Với đặc điểm hình thành đất đai, từ sớm Thái Bình miền đất hạ lưu sông Hồng đã luôn luôn chứa đựng trong mình cả 2 yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Đó là sự hứa hẹn to lớn về cuộc sống định cư mở mang trước vùng đất vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song đó cũng là miền đất hoang sơ với muôn vàn nguy hiểm rình rập thử thách như dông bão, lụt lội, nắng hạn, đầm lầy lau lách, thú dữ... Song với truyền thống chinh phục thiên nhiên, cần cù lao động sáng tạo trong sản xuất của người dân Thái Bình đã được đền đáp xứng đáng. Từ một vùng hẻo lánh hoang sơ ngập mặn, Thái Bình đã được bàn tay kiên trì dũng cảm của nhiều thế hệ cư dân biến cải thành miền đất đầy sức sống với bạt ngàn đồng lúa, bãi dâu, làng xóm trù phú, dân đông vật thịnh và sớm đóng góp một vai trò vị trí quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước hết sức hào hùng của dân tộc.
Không chỉ có truyền thống lao động sản xuất, Thái Bình còn chứa đựng cả một đời sống sinh hoạt văn hoá truyền thống vừa mang những nét đặc trưng văn hoá tiêu biểu của cư dân đồng bằng sông Hồng, vừa có sắc thái riêng do tác động sâu sắc của đặc điểm tình hình đất đai dân cư...
Từ ngày có Đảng đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn nêu cao truyền thống cách mạng vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống gương mẫu đi đầu, Thái Bình có nhiều bước đột phá quan trọng. Theo chương trình đại hội VI, cả nước có 4
chương trình kinh tế - xã hội, thì từ đặc điểm của mình, Thái Bình có thêm chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình. Tiếp theo cả nước có 5 chương trình thì Thái Bình lại đi đầu bằng 1 chương trình xây dựng nông thôn mới với các nội dụng: Điện - Đường - Trường - Trạm, thông tin nước sạch. Chỉ trong 5 năm (1991-1996) với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn tỉnh đã huy động trên 1.300 tỷ đồng, làm 5000 km đường nông thôn, trong đó có hơn 3000 km đường láng nhựa, làm mới 131 cầu dài 1.650m, trọng tải 10-13 tấn. Đường từ tỉnh đến huyện, đến 285 xã đã thông xe ô tô từ 5-10 tấn. Hầu hết đường làng, ngõ xóm đều được lát gạch và vật liệu cứng. Tất cả các xóm có điện với 99% số hộ sử dụng điện; 60% trường học và hầu hết các trạm xá xây dựng kiên cố. 100% xã có điện thoại; trên 60% số hộ dùng nước sạch. Từ bài ca 5 tấn trong chống Mỹ, nay Thái Bình thường xuyên đạt năng suất lúa 11-12 tấn/ha. 5 năm qua tổng sản lượng lương thực đạt trên 600 kg/người/năm.
Thái Bình từng là một tỉnh có nạn đói điển hình, đến nay mỗi năm có từ 30-40 vạn tấn lương thực hàng hóa.
Nhiều công trình cơ bản lớn ở Thái Bình đã được hoàn thành như cầu Thái Bình, cầu Triều Dương, cảng Diêm Điền, cống Lân 2, nhà văn hoá công nhân, nâng cấp sửa mới các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, cầu Tân Đệ đang thi công và khánh thành vào đầu năm 2002...
