Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tuyển dụng viên chức

Một phần của tài liệu 254216 (Trang 26 - 30)

Tuyển dụng thường không được điều chỉnh tại một VBQPPL riêng mà quy định cùng với hoạt động quản lý, sử dụng viên chức. Điều này dễ hiểu bởi tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức là nhóm hoạt động mang tính tổng thể. Tuyển dụng là tiền đề cho việc sử dụng và quản lý viên chức, quản lý và sử dụng viên chức được thực hiện tốt mới thu hút được người tham gia tuyển dụng. Hơn nữa, việc xé nhỏ các hoạt động để đưa vào nhiều văn bản khác nhau là điều không nên làm trong ban hành VBQPPL.

Hiến pháp 1992 là cơ sở pháp lý cho việc ban hành các VBQPPL liên quan đến viên chức. Hiến pháp không quy định việc tuyển dụng nhưng Điều 8 đã quy định trách nhiệm của viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là cơ sở cho việc xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn đối với người được tuyển dụng làm viên chức.

Pháp lệnh Cán bộ, công chức 1998 ra đời là cột mốc quan trọng trong pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đây là VBQPPL đầu tiên cụ thể hoá những quy định về cán bộ, viên chức tại Hiến pháp 1992. Pháp lệnh đã xây dựng những nội dung cơ bản về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức. Tuy nhiên, do chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa công chức và viên chức nên hoạt động tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với hai nhóm đối tượng này không có sự khác biệt. Về vấn đề tuyển dụng, Pháp lệnh mới dừng lại ở những quy định cơ bản để các đơn vị căn cứ thực hiện chứ chưa có những hướng dẫn chi tiết. Theo quy định, các cơ quan khi tiến hành tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác và chỉ tiêu biên chế được giao, tuyển dụng được thực hiện bằng phương thức thi tuyển (Điều 23). Như vậy, việc tuyển dụng viên chức vẫn nặng về chỉ tiêu biên chế và mới chỉ được thực hiện bằng phương thức thi tuyển.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức 2003 là VBQPPL có tính chất bước ngoặt trong việc quản lý, sử dụng công chức

và viên chức. Nhóm đối tượng viên chức làm việc tại ĐVSNCL đã được tách riêng, phân biệt với công chức. Những quy định về tuyển dụng viên chức cũng bắt đầu được hình thành và có những nét riêng biệt. Đơn vị sự nghiệp khi tiến hành tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, kế hoạch biên chế và nguồn tài chính của đơn vị. Việc tuyển dụng qua phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển và thực hiện bằng hợp đồng làm việc. Như vậy, Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi đã tính đến đặc thù công việc của các ĐVSNCL và hoạt động nghề nghiệp của viên chức để thực hiện hoạt động tuyển dụng. Quy định về hợp đồng làm việc với viên chức là sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ giữa ĐVSNCL và viên chức. Tuy nhiên, Pháp lệnh sửa đổi cũng chỉ dừng lại ở các quy định cơ bản mà chưa có những quy định cụ thể, chi tiết về hoạt động này.

Cùng với việc phân biệt nhóm đối tượng viên chức và công chức tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức 2003, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều VBQPPL điều chỉnh hoạt động tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Các văn bản này gồm:

- Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước;

- Nghị định 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP.

Nghị định 116/2003/NĐ-CP và 121/2006/NĐ-CP đã xây dựng những quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, hội đồng tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng, hợp đồng làm việc. Những quy định tại hai văn bản trên là căn cứ pháp lý quan trọng đối với các ĐVSNCL khi thực hiện hoạt động tuyển dụng viên chức.

- Thông tư 10/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2003/NĐ-CP;

- Thông tư 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 116/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2006/NĐ-CP.

Hai thông tư trên tiếp tục cụ thể hoá các quy định về điều kiện tuyển dụng đối với một số đối tượng đặc biệt, thủ tục tuyển dụng, hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, một số điểm trong hai Thông tư được quy định hoàn toàn mới, vượt quá so với quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Ngoài một số điểm còn chưa hợp lý so với thực tiễn, các văn bản của Chính phủ và Bộ Nội vụ cũng chưa quy định cụ thể về hai phương thức thi tuyển và xét tuyển. Phần việc này được trao cho những cơ quan quản lý trực tiếp ĐVSNCL.

Bên cạnh các văn bản của Chính phủ và Bộ Nội vụ, các bộ, uỷ ban nhân dân cũng ban hành một số VBQPPL điều chỉnh hoạt động tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc hoạt động trong ngành, địa phương mình quản lý. Có thể kể ra một số văn bản như:

- Quyết định số 62/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên;

- Quyết định số 49/2005/QĐ-BYT ngày 30/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định nội dung, hình thức thi tuyển viên chức y tế";

- Quyết định số 32/2006/QĐ-BYT ngày 05/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế bằng hình thức xét tuyển"

- Quyết định số 1789/2007/QĐ-UBND ngày 14/5/2007 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành quy định về tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

Các văn bản trên đã sát với đặc thù quản lý và hoạt động của các ĐVSNCL trong các ngành nghề, địa phương khác nhau. Tuy nhiên, việc nhiều cơ quan cùng ban hành văn bản điều chỉnh cũng khiến hoạt động tuyển dụng tại các đơn vị, các địa phương thiếu sự thống nhất.

Luật Viên chức đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Luật gồm 11 chương, 62 điều, dành 5 điều quy định về tuyển dụng viên chức (từ điều 20 - 24). Với số lượng ít ỏi như vậy, nội dung về tuyển dụng mới dừng lại ở các quy định cơ bản và cũng không có nhiều điểm mới nổi bật như mong đợi.

Cùng với sự ra đời của Luật Viên chức, sẽ kéo theo việc ban hành một số Nghị định, thông tư hướng dẫn. Ngoài việc quy định cụ thể, chi tiết các vấn đề có liên quan tới tuyển dụng tại Luật, các văn bản này còn có nhiệm vụ phải chỉnh sửa những điểm bất hợp lý tại các văn bản trước đó, sắp xếp các nội dung một cách khoa học hơn. Những vấn đề cần được chỉnh sửa và quy định cụ thể là: phương thức, nội dung, thủ tục tuyển dụng...

Bên cạnh những VBQPPL, các cơ quan chuyên môn tại địa phương cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn hoạt động tuyển dụng viên chức. Những văn bản này không được gọi là VBQPPL nhưng lại chứa đựng những quy phạm hướng dẫn hoạt động tuyển dụng. Tên gọi của các văn bản cũng khác nhau, có thể là quyết định, hướng dẫn của Sở hoặc liên ngành.

Ngoài những văn bản kể trên, còn tồn tại một số VBQPPL mặc dù không trực tiếp điều chỉnh hoạt động tuyển dụng viên chức nhưng lại có sự tác động mạnh mẽ tới hoạt động này. Đó là những văn bản liên quan tới quản lý các ĐVSNCL và đội ngũ viên chức, trong đó đáng chú ý là Nghị định 43/2006/NĐ- CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Có thể nói với những VBQPPL được ban hành, hoạt động tuyển dụng viên chức đã được điều chỉnh khá cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, quan điểm về viên chức có những thay đổi nên cần thiết phải có những văn bản bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Luật Viên chức được ban hành chứa đựng một số điểm mới nhưng chưa cụ thể cần phải có sự bổ sung một số văn bản dưới luật.

Một phần của tài liệu 254216 (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w