuy nhiên, do M2 tăng nhanh nên tiền gửi ngoại tệ theo số tuyệt đối vẫn tăng trong thời gian qua.
Các biến Cad và Er tác đông không lớn đến dự trữ ngoại hối. Điều này có ý nghĩa lượng dữ trữ ngoại hối của Việt Nam ít nhạy cảm với sự thay đổi của tỷ giá hối đoái và tài khoản vãng lai.