Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, các hành vi xâm hạm quyền sở hữu NHHH có thể phân thành những loại cơ bản sau:
* Sao chép tương tự NHHH: đây là hình thức mô phỏng dựa theo NH được bảo hộ. Do không sao chép y nguyên hoặc căn bản các yếu tố của NHHH được bảo hộ nên có thể tạo ra cảm giác là người sử dụng đang sử dụng NHHH của chính mình, không động chạm gì đến quyền đối với NH của người khác, bên cạnh đó vẫn lợi dụng được uy tín nhất định của NHHH được bảo hộ đang bị mô phỏng. Một điểm đáng lưu ý ở đây là việc sử dụng dấu hiệu tương tự này phải có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa/ dịch vụ. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp có liên quan tại Hoa Kỳ đã góp phần hình thành được một số cơ sở nhất định giúp cho việc xác định "khả năng nhầm lẫn". Thông thường, khả năng về các nhân tố gây nhầm lẫn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Sức mạnh NH của nguyên đơn (tức là tính độc đáo, riêng biệt của NH); - Sự tương tự của NH;
- Sự tương tự của quảng cáo và các kênh bán hàng; - Mức độ cẩn thận mà khách hàng có khi chọn mua hàng; - Bằng chứng về sự nhầm lẫn thực sự;
- ý đồ của bên thực hiện hành vi vi phạm.
* Làm giả NHHH:
Làm giả NHHH được định nghĩa là hành vi sản xuất hoặc phân phối một sản phẩm hoặc dịch vụ mang một NH giống hệt hoặc hầu như không thể phân biệt với một NHHH đã đăng ký (15U.S.C.DĐ 1116 (d) (1) (B) (1), 127) trừ trường hợp việc sử dụng NHHH đã đăng ký cho hoặc liên quan tới hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhà sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ đó, tại thời điểm sản xuất được uỷ quyền sử dụng NH đó (15 U.S.C.Đ1116).
* Làm lu mờ NH nổi tiếng
Theo quy định của luật liên bang về sự lu mờ của NH năm 1995 (Federal Trademark Dilution Act), hành vi làm lu mờ NH nổi tiếng được hiểu là sự làm giảm công năng của một NH nổi tiếng để xác định và phân biệt hàng hóa, bất kể là có hay không có sự cạnh tranh giữa các bên hay khả năng gây nhầm lẫn.
Vi phạm trên mạng Internet: Trong chương trình hỗ trợ làm chính sách quốc tế về tên miền trên Internet của mình, WIPO đã bảo trợ cho một loạt các diễn đàn công khai và các cơ hội tham vấn trên khắp thế giới trong năm 1998 và 1999 với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan và làm rõ các khái niệm, nguyên tắc, thể chế và các quy tắc pháp luật. Các bên tham gia đã đi đến nhất trí rằng tên miền là "NHHH của thương mại điện tử". Do đó, chính sách và việc quản lý Internet phải được xây dựng trên cơ sở các khái niệm về NHHH và cạnh tranh không lành mạnh đã được phát triển trong lĩnh vực SHTT.
Các bên tham gia chương trình tên miền Internet của WIPO cũng đã đi đến nhất trí rằng cần phải phân biệt giữa những xung đột về những tên miền được đăng ký với "ý đồ xấu" - trường hợp người chiếm dụng tên miền không có quyền hợp pháp đối với tên đó - và những tên miền được đăng ký một cách "trung thực" - trường hợp những xung đột
phát sinh từ những quyền hợp pháp nhưng cạnh tranh nhau đối với một t ên miền. Chương trình của WIPO đã đưa ra những khuyến nghị với ICANN (Tổ chức phân bổ tên và số Internet Hoa Kỳ) về việc thiết lập thủ tục giải quyết tranh chấp ngoài toà án, tuỳ chọn dành cho những trường hợp đăng ký tên miền với dụng ý xấu đối với các NH có khả năng phân biệt, theo đó có thể huỷ bỏ và chuyển nhượng lại các đăng ký tên miền trong vòng một tháng và về việc thiết lập thủ tục quản lý các NH nổi tiếng theo đó cơ quan đăng ký có thể từ chối đăng ký tên miền ngay từ lúc nộp đơn hoặc huỷ bỏ đăng ký với hiệu lực hồi tố. Năm 1999, ICANN đã thiết lập cả hai thủ tục này và tháng 1 năm 2000, một chủ sở hữu NH đã lấy lại được quyền sử dụng một tên miền khi lần đầu tiên sử dụng thủ tục trọng tài nhanh chóng này và một chủ sở hữu NH khác đã huỷ bỏ thành công đăng ký tên miền.
Năm 1999, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật bảo hộ người tiêu dùng chống chiếm dụng tên miền. Luật này cho phép các chủ sở hữu các NH có tính phân biệt hoặc NH nổi tiếng kiện ra toà án liên bang khi một tên miền tương tự tới mức gây nhầm lẫn được đăng ký với ý đồ không trung thực để hưởng lợi bất hợp pháp. Các chế tài bao gồm cả bồi thường thiệt hại bằng tiền. Tuy nhiên, tranh chấp nảy sinh từ các đăng ký "trung thực" đòi hỏi sự tranh tụng giữa các bên liên quan [41].
Các hành vi vi phạm khác: ngoài các loại vi phạm kể trên, các hành vi sau đây cũng bị coi là hành vi vi phạm như che dấu sự lừa dối về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá/dịch vụ; quảng cáo giả mạo gây nhầm lẫn, miêu tả sai lệch trên Internet…