Có thể nói nông thôn Thái Bình - một vùng quê lúa, một thời không xa còn phổ biến là "đèn dầu, mái rạ, đường lầy", thế mà đến nay có sự thay đổi rất to lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bất cứ ai đến Thái Bình ở mọi vùng quê trong tỉnh đều có chung đánh giá về những thành tựu rất to lớn và nổi bật. Đã có người nói cuộc đổi đời thứ 2, gọi Thái Bình là hình ảnh của nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Vậy mà nông thôn Thái Bình cũng như nông thôn ở nhiều nơi không yên bình. Từ tháng 5/1997 đến vừa qua, Thái Bình lại được cả nước biết đến như là một tỉnh có tình hình phức tạp nhất. Việc khiếu kiện đông người từ 1 xã đã mau chóng lan ra cả huyện và tỉnh. Có điểm nóng gay gắt dữ dội. Khởi nguồn từ bà con nông dân của 1 xóm, xã đã tổ
chức thành từng đoàn đông người lên xã, lên huyện, lên tỉnh đòi dân chủ công khai, công bằng về phân chia quyền sử dụng đất, về thu chi vốn quỹ hợp tác xã, ngân sách xã, về thanh toán chi phí xây dựng đường giao thông, trường học, trạm xá... Sự việc này nhen nhóm từ năm 1994, 1995 và bùng ra vào tháng 10/1996, lan rộng và gay gắt từ tháng 5/1997 cho tới tháng 12/1997. Tính đến tháng 12/1997 cả 8/8 huyện, thị xã của tỉnh đều có khiếu kiện tập thể đông người (trong đó huyện Quỳnh Phụ 36/38 xã; huyện Thái Thụy 46/48 xã; Đông Hưng 41/46 xã; Tiền Hải 32/35 xã; Kiến Xương 31/40 xã; Hưng Hà 16/34 xã; Vũ Thư 29/31 xã; Thị xã 2/13 xã, phường... Toàn tỉnh lúc này có 233/285 xã phường có vấn đề, chiếm 80% [69, tr.5].
Sự việc bắt đầu từ yêu cầu chính quyền thôn xã giải quyết khiếu kiện, kiện lên huyện, tỉnh và Trung ương, từ vài người đi khiếu kiện đến hàng chục, hàng trăm, nghìn người; từ đề đạt nguyện vọng yêu cầu giải quyết đến dùng áp lực đông người buộc chính quyền làm theo ý mình; từ yêu cầu thanh tra Nhà nước giải quyết đến thành lập ban thanh tra nhân dân tự giải quyết, từ tuân thủ pháp luật đến vi phạm pháp lụât: đập phá công sở, hành hung lực lượng công an, cán bộ kiểm soát từ ngày 9 đến ngày 11/5/1997 tại thị trấn Quỳnh Phụ; bắt giữ 23 cán bộ và công an huyện Quỳnh Phụ, công an tỉnh từ ngày 12 đến ngày 16/11/1997 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ; từ bột phát từng nơi đến có sự phối hợp giữa các thôn, các xã; từ yêu cầu về lợi ích kinh tế, có nơi đã mang màu sắc chính trị...
Một vấn đề lớn được đặt ra: tại sao một tỉnh có truyền thống, có phong trào về nhiều mặt, đạt được những kết quả và thành tựu to lớn, tình hình lại diễn ra phức tạp như vậy ? Câu hỏi này không chỉ của Thái Bình. Đó cũng là bức xúc của nhiều địa phương, là mối quan tâm sâu sắc của Trung ương và của cả nước.
Trước hết là do vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc chế độ chính sách, buông lỏng quản lý kinh tế, gây thất thoát ngân sách xã, hợp tác xã, tiền của đóng góp của nhân dân. Một bộ phận cán bộ từ tỉnh đến cơ sở tham nhũng, thoái hoá biến chất. Thêm vào đó là tư tưởng chủ quan, nóng vội, huy động quá sức dân: người nông dân Thái Bình phải đóng góp
quá sức dân, với bình quân ruộng đất 1 người/sào, mỗi ngày công lấy sản phẩm từ 1m2 đất mà phải nộp đến 20-30 khoản thu các loại bằng 1/4 - 1/3 sản lượng (xem phụ lục 2, 3, 4).
Nhưng quan trọng và sâu xa là những nguyên nhân về vi phạm dân chủ, tác phong quan liêu độc đoán xa rời cơ sở và mất dân chủ với nhân dân của một bộ phận có chức, có quyền, không chấp hành nghiêm một số chủ trương chính sách, lỏng lẻo trong chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp lụât của Nhà nước.
