Một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo hộ NHHH theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa kỳ pdf (Trang 126 - 129)

Như đã đề cập ở trên, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về NHHH cần được tiến hành đồng bộ với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo hộ NHHH. Sau đây là một số đề xuất bước đầu liên quan đến vấn đề này.

* Về các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật bảo hộ NHHH

- Cần tăng cường vai trò của Toà án nhân dân trong việc thực thi pháp luật bảo hộ NHHH nói riêng và pháp luật bảo hộ SHTT nói chung. Đối với hệ thống Toà án nhân dân, trong tương lai cần thành lập các Toà án chuyên trách về SHTT và đào tạo các thẩm phán có trình độ chuyên sâu về SHTT. Đây là cách làm được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong đó có cả những nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin, Trung Quốc và đã thu được những kết quả tích cực mà chúng ta cần học tập. Các Toà chuyên trách về SHTT nên được thành lập tại một số khu vực mà không theo đơn vị hành chính, nghĩa là không nhất thiết phải thành lập Toà chuyên trách về SHTT tại tất cả các tỉnh, thành phố mà chỉ nên tập trung ở những địa bàn lớn hơn. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu (mà chúng tôi cũng tán đồng), nên đặt ba Toà chuyên trách về SHTT tại ba địa bàn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ba toà này sẽ xét xử sơ thẩm các vụ việc liên quan đến SHTT theo địa bàn mình có thẩm quyền. Việc xét xử phúc thẩm sẽ do Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đảm nhiệm với việc tăng cường các thẩm phán chuyên trách về SHTT. Thành lập toà chuyên trách về SHTT cho phép chúng ta chuyên môn hoá công tác bảo hộ SHTT, trong đó có NHHH và công tác đào tạo thẩm phán, chuyên trách về SHTT. Mặt khác, cần huy động các chuyên gia về SHTT từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến SHTT tham gia xét xử với tư cách hội thẩm nhân dân.

- Đối với Cục SHTT, chúng ta cần xây dựng một cơ chế đối thoại giữa Cục SHTT với các chủ thể kinh doanh bao gồm những chủ thể đăng ký NH và các chủ thể

khiếu nại. Đặc biệt, trong thủ tục đăng ký NH, có lẽ chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác trên thế giới trong việc đa dạng hoá các hình thức nộp đơn, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể có thể tra cứu NH một cách nhanh chóng và hiệu quả qua Internet, v.v…Trong thủ tục giải quyết khiếu nại, TTAB - USPTO cũng là một trong những địa chỉ mà chúng ta nên tham khảo để xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại một cách khách quan và công bằng.

- ở Hoa Kỳ, mặc dù rất nhiều cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cùng tham gia vào quá trình thực thi pháp luật bảo hộ NHHH nhưng thẩm quyền của các cơ quan này được quy định rất rõ ràng và giữa các cơ quan luôn có sự phối kết hợp rất nhịp nhàng. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta nên tham khảo để xác định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật bảo hộ NHHH nói riêng và bảo hộ SHTT nói chung. Mối quan hệ này là vô cùng cần thiết vì việc bảo hộ quyền SHTT nói chung, bảo hộ NHHH nói riêng cần được thực hiện bởi một hệ thống các biện pháp có tính liên ngành. Mối quan hệ của các cơ quan có thẩm quyền bảo hộ NH cần được thiết kế đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan tránh tình trạng lợi ích cục bộ hay đùn đẩy trách nhiệm.

* Về các biện pháp bảo hộ NHHH

- Như đã trình bày, tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác trên thế giới, biện pháp bảo hộ NHHH thông qua toà án rất được ưa chuộng và được áp dụng rộng rãi. Với Việt Nam, từ trước tới nay, biện pháp bảo hộ NHHH được thực hiện nhiều là biện pháp xử phạt hành chính. Tuy nhiên trong tương lai, chúng ta cần tăng cường sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp tại hệ thống Ttoà án nhân dân. Đây là biện pháp có nhiều ưu điểm vì nó có khả năng mang lại sự phục hồi thiệt hại cho chủ sở hữu đối tượng SHTT (bao gồm NHHH) một cách tối đa, mặt khác có tính răn đe cao vì chế tài áp dụng cho chủ thể vi phạm là nghiêm khắc hơn nhiều so với biện pháp xử phạt hành chính.

- Đối với biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, chúng ta cần nâng mức phạt vi phạm đủ để răn đe đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung và đối với

NHHH nói riêng, tránh tình trạng các chủ thể kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để sau đó tiếp tục xâm phạm quyền SHTT của người khác.

- Các biện pháp bảo đảm cũng cần được áp dụng kịp thời, phù hợp để đảm bảo ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa vi phạm vào các kênh thương mại và bảo vệ chứng cứ liên quan.

* Về yếu tố con người

Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng cần được tính đến trong mọi chính sách vì suy cho cùng thì pháp luật hay các biện pháp dù hoàn thiện đến đâu nhưng nếu không thông qua những hoạt động cụ thể của con người thỡ cũng trở thành vô nghĩa. Đối với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ quyền SHTT nói chung, pháp luật bảo hộ NHHH nói riêng chúng ta cần lưu ý một số điểm sau đây liên quan đến yếu tố con người:

- Đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật bảo hộ NHHH cần được tăng cường đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật về bảo hộ NHHH đáp ứng được yêu cầu của công việc mà họ đảm nhiệm.

- Đối với các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng cũng như toàn xã hội cần có công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo hộ quyền SHTT nói chung và pháp luật bảo hộ NHHH nói riêng. Việc nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật của các chủ thể này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của họ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh trên thương trường.

Tại Hoa Kỳ, ý thức của người dân nói chung về vấn đề bảo hộ NHHH rất cao. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, họ thường có luật sư riêng, thậm chí luật sư chuyên ngành về SHTT để tư vấn và nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến quyền SHTT của doanh nghiệp (đặc biệt là vấn đề bảo vệ NHHH, tránh sự xâm phạm của các chủ thể khác). Có lẽ đây cũng là một trong những kinh nghiệm có thể tham khảo đối với nước ta.

3.2. Một số điểm cần lưu ý đối với thương nhân Việt Nam trong việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bảo hộ NHHH theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa kỳ pdf (Trang 126 - 129)