Với vai trò điều chỉnh quan hệ xã hội, các VBQPPL đã tạo dựng một cơ sở pháp lý khá vững chắc cho hoạt động tuyển dụng viên chức tại các ĐVSNCL. Tính đến năm 2009, có khoảng 52.241 ĐVSNCL đang thực hiện việc cung ứng những dịch vụ công cho xã hội, phần lớn đều sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động. Việc tuyển dụng tại các đơn vị này là tuyển người "làm việc cho nhà nước", vì vậy phải đảm bảo lựa chọn được người xứng đáng nhất cho công việc. Quy định tại các VBQPPL không những đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động tuyển dụng giữa các đơn vị sự nghiệp mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch, hiệu quả khi tuyển dụng bắt buộc phải trải qua những bước nhất định.
Các VBQPPL cũng đã từng bước xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng viên chức một cách hiệu quả. Quy định tuyển dụng viên chức được thực hiện dưới hình thức hợp đồng làm việc đã xóa bỏ hình thức biên chế vĩnh viễn với viên chức như trước đây. Quan hệ giữa viên chức và ĐVSNCL được mềm dẻo, linh
hoạt hơn chứ không gắn chặt với nhau bởi biên chế. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có thể từ chối ký tiếp hợp đồng đối với những viên chức không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, ngược lại viên chức cũng có thể chủ động rời bỏ đơn vị nếu không đáp ứng được nhu cầu của mình. Điều này khiến cho mọi viên chức đều phải có thái độ và hành động tích cực trong hoạt động chuyên môn, chủ động học tập nâng cao trình độ, giảm bớt tâm lý ỷ lại vào nhà nước đồng thời đơn vị sự nghiệp cũng phải tích cực, chủ động trong việc giữ những người có trình độ.
Nếu phân tích có thể thấy, viên chức cũng là người lao động, người đứng đầu đơn vị thay mặt nhà nước trong việc sử dụng lao động, hoạt động chuyên môn của các viên chức là việc sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật. Các ĐVSNCL đứng ra cung cấp các dịch vụ công cho xã hội dưới dạng hợp đồng dịch vụ hoặc một số hợp đồng khác. Do đó, quy định về hợp đồng làm việc phù hợp với xu hướng quản lý viên chức theo hoạt động chuyên môn và tinh thần của luật lao động. Một số ý kiến cho rằng, khi viên chức được bảo đảm một công việc ổn định, họ sẽ yên tâm phấn đấu cống hiến công sức của mình, còn khi để viên chức ký hợp đồng, họ chỉ làm việc theo đúng phận sự, thậm chí có xu hướng đi tìm kiếm một công việc khác có nhiều lợi thế hơn. Ý kiến này chỉ đúng một phần. Thực tế, những viên chức có trình độ không quan tâm tới việc có biên chế hay ký hợp đồng, thứ họ cần là một môi trường làm việc để phát triển tài năng, phát huy năng lực của mình. Việc quan tâm quá mức vào biên chế chỉ có ở phần lớn những người có tâm lý thích ổn định, không chịu thay đổi. Hơn nữa, với xu hướng các ĐVSNCL phải tự chủ dần trong hoạt động, người đứng đầu đơn vị sẽ phải có trách nhiệm trong việc giữ người tài ở lại làm việc bởi điều này có liên quan đến sự tồn tại và phát triển của đơn vị. Như vậy, việc ký hợp đồng làm việc đối với viên chức là một điều hết sức bình thường, thậm chí còn phát huy tác dụng tích cực trong hoàn cảnh một bộ phận viên chức vẫn thiếu tinh thần làm việc chuyên nghiệp như hiện nay.
Các quy định pháp luật còn góp phần tăng thêm tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp. Các ĐVSNCL chỉ nên hoạt động ở những lĩnh vực mà tư nhân chưa có khả năng đảm nhiệm hoặc thực hiện các chính sách xã hội của nhà nước ở các khu vực khó khăn. Những lĩnh vực mà tư nhân đã có khả năng đảm nhiệm, nhà nước sẽ tạo điều kiện để có sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ giữa khu vực công và tư. Nhà nước sẽ dần từ bỏ sự bao cấp đối với các đơn vị. Vì vậy, xu hướng là các ĐVSNCL sẽ tách dần khỏi sự quản lý của nhà nước để tự chủ trong tổ chức và hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác.
Với xu hướng như vậy, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều VBQPPL trao quyền cho các ĐVSNCL trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức. Nghị định 10/2002/NĐ-CP, kế tiếp là Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giao quyền tự chủ.
Khi không còn sự bao bọc từ phía nhà nước, các ĐVSNCL sẽ phải có những tính toán cụ thể, căn cứ vào nhu cầu công việc, nguồn tài chính, quỹ tiền lương để tuyển dụng viên chức. Điều đó sẽ tránh được việc tuyển dụng viên chức một cách tràn lan nhằm hưởng lương từ ngân sách. Như vậy vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước trong việc trả lương, vừa sử dụng được người có trình độ, đồng thời đẩy nguồn nhân lực dư thừa sang làm việc tại các đơn vị sử dụng lao động khác.
Các ĐVSNCL là nơi trực tiếp sử dụng viên chức, vì vậy sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tuyển dụng viên chức có trình độ, năng lực. Trong thực tế, nhiều đơn vị chưa được giao quyền tự chủ trong tuyển dụng viên chức, công việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý. Khi cơ quan quản lý tuyển dụng xong sẽ phân viên chức về nhận nhiệm vụ tại các đơn vị có nhu cầu về chỉ tiêu biên chế. Điều này tạo phản ứng không hài lòng cho lãnh đạo đơn vị bởi họ ở trong tình thế buộc phải nhận người theo lựa chọn của cấp trên trong khi chưa biết khả năng làm việc của viên chức tại đơn vị mình.