Chính quyền một số nơi lạm dụng biện pháp xử phạt hành chính, cưỡng chế, phụ thu tuỳ tiện. Nhiều việc làm lớn liên quan trực tiếp đến dân, tiền của nhân dân đóng góp đã không được bàn bạc dân chủ, thanh quyết toán kịp thời và báo cáo công khai với nhân dân.
Nếu nghiên cứu tình hình cả tỉnh hoặc từng huyện cũng như xem xét kết luận thanh tra ở mỗi xã có sai phạm cũng đều có cả 2 loại nguyên nhân trên.
Nhưng nếu xem xét sâu hơn cho thấy: thanh tra 242 trên tổng số 282 xã, phường, thị trấn tập trung vào 4 nội dung cơ bản: đất đai, ngân sách xã và hợp tác xã, xây dựng cơ bản, chính sách xã hội đã kết luận 242 xã, tổng số tiền do sai phạm phải thu hồi là 46.087 triệu đồng. Tính bình quân 190 triệu đồng/xã. Số sai phạm về trách nhiệm phải xử lý là 34.547 triệu đồng, chiếm gần 3/4 tổng số sai phạm. Số tiền tham ô cá nhân phải thu hồi là 11.540 triệu đồng, chiếm gần 1/4 tổng số sai phạm [19, tr.3]. Nếu so với tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.300 tỷ đồng thì chỉ là một tỷ lệ nhỏ, nhưng vấn đề lại không chỉ đơn giản như vậy.
Thực tế là rất nhiều xã, theo kết luận thanh tra sai phạm không lớn nhưng giải quyết lại rất khó khăn. Một số xã tuy sai phạm lớn hơn, tiền của thất thoát nhiều hơn, nhưng nếu kết luận thẳng thắn, báo cáo rõ ràng, nhận lỗi thành khẩn, không quanh co đã được đông đảo nhân dân và đảng viên đồng tình, thậm chí còn cho miễn trách nhiệm bồi hoàn, tình hình nhanh chóng ổn định.
Căn cứ vào những số liệu nêu trên, nếu lại đem so sánh với những vụ án lớn đã được phanh phui gần đây thiệt hại không bằng, nhưng trong điều kiện một tỉnh nông
nghiệp như Thái Bình, với người nông dân, số tiền ấy được tính bằng bao nhiêu tấn thóc, phải đổ bao nhiêu mồ hôi công sức mới có được thì sự tham ô lãng phí đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
Từ thực tiễn trên, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình là phải sớm ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đặt ra trong năm 1998 phải ổn định được tình hình, giải quyết nghiêm túc có lý, có tình các vấn đề khiếu kiện chính đáng của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mọi mặt; củng cố kiện toàn các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân; sắp xếp lại một bước đội ngũ cán bộ. Tập trung sức đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để không tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội [57, tr.15].
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số chủ trương giải pháp chủ yếu. Việc thực hiện các giải pháp đó chính là yêu cầu bức xúc đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền cấp xã nói riêng.
Ngày 4/7/1998 sau nửa năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã sơ kết công tác đó về những giải pháp nêu trên nhằm ổn định tình hình trong tỉnh cho thấy:
"Do được sự chỉ đạo của Bộ chính trị, Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành Trung ương, trực tiếp là tổ công tác của Bộ chính trị cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh đã tạo được những chuyển biến rất tích cực, góp phần ổn định tình hình. Việc khiếu kiện của nhân dân đang từng bước được xem xét giải quyết, tổ chức Đảng từng bước được củng cố. `Tình hình chung đã và đang đi vào thế ổn định" (báo cáo sơ kết việc triển khai tổ chức Nghị quyết 06 - số 55/BC-TU ngày 4/7/1998).
Với đặc điểm tình hình trên, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và chính quyền cấp xã nói riêng là cần thiết, cấp bách.